Doanh nghiệp quân đội cổ phần hóa là gì

CNQP&KT - Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã rất tích cực chỉ đạo việc cổ phần hóa [CPH], thoái vốn tại các doanh nghiệp quân đội [DNQĐ] và đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

NHỮNG KẾT QUẢ BAN ĐẦU

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt 3 đề án tổng thể sắp xếp DNQĐ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1604/TTg-ĐMDN ngày 10/8/2013 [gọi tắt là Đề án 1604] và Văn bản số 25/TTg-ĐMDN ngày 30/3/2015 [gọi tắt là Đề án 25] phê duyệt Đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng; Văn bản số 80/TTg-ĐMDN ngày 4/10/2017 phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ đến năm 2020 [gọi tắt là Đề án 80]. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thực hiện và đã hoàn thành CPH được 32 doanh nghiệp trong tổng số 67 doanh nghiệp và thoái vốn tại 11 công ty cổ phần trong tổng số 23 công ty cổ phần theo kế hoạch. Quá trình thực hiện đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật và giải quyết tốt chế độ chính sách cho người lao động. Sau CPH, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Nhờ tiến hành CPH, tổng số vốn nhà nước đã thoái tại các doanh nghiệp là gần 62 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về là trên 441 tỷ đồng, tương đương 7,13 lần. Theo Đề án 80, Bộ Quốc phòng tiếp tục CPH 29 doanh nghiệp [trong đó có 12 doanh nghiệp vốn nhà nước giữ trên 51%; 17 doanh nghiệp vốn nhà nước giữ dưới 51%] và thoái vốn tại 20 doanh nghiệp [2 công ty cổ phần và 18 doanh nghiệp thực hiện CPH tiếp theo]. Để chuẩn bị cho CPH, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo rà soát việc quản lý và sử dụng đất quốc phòng tại 35 doanh nghiệp [có 6 doanh nghiệp thuộc Đề án 25 và 29 doanh nghiệp thuộc Đề án 80]; đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc diện CPH tiến hành cơ cấu lại, tập trung xử lý tài chính, tinh gọn bộ máy trước khi CPH; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ cho các doanh nghiệp và Bộ Tài chính cấp bổ sung vốn điều lệ… Hiện nay, các doanh nghiệp đang xây dựng phương án sử dụng đất và đã có đề án cơ cấu lại báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Công ty Dệt May 7 [Quân khu 7], là doanh nghiệp quân đội đã cổ phần và thoái vốn trong thời gian qua. Ảnh: HƯƠNG LÊ

Có thể nói, qua thực tế triển khai, công tác CPH, thoái vốn tại các DNQĐ đã tuân thủ đúng quy định của Nhà nước; quá trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đấu giá công khai cổ phần lần đầu đạt kết quả tốt; giải quyết tốt chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp khi CPH. Công tác CPH đã nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị tại doanh nghiệp, đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm, kết quả sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước.

NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Nhìn nhận một cách khách quan, mặc dù đã triển khai quyết liệt nhưng các đề án sắp xếp, đổi mới DNQĐ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số doanh nghiệp thực hiện CPH phải xác định lại giá trị doanh nghiệp do có sự thay đổi quy định, nhất là các quy định về phương án sử dụng đất. Nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp chưa đầy đủ về công tác CPH; chưa quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Khi CPH, do đặc thù DNQĐ có nhiều nhiệm vụ chính trị, hoạt động trước đây không có hiệu quả nên có nhiều công nợ phải xử lý, rất khó khi xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức. Việc xử lý các vướng mắc về tồn đọng tài chính vẫn còn kéo dài...

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành cổ phần hóa được 32/67 doanh nghiệp và thoái vốn tại 11/23 công ty cổ phần theo kế hoạch.

Cùng với đó, quá trình triển khai CPH, thoái vốn tại các DNQĐ nảy sinh nhiều vướng mắc cần giải quyết, nhất là cơ chế quản lý đất quốc phòng. Từ năm 2017 trở về trước, đất quốc phòng làm kinh tế thực hiện theo cơ chế quản lý được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1231/CP-ĐMDN ngày 12/9/2003 và Văn bản số 1869/TTg-KTN ngày 4/11/2008, cho phép các DNQĐ được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng sau CPH và giao Bộ Quốc phòng ký hợp đồng cho thuê đất theo hình thức trả tiền hằng năm. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ, khi thực hiện CPH doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng phải phối hợp với địa phương triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, xử lý nhà, đất, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi ban hành quyết định CPH. Sau khi CPH, thoái vốn sẽ phải bàn giao đất không còn sử dụng cho mục đích quốc phòng về địa phương quản lý, doanh nghiệp nộp tiền thuê đất về ngân sách địa phương. Trước đây, khi thực hiện thoái vốn doanh nghiệp không phải xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, nhưng theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ, khi thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần phải xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê vào giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất quốc phòng cho doanh nghiệp đã CPH thuê.

