Giáo dục là hàng hóa công hay tư

TTCN - Tại Diễn đàn quốc tế về giáo dục đại học [GDĐH] vừa diễn ra tại Hà Nội, có một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, GDĐH có xu thế không còn là dịch vụ công do Nhà nước cung cấp nữa mà đã trở thành một thứ hàng hóa, một dịch vụ trong đó có mua bán, có cạnh tranh và hướng đến khách hàng cũng như tuân theo các qui luật của thị trường. TTCN xin giới thiệu ý kiến mở đầu cho diễn đàn: “Giáo dục là hàng hóa?”

Đó chính là xu hướng “thương mại hóa, dịch vụ hóa nền GDĐH” và điều đáng lưu ý là những ý kiến trên còn khẳng định rằng nền GDĐH Việt Nam cũng sẽ phải theo xu hướng ấy bởi đây là xu hướng chung của thế giới và có tính tất yếu [?].

Trước khi có thể khẳng định điều đó, chúng ta cần phải trả lời được những câu hỏi sau: Tại sao lại xuất hiện xu hướng thương mại hóa GD? Ai đứng sau thúc đẩy một cách nhiệt tình xu hướng đó? Liệu đây có là xu thế được chấp nhận trên toàn thế giới hay không? Liệu nền GD Việt Nam nói chung và GDĐH Việt Nam nói riêng, theo định hướng XHCN, có bắt buộc phải theo xu thế này không?

Sự xuất hiện của xu hướng xem GD là hàng hóa

Hiện nay, dịch vụ là lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong y tế và giáo dục. Theo đánh giá chung, chi phí hằng năm của toàn thế giới cho y tế vào khoảng 3.500 tỉ USD, cho giáo dục khoảng 2.000 tỉ USD và phần lớn những chi phí này đều do nhà nước đảm nhận.

Vào tháng 12-1994, các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới [WTO] đã ký kết một hiệp ước chung về thương mại và dịch vụ [AGCS: l’Accord Général sur le Commerce et les Services] được áp dụng vào năm 1995. Mục tiêu muốn loại bỏ vai trò của nhà nước và thúc đẩy tiến trình tư nhân hóa, thị trường hóa mọi lĩnh vực dịch vụ của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Dễ nhận thấy rằng hiệp ước này đã được xây dựng trên quan điểm “tân tự do” [néolibéralisme] và ba nước bảo trợ nhiệt tình nhất cho bản hiệp ước là Mỹ, Úc và New Zealand, những quốc gia xuất khẩu giáo dục nhiều nhất trên thế giới.

Thương mại hóa GDĐH là một xu thế tất yếu?

Cần phải khẳng định một điều rằng xu thế thương mại hóa GDĐH không phải là một xu thế chung trên thế giới và càng không phải là một xu thế tất yếu như nhiều người vẫn quả quyết. Xin hãy điểm lại những sự kiện này:

- Hội nghị các bộ trưởng giáo dục tại Prague [CH Czech] vào tháng 5-2001 đã tái khẳng định nguyên tắc: “Giáo dục đại học là một dịch vụ công, là trách nhiệm chung của tất cả mọi người...”.

- Hội thảo quốc tế về giáo dục được tổ chức trong khuôn khổ của Diễn đàn xã hội quốc tế Porto Alegre ngày 1 và 2-2-2005? đưa ra tuyên bố 19 điểm chống lại việc thương mại hóa giáo dục, vì đã biến một quyền căn bản và phổ quát của con người thành một hàng hóa dành cho những tầng lớp có ưu thế trong xã hội.

Vào tháng 5-2003, vương quốc Bỉ tuyên bố từ chối áp dụng các qui tắc của nền thương mại quốc tế vào lĩnh vực giáo dục được thể hiện trong AGCS vì những nguy hiểm mà việc đó gây ra lớn hơn nhiều những lợi ích mà nó có thể mang lại... Và tuyên bố này nhận được sự đồng thuận của Phần Lan, Áo và Thụy Điển.

Như vậy, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng muốn xem GD như một hàng hóa, bởi một lý do hết sức cơ bản: giáo dục là một quyền của con người và trách nhiệm của các quốc gia, các chính phủ là phải bảo đảm quyền đó cho mỗi công dân.

Thương mại hóa nền GD Việt Nam được không?

Trong thời gian qua, những bất bình đẳng trong GD của nước ta đã ngày càng gia tăng. Các số liệu của cuộc điều tra về mức sống năm 2002 cho thấy càng lên bậc học cao thì tỉ lệ người đi học thuộc các nhóm nghèo càng giảm [báo SGGP, 15-4-2004].

Như vậy, bình đẳng về cơ hội học tập sẽ càng xa vời hơn nữa khi chúng ta thực hiện thương mại hóa giáo dục, bởi nguyên lý cơ bản của thương mại là mua bán, cạnh tranh và lợi nhuận. Người ta sẽ chỉ tập trung “làm” GD ở những nơi nào có khả năng mang lại lợi nhuận nhiều và cũng sẽ chỉ chú trọng đến những khách hàng có khả năng mua sản phẩm mà thôi.

Nền giáo dục ĐH của chúng ta còn phải học hỏi thế giới rất nhiều nhưng khi nào chúng ta xem GD nói chung và GDĐH nói riêng như hàng hóa thì lúc đó bản chất của nền GD theo định hướng XHCN sẽ không còn tồn tại. Cần suy nghĩ các bước đi khác để cải thiện chất lượng giáo dục, tránh rơi vào vòng xoáy của chủ thuyết tân tự do vốn chỉ biết có lợi nhuận và mạnh được yếu thua.

Phải chăng giáo dục là hàng hóa như bất cứ một sản phẩm nào đó trên thị trường, do đó việc cung cấp tùy thuộc vào cung cầu trên thị trường? Đây là vấn đề đang được bàn cãi ở Việt Nam. Những quan điểm bày tỏ trên báo chí hiện nay tuy đã dựa vào kinh nghiệm của các nước nhưng chưa thật sự dựa vào cơ sở lý thuyết kinh tế. Bài viết trình bày vấn đề giáo dục trên cơ sở lý thuyết kinh tế.

Giáo dục là sản phẩm đặc biệt theo nghĩa là phương tiện nhằm tăng sản xuất ra của cải trong tương lai, mà như vậy, nó là hàng tích lũy. Nó lại là hàng hóa mà xã hội cần, do đó nó đòi hỏi kể cả cưỡng bách mọi công dân phải đạt trình độ tối thiểu. Ngoài ra, giáo dục cơ bản còn là loại dịch vụ rất đặc biệt theo nghĩa lợi ích xã hội của nó cao hơn lợi ích cá nhân mà người mua nhận được. Do đó nếu để thị trường tự do quyết định, mức cung sẽ ít hơn mức cầu của xã hội. Giáo dục cơ bản mang những đặc tính của hàng hóa công [public goods] mà xã hội nói chung cần, do đó phải có trách nhiệm chi trả và điều phối. Vai trò điều phối này lại càng cần thiết khi chi phí giáo dục tăng nhanh do thời gian giáo dục cần thiết cho xã hội trong một đời người ngày càng tăng và chất lượng giáo dục đòi hỏi để phục vụ nhu cầu xã hội cũng tăng nhanh, trong khi lại không thể tăng năng suất thầy giáo. Đây là tất cả những vấn đề mà bài viết muốn lý giải.

Chủ Đề