Giá trị kinh tế của cây vú sữa hoàng kim

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng không hiệu quả, ông Huỳnh Văn Biên - tên thường gọi là Năm Biên, ở khu vực Thới Thạnh, phường Long Hưng, quận Ô Môn đã gặt hái được “quả ngọt” từ mô hình trồng vú sữa hoàng kim... Với đặc tính dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, vú sữa hoàng kim đang trở thành cây trồng tiềm năng, mở ra triển vọng tăng thu nhập cho người dân địa phương...

Ông Năm Biên bên vườn vú sữa hoàng kim.

Vào thời điểm này, gần 50 cây vú sữa hoàng kim của ông Năm Biên đang mang trái trĩu cành, từng trái được bao bằng túi xốp nylon. Do sợ cây mất sức nên ông đã bỏ bớt trái non nhưng nhiều cây vẫn đang mang hoa chi chít trên cành. Dịch bệnh COVID-19 được khống chế, các địa phương nới lỏng giãn cách, chủ vườn cho hay, chỉ chừng một tuần nữa là trái bắt đầu chín vàng đều và có thể thu hoạch. Hiện tại, một số thương lái đã liên hệ “bỏ cọc” với giá 80.000 đồng/kg tại vườn, nhưng ông chưa đồng ý.

Ông Năm Biên kể: Mình từng chịu cảnh hẩm hiu “được mùa mất giá” với nhiều loại cây ăn trái như sa pô, nhãn, mận, bưởi da xanh... Năm 2018, tìm hiểu trên mạng và qua các thông tin thực tế thấy trái vú sữa hoàng kim mới lạ ít có người trồng, chắc chắn là giống cây tiềm năng. Nghĩ là làm, ông lặn lội đến tận Bình Dương rồi Bến Tre để tìm mua cho bằng được 50 cây giống về trồng, với giá 200.000 đồng một cây. Nhờ được chăm sóc tốt lại hợp với thổ nhưỡng, một năm sau vú sữa hoàng kim bắt đầu cho trái. “Giống cây này dễ chăm sóc, khi trồng phải đắp mô cao. Do ít sâu bệnh nên cũng không cần thiết sử dụng phân bón hóa học nhiều, nếu muốn rộ trái thì xịt thêm chút thuốc kích thích ra hoa. Ðể cây phát triển tốt chủ yếu bón thêm phân bò, phân hữu cơ. Từ khi có bông đến rụng nhụy là một tháng, khi trái to bằng ngón tay cái thì bao trái đến khoảng một tháng là có ăn” - ông Năm Biên cho biết thêm.

Vú sữa hoàng kim có xuất xứ từ Ðài Loan - Trung Quốc. Trái non có màu xanh, nhưng khi chín ngả màu vàng tươi, càng chín, trái càng lên màu rất đẹp. Vị của trái giống vú sữa Việt Nam nhưng có vị ngọt thanh, thịt dày, chỉ có một hạt nhỏ bằng đầu ngón tay, đặc biệt là không có mủ. Trọng lượng trung bình 3-4 trái được một ký, cũng có trái nặng hơn nửa ký. Hiện nay hầu hết vú sữa hoàng kim cung cấp trên thị trường chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, lượng trái trồng nội địa còn rất ít, chưa đủ cung ứng nên giá bán khá cao. Mỗi vụ ông Năm Biên thu hoạch được vài trăm ký, giá bán tại vườn từ 80.000 đồng/kg, có thời điểm trên 120.000 đồng/kg. Trong thời gian dịch COVID-19, giá bán vú sữa hoàng kim vẫn giữ ở mức ổn định.

Ông Huỳnh Văn Biên nói: “Cây vú sữa hoàng kim thích hợp với điều kiện đất đai ở đây. Tôi thấy cây này cho hiệu quả kinh tế cao do giá cao hơn sầu riêng và cho trái 8 tháng liên tục. Vườn vú sữa của tôi hầu như có trái quanh năm. Cứ mỗi một đợt bán được mười mấy triệu đồng, tính ra mỗi năm tôi bán trái hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền bán cây giống”.

Từ 50 cây vú sữa hoàng kim ban đầu, hiện nay khu vườn đã được ông Năm Biên cải tạo, trồng thêm hơn 70 cây đang giai đoạn phát triển tốt, chừng vài tháng nữa có thể cho trái. Ngoài bán trái, ông còn cung cấp giống vú sữa hoàng kim được ươm từ hạt với giá từ 80.000-100.000 đồng một cây. Thấy mô hình hiệu quả, nhiều bà con nhà vườn ở địa phương rất quan tâm và bắt đầu thử nghiệm trồng cây vú sữa hoàng kim.

Chị Lê Thị Mỹ Linh, ở khu vực Thới Thạnh, phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: Thấy mô hình của chú Năm Biên cũng hiệu quả cho nên tôi và nhiều bà con nông dân cũng mua giống về trồng. Mẫu mã trái vú sữa hoàng kim có màu vàng rất đẹp, mùi vị ngon, cây lại dễ chăm sóc, lợi nhuận thu về cũng cao, giúp bà con mình cải thiện kinh tế so với những cây trồng khác...

Vú sữa hoàng kim không phải là giống cây mới ở miền Tây nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, nhưng số người trồng còn rất ít. Với hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng vú sữa hoàng kim của ông Huỳnh Văn Biên sẽ tạo tiền đề để địa phương từng bước nhân rộng loại cây trồng đầy triển vọng này. Qua đó, dần thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả, góp phần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững...

Bài, ảnh: TRUNG NHÂN

Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số nhà vườn ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đã chọn vú sữa hoàng kim để canh tác, phát triển kinh tế. Đây là hướng phát triển mới rất cần có sự định hướng, tính toán thận trọng để tránh cung vượt cầu.

Anh Trần Ngọc Lợi áp dụng kỹ thuật bao trái cho toàn bộ vườn vú sữa hoàng kim của mình.

Giá trị kinh tế cao

Được trồng rộng rãi ở nước ta khoảng 3-4 năm trở lại đây, vú sữa hoàng kim có nguồn gốc từ Đài Loan đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bởi màu vàng đẹp mắt và chất lượng thơm ngon.

Để tận mắt được nhìn thấy sự phát triển của loại cây này trên đất Hậu Giang, chúng tôi tìm đến ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp. Theo lời bà con ở đây, 2 anh em anh Lợi là những người tiên phong đưa vú sữa hoàng kim về trồng tại địa phương. Thoạt đầu, nhiều người còn nhầm tưởng họ trồng lê ki ma vì hình dáng cây và màu sắc trái có nhiều nét tương đồng.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây đang phát triển xanh tốt của mình, anh Lợi chia sẻ về cơ duyên khiến gia đình anh quyết định chuyển đổi 3ha đất trồng mía, cam sành kém hiệu quả sang trồng 1.000 cây vú sữa hoàng kim: “Hồi trước, xem thông tin trên truyền hình, thấy giống cây lạ, màu sắc đẹp lại có giá cao nên tôi kêu ông anh trồng thử. Cây này của bên Đài Loan đem qua luôn. Lúc mua cây giống về trồng, cây khoảng 5 lá là 290.000 đồng/cây, cây lớn nữa thì giá cao hơn. Sau khoảng 2 năm trồng là cây cho trái”, anh Lợi cho biết.

Theo anh Lợi, dù là giống mới, nhưng vú sữa hoàng kim rất dễ canh tác, ít sâu bệnh, lại hợp với thổ nhưỡng địa phương, chỉ cần đắp mô, xử lý đất như các loại cây trồng khác. Khoảng cách giữa các cây từ 3,5-4m là lý tưởng. Anh Lợi nhẩm tính, trung bình năng suất từ 20-25kg/cây. Điều đặc biệt là cây trồng càng lâu năm thì năng suất càng cao. Trái bự nhất chừng 800 gram, còn nhỏ thì khoảng 100 gram. Dù có kích thước lớn nhưng mỗi trái chỉ có từ 1 đến 2 hạt. Giá bán hiện tại tương đối ổn định, cao điểm lên đến 170.000 đồng/kg. So với những loại vú sữa thông thường thì hiệu quả kinh tế từ vú sữa hoàng kim cao gấp 10 lần.

Từ lúc trồng đến nay, vườn anh Lợi thu hoạch khoảng 3 tấn trái. Tuy nhiên, không chỉ bán trái cho thương lái, người nông dân này còn nhân giống cây để cung cấp cho bà con có nhu cầu. Anh Trần Ngọc Lợi bày tỏ: “Tôi ươm hạt hoặc ghép cây. Ươm hạt, sau đó cho vô bầu đất, khoảng 5-6 tháng bắt đầu trồng là đạt chất lượng. Giá bán tùy theo cây, nhỏ thì 60.000-70.000 đồng/cây, còn cây lớn từ 100.000-120.000 đồng/cây. Hiện vườn đã bán khoảng 2.000 cây giống”.

Song song với việc mở rộng quy mô vườn ươm, để đảm bảo chất lượng và số lượng khi sản xuất cây giống số lượng nhiều, anh Lợi còn tìm hiểu và bắt tay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận đầu năm 2021. Bên cạnh đó, anh còn sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay cho phân hóa học. Để phòng trừ các loại côn trùng như ruồi vàng hay sâu đục trái gây hại, anh Lợi sử dụng tinh dầu tỏi và áp dụng kỹ thuật bao trái. Với cách làm này, không chỉ giúp cây trồng khỏe, cho năng suất cao mà còn đáp ứng được xu thế ưa chuộng trái cây sạch của thị trường hiện nay.

Không trồng ồ ạt, tránh cung vượt cầu

Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, vú sữa hoàng kim được trồng nhiều ở xã Tân Long. Đây là mô hình tương đối mới ở địa phương. So với các loại cây trồng khác, loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đầu ra ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua nhưng không có đủ sản phẩm để bán. Với 1ha canh tác, bà con thu nhập cao hơn vườn cây ăn trái khoảng 1,5 lần. Nhiều bà con trong vùng hiện đang chuẩn bị đốn cam để chuyển sang trồng vú sữa hoàng kim.

“Cây vú sữa hoàng kim không nằm trong danh mục phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng chúng tôi đang hỗ trợ cho xã Tân Long để xây dựng mã vùng trồng của sản phẩm này. Đồng thời, hướng dẫn bà con phát triển vùng trồng, mở rộng diện tích, nhưng về lâu dài cũng xem xét thị trường, không mở rộng ồ ạt, tránh cung vượt cầu sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ”, ông Trần Văn Tuấn thông tin thêm.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho hay: Chính quyền địa phương phải theo dõi sát thị trường. Hiện tại đầu ra, giá cao và ổn định do số lượng trồng vú sữa hoàng kim còn ít, nhưng nếu sau này người dân trồng đại trà thì phải tính toán phương án đầu ra, không khéo sẽ ồ ạt như cây mít thái. Làm sao có nhiều thị trường tiêu thụ chứ không phải chỉ có một thị trường, một đầu mối để sau này phát triển rộng hơn nữa. Thu hoạch quanh năm, sản lượng cũng cao, giá lại tốt, tuy nhiên khuyến cáo nông dân không nên trồng quá nhiều, ồ ạt, tránh trồng rồi chặt, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ khiến giá sụt giảm như các loại nông sản khác.

   Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Thứ sáu, 01/03/2019 - 07:25 AM

Màu sắc vàng óng, vị ngọt dịu, có phần the mát, đặc biệt không có mủ là những đặc điểm nổi bật tạo nên tên gọi và thương hiệu cho trái vú sữa Hoàng Kim.

Không chỉ vậy, cây còn cho trái quanh năm, với sản lượng cao và tỉ lệ kháng sâu bệnh tốt. Giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, vú sữa Hoàng Kim trở thành cây trồng tiềm năng, giúp nông dân Bình Phước làm giàu.

Ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, cây vú sữa Hoàng Kim mang về lợi nhuận rất cao. Tại thời điểm hiện tại, chỉ cần 2 cây vú sữa Hoàng Kim là có thể thu về lợi nhuận bằng 1ha điều. Tuy nhiên, phải trồng theo hướng hữu cơ sinh học, kết hợp bón phân cân đối thì năng suất, sản lượng mới cao, cây mới bền. Và với phương pháp canh tác này, 8 năm qua, nhà vườn nơi đây đã thực sự "hái vàng”.

Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, thành viên Hội đồng KHKT Cty CP Phân bón Bình Điền, về đặc tính, cây vú sữa Hoàng Kim khá giống với các giống vú sữa khác, có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng, nên trồng trên đất phù sa ven sông hoặc, đất thịt nhẹ thoát nước tốt. Ở những vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt, cây vú sữa ra hoa và đậu trái rất tốt.

Để cây vú sữa nói chung, vú sữa Hoàng Kim nói riêng phát triển bền vững, trước khi trồng, ngoài vôi thì nhà vườn nên bón lót từ 10-15kg phân hữu cơ hoai và 0,5-1,5kg lân vi lượng Đầu Trâu hoặc 10-20g NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu cho mỗi hố.

Với cây vú sữa trồng từ nhánh chiết, giai đoạn kiến thiết cơ bản, từ 1-3 năm, cần cung cấp cân đối các loại phân bón có hàm lượng đạm, lân cao, kali vừa đủ như NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu để cây phát triển bộ rễ và cành nhánh và sớm đi vào giai đoạn kinh doanh.

Cụ thể, sau khi trồng được một năm tuổi, hòa tan 40-60g NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu với 15-20 lít nước để tưới mỗi gốc cây, mỗi tháng 1 lần; Năm thứ nhất đến năm thứ ba bón 1-2kg NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu, chia ra bón 4 lần trong năm.

Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhà vườn cũng cần tạo tán và tủ gốc giữ ẩm vào mùa khô cho cây. Chú ý, tủ cách gốc 30-50 cm để tránh sâu bệnh tấn công.

Giai đoạn kinh doanh, từ năm thứ tư sau khi trồng, để cây cho năng suất, chất lượng bền vững, mỗi năm nên bón từ 2-3kg NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu; chia làm 4 lần bón trong năm như sau: Trước ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1- 2 tháng; Từ năm thứ 5 sau khi trồng, tức khi cây bước sang giai đoạn cho trái ổn định và đi vào giai đoạn kinh doanh chính, cần cung cấp kịp thời và cân đối các chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, nên chia làm 5 lần bón, với 3 loại phân bón cơ bản, tùy từng thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây. Cụ thể:

+ Lần 1: Bón vào giai đoạn xử lý ra hoa từ: 10-20kg phân lân vi lượng Đầu Trâu và 1­3kg AT1 Đầu Trâu.

+ Lần 2: Cách lần 1 khoảng 1,5-2 tháng khi hoa chuẩn bị nở, bón 1-2,0kg AT2 Đầu Trâu, giúp hoa nở tập trung.

+ Lần 3: Sau khi hoa nở khoảng 1,5 tháng, trái có đường kính 2-3cm, bón với lượng 1-2kg AT3 Đầu Trâu hoặc NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu/cây.

+ Lần 4: Bón nuôi trái, khi quả non có đường kính khoảng 5-6cm, 1,5-3kg phân AT3 Đầu Trâu hoặc NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu/cây.

+ Lần 5: Bón vào giai đoạn trước thu hoạch 1,5 tháng với liều lượng 1,5 - 2,5kg phân AT3 Đầu Trâu hoặc NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu/cây.

Sau khi thu hoạch, tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu tủ gốc, xới rảnh sâu 5-10cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh, lấp đất lại. Che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan và ngấm vào đất.

Hiện tại, cây vú sữa Hoàng Kim không chỉ trái đạt giá bán cao, mà giá bán cây giống cũng dao động trên dưới 150.000đồng/cây. Do vậy, nhiều người vì lợi nhuận đã rao bán giống cây giả cho bà con. Do đó, khi chọn mua vú sữa Hoàng Kim về trồng, bà con cũng cần hết sức lưu ý về đặc điểm giống. Cụ thể, lá vú sữa Hoàng Kim có đặc điểm là màu xanh và dài, hoàn toàn khác với lá vú sữa truyền thống Việt Nam. Lá có phần rất giống với lá cây lêkima, lá cây bơ. Tuy nhiên, lá cây vú sữa hoàng kim rất cứng, không mềm như lá cây bơ.

Mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim của nông dân tỉnh Bình Phước, cùng với sự tư vấn của PGS.TS Mai Thành Phụng sẽ có trong chương trình CANH TÁC THÔNG MINH, phát sóng 17h15-17h35, chủ nhật, ngày 3/3/2019 trên VTV9. Mời quý độc giả đón xem.

Video liên quan

Chủ Đề