Hiến pháp bảo vệ quyền con người bằng những cách nào

Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân

01/06/2014

ThS. NGUYỄN DUY QUỐC

Văn phòng Thành ủy Cần Thơ

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Hiến pháp năm 2013 – với cách tiếp cận mới về quyền – đã đóng một dấu mốc ý nghĩa trong lịch sử lập hiến Việt Nam về việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, thể hiện đầy đủ tư tưởng về chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ. Bài viết có mục đích phân tích và làm rõ những điểm mới liên quan đến một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của bản Hiến pháp năm 2013: quyền con người, quyền cơ bản của công dân

Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Quan niệm về quyền con người, quyền cơ bản của công dân

Tư tưởng về quyền con người [human rights, droits de l’home], cũng có thể gọi là “quyền của con người” - “rights of human person” hình thành cùng với sự xuất hiện của những nền văn minh cổ đại, quyền con người xuất phát từ các quyền thiêng liêng, tự nhiên, vốn có của con người, không do chủ thể nào ban phát. Quyền con người là khái niệm rộng hơn quyền công dân. Ví dụ, về tính chất, quyền con người không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước như quyền công dân, mà thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng nhân loại, về phạm vi áp dụng, do không bị giới hạn bởi chế định quốc tịch, nên chủ thể của quyền con người là tất cả các thành viên của “gia đình nhân loại”, bất kể vị thế, hoàn cảnh, quốc tịch,... Nói cách khác, quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể quyền.

Quyền con người được diễn đạt dưới nhiều giác độ khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh xã hội, văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo; mục tiêu và định hướng của mỗi thể chế chính trị, mỗi kiểu nhà nước, quan điểm của từng giai cấp cầm quyền; hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi cá nhân và của từng ngành khoa học như; triết học, chính trị học, luật học, xã hội học...

Trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, quyền của con người luôn được cụ thể hóa bằng những quyền cơ bản của công dân [do được ghi nhận trong hiến pháp] và bao giờ cũng được xem là một chế định pháp luật rất quan trọng - đây là một trong những chế định thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của một nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân cùng với các cá nhân trong xã hội. Thông qua đó, có thể xác định được mức độ dân chủ của một nhà nước, một xã hội.Vì vậy, những nhà lập pháp Việt Nam luôn hoàn thiện chế định pháp luật về quyền cơ bản của công dân trong đạo luật cơ bản của Nhà nước là Hiến pháp và luôn gắn liền với nghĩa vụ của công dân.

Khái niệm công dân trước hết biểu hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ pháp luật giữa nhà nước với một số cá nhân con người nhất định, khái niệm công dân hẹp hơn khái niệm cá nhân [con người], bởi vì trong một quốc gia không những chỉ có công dân của quốc gia đó mà còn có công dân nước khác và những người khôngquốc tịch. Như vậy, công dân xét về mặt pháp luật thuộc về một nhà nước nhất định, nhờ đó mà con người được hưởng những quyền của nhà nước quy định và đồng thời phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với nhà nước đó. Trong Hiến pháp năm 2013, tại điều 17 cũng ghi nhận “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”, nên khái niệm công dân gắn liền với khái niệm quốc tịch. Theo nghĩa, quốc tịch là mối liên hệ giữa một cá nhân con người với một nhà nước nhất định, nếu là công dân của một nhà nước thì được hưởng đầy đủ các quyền và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà pháp luật của nhà nước đó quy định, những người không phải là công dân của nhà nước đó thì quyền lợi và nghĩa vụ đương nhiên sẽ bị hạn chế.

Khái niệm “công dân” cũng có thể là mối quan hệ pháp lý có tính chất đặc biệt, tồn tại cả trong những trường hợp mà công dân Việt Nam đã sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 tại điều 18 cũng quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Như vậy, xuất phát từ mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam với công dân nước ngoài và người không có quốc tịch, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền con người, nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế và căn cứ vào những điều ước đã kí kết giữa Nhà nước Việt Nam với nước ngoài; mối quan hệ pháp luật đặc biệt đó thông thường phát sinh từ lúc những người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam và chấm dứt khi họ rời khỏi lãnh thổ Việt Nam; mối quan hệ đó thường mang tính chất nhất thời, không có sự gắn bó lâu dài như mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước.

Trong hầu hết các nhà nước, địa vị pháp lý của công dân được hình thành bởi tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh về mối quan hệ giữa một bên là Nhà nước, bên còn lại là công dân. Nội dung những quy phạm pháp luật tạo nên địa vị pháp lí của công dân, ở những nước khác nhau thì khác nhau, bởi địa vị pháp lý của công dân phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, truyền thống … của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cần thiết phải thấy rằng; địa vị pháp lý của công dân ở các nước trên thế giới ngày nay cũng có nhiều nét tương đồng.Các quy phạm pháp luật về địa vị pháp lý của công dân bao gồm nhiều chế định: quốc tịch, năng lực chủ thể của công dân, các quyền tự do và nghĩa vụ của công dân, các biện pháp đảm bảo thực hiện quy chế công dân; mỗi chế định điều chỉnh một mặt trong địa vị pháp lý của công dân.

Xét về nguồn gốc lịch sử, khái niệm “quyền công dân” [citizen’s rights] xuất hiện cùng với các cuộc cách mạng tư sản, cách mạng tư sản đã biến con người từ địa vị thần dân trong chế độ nhà nước quân chủ thành địa vị công dân trong hình thức nhà nước tư sản. Như vậy, khi đề cập đến quyền công dân là đề cập đến một bộ phận quyền con người theo các quy định của pháp luật với tư cách là một thành viên bình đẳng trong nhà nước, cho nên có thể nói quyền con người và quyền công dân có nội dung rất gần nhau. Tuy nhiên, quyền công dân không phải là hình thức cuối cùng của quyền con người mà nó thể hiện mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước và phải được thông qua một chế định pháp luật nhất định, đặc biệt là chế định về quốc tịch.

Theo từ điển tiếng Việt thì “quyền công dân” được hiểu là “quyền của người công dân được thừa nhận, bao gồm quyền tự do dân chủ và các quyền kinh tế văn hóa - xã hội”[1]. Như vậy, theo chúng tôi, có thể hiểu “quyền công dân” là quyền con người, được các nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình, là tập hợp những quyền đượcHiến pháp và pháp luật của mỗi Nhà nước quy định và đảm bảo thực hiện. Theo quan niệm của Mác, quyền công dân là những quyền chính trị, những quyền cá nhân con người, với tư cách là thành viên “xã hội công dân”. Như vậy, khái niệm “quyền công dân” xuất hiện sau sự xuất hiện của khái niệm “quyền con người” và được gắn liền với thời điểm ra đời của nhà nước tư sản và duy trì, phát triển đến xã hội ngày nay. Ở các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây, khái niệm về quyền con người, quyền công dân ít khi được đề cập, cho nên có quan niệm quyền con người và quyền công dân là đồng nhất. Việt Nam cũng vậy, hầu hết trong các bản Hiến pháp đều không ghi nhận về quyền con người [trừ Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013], chỉ ghi nhận về quyền và nghĩa vụ của công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp năm 1992, tại Điều 50 ghi nhận về quyền con người: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” - ở đây vẫn chưa có sự phân định rạch ròi giữa quyền con người và quyền công dân, quyền công dân như là hình thức pháp lý của quyền con người.

Kế thừa tư tưởng của các hiến pháp trước đó về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Chương 2 với tiêu đề: “QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN”. Theo đó,Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”. Như vậy, quyền con người và quyền công dân đã được hiểu ở hai nghĩa khác nhau: quyền con người và quyền công dân là những quyền độc lập với nhau; và quyền công dân là một bộ phận của quyền con người, quyền công dân là sự biểu hiện của quyền con người, được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận. Chẳng những Việt Nam mà cộng đồng quốc tế cũng đều mong muốn hướng tới việc bảo vệ, phát triển quyền công dân cũng như bảo vệ các giá trị về quyền con người dựa trên sự ghi nhận của Hiến pháp và pháp luật của từng quốc gia phù hợp với thông lệ và quy định mang tính quốc tế.

2. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam về quyền con người, quyền công dân

Sự đấu tranh bảo vệ, giải phóng loài người thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, đi đến xây dựng xã hội dân sự, thực sự dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu hàng đầu của hầu hết các dân tộc. Chính vì điều đó, quyền con người, quyền công dân là yếu tố quan trọng trong mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và quyền con người, quyền công dân là một trong những nội dung cơ bản nhất trong mọi hiến pháp.

Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục sử dụng khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị - pháp lý rộng hơn để phản ánh giá trị của cá nhân con người.

Nhìn ở góc độ về khái niệm, “quyền con người” không loại trừ và không thay thế được khái niệm “quyền công dân”. Hiến pháp năm 2013 đặc biệt quan tâm đặt vị trí của chương “Quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” -Chương II. Có thể nói đây cũng chính là sự kế thừa “vị trí” của Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, do nhiệm vụ chính trị của các thời kỳ là khác nhau nên có điều khác biệt, nếu như Hiến pháp năm 1946 đặt nghĩa vụ của công dân lên trước thì Hiến pháp năm 2013 lại đặt quyền của công dân lên trước. Một mặt điều này cho thấy quan điểm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, một mặt cho thấy quyền và nghĩa vụ trong tất cả các thời kỳ là có mối quan hệ mật thiết với nhau, có sự kế thừa và phát triển của Hiến pháp sau so với Hiến pháp trước.

Hiến pháp năm 2013 đã chuyển chương quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ “vị trí” Chương V [Hiến pháp năm 1992] lên “vị trí” Chương II [Hiến pháp năm 2014], tăng hai điều, từ ba mươi tư điều [từ Điều 49 đến Điều 82 – Hiến pháp năm 1992] lên ba mươi sáu điều [từ Điều 14 đến điều 49 – Hiến pháp năm 2013], tăng mười tám điều so với Hiến pháp năm 1946, tăng mười lăm điều so với Hiến pháp năm 1959 và tăng bảy điều so với Hiến pháp năm 1980. Trong đó, có năm điều mới [là những điều: Điều 19, Điều 34, Điều 41, Điều 42, Điều 43], sửa đổi, bổ sung 28 điều [là những điều: từ Điều 14 đến Điều 18, Điều 20 đến Điều 33, Điều 35 đến Điều 40, Điều 45, Điều 47, Điều 48], giữ nguyên ba điều [là những điều: Điều 44, Điều 46, Điều 49], trong đó có những nội dung cực kỳ quan trọng cụ thể như sau:

- Điều 14 ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây thực chất là sự hiến pháp hóa quan điểm của Đảng về quyền con người “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định”[2] [3]. Như vậy, lần đầu tiên trong Hiến pháp Việt Nam ghi nhận “Quyền con người”, điều này cho thấy không phải các bản Hiến pháp trước đó chúng ta không ghi nhận về “quyền con người” [nhân quyền] mà trước đây chúng ta chưa phân biệt rõ hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”, hay nói cách khách chúng ta đã đồng nhất hai khái niệm trên, cũng chính vì điều này mà chúng ta bị các thế lực thù địch xuyên tạc Nhà nước ta không quan tâm đến “quyền con người”, vi phạm nhân quyền…lần ghi nhận này có ý nghĩa hết sức quan trọng một mặt chúng ta phân biệt rõ hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”, ghi nhận “quyền con người” đứng trước “quyền công dân” cũng có nghĩa là chúng ta ghi nhận “quyền con người” có nội hàm rộng hơn “quyền công dân”, “quyền công dân” là một bộ phận của quyền con người, đồng thời cũng ghi nhận từ trước đến nay chúng ta luôn thừa nhận quyền con người đã được cụ thể hóa trong quyền công dân mà các Hiến pháp trước đây đã công nhận, có điều chúng ta chưa tách bạch độc lập về hai khái niệm trên.

- Điều 15 ghi nhậnbốn nguyên tắt hết sức cơ bản: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

- Điều 16 ghi nhận một vấn đề hết sức cơ bản, bằng việc tiếp thu những giá trị của nhân loại về quyền con người, đã nâng cao thêm tính công bằng công lý cho “mọi người” [kể cả công dân Việt Nam và người nước ngoài và người không quốc tịch], mở rộng đối tượng được hưởng tính công bằng này là “mọi người” chứ không chỉ riêng cho “công dân” như Hiến pháp năm 1992, mặc dù về mặt nhận thức trước đây chúng ta cũng muốn công bằng cho mọi người nhưng việc thể hiện chưa sâu sắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

- Điều 18 [sửa đổi, bổ sung Điều 49] là sự sáng tạo, khẳng định sức mạnh của một quốc gia độc lập ngang tầm, bình đẳng với các quốc gia khác, dân tộc khác trên thế giới “...Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài” cũng nhằm khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới là một “bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

- Điều 19 ghi nhận “Mọi người có quyền sống...” đây là một điều mới, ghi nhận một quyền mới, đã thể chế một quyền hết sức cơ bản, quyền tự nhiên của con người vừa phù hợp công ước quốc tế về quyền con người vừa khẳng định tính khởi thủy của quyền con người như là một sinh vật sống và tồn tại trong thế giới khách quan.

- Điều 20 [sửa đổi, bổ sung Điều 72] thể hiện tính phù hợp hơn của tinh thần nhà nước pháp quyền, tiếp tục khẳng định vai trò của cơ quan tòa án nhưng cũng khẳng định một trong những quyền của con người là được tòa án xét xử khi bị buộc tội, như vậy có thể hiểu rằng không một cơ quan nào khác được thực hiện quyền này nhằm đảm bảo tính công bằng công lý cho tất cả những người phạm tội và việc xét xử ấy cũng chỉ được xét xử bằng chính pháp luật và chỉ bằng pháp luật, họ có thể sử dụng sự trợ giúp pháp lý của người bào chữa để có thể “gỡ” tội cho chính mình: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”; trong điều này ghi nhận hai quyền cơ bản; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

- Điều 29 ghi nhận: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Đây là sự phát triển Điều 53 của Hiến pháp năm 1992, tiếp tục khẳng định quyền được trưng cầu ý kiến, cách thể hiện cô đọng hơn và có sự giới hạn về độ tuổi của người dân được trưng cầu, phải là “công dân đủ mười tám tuổi trở lên”, việc giới hạn độ tuổi như vậy cũng là cần thiết và phù hợi với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

- Các Điều 30, Điều 31 tiếp tục kế thừa Hiến pháp năm 1992 tại các Điều 74, Điều 72 và có tiếp thu tinh thần Nghị quyết số 49 về cái cách tư pháp, cải cách hành chính và các vấn đề về quyền khiếu nại, tố cáo.

- Điều 32 [sửa đổi, bổ sung Điều 58] đã ghi nhận hết sức cơ bản về quyền sở hữu tư nhân, việc ghi nhận này đã giúp cho việc nhìn nhận của thế giới về tính công bằng giữa chế độ sở hữu tư nhân và công hữu “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Việc ghi nhận này giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài hiểu thêm về chế độ tư hữu ở Việt Nam là hiện hữu, không thể hiểu nhầm khi họ đầu tư là sợ quốc hữu hóa về tài sản như trước đây, tránh việc các thế lực thù địch lợi dụng công kích và theo đó, cũng giúp việc ghi nhận tại Chương III quy định về chế độ kinh tế là không cần liệt kê các thành phần kinh tế như các bản Hiến pháp trước nữa mà chỉ cần ghi nhận nhà nước ta thừa nhận nền kinh tế có nhiều thành phần, cũng có thể hiểu rằng Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng quyền về tự do kinh doanh của mọi người, mở rộng hơn nữa quyền con người trong lĩnh vực kinh tế.

- Các Điều 41, Điều 42, Điều 43 là các điều mới ghi nhận những quyền thuộc về lĩnh vực đời sống tinh thần mà trước đây trong Hiến pháp năm 1992 chưa thể hiện, đó cũng do những điều kiện khách quan đang cho phép, đồng thời cũng buộc chúng ta phải ghi nhận, đặc biệt cần quan tâm “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” [Điều 41]; “công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” [Điều 42]; “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” [Điều 43], sự thừa nhận này có thể hiểu giá trị con người cần được đề cao, đáng được đề cao và xem trọng. Đặc biệt là ghi nhận một quyền mới “quyền được sống trong môi trường trong lành” là điều hiển nhiên trong một xã hội văn minh, việc ghi nhận này có thể nói là khá muộn. Tuy nhiên, đã thể hiện sự cầu thị, tiếp thu, kế thừa những giá trị của nhân loại, làm điều kiện thúc đẩy môi trường xã hội văn minh, tiến bộ.

Hiến pháp năm 2013 đã có những thay đổi hết sức quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp đã làm rõ hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”. Sự tách bạch này đã góp phần củng cố lý luận về quyền con người, quyền công dân, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này cũng như áp dụng vào thực tiễn. Có thể nói,Hiến pháp năm 2013 như một “làn gió mới” tiếp tục khẳng định chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp thu có chọn lọc phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam đối với các qui định về quyền con người trong các văn bản pháp luật quốc tế, ghi nhận một số quyền mới cụ thể, thể hế hóa nguyên tắc “công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm” trong lĩnh vực kinh doanh tại Điều 33 “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng bổ sung cơ bản cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện quyền công dân và giữ nguyên phần nghĩa vụ, tuy nhiên có sự thay đổi về cách bố trí vị trí của phần nghĩa vụ, theo đó một phần nghĩa vụ được đặt lên trước [Điều 15] liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ giữa công dân với công dân, giữa công dân với Nhà nước. Cách bố trí này có phần giống với cách bố trí của Hiến pháp năm 1946, phần còn lại bố trí phía sau [Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47…]. Ngoài ra cách thứ ba vẫn lồng ghép nghĩa vụ vào quyền của công dân như “quyền và nghĩa vụ học tập”, “quyền và nghĩa vụ lao động”… Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận lại những quyền và nghĩa vụ mà Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận bằng cánh ghi nhận đổi mới theo hướng vĩ mô, tinh gọn, bao quát vấn đề hơn cách ghi nhận của các bản Hiến pháp trước đó.

3. Kết luận

Tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, hơn suốt hai mươi năm qua các quyền con người được tôn trọng, bảo vệ và thực thi thông qua việc ghi nhận nội dung quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và nhân dân Việt Nam về sự quan tâm có tiếp thu, kế thừa những quan điểm, giá trị tiến bộ của truyền thống dân tộc, của thế giới, cùng những kinh nghiệm lập hiến, lập pháp của các nước tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Với phương châm “tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” đã được thể hiện ngày càng đầy đủ hơn về những nội dung liên quan quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đã chứng minh Việt Nam luôn quan tâm đến công dân cũng như luôn quan tâm đến việc phát triển con người Việt Nam, phù hợp với cách tiếp cận của Liên hợp quốc trong việc thực hiện quyền con người nhằm xây dựng, kết mối quan hệ đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng phát triển bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam bên cạnh việc nghiên cứu góp phần làm rõ những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, thiết nghĩ chúng ta phải hoàn thiện tất cả các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật, pháp lệnh đến các văn bản dưới luật theo tinh thần về quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, đồng thời mọi cơ quan nhà nước, tổ chức khi thực hiện mọi hoạt động cần phải tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

[1] Đại từ điển Tiếng Việt [1999]. Viện Ngôn ngữ. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Trang 1384.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Công sản Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia. HN 2011. Tr. 85.

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 12[268], tháng 6/2014]

Quyền con người và việc bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013

01/06/2015

GS,TS. NGUYỄN ĐĂNG DUNG

Đại học Quốc gia Hà Nội

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

1. Nội dung các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

So với các Hiến pháp trước đây, nhất là với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp năm 2013 cô đọng hơn, chỉ gồm 120 điều, 11 chương và Lời nói đầu. Mặc dù ngắn gọn như vậy, nhưng Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới căn bản, nhất là những quy định về quyền con người và quyền công dân.

Từ vị trí thứ năm, Chương Quyền công dân của Hiến pháp năm 1992 được chuyển lên vị trí thứ hai trong Hiến pháp năm 2013, thể hiện sự quan tâm vượt bậc, cũng như nhận thức của các nhà lập hiến Việt Nam về tầm quan trọng của quyền con người và quyền công dân.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quá trình soạn thảo Chương về Quyền con người và quyền công dân đã được tham khảo, đối chiếu một cách tương đối toàn diện với tiêu chuẩn của các quy định nhân quyền của các Công ước quốc tế, mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đi sâu hơn vào nội dung Chương II, có thể thấy Hiến pháp năm 2013 có một số thay đổi cụ thể như sau:

- Không còn đồng nhất “quyền con người” với “quyền công dân” như ở Điều 50 Hiến pháp năm 1992, mà sử dụng khá hợp lý hai thuật ngữ này cho từng lĩnh vực cụ thể khi Hiến pháp quy định các quyền/tự do của cá nhân có quốc tịch Việt Nam - công dân và cá nhân không có quốc tịch Việt Nam - quyền con người. Bên cạnh đó, trong Hiến pháp năm 2013, nhiều khi vẫn cần thiết quy định có sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công và ngược lại, nhiều khi lại không phân biệt giữa chúng.

- Đã thay đổi, tuy chưa triệt để về cách thức hiến định về các quyền con người, từ công thức Nhà nước “quyết định”, “trao” quyền cho người dân sang công thức các quyền của con người là tự nhiên, vốn có, Nhà nước phải ghi nhận, phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện cho tất cả mọi người, mọi công dân, không phân biệt đẳng cấp, màu da, giới tính ...

- Ghi nhận cả ba nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước: tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

- Ghi nhận một số quyền mới bao gồm: quyền sống; các quyền về văn hóa; quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác.

- Đã củng cố hầu hết các quyền hiện có [quy định rõ hơn hoặc tách thành điều riêng], bao gồm: Bình đẳng trước pháp luật; Cấm tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục; Bảo vệ đời tư; Tiếp cận thông tin; Tham gia quản lý nhà nước và xã hội; Bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân; Xét xử công bằng; Tư hữu tài sản; An sinh xã hội; Nơi ở hợp pháp ...

- Bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các cơ quan nhà nước tùy tiện giải thích và hạn chế các quyền hiến định, bởi nó nêu rõ những lý do có thể được sử dụng để hạn chế quyền, cùng với việc giới hạn chủ thể duy nhất là Quốc hội mới có thể quyết định việc này [bằng luật], chứ không phải bất cứ cơ quan nhà nước nào [bằng pháp luật].

Những thay đổi trên khiến cho chế định này của Hiến pháp phù hợp hơn với nội dung của các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên, cũng như với chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp các nước dân chủ. Phần lớn những thay đổi trên nhằm khắc phục những hạn chế của Chương V Hiến pháp năm 1992, và các Hiến pháp trước đây đã khiến các quy định về quyền con người, quyền công dân trở thành hình thức.

Với cách tiếp cận này, các quy định về quyền con người và quyền công dân ở Chương 2 Hiến pháp năm 2013 hứa hẹn các quyền hiến định sẽ được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm đúng đắn, hiệu quả hơn trong thực tế. Quyền lực nhà nước có cơ sở hiến định cho việc hạn chế, để bảo vệ quyền con người của người dân.

Mặc dù có những điểm tích cực như đã nêu, nhưng so với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, Hiến pháp năm 2013 vẫn còn một số nội dung mà trong quá trình triển khai thực hiện cần phải có những biện pháp để đảm bảo tính hiệu quả. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định về việc hạn chế quyền con người:“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Hiến định nguyên tắc này đã thể hiện một bước tiến gần đến chuẩn mực của các bộ luật quốc tế về quyền con người và các hiến pháp tiến bộ trên thế giới. Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948 [Universal Declaration of Human Rights], văn bản được coi là kết tinh của tinh hoa và chuẩn mực toàn cầu[1], đã quy định nguyên tắc này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Nhưng trong khi đề cập đến vấn đề hạn chế thực hiện quyền, quy định của Hiến pháp năm 2013 nêu trên đã không kèm theo những ngoại trừ với các quyền tuyệt đối [non-derogable rights] mà theo luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia không được phép giới hạn hay đình chỉ thực hiện trong bất kỳ bối cảnh nào. Đó là các quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay nhục hình; quyền không bị bắt làm nô lệ, nô dịch; quyền được suy đoán vô tội; quyền được thừa nhận tư cách thể nhân trước pháp luật và quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo[2]. Thiếu sót này vô hình trung có thể sẽ tạo cơ sở cho việc lợi dụng quy định về tình trạng khẩn cấp để vi phạm các quyền tuyệt đối.

Thứ hai, khoản 2 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”thực sự không cần thiết, vì khái niệm “lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích hợp pháp của người khác” quá rộng và mơ hồ, tiềm ẩn nguy cơ quy định này bị lạm dụng, lợi dụng để vi phạm các quyền hiến định. Hơn nữa, việc xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, cũng như quyền, lợi ích của người khác đều đã được quy định rõ ràng và cụ thể trong các chương, điều luật của Bộ luật Hình sự như: Chương XI Các tội xâm phạm An ninh quốc gia, Chương XII, Chương XIII, Chương IV về các tội xâm phạm các quyền tự do, dân chủ, tính mạng sức khỏe của người dân…, mà không cần thiết quy định ở một điều chung trong Hiến pháp.

Thứ ba, một trong những tiến bộ nổi bật của Hiến pháp mới là chuyển đổi đại từ nhân xưng chỉ chủ thể quyền từ “công dân” sang “mọi người” [hoặc “không ai”] trong nhiều điều khoản của Chương II. Điều này phù hợp với bản chất của các quyền liên quan và tạo điều kiện để thực thi các quyền đó trên thực tế. Mặc dù vậy, vẫn còn một số quyền và tự do cần được áp dụng với tất cả mọi người nhưng hiện vẫn chỉ được quy định dành cho công dân, bao gồm: Tự do đi lại, cư trú [Điều 23]; Tự do biểu đạt, lập hội, hội họp, biểu tình [Điều 25]; Quyền có nơi ở hợp pháp [Điều 22]; Quyền được quyết định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ [Điều 42] … Việc giới hạn chủ thể quyền chỉ là công dân với những quyền và tự do này là chưa phù hợp với luật nhân quyền quốc tế và có thể bị coi là sự phân biệt đối xử với người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Việt Nam. Ví dụ, xét về quyền tự do đi lại, cư trú, Điều 12[1] ICCPR quy định rằng: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó”. Như vậy, việc chỉ quy định “công dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú” rõ ràng không phù hợp với Điều 12 ICCPR. Tương tự, khi quy định về các tự do biểu đạt, lập hội, hội họp, biểu tình, quyền của các nhóm thiểu số được giữ gìn bản sắc của mình [các Điều 19, 21, 22, 27 ICCPR], quyền có mức sống thích đáng [bao gồm nơi ở]; quyền được giáo dục [các Điều 11, 13 ICESCR[3]], các Công ước này đều sử dụng đại từ nhân xưng “mọi người” để chỉ chủ thể quyền, hoặc sử dụng cách diễn đạt để hàm ý rằng những quyền này không chỉ áp dụng với công dân ở một quốc gia.

Thứ tư, quy định thiếu một số quyền và tự do quan trọng.Là thành viên của cả hai công ước ICCPR và ICESCR từ đầu thập kỷ 1980, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ “những chuẩn mực nhân quyền quốc tế tối thiểu” được ghi nhận trong hai công ước này, mà đầu tiên là phải “nội luật hóa” vào hiến pháp. Mặc dù vậy, cho đến nay, Hiến pháp vẫn thiếu vắng một số quyền và tự do quan trọng được nhấn mạnh trong hai công ước đã nêu, bao gồm: Quyền không bị bắt làm nô lệ và nô dịch [ICCPR: Điều 8]; Quyền không bị bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng [ICCPR: Điều 11]; Quyền được thừa nhận là thể nhân trước pháp luật ở mọi nơi [ICCPR: Điều 16]; Quyền đình công [ICECSR: Điều 8.1]; Quyền thành lập, gia nhập công đoàn [ICCPR: Điều 22, ICESCR: Điều 8.1]; Tự do tư tưởng [ICCPR: Điều 18.1]; Quyền được giữ quan điểm riêng mà không bị can thiệp [ICCPR: Điều 19.1].

2. Bảo đảm các quyền hiến định

Theo nhận thức chung, để bảo đảm nhân quyền, các nhà nước có ba nghĩa vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, nghĩa vụ tôn trọng [obligation to respect]: Nghĩa vụ này đòi hỏi các nhà nước phải kiềm chế không can thiệp, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp, vào việc hưởng thụ các quyền con người đã được ghi nhận trong pháp luật. Đây được coi là một nghĩa vụ thụ động[negative obligation] bởi lẽ không đòi hỏi các nhà nước phải chủ động đưa ra những sáng kiến, biện pháp hay chương trình nhằm hỗ trợ các công dân trong việc hưởng thụ các quyền.

Thứ hai, nghĩa vụ bảo vệ [obligation to protect]: Nghĩa vụ này đòi hỏi các nhà nước phải ngăn chặn sự vi phạm nhân quyền của các bên thứ ba. Đây được coi là một nghĩa vụ chủ động [positive obligation] bởi để ngăn chặn sự vi phạm nhân quyền của các bên thứ ba, các nhà nước phải chủ động đưa ra những biện pháp và xây dựng các cơ chế phòng ngừa, xử lý những hành vi vi phạm.

Thứ ba, nghĩa vụ thực hiện [obligation to fulfil [4]]: Nghĩa vụ này đòi hỏi các nhà nước phải có những biện pháp nhằm hỗ trợ công dân trong việc thực hiện các quyền con người. Đây cũng được coi là nghĩa vụ chủ động, bởi nó yêu cầu các nhà nước phải có những kế hoạch, chương trình cụ thể để bảo đảm cho mọi công dân được hưởng thụ đến mức cao nhất có thể các quyền con người.

Ngoài ra, liên quan đến bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, người ta còn đề cập đến các khái niệm nghĩa vụ tổ chức [obligation of conduct] và nghĩa vụ đạt được kết quả [obligation of result]. Nghĩa vụ tổ chức được hiểu là việc các quốc gia phải thực hiện trên thực tế các biện pháp cụ thể để bảo đảm thực thi các quyền, ví dụ như để cấm lao động cưỡng bức, đưa ra các chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hay bảo đảm giáo dục tiểu học miễn phí cho mọi trẻ em ... Nghĩa vụ đạt được kết quả đề cập tới yêu cầu với các quốc gia phải bảo đảm rằng những biện pháp và hoạt động đề ra phải mang tính khả thi và hiệu quả, chứ không phải chúng được xây dựng một cách hình thức.

Bất kể quyền nào của người dân được quy định trong Hiến pháp, nhà nước, thông qua các cơ quan của mình, đều có ba nghĩa vụ tương ứng như phân tích trên. Ví dụ, Hiến pháp quy định quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú, nhà ở như sau: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.

Nhà nước, với nghĩa vụ thứ nhất thông qua các cơ quan, các cá nhân thi hành công vụ của nhà nước phải tôn trọng nhà ở của người dân; Nhà nước có nghĩa vụ thứ hai phải bảo vệ khỏi sự xâm phạm bất hợp pháp của người khác vào nhà ở của người dân. Nghĩa vụ thứ ba của nhà nước là có trách nhiệm tạo cơ hội để người dân có thể nâng cấp, cải thiện chỗ ở của người dân, như cải thiện những khu nhà ở chật hẹp, không đảm bảo đời sống của người dân.

Hiến pháp có hai đối tượng cần phải điều chỉnh có vẻ rất khác nhau: nhân quyền và phân quyền, mà chúng gọi là quyền con người và phân công, phân nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân gây lên sự chia rẽ giữa những “55 người con thánh thần” tại Hội nghị Lập hiến nước Mỹ - theo cách gọi có tính ngợi ca và thán phục của Th. Jerfferson - thành hai phe: những người liên bang và những người chống đối liên bang. Một phe cho rằng, chỉ cần có phân quyền là vừa đủ cho một bản Hiến pháp, phe kia thì nhất quyết không tin vào cái ảo thuật phân quyền, theo cách dùng ngôn từ như trò xiếc leo dây, mà phải có nhân quyền. Cuối cùng, với sự cố gắng của J. Madison, người mà sau này được mệnh danh là “Cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ” - đã có 7 điều nói về sự phân quyền của Hiến pháp và có tới 10 tu chính án được gọi là nhân quyền của người Mỹ. Nhưng xét cho cùng, giữa phân quyền và nhân quyền vẫn có sự quan hệ mật thiết với nhau. Phân quyền và nhân quyền như hai mặt cần phải có của một tấm huy chương. Nhà nước thực hiện tốt sự phân quyền/phân công phân nhiệm, kiểm soát sự lạm dụng quyền lực nhà nước cũng là một trong những nhiệm vụ cần làm để bảo vệ nhân quyền.

Nhưng cũng cần phải chú ý ở đây là: khi chúng ta dựa vào những cơ quan của nhà nước chuyên trách để bảo vệ quyền của chúng ta, điều nguy hiểm là khi chúng ta cho phép người nào đó sử dụng bạo lực đơn thuần để bảo vệ quyền của chúng ta, chúng ta có thể trở thành nạn nhân của những người được chính chúng ta ủy quyền[5].

Trước hết, Quốc hội có chức năng làm luật. Nhưng làm luật không ngoài mục đích để bảo vệ nhân quyền. Hay nói một cách khác, Quốc hội lập pháp dưới góc độ nhân quyền. Bắt đầu bằng việc soạn thảo, việc thẩm định, thẩm tra, tranh luận và biểu quyết thông qua đều phải dưới góc độ nhân quyền. Nhà triết học mở đầu cho thời kỳ Khai sáng của Anh quốc J. Lokce đã nhắn nhủ các nhà lập pháp phải cẩn trọng vấn đề này, nếu không sẽ có thể đặt mình cũng như nhà nước của mình vào tình trạng của chiến tranh với nhân dân. Ông viết: “Lý do mà con người gia nhập vào xã hội là sự bảo toàn sở hữu của họ, và mục đích họ chọn và trao thẩm quyền cho cơ quan lập pháp là làm ra các luật bảo vệ sở hữu. Khi nào các nhà lập pháp cố gắng lấy đi hoặc triệt phá sở hữu của người dân, hoặc khiến họ suy yếu và bước vào trạng thái nô lệ thì khi đó chính các nhà lập pháp này tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với nhân dân. Khi cơ quan lập pháp cố gắng nắm giữ cho chính mình hoặc đặt vào tay người khác một quyền lực tuyệt đối, đặt nó trên cuộc sống, tự do và điền sản của nhân dân thì họ đã đánh mất quyền lực mà nhân dân giao cho, quyền lực đó phải chuyển giao về cho nhân dân, là những người có quyền khôi phục quyền tự do nguyên thuỷ của mình, bằng việc thiết lập một cơ quan lập pháp mới”[6]. Vì vậy, khi lập pháp, Quốc hội phải hết sức tránh việc làm luật dành riêng cho một tầng lớp, một hạng người, một cá nhân nào đó mà không nhằm vào mục đích phục vụ mọi người dân. Luật phải quy định cho tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, màu da, dân tộc, tài sản...

Sự áp dụng giới hạn quyền con người trên thực tế không đơn giản vì tính trừu tượng của quyền con người. Một loạt khái niệm trong lời văn của Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người năm 1948 cần được giải thích rõ, như: “hạn chế do luật định”, “chính đáng”, “cần thiết”, “đạo đức”, “trật tự công cộng”, “nền an sinh chung”, “xã hội dân chủ”… Các mệnh đề chung giới hạn quyền, mặc dù được diễn đạt khác nhau trong các điều ước quốc tế và các hiến pháp, nhưng về cơ bản thể hiện ba triết lý: thứ nhất, sự hạn chế là đòi hỏi giải quyết sự xung đột giữa quyền của người này với quyền của người khác, cũng như với lợi ích chung của toàn xã hội; thứ hai, việc giới hạn quyền được thực hiện thông các quy phạm pháp luật dưới hiến pháp; thứ ba, sự hạn chế đòi hỏi đảm bảo tính cân xứng giữa quyền bị hạn chế với bảo vệ quyền của người khác và lợi ích chung. Tính cân xứng được đảm bảo cũng có nghĩa là biện pháp giới hạn quyền mang tính hợp hiến[7].

Việc tước quyền nào đó của người dân phải theo thủ tục pháp lý chặt chẽ, chỉ cơ quan tư pháp - tòa án mới có quyền tước bỏ. Bảo vệ quyền con người và vấn đề tòa án bảo vệ công lý có sự liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời. Nếu không nâng cấp tòa án trở thành nơi thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý, thì những quy định về nhân quyền của hiến pháp có nguy cơ trở thành những tuyên bố chung chung một cách hình thức, mà không có hiệu lực thực thi. Và ngược lại, nếu không quy định một cách rõ ràng quyền con người trong hiến pháp, thì tòa án cũng không có phương hướng rõ rệt cho việc bảo vệ. Vì vậy, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ phân tích quyền con người cùng những giá trị của nó mà lại không có sự phân tích tòa án có nghĩa vụ bảo vệ công lý.

Người ta vẫn thường nói: tư pháp là thành trì bảo vệ tự do, tức là bảo vệ con người với những quyền của họ, chính xác hơn “tư pháp - tòa án chính là thành trì của bảo vệ công lý”. Con người khác động vật ở chỗ phải sống thành xã hội, bên cạnh những thành công của việc con người sống với con người và việc luôn xảy ra những mâu thuẫn, cần phải có sự phân giải đúng sai, để gìn giữ cuộc sống bình an giữa họ. Quyền của tôi phải được bảo vệ, quyền của người nào đó phải bị tước bỏ, nếu anh ta vi phạm quyền của người khác. Đó là lẽ công bằng, công bằng tức là công lý. Xét xử vì công lý khác với xét xử không vì công lý.

Vì vậy, một khi quyền con người đã được ghi nhận, thì quyền đó phải được bảo vệ. Thiết chế bảo vệ quyền con người là nhà nước, với một bộ phận chuyên biệt được gọi là tòa án đảm nhiệm việc phân xử các vụ việc.

Thể chế toà án là một thể chế rất đặc biệt trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Không những nó được hưởng quy chế phân quyền như các cơ quan lập pháp và hành pháp, mà còn phải độc lập hoàn toàn trước hai cơ quan này. Mặc dù nhiều nhà nước dân chủ tư sản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng trên thực tế, hành pháp và lập pháp vẫn có sự phối kết hợp với nhau ở một mức độ nhất định, còn tư pháp - do nhu cầu, chức năng xét xử - bao giờ cũng được độc lập.Sức mạnh của nhà nước pháp quyền tuỳ thuộc nhiều vào niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Thể chế toà án đã cung cấp cho xã hội một phương pháp xác định sự thật và sự công bằng trong các hoạt động của tư nhân và nhà nước bằng ba lĩnh vực cơ bản: thứ nhất, trách nhiệm chính của hệ thống thể chế này là đảm bảo sự bình ổn cho xã hội, góp phần tránh các cuộc trả thù một cách dã man trong quan hệ giữa con người với con người[8]; thứ hai, sự phát triển kinh tế với mục đích làm cho xã hội trở nên phồn thịnh cũng cần có những thể chế để giải quyết những tranh chấp giữa các doanh nghiệp, các công dân và các cơ quan của chính phủ, để làm sáng tỏ những điều còn mơ hồ của luật pháp và những quy định buộc phải phục tùng [các xã hội khác nhau đã nghĩ ra cả một loạt những cơ chế chính thức và không chính thức, nhưng chẳng có cơ chế nào quan trọng hơn hệ thống tư pháp - tòa án]; thứ ba, chỉ có riêng ngành này mới có quyền chính thức phán quyết sự hợp pháp của những hoạt động của các nhánh quyền hành pháp và lập pháp. Việc quyết định cho tư pháp có quyền xét xử lại các hành vi, quyết định của chính các cơ quan nhà nước là một bước tiến vượt bậc của dân chủ và văn minh nhân loại, làm cho nhà nước bước sang một giai đoạn hoàn toàn khác với trước đây, khi toà án chỉ được quyền xét xử các hành vi của công dân. Hoạt động xét xử từ hình sự và dân sự mở sang các tranh chấp khác: lập pháp và hành pháp.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân [Điều 102].

Đây là lần đầu tiên, Hiến pháp quy định về Tòa án với những sắc thái vị nhân quyền rất rõ nét. Có thể nhận xét rằng, đây là một trong những thành công lớn của Hiến pháp năm 2013, so với các quy định của các Hiến pháp trước đây - kể cả Hiến pháp năm 1946, mà nhiều người trong giới học thuật của chúng ta thường ca ngợi, cũng không thể có được một chỉ dẫn rõ ràng như vậy.

*

Mặc dù vẫn còn khiếm khuyết, nhưng những điểm sáng về nhân quyền trong Hiến pháp năm 2013 là rất lớn. Thực hiện được những quy định và tinh thần nhân quyền của bản Hiến pháp không phải dễ, thậm chí còn là rất khó với nhiều lý do khác nhau. Cái khó đầu tiên nằm ở chỗ các cách làm và các cách nghĩ của chúng ta nhiều chỗ còn không phù hợp với những tiêu chí của quyền con người, mà vẫn còn quen theo cách của tư duy cũ của nền kinh tế tập trung bao cấp, duy ý chí./.

*GS,TS. Đại học Quốc gia Hà nội

[1] Xem: Jack Donnelly, Universal Human Rights in Theory and Practice [2nd edn, Manas Publications 2005] 22.

[2] Xem Điều 4[2] Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị [International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR]. Các quyền liệt kê ở trên thuộc về các Điều 6, 7, 8 [khoản 1 và 2], 11, 15, 16 và 18 ICCPR. Riêng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tuyệt đối không bao gồm khía cạnh thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể, trong bối cảnh khẩn cấp của quốc gia, nhà nước không có quyền cấm người dân tin hay không tin theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, song có thể tạm đình chỉ việc tổ chức các hoạt động tôn giáo có tính chất tập thể để bảo đảm an ninh, trật tự công cộng.

[3] Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa [International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights - ICESCR]

[4] Còn gọi là nghĩa vụ hỗ trợ [obligation to facilitate].

[5] Xem, Nguyên lý nền tảng cho một thế giới thịnh vượng và hòa bình, Cuộc sống, lựa chọn và tương lai của bạn, Tom G. Palmer Chủ biên, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014, tr. 76

[6] Xem, J. Lokce Chuyên luận thứ hai Bàn về Chính quyền Dân sự,Nxb. Tri thức, H., 2008, tr. 205

[7] XemBùi Tiến Đạt: Hiến pháp hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người: Cần nhưng chưa đủ, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2015 tr. 6.

