Già hóa dân số cơ hội và thách thức

Quỹ Dân số LHQ nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2011, Việt Nam có khoảng 7% dân số người từ 65 tuổi trở lên thì dự báo đến năm 2039, tỷ lệ này sẽ vượt 15%.

Quỹ Dân số LHQ nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2011, Việt Nam có khoảng 7% dân số người từ 65 tuổi trở lên thì dự báo đến năm 2039, tỷ lệ này sẽ vượt 15%.

Điều dưỡng chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Già hóa dân số đặt ra thách thức nhiều hơn là cơ hội cho đất nước. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đi trước đón đầu và nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực dân số phù hợp với thực tiễn.

Xu thế tất yếu

Già hóa dân số là sự thay đổi phân bố dân số của một quốc gia/châu lục theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi, giảm tỷ lệ trẻ nhỏ và tăng tỷ lệ dân số ở tuổi trung niên. Tình trạng già hóa dân số xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, sớm nhất là ở các nước có trình độ phát triển cao. Tuy nhiên hiện nay, các nước đang phát triển như Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng.

Chủ đề Ngày Dân số Việt Nam năm 2022 là nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam là dịp để tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác dân số. Đó là ổn định quy mô, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống.

BS CKII Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng, già hóa dân số là xu thế tất yếu của loài người.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng già hóa dân số, do sự chênh lệch giữa tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử. Kinh tế phát triển, điều kiện sống thay đổi khiến tuổi thọ của người dân tăng cao. Theo thống kê năm 2020, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,7 tuổi [năm 1960 là 58 tuổi]. Trong khi đó, tỷ lệ sinh lại đang giảm đi. Nếu như năm 1999, mỗi cặp vợ chồng ở Việt Nam có bình quân 6 con thì đến nay chỉ còn 1,9 con.

Mặt khác, giới trẻ hiện nay có sự thay đổi về tư duy so với các thế hệ trước. Họ sẵn sàng trì hoãn kết hôn, thậm chí không muốn kết hôn để tập trung phát triển kinh tế. Đến khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ muốn sinh 1 con để nuôi dạy cho tốt thay vì sinh nhiều con cho “vui cửa vui nhà” như trước đây.

Chị Mai Ngọc Anh [ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa] chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn năm 2018, đến nay đã có 1 con trai 3 tuổi. Với mức thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng cộng với những áp lực về kinh tế, xã hội, điều kiện sống, vợ chồng chị Ngọc Anh chưa có ý định sinh thêm con thứ 2.

“Cả 2 vợ chồng tôi đều từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp, kinh tế chưa vững vàng trong khi để nuôi dạy một đứa trẻ ở thời điểm hiện tại rất tốn kém. Việc sinh thêm con ở thời điểm này chưa phù hợp với chúng tôi” - chị Ngọc Anh tâm sự.

Khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con

Theo BS CKII Lê Phương Lan, một đất nước có tỷ lệ người già cao đặt ra nhiều thách thức. Nhiều người cao tuổi có nhu cầu việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống do thời trẻ họ chưa tích lũy đủ tiền để có thể sống an nhàn khi về già, đặc biệt là người già ở nông thôn. Điều này gây áp lực lên thị trường lao động vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ người già khi nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, trí tuệ minh mẫn có cơ hội công việc tốt, thu nhập cao. Còn lại, đa số người già có sức khỏe yếu, không chịu được áp lực công việc cao. Từ đó, tạo nên sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt trong xã hội.

Người già được chăm sóc, điều trị tại Khoa Lão Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: H.Dung

Mặt khác, mặc dù tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng nhưng không phải ai cũng sống khỏe. Điều này gây áp lực lên hệ thống y tế tại các địa phương. Thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, mỗi người cao tuổi thường mắc ít nhất 3 bệnh nền; phổ biến các bệnh: huyết áp, tim mạch, đái tháo đường. Đây là những bệnh điều trị lâu dài, tốn kém chi phí. Ngoài ra, tỷ lệ người cao tuổi cao cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quỹ hưu trí và vấn đề an sinh xã hội.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là một trong những bệnh viện hiếm hoi có Khoa Lão khoa nhằm tiếp nhận, chăm sóc, điều trị các bệnh lý cho người già.

BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, sự gia tăng tỷ lệ người cao tuổi đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc y tế của nhóm đối tượng này tăng cao. Ở một số nước phát triển như Đức, Nhật Bản, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người già, họ tiến hành nhập khẩu điều dưỡng từ Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới. Việc đưa vào hoạt động Khoa Lão khoa, bệnh viện mong muốn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người già tại địa phương và những địa bàn lân cận.

Nhằm hạn chế tốc độ già hóa dân số, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Đó là những chính sách như miễn giảm học phí, chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ mua nhà giá rẻ, hỗ trợ thu nhập, việc làm…

Mặt khác, cần cung cấp hệ thống y tế đồng bộ với người cao tuổi thông qua bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện và các kênh bảo hiểm khác. Xây dựng hệ thống lương hưu khoa học, công bằng và đồng bộ. Tăng cường hơn nữa cơ cấu nghề nghiệp cho người cao tuổi, kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp bắt buộc phải đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động. Với những người lao động tự do, cần có giải pháp để họ tham gia bảo hiểm tự nguyện…

Chủ Đề