Hướng dẫn bài hát cùng đi chơi nhé

1. Vào bài:

- Giới thiệu: Chào mừng các bé đến với chương trình “Giao lưu âm nhạc” với chủ đề: Giao thông và ước mơ của bé.

- Tham gia chương trình là 3 đội đến từ lớp Mẫu giáo 5-6 tuổi A- Trường chính; Đó là:

+ Đội Nốt nhạc đỏ

+ Đội Nốt nhạc xanh

+ Đội Nốt nhạc vàng

- Người dẫn chương trình đồng hành với chương trình là MC - cô giáo Hồng Thảo.

- Thành phần không thể thiếu trong sân chơi ngày hôm nay đó là các vị Ban Giám Khảo. Xin trân trọng giới thiệu có các cô giáo đến từ các trường mầm non xã bạn đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng.

- Đến với sân chơi ngày hôm nay 3 đội chơi sẽ trải qua 3 phần:

+ Phần thứ nhất có tên gọi “ Giọng hát hay tay múa dẻo”.

+ Phần thứ 2 có tên gọi : “Quà tặng âm nhạc”.

+ Phần thứ 3: “Nghe thấu đoán tài”.

- Để sân chơi thêm sôi động xin mời tất cả các đội chơi hãy cùng đứng lên và đọc 1 bài thơ thật hay dành tặng cho các vị bán giám khảo nào!

- Cô và trẻ cùng đọc bài thơ “Vè giao thông”.

[ Cô bật nhạc ráp cho trẻ đọc]

- Các đội chơi vừa đọc bài thơ gì? Trong bài thơ nói đến những phương tiện giao thông nào?

- Qua bài thơ các con học được điều gì khi tham gia giao thông?

- Giáo dục trẻ: Khi tham gia giao thông trên đường các con phải tuân thủ đúng các luật lệ giao thông như: khi đi các con phải đi bên phải, sang đường phải chú ý các biển báo đèn giao thông và phải nhớ nhìn xe trước khi sang đường. Khi ngồi sau xe gắn máy nhớ đội mũ bảo hiểm….

2. Nội dung:

a] Hát, vận động: “ Em đi chơi thuyền”

Nhạc và lời Trần Kiết Tường.

- Các đội chơi đã sẵn sàng để đến với sân chơi chưa nhỉ ?

- Vậy thì ngay bây giờ xin mời các bé đến với phần thứ nhất của sân chơi có tên gọi “ Giọng hát hay, tay múa dẻo ”

- Ở phần chơi này các đội chơi sẽ được nghe giai điệu của một bài hát, nhiệm vụ của các đội chơi là đoán tên bài hát, tên tác giả và thể hiện lại bài hát đó. [ Cô bật nhạc cho trẻ nghe giai điệu của bài hát “ Em đi chơi thuyền”]

- Các đội chơi vừa nghe giai điệu của bài hát gì? Sáng tác của nhạc sĩ nào?

- Cô giới thiệu tên bài hát, tên tác giả.

- Cô mời cả lớp hát cùng cô 1 lần.

+ Bài hát nói về điều gì? Bé được đi chơi thuyền gì?

+ Bé cảm thấy thế nào khi được đi chơi ở đây?

- Giảng nội dung: Bài hát nói về niềm vui của bạn nhỏ khi được đi chơi thuyền trong Thảo Cầm Viên với rất nhiều những chiếc thuyền đẹp: Thuyền con rồng, thuyền con vịt…. Tuy chơi vui nhưng bạn nhỏ vẫn nhớ lời mẹ dặn phải ngồi im khi đi trên thuyền đó. Bạn nhỏ rất vui muốn ngày mai lại đến thảo cẩm viên chơi.

- Qua bài hát bạn nhỏ nhắn nhủ với chúng ta điều gì?

- Giáo dục trẻ: Khi đi thuyền hay trên tàu, bè nhớ ngồi yên không là sẽ bị ngã xuống nước đấy. Các con hãy nhớ khi tham gia giao thông phải thực hiện đúng các quy định giao thông nhé.

- Cô và trẻ hát lần 2:

+ Các con thấy bài hát có hay không? Bài hát có giai điệu như thế nào?

- Bài hát có giai điệu vui nhộn nên bài hát sẽ hay hơn nếu chúng ta vừa hát vừa kết hợp vận động đấy các con ạ. Theo các con có những cách vận động nào?[Mời vài trẻ lên vận động theo ý thích của mình]

- Các con rất giỏi nên cô sẽ đưa ra thử thách khó hơn là cô sẽ vận động bằng cách múa bài hát này. 3 đội chơi hãy quan sát, xem cô hướng dẫn và hát thật hay múa thật dẻo, thật nhịp nhàng theo lời ca bài “Em đi chơi thuyền”. Đội nào múa đẹp sẽ được thưởng quà đấy các con có đồng ý không nào?

- Cô vận động mẫu lần 1: Hát, múa trọn vẹn cả bài.

- Cô vận động mẫu lần 2: [ Kết hợp phân tích]

+ Động tác 1: "Em đi chơi thuyền trong thảo cầm viên": Tay phải đưa ra phía trước uốn xoay ngửa bàn tay, tay trái đưa ra sau lòng bàn tay úp, sau đó đổi tay, đồng thời nhún chân lên trước 2 bước sau đó lùi 2 bước.

+ Động tác 2: “Chim kêu hót mừng chào đón xuân xuân về”: Hai tay khum lại đưa sang 2 bên ngang với mặt, mỗi bên 2 nhịp.

+ Động tác 3: " Thuyền em thuyền con vịt”: Hai tay úp vào nhau để dưới cằm vỗ nhẹ.

+ Động tác 4: “Nó bơi bơi bơi": Hai tay đan chéo nhau rồi đưa ngang sang 2 bên kết hợp nhún chân theo nhịp 2 lần.

+ Động tác 5: "Thuyền em thuyền con rồng nó bay bay bay": Hai tay vòng lên đầu 2 mu bàn tay úp vào nhau, sau đó đưa hai tay dang ngang vẫy 2 nhịp

+ Động tác 6: "Má dặn em ngồi yên khi đi chơi thuyền": Đặt khuỷu tay phải trên mu bàn tay trái đưa ngón trỏ phải chỉ ra trước rồi gập hai tay ngang trước ngực, lắc 2 vai kết hợp nhún chân 4 lần.

+ Động tác 7: "Vui quá bạn ơi mai em lại vô đây vui chơi": Vỗ tay sang 2 bên mỗi bên 1 nhịp, chân đưa ra phía trước, đó đưa hai tay lên cao vẫy.

- Vận động lần 3: Cô hát và múa lại theo câu hát sau đó cho trẻ thực hiện toàn bài

* Trẻ thực hiện:

- Cả lớp hát, vận động. [2 lần]

- Từng tổ hát, vận động.

- Nhóm bạn trai, nhóm bạn gái hát, vận động.

- Cá nhân vận động [ 2 trẻ]

- Trong khi trẻ vận động cô chú ý quan sát sửa sai, giúp trẻ thực hiện các động tác cho đúng kĩ năng.

- Cô động viên khích lệ trẻ kịp thời

- Cô động viên, khen ngợi trẻ.

* Củng cố: Hỏi trẻ nhắc lại tên bài hát.

- Nhận xét phần chơi; Giáo dục cháu ngoan chấp hành luật lệ giao thông…

b] Nghe hát: “ Anh phi công ơi”

Nhạc Xuân Giao, Thơ Xuân Quỳnh

- Nào bây giờ chúng mình cùng bước sang phần thứ hai đó là phần chơi “Quà tặng âm nhạc”.

- Cô hát cho trẻ nghe lần 1 với nhạc.

+ Các bé có biết bài hát vừa rồi có tên là gì không?

+ Anh phi công làm công việc gì?

- Cô giới thiệu tên bài hát, tên tác giả: “Đúng rồi bài hát mang tên Anh Phi công ơi của tác giả Xuân Giao phổ thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh đấy”

- Giảng nội dung: Bài hát nói về tình cảm của 1 bạn nhỏ dành cho anh phi công. Bạn nhỏ rất khâm phục anh phi công bởi anh đã lái những chiếc máy bay bay cao trên bầu trời trong xanh giống như những chú chim bay đến khắp mọi miền của tổ quốc. Tổ quốc đẹp hơn, bình yên hơn là nhờ anh đấy các con ạ. Bạn nhỏ trong bài hát cũng mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành anh phi công. Vậy thì các con có mơ ước sau này trở thành anh phi công không?

- Muốn sau này trở thành anh phi công thì bây giờ các con phải làm gì nhỉ?

- Cô hát lần 2: Cô cho trẻ nghe nhạc + cô múa minh họa . Khuyến khích trẻ hưởng ứng cùng cô. [nghiêng đầu, vỗ tay.....]

c] Trò chơi: “Nghe âm thanh đoán tên dụng cụ”.

- Các bé đã trải qua 2 phần chơi rất xuất sắc rồi. Và sau đây mời các bé đến với phần chơi cuối cùngcó tên gọi “Nghe thấu đoán tài”.

- Cô giới thiệu cách chơi: Trên màn hình cô có các dụng cụ âm nhạc khác nhau, cô sẽ mở âm thanh của từng dụng cụ, các bạn trong 3 đội lắng nghe âm thanh của các dụng cụ và đoán xem đó là dụng cụ âm nhạc gì.

- Luật chơi: Các đội dành quyền trả lời phải có tín hiệu. Nói tên và đoán đúng dụng cụ. Mỗi câu trả lời đúng sẽ được thưởng 1 chiếc thuyền. Đội nào trả lời nhiều kết quả đúng thì đội đó sẽ dành chiến thắng

- Cô tổ chức cho trẻ chơi đoán các loại nhạc cụ: Trống, song loan, phách tre, xúc xắc, xắc xô.....

- Cô nhận xét kết quả các đội, tuyên bố giải thưởng dành cho các đội ở phần chơi.

3. Kết thúc:

- Qua 3 phần chơi của sân chơi “Bé yêu ca hát ” ngày hôm nay cô thấy cả 3 đội chơi đều thể hiện rất thành công đấy, Vậy Ban tổ chức xin tuyên bố cả 3 đội chơi đều giành chiến thắng trong chương trình ngày hôm nay. Chiếc thuyền âm nhạc của chúng ta bắt đầu khởi hành rồi đấy xin mời các đội chơi cùng lên thuyền để đi thôi nào! [Cho trẻ làm động tác chèo thuyền].

Chủ Đề