Tổng công ty Đông Bắc [Bộ Quốc phòng]nằm trong lộ trình là doanh nghiệp quân đội cổ phần hóa. Ảnh: CTV

Mặt khác, tại một số doanh nghiệp có tồn đọng về tài chính, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có chỉ đạo quyết liệt việc cơ cấu lại, xử lý tài chính đối với các doanh nghiệp này nhằm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH. Một số công ty cổ phần hoạt động kém hiệu quả, giá trị cổ phiếu trên thị trường hiện thấp hơn mệnh giá. Nếu thoái vốn thì giá trị thực tế phần vốn nhà nước thu về có khả năng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán, do đó, việc thoái vốn phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay là vấn đề giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp phải CPH. Theo đó, khi triển khai thực hiện các đề án cần phải giải quyết chế độ, chính sách cho khoảng 13.000 quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòngvà cần phải có cơ chế về đảm bảo kinh phí.

GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CỔ PHẦN HÓA VÀ THOÁI VỐN

Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai hoạt động CPH, thoái vốn doanh nghiệp là phải tập trung rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng; đánh giá thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp thuộc diện CPH, thoái vốn; xử lý tốt công tác chính sách bảo đảm ổn định, phát triển; ưu tiên thực hiện CPH doanh nghiệp không phức tạp về đất đai, tài chính.

Theo Đề án 80, Bộ Quốc phòng tiếp tục cổ phần hóa 29 doanh nghiệp [trong đó có 12 doanh nghiệp vốn nhà nước giữ trên 51%; 17 doanh nghiệp vốn nhà nước giữ dưới 51%] và thoái vốn tại 20 doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tăng cường hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp lập phương án sử dụng đất đối với từng doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn. Trên cơ sở đó, báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Tổng Tham mưu xem xét quyết định; làm việc với UBND cấp tỉnh thống nhất phương án sử dụng đất tại doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn. Rà soát và thực hiện thu hồi đất cần cho nhiệm vụ quốc phòng ở các doanh nghiệp CPH, thoái vốn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch, chuyển giao các vị trí đất không còn cần cho quốc phòng về địa phương quản lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cơ cấu lại, xử lý quyết liệt vấn đề tài chính; các doanh nghiệp không xử lý được tài chính báo cáo chuyển hình thức sắp xếp khác. Thanh tra, điều tra đối với các trường hợp vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước; kiên quyết xử lý trách nhiệm, đề nghị xử lý hình sự đối với các đối tượng cố tình không khắc phục hậu quả nhằm thu hồi vốn và tài sản cho Nhà nước, Quân đội. Báo cáo cấp có thẩm quyền thực trạng các vướng mắc trong xử lý tài chính tại doanh nghiệp; đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để xử lý tồn đọng; kiên quyết thực hiện thoái vốn [trường hợp thấp hơn giá trị đầu tư, trước khi quyết định phương án chuyển nhượng vốn sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền nguyên nhân để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân]. Giải quyết tốt chế độ, chính sách cho quân nhân, người lao động theo Thông tư số 139/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng; điều động sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ có chất lượng từ các doanh nghiệp CPH, thoái vốn về các đơn vị dự toán; báo cáo Chính phủ nguồn kinh phí để giải quyết. Cùng với đó, cấp ủy, người chỉ huy cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ đến năm 2020; Kết luận chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương tại Thông báo số 846-TB/VPQU ngày 12/8/2019, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo và người lao động tại doanh nghiệp. Nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác CPH, thoái vốn, gắn kết quả thực hiện với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai CPH, thoái vốn. Rà soát báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất; chủ động làm việc với các địa phương phê duyệt phương án sử dụng đất [đối với diện tích không phải đất quốc phòng]. Thực hiện cơ cấu lại, xử lý tài chính, chuẩn bị tốt mọi mặt cho công tác CPH...

Với những kết quả bước đầu đạt được trong CPH, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cũng như xác định được những tồn tại, vướng mắc để tháo gỡ, hy vọng trong thời gian tới, hoạt động này sẽ được triển khai nhanh và quyết liệt nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Chủ Đề