[8] Xem, Ngân hàng Thế giới. Xây dựng Thể chế hỗ trợ thị trường. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2002, tr. 153.

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11[291], tháng 6/2015]

Vai trò của hiến pháp trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân - Khảo sát trường hợp Nhật Bản

04/03/2021

Nguyễn Ngọc Nghiệp1, Nguyễn Tuấn Việt2

Tóm tắt: Hiến pháp với tư cách là một đạo luật cơ bản của nhà nước, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất với các chức năng hạn chế quyền lực nhà nước, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân; trở thành công cụ pháp lý quan trọng đảm bảo nhân quyền ở mỗi quốc gia. Hiến pháp Nhật Bản với tính cách là một hiến pháp dân chủ và tiến bộ đã ghi nhận chủ quyền thuộc về nhân dân. Với các quy định về phân quyền, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước, bản hiến pháp này đã góp phần quan trọng vào việc bảm đảm nhân quyền ở Nhật Bản. Bài viết đề cập đến vai trò của hiến pháp nói chung và Hiến pháp Nhật Bản nói riêng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Từ khóa: Vai trò của hiến pháp, quyền con người, quyền công dân

Summary: The Constitution as a fundamental law of the state, is the most legally effective document with the functions of limiting state power, binding the responsibilities of the state and recognizing human rights and civil rights which has become an important legal instrument to ensure human rights in each country. The Japanese Constitution as a democratic and progressive constitution recognized the sovereignty of the people. Through regulations on decentralization and binding of state responsibilities, this constitution plays an important roll in ensuring human rights in Japan. This article mentions the role of constitution in general and Japanese Constitution in particular in ensuring human rights and civil rights.

1. Hiến pháp là công cụ pháp lý đảm bảo quyền con người, quyền công dân[1][2]

Hiến pháp là văn bản có vị trí cao nhất trong thang bậc hiệu lực pháp lý, đóng vai trò là đạo luật gốc, làm cơ sở cho các văn bản khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia. Những nội dung không thể thiếu trong hầu hết các bản hiến pháp, đó là những quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân đã làm cho hiến pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhân quyền. Sau đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể vai trò của hiến pháp trên các phương diện cụ thể.

Thứ nhất; Hiến pháp đóng vai trò là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân.

Muốn đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì trước hết nhà nước phải ghi nhận những quyền đó, nếu không có sự ghi nhận thì sẽ không có sự bảo vệ và thúc đẩy việc hiện thực hóa những quyền này. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp cũng là cách để một quốc gia tuyên bố với thế giới về tình trạng nhân quyền của nước mình.

Lịch sử nhân loại đã cho thấy, ngay từ khi giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng tư sản làm thay đổi địa vị của người dân từ “thần dân” sang “công dân”, trở thành những người có quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giai cấp tư sản đã chú ý đến việc bảo vệ thành quả này. Theo đó, điều cần phải làm là ghi nhận những quyền này như một sự tuyên bố về nhân quyền và phải bảo vệ những quyền đó trước sự xâm phạm của mọi chủ thể trong xã hội, kể cả từ phía nhà nước. Muốn đáp ứng được điều đó thì cần có một văn bản pháp lý có hiệu lực cao để ghi nhận các quyền con người với tư cách là thành quả của cuộc cách mạng tư sản. Cũng từ đây, hiến pháp với tư cách là văn bản pháp lý ghi nhận các quyền tự do của con người ra đời. Như vậy, ngay từ đầu, hiến pháp đã là văn bản quan trọng ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Nhờ sự ghi nhận này mà quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, được tôn trọng và được bảo đảm. Có thể nói rằng, hiến pháp sinh ra là để mang sứ mệnh bảo đảm quyền con người. “Nếu như không có vấn đề phải bảo vệ nhân quyền thì có lẽ nhân loại cũng không cần có một bản hiến pháp cho mỗi một quốc gia”[3].

Ngày nay, các quốc gia đều ghi nhận quyền con người và quyền công dân trong hiến pháp của nước mình. Chương về “quyền con người, quyền công dân” thường được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp của mỗi quốc gia. Có thể nói rằng quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản của một quốc gia là một sự đảm bảo pháp lý để các quyền đó được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Trên một phương diện nào đó, có thể nói rằng hiến pháp chính là văn bản đảm bảo nhân quyền ở một quốc gia. Đảm bảo bằng cách ghi nhận những quyền đó. Sở dĩ nói như vậy là vì việc ghi nhận là điều rất quan trọng, là bước khởi đầu cho việc thực hiện các bước tiếp theo đó là bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở một quốc gia. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp của một nước cũng là sự khẳng định và đảm bảo về mặt số lượng cũng như phạm vi các quyền mà các công dân cũng như cá nhân nước ngoài sống tại nước đó được hưởng thụ.

Thứ hai, Hiến pháp đóng vai trò là công cụ hạn chế quyền lực nhà nước để bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Trước hết cần phải khẳng định rằng việc hạn chế quyền lực nhà nước là một điều rất quan trọng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở một quốc gia bởi lẽ, những quyền này rất dễ bị xâm phạm từ phía nhà nước. Nhà nước bảo đảm quyền con người nhưng “nhà nước cũng là một trong những nơi tiềm ẩn mối nguy hiểm nhất cho sự vi phạm nhân quyền vì so với các chủ thể khác trong xã hội, nhà nước có nhiều ưu thế hơn đó là nắm quyền lực trong tay, có nhân lực, có vũ khí, tiền bạc và được quyền bắt, giam, giữ con người khi cho họ là những nghi can, theo quy định mà chính bản thân nhà nước đặt ra. Bảo vệ nhân quyền trước hết và hơn bao giờ hết phải có sự ngăn ngừa từ phía Nhà nước. Ngăn ngừa bằng cách quy định một cách chặt chẽ các cách thức tổ chức và hoạt động của Nhà nước”[4]. Muốn hạn chế quyền lực nhà nước cần phải: [i] có phân quyền để tránh tập trung quyền lực vào một cơ quan, tổ chức hay cá nhân; [ii] phải có cơ chế để các nhánh quyền lực chỉ được hoạt động trong phạm vi pháp luật cho phép.

Hiến pháp với tư cách là văn bản quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đã đáp ứng được hai yêu cầu nêu trên nên có thể nói rằng hiến pháp là văn bản hạn chế quyền lực nhà nước. Việc quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trong hiến pháp theo tam quyền phân lập có sự phân chia, kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực giúp tránh được kiểu quyền lực tập trung vào trong tay một người hay một nhóm người, dẫn đến quyền lực không có giới hạn giống quyền lực của các vị vua phong kiến chuyên quyền, độc đoán và hệ quả là quyền con người rất dễ bị xâm phạm vì ở đâu có sự độc đoán chuyên quyền là ở đó không có dân chủ và nhân quyền hoặc quyền con người bị xâm phạm nhiều nhất. Bên cạnh đó, việc kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực còn có tác dụng ngăn chặn sự lạm quyền, vượt quyền dẫn đến xâm phạm quyền con người của các cơ quan nhà nước.

Như vậy, với nội dung cơ bản và không thể thiếu trong bất cứ bản hiến pháp nào, đó là quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo cơ chế phân quyền, hiến pháp đã trở thành công cụ pháp lý giới hạn quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự vượt quá giới hạn về quyền lực của các cơ quan, cán bộ nhà nước, bắt buộc họ chỉ được phép sử dụng quyền lực được giao trong phạm vi cho phép. Nhờ đó mà có sự đảm bảo cần thiết cho quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm.

Thứ ba; Hiến pháp là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của nhà nước để quyền con người, quyền công dân được thực thi.

Việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận từ phía nhà nước về những quyền ấy mà còn là sự khẳng định trách nhiệm của nhà nước trong việc hiện thực hóa những quyền này. Điều đó có nghĩa rằng, khi một nhà nước ghi nhận các quyền cho công dân của mình và cho các cá nhân sống trong lãnh thổ quốc gia thì đồng thời cũng xác lập nghĩa vụ đảm bảo những quyền đó được thực thi. Như vậy, quyền con người, quyền công dân luôn song hành với nghĩa vụ của nhà nước. Do vậy, có thể nói rằng, hiến pháp chính là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân của một quốc gia; đồng thời cũng là văn bản quy trách nhiệm của nhà nước đó trong việc phải tạo ra điều kiện vật chất cũng như cơ chế để hiện thực hóa những gì đã ghi nhận.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước có tính bắt buộc chung đối với toàn xã hội, trong đó và trước hết là những cơ quan, cán bộ nhà nước. Điều đó có nghĩa rằng, các cơ quan nhà nước phải nỗ lực trong việc tạo ra cơ chế [ban hành thể chế và thành lập các thiết chế] để các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Nếu không tạo điều kiện và cơ chế để hiện thực hóa các quyền con người, quyền công dân ghi trong hiến pháp thì chính nhà nước cũng bị coi là không hoàn thành trách nhiệm và trong một chừng mực nhất định có thể bị coi là vi hiến. Do vậy, có thể nói rằng, trong trường hợp này hiến pháp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm bằng cách “bắt” nhà nước phải thực hiện chính những gì mà mình đã ghi nhận về quyền con người, quyền công dân trong nội dung của hiến pháp.

2. Hiến pháp Nhật Bản với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Hiến pháp Nhật Bản hay còn gọi là Hiến pháp 1946 gồm 11 chương và 103 điều, có nhiều thay đổi so với Hiến pháp Minh Trị trước đó. Hai trong ba nội dung chính của Hiến pháp đó là chủ quyền thuộc về nhân dân và tôn trọng quyền cơ bản của con người.

Vấn đề chủ quyền thuộc về nhân dân được thể hiện ngay trong lời nói đầu của bản Hiến pháp với khẳng định “quyền lực tối cao thuộc về nhân dân”. Nếu như trước đây Hiến pháp Minh Trị dành 17 điều quy định về quyền hạn của Thiên hoàng với phạm vi quyền hạn rất lớn chẳng khác gì một ông vua chuyên chế thì nay Hiến pháp 1946 chỉ có 8 điều quy định về Thiên hoàng với địa vị và quyền hạn bị hạn chế rất nhiều. Thiên hoàng nay chỉ là biểu tượng của quốc gia và tham gia các hoạt động mang tính chất nghi lễ là chính chứ không nắm quyền lực chính trị. Quyền lực thuộc về Nghị viện [Quốc hội] - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nghị viện gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, cả hai viện này đều được bầu cử trực tiếp theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Đây là một sự thay đổi lớn so với quy định trong Hiến pháp Minh trị trước đây. Với sự thay đổi này, Hiến pháp 1946 đã xác lập nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân.

Vấn đề chính thứ hai là tôn trọng quyền cơ bản của con người với ý nghĩa bất cứ ai từ khi sinh ra đều có những quyền này bởi vì họ là con người, đó là các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do học tập và tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền sống, quyền được học tập, quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền yêu cầu tòa án [bảo vệ]...

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là đặc điểm nổi bật trong nội dung Hiến pháp 1946 với 31 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tổng số 103 điều của Hiến pháp. Theo đó, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được mở rộng hơn về số lượng và không bị giới hạn về mặt pháp luật. Đây là một điểm mới so với Hiến pháp Minh Trị, thể hiện sự tiến bộ của Hiến pháp Nhật Bản trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân, làm cho bản hiến pháp này có đầy đủ tính cách của một hiến pháp hiện đại và tiến bộ. Giống như các bản hiến pháp tiến bộ trên thế giới, Hiến pháp Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở nước này. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Hiến pháp Nhật Bản là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân.

Một trong những lý do cho việc ra đời của Hiến pháp Nhật Bản là để tạo ra căn cứ pháp lý nhằm xây dựng một xã hội Nhật Bản dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 ra đời trên cơ sở thực hiện những quy định trong tuyên bố Potsdam được đưa ra ngày 26/7/1945 yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tuyên bố này cũng xác định rõ những vấn đề mà Nhật Bản cần phải thực hiện sau khi đầu hàng quân Đồng minh, đó là phải loại bỏ tất cả những cản trở để xây dựng một nền dân chủ. Theo đó, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tôn giáo cũng như tôn trọng quyền cơ bản của con người phải được bảo đảm[5]. Để thực hiện được những yêu cầu nêu trên thì Nhật Bản cần có một bản hiến pháp mới. Do vậy, Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi sửa đổi Hiến pháp Minh Trị ban hành năm 1889. Tổng Tư lệnh tối cao của quân Đồng minh - Douglas MacAthur nói rằng, ông ta và cấp trên của ông ấy ở Washington không đơn phương áp đặt một chế độ chính trị mới cho Nhật Bản mà trái lại, họ khuyến khích các nhà lãnh đạo của Nhật Bản tự đề xuất cải cách dân chủ cho nước này. Tuy nhiên, trong quá trình soạn dự thảo hiến pháp sửa đổi đã nảy sinh bất đồng quan điểm trong một số vấn đề cơ bản giữa các quan chức phía Nhật Bản và quân Đồng minh. Cụ thể là phía Nhật Bản đã đưa ra một bản dự thảo sửa đổi nhưng không được Tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh chấp nhận với lý do là bản dự thảo sửa đổi không có gì mới so với Hiến pháp Minh Trị, vẫn mang tính bảo thủ và thiếu tính dân chủ, không đại diện cho ý chí của nhân dân và được cho là chỉ sửa qua loa nội dung của Hiến pháp Minh Trị. Do vậy, MacAthur đã ra lệnh cho cấp dưới của ông ta soạn bản dự thảo sửa đổi hiến pháp mới, dân chủ hơn. Sau khi soạn thảo, phía quân Đồng Minh và Nhật Bản đã trao đổi về bản dự thảo này và có sửa đổi một vài điểm theo yêu cầu của phía Nhật Bản. Chẳng hạn như trong dự thảo do quân Đồng minh soạn ra có đề xuất chế độ Quốc hội một viện nhưng phía Nhật Bản đề nghị sửa thành Quốc hội hai viện và cả hai viện này đều được bầu cử trực tiếp, đề nghị này đã được chấp nhận. Khi hai bên đạt được sự thống nhất, bản dự thảo sửa đổi được Quốc hội thông qua với tư cách là bản sửa đổi của Hiến pháp Minh Trị theo quy định tại Điều 73 của Hiến pháp này về trình tự, thủ tục yêu cầu khi sửa đổi hiến pháp. Dự thảo hiến pháp sửa đổi được đệ trình và thảo luận ở Quốc hội Nhật Bản với tên là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Đế quốc [Hiến pháp Minh Trị]. Sau khi thảo luận, chỉnh sửa, bản dự thảo được Thượng nghị viện thông qua ngày 6/10/1946 và được Hạ nghị viện thông qua vào ngày tiếp theo với đa số phiếu tán thành, sau đó được Thiên hoàng Nhật Bản phê chuẩn ngày 3/11/1946 và chính thức có hiệu lực vào ngày 3/5/1947.

Như vậy, có thể thấy rằng những yêu cầu về xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền đã được thể chế hóa vào trong Hiến pháp Nhật Bản thành các quy định về quyền con người, quyền công dân tại nước này. So với hiến pháp của nhiều quốc gia và hệ thống quyền con người cơ bản được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế thì hệ thống các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 khá phong phú và đa dạng, làm cho bản hiến pháp này đứng trong số những hiến pháp ghi nhận số lượng quyền cao trên thế giới.

Qua xem xét sự ra đời của Hiến pháp Nhật Bản, có thể nhận thấy rằng, Hiến pháp Nhật Bản là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân ở nước này. Việc các quyền này được ghi nhận trong hiến pháp là cơ sở pháp lý để các quyền đó được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Trên một phương diện nào đó, có thể nói rằng Hiến pháp Nhật Bản chính là văn bản đảm bảo quyền con người, quyền công dân tại nước này. Đảm bảo bằng cách ghi nhận những quyền này. Việc ghi nhận là điều rất quan trọng, đó là bước khởi đầu cho các bước tiếp theo là bảo vệ và hiện thực hóa những quyền đã được ghi nhận đó. Việc ghi nhận trong hiến pháp cũng là sự đảm bảo về phạm vi, số lượng các quyền mà công dân hay cá nhân nước ngoài sống ở Nhật Bản được hưởng thụ.

Thứ hai, Hiến pháp Nhật Bản quy định thể chế tam quyền phân lập là một phương thức bảo vệ nhân quyền.

Cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 theo thể chế tam quyền phân lập với lập pháp thuộc về Quốc hội[6], hành pháp thuộc về Nội các[7] và tư pháp thuộc về Tòa án[8]. Sự phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp là một cách bảo đảm quyền con người ở tầm hiến pháp. Mặc dù phân quyền tại Nhật Bản chỉ là phân quyền mềm [không có sự độc lập tuyệt đối giữa ba nhánh quyền lực] nhưng sự phân chia rõ ràng về mặt hiến pháp giữa ba nhánh quyền lực đã tạo ra sự kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau trên các điểm chính sau:

+ Tư pháp có quyền xem xét tính hợp hiến của những đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác của lập pháp và hành pháp[9].

+ Nội các có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án tối cao và tòa án các cấp[10].

+ Lập pháp được quyền quyết định ngân sách hoạt động của hành pháp và tư pháp[11].

+ Hạ viện có quyền thông qua nghị quyết bất tín nhiệm nội các và nội các phải từ chức tập thể, Thủ tướng có quyền giải tán Hạ viện[12]

+ Thủ tướng nội các [hành pháp] có thể gián tiếp can thiệp vào việc làm luật của Quốc hội [lập pháp] thông qua các nghị sĩ trong đảng của mình bởi vì ở Nhật Bản, Thủ tướng bao giờ cũng là chủ tịch đảng cầm quyền, mà đảng cầm quyền là đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Do vậy, nghị sĩ trong Quốc hội cũng là đảng viên đảng cầm quyền và chịu sự chi phối của chủ tịch đảng [Thủ tướng]. Chính vì vậy, có thể nói rằng Thủ tướng [đại diện cho hành pháp] có thể can thiệp gián tiếp vào công việc mà theo Hiến pháp Nhật Bản là chỉ duy nhất Quốc hội được làm, đó là làm luật.

Sự giám sát và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực đã ngăn chặn được sự lạm quyền, độc đoán chuyên quyền và mất dân chủ, kết quả là hạn chế được sự xâm phạm quyền con người từ phía các tổ chức và quan chức nhà nước. Có thể nói rằng, cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước Nhật Bản theo thể chế tam quyền phân lập là một phương thức bảo đảm quyền con người.

Bên cạnh việc quy định về phân quyền, Hiến pháp Nhật Bản còn có những quy định nhằm đảm bảo tính độc lập của tòa án để có một quyền tư pháp mạnh. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo nhân quyền ở Nhật Bản. Sở dĩ nói như vậy là vì chỉ khi tòa án độc lập thì mới đảm bảo được sự công bằng trong xét xử, qua đó mới có thể bảo vệ được quyền con người, quyền công dân vì tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử mà ở đó quyền con người được bảo vệ. Muốn tòa án độc lập thì các thẩm phán phải hoàn toàn độc lập, tự chủ, có đủ trình độ và nhiệm kỳ dài để họ hoàn toàn yên tâm công tác, khi đó các thẩm phán mới có thể đưa ra các phán quyết công bằng. Dưới góc độ này, những quy định trong Hiến pháp Nhật Bản đã thể hiện những điểm tiến bộ. Cụ thể là ngoài việc hiến định về việc các Thẩm phán độc lập khi xét xử theo lương tâm của họ và chỉ tuân theo hiến pháp và luật[13] thì còn bảo đảm vị trí việc làm cũng như nhiệm kỳ của các thẩm phán. Theo Hiến pháp Nhật Bản, nhiệm kỳ thẩm phán kéo dài 10 năm và vị trí của thẩm phán ít bị can thiệp chỉ trừ khi bị buộc tội hoặc bị chính tòa án tuyên không đủ năng lực cần thiết về trí tuệ và thể chất để thực hiện nhiệm vụ. Không một cơ quan nào trong nhánh hành pháp có thể áp dụng biện pháp kỷ luật đối với Thẩm phán[14]. Nhiệm kỳ dài hơn cũng giúp thẩm phán tích lũy được nhiều kinh nghiệm xét xử hơn. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, nhiệm kỳ của thẩm phán là 10 năm, thiết nghĩ đây cũng là nhiệm kỳ phù hợp, nên chăng Việt Nam chúng ta cũng quy định nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 10 năm, trường hợp được tái bổ nhiệm có thể là 10 hoặc 15 năm. Nhiệm kỳ dài sẽ tạo tâm lý ổn định cho thẩm phán làm việc, khi đã yên tâm làm việc thẩm phán sẽ mạnh mẽ và quyết đoán, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử qua đó góp phần nâng cao khả năng bảo vệ quyền con người, quyền công dân của tòa án.

Thứ ba, Hiến pháp Nhật Bản là văn bản ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước để quyền con người, quyền công dân được thực thi.

Hiến pháp Nhật Bản ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước trên hai phương diện: Một là, theo thông lệ chung, những quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong hiến pháp của một quốc gia thì quốc gia đó phải có trách nhiệm đảm bảo hiện thực hóa những quyền này. Tại Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ, việc Nhà nước Nhật Bản ghi nhận những quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp đồng nghĩa với việc xác lập trách nhiệm của mình trong việc tôn trọng và hiện thực hóa những quyền đó. Theo nghĩa này thì Hiến pháp Nhật Bản chính là văn bản quy trách nhiệm cho Nhà nước Nhật Bản phải thực hiện những gì chứa đựng trong nội dung bản hiến pháp này. Hai là, như trên đã trình bày, Hiến pháp Nhật Bản ra đời trên cơ sở thực hiện những quy định trong Tuyên bố Potsdam được đưa ra ngày 26/7/1945 yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tuyên bố này cũng xác định rõ những vấn đề mà Nhật Bản cần phải thực hiện sau khi đầu hàng quân Đồng minh. Những yêu cầu về dân chủ và nhân quyền trong Tuyên bố Potsdam đã được thể chế hóa thành quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp của Nhật Bản. Do vậy, có thể nói rằng những ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản bên cạnh ý nghĩa là sự công nhận từ phía Nhà nước về những quyền cơ bản của con người còn là nhiệm vụ mà Nhà nước Nhật Bản phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu của quân Đồng minh trong Tuyên bố Potsdam mà Nhật Bản đã phải chấp nhận khi đầu hàng vô điều kiện.

Với vị trí và hiệu lực pháp lý cao nhất, hiến pháp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân bằng việc ghi nhận các quyền này, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước trong việc hiện thực hóa các quyền hiến định và hiến pháp còn là văn bản hạn chế quyền lực nhà nước

Hiến pháp Nhật Bản với tính cách là một hiến pháp dân chủ và tiến bộ đã ghi nhận chủ quyền thuộc về nhân dân và ghi nhận sự tôn trọng các quyền con người, quyền công dân, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước Nhật Bản trong việc hiện thực hóa các quyền này. Với quy định về phân quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, Hiến pháp Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở nước này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao [2011], Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

2. Nguyễn Đăng Dung [2005], Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Đăng Dung, Những quan điểm, học thuyết hiện đại về Hiến pháp trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

4. Vũ Công Giao [2011], Tiểu luận về Constitutinalism, Nxb Đại học quốc gia.

5. Vũ Công Giao [2009], “Bàn về một số khía cạnh lý luận và thực tiễn của quyền con người”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5.

6. Tsuneo Inako [1993], Tìm hiểu pháp luật Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Phạm Hữu Nghị [2014], “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp sửa đổi”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1.

8. Hoàng Thị Kim Quế [2012], “Trách nhiệm Nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân: Nội dung cơ bản và cách thức quy định trong Hiến pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11.

9. Chu Hồng Thanh [2011], Khái lược về Hiến pháp trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

10. Lê Mai Thanh [2013], “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp một số quốc gia”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5.

11. Đào Trí Úc [2011], Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà nội.

12. Viện nghiên cứu lập pháp [2002], “Hiến pháp những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 10.

[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] ThS., Đài Truyền hình Việt Nam

[3] Xem Nguyễn Đăng Dung [2005], Sự hạn chế quyền lực Nhà nước, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà nội, tr. 113.

[4] Xem Nguyễn Đăng Dung [2005] Tlđd, tr. 63-64.

[5] Điều 10 của Tuyên bố Potsdam [Potsdam Declaration].

[6] Điều 41- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất của Nhà nước có chức năng làm luật.

[7] Điều 65- Quyền hành pháp được trao cho Nội các.

[8] Điều 76- tất cả quyền xét xử được trao cho Tòa án tối cao và các tòa cấp dưới được thành lập theo luật.

[9] Điều 81 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Tòa án tối cao là cấp xét xử cao nhất với thẩm quyền xác định tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi khác”.

[10] Điều 79 và Điều 80 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Nội các bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao và bổ nhiệm thẩm phán toà án các cấp trên danh sách đề cử của tòa án tối cao.

[11] Điều 83 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Quản lý tài chính quốc gia phải thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội”.

[12] Điều 69 Hiến pháp Nhật Bản.

[13] Xem Điều 76 Hiến pháp Nhật Bản 1946.

[14] Xem Điều 78 Hiến pháp Nhật Bản 1946.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 11 [237] – 2020

In bài viết
Gửi Email

Các tin đã đưa ngày:

Video liên quan

Chủ Đề