Đọc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

[PLO]- Ý chí học suốt đời cùng tinh thần hội nhập nhưng không hòa tan là những di sản của Bác Hồ tiếp tục lan tỏa.

Sau nhiều năm nghiên cứu và có những tác phẩm tâm huyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, nhìn nhận: “Tinh thần học tập suốt đời của Người là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo”.

Tự học suốt đời để cống hiến

. Phóng viên: Một số quốc gia trở thành cường quốc nhờ đẩy mạnh phong trào khuyến học. Với khát vọng xây dựng Việt Nam [VN] trở thành nước phát triển vào năm 2045, chúng ta cũng cần khuyến học. Ông có thể chia sẻ về tinh thần học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một di sản cần phát huy?

+ GS-TS Trình Quang Phú: Với những người đã kinh qua kháng chiến như chúng tôi, có nhiều bài học từ chuyện tiết kiệm thời gian, vật chất, cách ăn mặc giản dị và tinh thần học tập miệt mài suốt đời của Bác Hồ.

Học theo gương Bác là tự thấm trong lòng và biến thành những việc làm cụ thể hằng ngày. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Lớp trẻ hiện nay sống trong cơ chế thị trường, tiếp cận nhiều thông tin trên nhiều phương tiện so với chúng tôi trước đây. Nhưng trong lòng các thế hệ người VN và đông đảo bạn bè thế giới, Bác Hồ vẫn là bậc vĩ nhân, một tấm gương cần noi theo trên nhiều phương diện.

Bác học được nhiều thứ tiếng trên thế giới vì xác định đi năm châu để lĩnh hội tinh hoa của nhân loại. Phương tiện đầu tiên phải kể đến là ngoại ngữ. Bác tự học mà sử dụng được rất nhiều thứ tiếng.

Dù rất bận công việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để đọc sách, báo, nghe radio để liên tục tiếp nhận thông tin, kiến thức, mở mang trí tuệ.

. Ông có thể chia sẻ câu chuyện cụ thể về tinh thần học tập của Bác Hồ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông?

+ Chẳng hạn, đến năm 21 tuổi ra đi tìm đường cứu nước, Bác chưa dừng lại ở trường nào đủ lâu để lấy bằng tốt nghiệp. Sau đó, Bác không học trường báo chí nào, vậy mà bằng khát khao học tập, cống hiến cháy bỏng, Bác đã ra báo cách mạng, vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên, vừa là phóng viên, vừa là họa sĩ. Bác viết rất nhiều trên các báo Nga, Đức, Pháp và báo tiếng Việt. Ý chí tự học, năng lực, trình độ học vấn của Người quả thực phi thường.

Đáng nói, Bác học để cống hiến chứ không phải để giành một danh vị trong xã hội.

Đáng nói, Bác học để cống hiến chứ không phải để giành một danh vị trong xã hội.

. Ông đã có một số thành công trên con đường nghiên cứu, sáng tác, kinh doanh với những công việc khá phong phú, thậm chí đối lập nhau. Từng một số lần được gặp Bác Hồ khi còn rất trẻ, ông đã học được gì từ Người?

+ Khi ra Bắc tập kết, một lần tôi nhặt được cây bút đẹp ở trường và trả cho người đánh mất. Trường báo cáo lên Bác và Bác tặng huy hiệu. Từ đó, tôi càng đọc về Bác, học tập và làm theo một cách tự nhiên chứ không phải khẩu hiệu.

Lần đó, tôi được cùng đoàn đại biểu miền Nam ăn cơm với Bác. Khi tôi xới cơm, có một cục nhỏ bằng ngón tay rơi xuống bàn. Bác liền nhặt, bỏ vào bát cơm của mình rồi nói: “Người nông dân làm được hạt gạo phải một nắng hai sương, cực lắm!”. Câu đó theo tôi suốt đời với ý thức cần kiệm. Việc trở thành nhà báo, nhà văn của tôi cũng là cách tự học một phần từ Bác.

29

ngoại ngữ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh học và sử dụng thành thạo. GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, khẳng định con số trên chưa kể tiếng đồng bào dân tộc VN mà Bác sử dụng.

Công dân toàn cầu giữ cốt cách Việt Nam

. Các bạn trẻ đang có xu hướng xây dựng mình thành công dân toàn cầu: Biết nhiều ngoại ngữ, học và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới. Cách đây 100 năm, Bác Hồ đã là công dân toàn cầu, là người của mọi phương trời nhưng vẫn giữ cốt cách VN. Giới trẻ có thể học gì từ điều này?

+ Hiện nay, một số bé mới chừng năm tuổi đã được cha mẹ đưa vào trường quốc tế nhưng sau đó không viết được ngay cả bức thư bằng tiếng Việt. Điều này cần được điều chỉnh.

Văn hóa, lịch sử, tiếng VN phải là máu thịt của mỗi người Việt. Bác Hồ vẫn nói giỏi bao nhiêu ngoại ngữ cũng phải sử dụng thành thạo tiếng nước mình, hiểu và mang văn hóa nước mình.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta càng cần ý thức về điều này. Không có cốt cách, tính dân tộc của người VN thì khi hòa nhập sẽ dễ hòa tan.

Từ năm 1911, Bác đã đi nhiều nơi trên thế giới. Dù ở đâu, Bác vẫn sống trong những thông tin từ VN, viết rất nhiều bài báo mang đầy trăn trở về VN. Bác hòa nhập nhưng không hòa tan. Bác dùng sự hòa nhập, mối quan hệ với các nước để phục vụ dân tộc mình.

Ngày nay, càng hòa nhập chúng ta càng phải giữ vững độc lập, tự chủ, cốt cách VN thì mới thành công.

. Làm thế nào để tấm gương học tập, ý thức hội nhập nhưng vẫn giữ cốt cách VN của Bác ngày một lan tỏa mạnh mẽ?

+ Chúng ta cần làm cho giới trẻ thấy Bác không phải là ông thánh, vĩ nhân chung chung, mà là những điều rất cụ thể, sinh động.

Cần thêm nhiều cuốn sách và sản phẩm trên mọi phương tiện gồm những mẩu chuyện đời thường nhưng giàu ý nghĩa về Bác. Cần thêm những cán bộ làm tuyên huấn giỏi, hiểu về Bác để chia sẻ với cộng đồng. Phong trào học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh đừng khuôn phép, sáo rỗng, mà hãy để mọi người hiểu Bác, tự thấm trong lòng và biến thành những việc làm cụ thể hằng ngày.

Các địa phương cần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh để mọi người hiểu về Bác từ việc lớn đến việc nhỏ. Cách làm lan tỏa tấm gương Hồ Chí Minh cũng tương tự cách đổi mới môn lịch sử mà chúng ta vẫn kêu gọi.

. Xin cám ơn ông.•

Dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm về Bác Hồ

Sinh ra ở Phú Yên, 12 tuổi, GS-TS Trình Quang Phú đã theo cha vào chiến khu, tham gia cách mạng.

Từ cậu bé giao liên thời chống Pháp đến nhà báo trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã học hỏi, phấn đấu trở thành nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, doanh nhân thành đạt. Ông cho ra đời gần 40 cuốn sách có giá trị về đất nước, con người VN. Mảng đề tài quan trọng mà ông dành nhiều tâm sức, thời gian là về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là các tác phẩm Đường Bác Hồ đi cứu nước, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, Người là niềm tin... Trong đó, một số tác phẩm được tái bản hàng chục lần, dịch sang tiếng nước ngoài.

PHẠM CƯỜNG thực hiện

[Thanhuytphcm.vn] - Từ nhiều năm nay, vào tuần đầu tháng 10 hàng năm, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập nhằm “Học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”. Mỗi năm là một chủ đề cụ thể khác nhau.

Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương có thể có chủ đề riêng phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Chẳng hạn, tại TPHCM, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 có chủ đề "Học tập suốt đời - Học tập thông minh để trở thành công dân tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh"…

Đó chính là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII: “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Đó cũng là tinh thần mà Nghị quyết 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã nêu: “Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”; “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”; “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”…

Trong việc học tập suốt đời, chúng ta có một tấm gương tự học vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng điển hình về tự học, tự làm và sáng tạo. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước [năm 1911], Bác đã theo học trường Quốc học Huế và trường Tiểu học Quy Nhơn. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người học ở Trường Đại học Phương Đông [năm 1923], Đại học Quốc tế Lenin [năm 1934], nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề thuộc địa [năm 1937] với luận án về cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á. Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học. Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva vào tháng 8/1935, Bác khai trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học. Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Các câu chuyện về tự học của Bác, học làm bếp, viết báo, rửa ảnh, ngoại ngữ… đều rất thiết thực, sâu sắc và đáng để tất cả chúng ta học tập và noi theo. Chính trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc [năm 1947], Bác đã viết: “Lấy tự học làm cốt”.

Các nhà nghiên cứu đã đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và tự học có mấy điểm chính:

Thứ nhất, học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Người dạy, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi; mọi người đều được học hành, học suốt đời; công nhân và nông dân phải trí thức hóa; dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Người nhấn mạnh, để toàn dân học tập, cho xã hội học tập là phải biến việc học tập thành một phong trào thi đua yêu nước.

Thứ hai, học đi đôi với tự học. Người dạy, không chỉ học ở nhà trường mà trong mọi hoạt động; cán bộ các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ.

Thứ ba, học phải hiểu cho thực chất. Người căn dặn, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Bác chỉ rõ, đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, chứ không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách... Quan điểm xuyên suốt của Bác là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, nếu không có kiến thức thực chất, học mà không hiểu thì không thể làm việc tốt được.

Thứ tư, giúp đỡ nhau, hợp tác nhau trong học tập. Theo Hồ Chí Minh, việc học dù là việc riêng của từng cá nhân nhưng mọi người phải học lẫn nhau và giúp nhau học tập, trở thành một phong trào xã hội rộng rãi. Bác thường bảo, phải học lẫn nhau và học nhân dân; đối với mọi vấn đề, thầy trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì phải thật thà phát biểu.

Thứ năm, học để hành. Đây vừa là mục đích vừa là phương pháp. Tức là học để làm [được] việc và làm [được] việc là để kiểm nghiệm việc đã học như thế nào. Hồ Chí Minh dạy, học để hành, hành để học, học với hành phải đi đôi; học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy. Vậy nên, nếu không tự học, không học suốt đời thì khó có thể có đủ kiến thức để hành.

Thứ sáu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong học tập và tự học. Bác nhắc nhở người cán bộ phải luôn có ý thức học tập thường xuyên hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Người cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng việc học của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, không chỉ thỏa mãn với tri thức có trong sách vở mà còn phải từ thực tế cuộc sống. Bởi có học được từ cuộc sống thì mới thấu hiểu được đời sống của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân tốt nhất…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại khi trên thế giới, giáo dục và đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia.

Tinh thần chung “học suốt đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước ta rất phù hợp với các đề xuất trong tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO: Học để biết [Learning to know], Học để làm [Learning to do], Học để chung sống [Learning to live together] và Học để khẳng định mình, để tồn tại [Learning to be].

Mỗi cán bộ, đảng viên nên đề ra cho mình một lộ trình, một mục tiêu và một phương pháp tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Có tự học suốt đời mới không bị tụt hậu. Có tự học suốt đời mới bắt kịp được sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Có tự học suốt đời mới làm gương cho con em trong gia đình. Có tự học suốt đời mới có thể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Vân Tâm

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề