Giai dap vuong mac trong thuc hiên blttds 2015

Bộ luật tố tụng dân sự [BLTTDS] đi vào thực tiễn đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, thực tế áp dụng thấy vẫn còn có bất cập, mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi, song vẫn còn một số quy định chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, nên khi thực hiện chưa thống nhất, cụ thể như sau:

1. Tại Điều 23a quy định Toà án phải đảm bảo quyền tranh luận trong tố tụng dân sự. Từ nguyên tắc này, Điều 233 quy định Chủ toạ phiên toà phải tạo điều kiện cho đương sự, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự phát biểu khi tranh luận và đối đáp, không được hạn chế thời gian tranh luận, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp đương sự phát biểu về đánh giá chứng cứ và đề xuất quan điểm liên quan đến vụ án quá dài, nhiều nội dung còn trùng lặp, ảnh hưởng đến thời gian xét xử.

Vì vậy, đối với quy định này, đề nghị bổ sung thêm về nguyên tắc đương sự khi thực hiện tranh luận phải đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, không trùng lặp, sát với những nội dung yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Đối với trường hợp vụ án dân sự có liên quan đến một bên đương sự là người có nhược điểm về tâm thần: Thông tư liên tịch số 04/1.8.2012 VKSTC, TANDTC quy định người có nhược điểm về tâm thần phải có giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận.

Vậy sổ khám, chữa bệnh ngoại trú thể hiện cá nhân bị bệnh tâm thần có phải là căn cứ để Viện kiểm sát tham gia phiên toà hay không, đề nghị Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn thống nhất để thực hiện.

3. Tại Khoản 4 Điều 29 quy định Toà án có thẩm quyền giải quyết “các tranh chấp khác về kinh doanh thương mại”. Do quy định trên chưa rõ ràng, nên thực tế có những vụ án nguyên đơn là ngân hàng thương mại kiện đòi nợ thông qua hợp đồng tín dụng với bị đơn là cá nhân, tổ chức, có đơn vị xác định là án kinh doanh thương mại, có đơn vị xác định là án dân sự, dẫn đến quá trình kiểm sát cũng bị hạn chế.

 Đề nghị Liên ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện

4. Về chứng minh, chứng cứ:

- Thực tế trong một số trường hợp, để đảm bảo việc kháng nghị có căn cứ pháp luật, VKS phải gửi văn bản đề nghị cơ quan chuyên môn giải thích về một vấn đề cụ thể hoặc thu thập ghi lời khai của nhân chứng, người liên quan để xác định tính hợp pháp của chứng cứ do đương sự cung cấp. Nhưng do BLTTDS chưa quy định trình tự này, nên Toà án không coi những tài liệu do VKS thu thập là nguồn chứng cứ để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.

Vì vậy cần bổ sung quyền này cho VKS trong quy định về thu thập chứng cứ trong BLTTDS.  

5. Về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Thực tế có trường hợp trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện đòi nợ, Toà án ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời [BPKCTT] cấm bị đơn chuyển dịch quyền sử dụng đất, nhưng trước khi đương sự khởi kiện, bị đơn đã hoàn tất việc công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thứ 3. Khi người thứ 3 làm thủ tục đăng ký với cơ quan Nhà nước thì Quyết định áp dụng BPKCTT có hiệu lực nên không thể đăng ký được. Quá trình xét xử vụ án kiện đòi nợ, Toà án không huỷ bỏ BPKCTT đã áp dụng, gây khó khăn cho đương sự trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất. Đến nay, án đã phát sinh hiệu lực không còn thời hạn để kháng nghị giám đốc thẩm và không thuộc trường hợp phát sinh tình tiết mới xem xét theo trình tự tái thẩm, trong khi quyền lợi của người thứ 3 chưa được giải quyết và họ liên tục khiếu kiện. Ngoài ra, đối với Quyết định áp dụng BPKCTT vi phạm pháp luật nhưng do thời gian để VKS và đương sự thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại quá ngắn [chỉ có 3 ngày], nên khi phát hiện ra vi phạm đã quá thời hạn, trong khi Điều 122 lại không quy định đây thuộc trường hợp được huỷ bỏ BPKCTT, nên nhiều Toà án lúng túng trong việc xử lý.

Để giải quyết vướng mắc này, BLTTDS cần bổ sung quy định về căn cứ Toà án ra Quyết định huỷ bỏ BPKCTT tại thời điểm án đã phát sinh hiệu lực pháp luật, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ BPKCTT khi phát hiện quyết định có vi phạm pháp luật.

6. Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 BLTTDS: “…Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá”. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là trường hợp cần thiết, thì chưa có hướng dẫn cụ thể, nên có vụ án Tòa án mời Ủy ban, có vụ án Tòa án không mời Ủy ban và điều này còn liên quan đến việc xác định tính hợp pháp của biên bản định giá khi đánh giá chứng cứ là biên bản định giá, nên nếu không có chữ ký của đại diện Ủy ban nhân dân trong biên bản định giá có bị coi là vi phạm thủ tục thu thập chứng cứ không. Nếu thực hiện, thì khi nào đại diện Ủy ban xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá tài sản. Bên cạnh đó, trường hợp tài sản chung được định giá cùng một thời điểm nhưng ở hai trung tâm định giá khác nhau, có giá khác nhau thì lấy kết quả của trung tâm nào làm căn cứ giải quyết. Trong trường hợp đương sự có khiếu nại về kết quả định giá của Hội đồng định giá thì Tòa án có buộc phải tiến hành định giá lại không? Khi tiến hành định giá lại thì vẫn Hội đồng định giá đó tiến hành định giá hay phải thành lập Hội đồng định giá khác và Hội đồng định giá khác được thành lập ở cấp nào? Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình thực hiện còn khó khăn, vướng mắc.

Đề nghị Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện.

7. Tại phần khai mạc phiên toà, Bộ luật tố tụng dân sự không quy định trình tự Chủ toạ phải hỏi ý kiến của Kiểm sát viên về phần thủ tục, về việc triệu tập những người tham gia tố tụng đến phiên toà như trong vụ án hình sự. Như vậy, trong trường hợp cần thiết Kiểm sát viên phải có ý kiến đối với Hội đồng xét xử thì ý kiến của KSV được phát biểu vào thời điểm cụ thể nào? do BLTTDS chưa quy định cụ thể nên quá trình thực hiện chức năng kiểm sát cũng có những  hạn chế nhất định. Đề nghị Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn để thực hiện thống nhất.

8. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 197 thì khi tham gia phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, Điều 234 lại quy định Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa sơ thẩm chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử .... là mâu thuẫn, đề nghị sửa đổi cho phù hợp.

9. Điều 240 BLTTDS quy định về việc thông báo sửa chữa, bổ sung bản án, nhưng không ấn định trong thời hạn nào Toà án được quyền sửa chữa, bổ sung, nên dẫn đến việc có bản án Toà án đã ban hành nhưng rất lâu sau mới có thông báo sửa chữa, bổ sung, đính chính bản án, gây khó khăn trong quá trình thi hành bản án. Đề nghị có quy định rõ về thời hạn được đính chính, bổ sung bản án trong tố tụng dân sự.

Đặng Văn Thực

VKSND tỉnh Quảng Ninh

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề