Địa danh được gọi là Thủ đô Khu giải phóng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 năm 1945

Võ Nguyên Giáp với “Thủ đô“ của khu giải phóng

Về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài 30 năm [1945-1975] của nhân dân Việt Nam, Chủ bút tờ Tuần tin tức [Mỹ] - William Browler cho rằng: Cuộc chiến này bắt đầu từ Tân Trào - Đại bản doanh của Hồ Chí Minh! Quả thật, W. Browler đã có lý khi đưa ra nhận xét như vậy. Vào hè - thu năm 1945, Tân Trào được chọn làm “đại bản doanh” của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và Võ Nguyên Giáp là một trong những người để lại nhiều dấu ấn tại “Thủ đô” của Khu giải phóng đó.

Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh ở Hà Nội, ngày 26/8/1945, sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Tư liệu
Tân Trào - vùng đất địa linh, trước Cách mạng Tháng Tám vốn mang tên là Kim Lung [người dân địa phương quen gọi là Kim Lộng], bao gồm bốn làng: Lúng Búng, Đồng Cầy, Đồng Tâm và Làng Cả. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kim Lung được đổi tên thành Tân Trào [xã có phong trào mới]. Đối với Việt Minh thì: Kim Lung cảnh đẹp như tiên. Ai mà đến đó thì quên đường về. Với kẻ địch: Kim Lung đất hiểm tứ bề. Kẻ nào muốn chết thì về Kim Lung!
Đầu tháng 5/1945, sau khi dự Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, Võ Nguyên Giáp tức tốc trở lại Chợ Chu để chuẩn bị cho việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Giữa lúc đang suy tư, trăn trở với trọng trách mới thì được tin của Liên Tỉnh ủy cho biết, Hồ Chí Minh vừa từ nước ngoài trở lại Pác Bó và đã lên đường về xuôi, Võ Nguyên Giáp lên đón Bác. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác Hồ đã chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp nội dung là phải chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng -Thái - Tuyên một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra cả nước ngoài.
Vâng lệnh Cụ Hồ, trở lại Kim Quan Thượng, với nhãn quan quân sự sắc sảo, Võ Nguyên Giáp nhận thấy trong vùng rừng núi Việt Bắc trùng điệp ấy Tân Trào là nơi đáp ứng được các yêu cầu mà Bác đặt ra. Đây là một địa bàn hiểm trở, xa quốc lộ, bảo đảm “tiến có thể công, thoái có thể thủ”, lại có cơ sở chính trị tốt, nhất là từ sau cuộc Khởi nghĩa Thanh La, nơi đây đã được xây dựng thành khu tự do. Trong con mắt của nhà quân sự này thì Tân Trào hội đủ các yếu tố “nhân sơn, nhân hải” để có thể xây dựng thành “đại bản doanh” cho Bác và Trung ương chỉ đạo Cách mạng. Sau khi trao đổi, bàn bạc với các ông Song Hào, Tạ Xuân Thu, Lê Trung Đình... về ý định của mình và cùng nhau xây dựng các phương án bảo vệ, Võ Nguyên Giáp đón Bác cùng đoàn tùy tùng về Tân Trào.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, ngày 15/5, tại Định Biên Thượng [Chợ Chu, Thái Nguyên] Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân - lực lượng bộ đội chủ lực đầu tiên của cả nước. Việt Nam Giải phóng quân được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền bắc đứng đầu là Võ Nguyên Giáp cùng với Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh. Các tổ chức vũ trang trong cả nước cũng được thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Ngày 4/6/1945, tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ đầu tiên của Đảng. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, đồng thời giao cho Võ Nguyên Giáp làm Thường trực Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, phụ trách vấn đề quân sự.

Trong quá trình tập trung chỉ đạo chỉnh đốn, phát triển lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Võ Nguyên Giáp đặc biệt coi trọng hai vấn đề then chốt nhất mà ông cho rằng sẽ quyết định sức mạnh và sự trưởng thành của Việt Nam Giải phóng quân: 1. Thiết lập hệ thống tổ chức Đảng và công tác chính trị trong Việt Nam Giải phóng quân. 2. Đào tạo đội ngũ cán bộ. Dưới bàn tay “đạo diễn” của Võ Nguyên Giáp và sự giúp sức của ông Mười Khang [tức Hoàng Văn Thái], Trường Quân chính Kháng Nhật - ngôi trường đào tạo cán bộ đầu tiên của Quân đội Cách mạng Việt Nam đã được mở ngay tại Tân Trào. Chỉ trong một thời gian ngắn, với hai khóa đào tạo, Trường Quân chính Kháng Nhật đã cho “ra lò” hàng chục cán bộ nòng cốt chỉ huy các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân trong cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ngay sau đó.
Hè - thu năm 1945 là quãng thời gian cực kỳ nóng bỏng và sôi động của cách mạng Việt Nam. Nhận rõ vị trí, vai trò quan trọng của “đại bản doanh” Tân Trào cũng như căn cứ địa Việt Bắc đối với cách mạng Việt Nam, quân Nhật liên tục tổ chức các cuộc tuần tiễu, càn quét vào những địa bàn hiểm yếu của Khu giải phóng. Hạ tuần tháng 6, chúng còn triển khai lực lượng chuẩn bị tiến công thẳng vào Tân Trào. Lúc bấy giờ, cũng có ý kiến cho rằng không nên đối đầu với quân Nhật vì trước đó Nhật đã đảo chính Pháp.

Tuy nhiên, Võ Nguyên Giáp đã kiên quyết phản bác ý kiến đó. Một mặt, ông lệnh cho chi đội Giải phóng quân bảo vệ căn cứ tức tốc triển khai lực lượng tại khu vực đèo Chắn trên con đường huyết mạch dẫn vào Tân Trào, kiên quyết không cho địch lọt qua; mặt khác, ông chỉ đạo các địa phương trên địa bàn thực hiện “vườn không, nhà trống”, sơ tán dân vào sâu trong rừng. Nhờ sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và sắc sảo đó mà chi đội Việt Nam Giải phóng quân đã chặn đứng được cuộc tiến công, phá tan âm mưu của địch nhằm xóa sổ “đại bản doanh” của cách mạng.
Trung tuần tháng 7/1945, thực hiện thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Mỹ ở Côn Minh, đội Con Nai [gồm một số sĩ quan tình báo và kỹ thuật Mỹ] dưới danh nghĩa quân Đồng Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào, phối hợp cùng Việt Minh đánh quân Nhật và giúp huấn luyện một số môn kỹ thuật cho Việt Nam giải phóng quân.

Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ tin tưởng giao trực tiếp chỉ đạo hoạt động phối hợp với lực lượng này. Với trọng trách được giao, Võ Nguyên Giáp luôn biết đề cao nguyên tắc bảo mật lên trên hết, hợp tác và biết tận dụng đối đa mọi sự giúp đỡ cũng như kỹ năng của những sĩ quan Mỹ. Ông luôn nhắc những cán bộ được tiếp xúc, làm việc với những người bạn phương Tây đang cùng ta hợp tác đánh Nhật phải có thái độ đúng mực, thể hiện văn hóa của một quân đội cách mạng. Những chỉ đạo sắc sảo của Võ Nguyên Giáp góp phần tạo cơ sở nền móng cho hoạt động đối ngoại quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam về sau này.
Trong suốt thời gian Hồ Chí Minh ở Tân Trào, Võ Nguyên Giáp thường xuyên qua lại lán Nà Nưa để báo cáo tình hình và trực tiếp lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Người. Cuối tháng 7/1945, Bác Hồ trải qua một trận ốm nặng. Cơn sốt rét ác tính ập đến đe dọa sức khỏe và tính mạng của Người trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” càng làm cho Võ Nguyên Giáp và mọi người hết sức lo lắng, chạy đôn đáo tìm thầy, tìm thuốc.

Trong những ngày này, Võ Nguyên Giáp luôn có mặt bên Bác, thậm chí có đêm còn ngủ lại ở lán Nà Nưa. Nhờ vào bài thuốc gia truyền của một ông lang người dân tộc mà Bác đã vượt qua được trận sốt ác tính nguy kịch. Vừa tỉnh lại sau một cơn mê sảng, Hồ Chí Minh đã căn dặn Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - một câu nói đã đi vào lịch sử dân tộc.
Tình hình trong nước cũng như thế giới những ngày đầu tháng 8/1945 biến đổi hết sức mau lẹ. Trong bối cảnh đó, vâng lệnh Cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc gửi đi các địa phương thúc giục các đại biểu khẩn trương về dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào. Tại Hội nghị này, Võ Nguyên Giáp là một trong bốn ủy viên được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 15/8, sau khi được tin Nhật hoàng đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng, Hội nghị đã quyết định lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam do Võ Nguyên Giáp đứng đầu.

Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã thông qua bản Quân lệnh số 1 phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Hội nghị Toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì ngày 16/8, Đại hội Quốc dân khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội đã lập ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam.
Ngay trong buổi chiều 16/8, bên gốc đa Tân Trào, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, Võ Nguyên Giáp trịnh trọng đọc bản Quân lệnh số 1, giao nhiệm vụ cho Chi đội Việt Nam Giải phóng quân. Đồng thời, ông cũng tạm chia tay Tân Trào, cùng một chi đội Việt Nam Giải phóng quân tiến về giải phóng Thái Nguyên.
Chỉ còn có mấy ngày nữa là bước vào tuổi 34, Võ Nguyên Giáp đâu ngờ rằng cái ngày 16/8 tạm chia tay “Thủ đô” của Khu Giải phóng đầy ắp kỷ niệm và để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ ấy lại là sự khởi đầu cho một cuộc trường chinh không mong muốn kéo dài ngót một phần ba thế kỷ.
Nguồn: nhandan.com.vn

Tân Trào, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử trọng đại của dân tộc

Cập nhật lúc: 04:39, 19/08/2021 [GMT+7]
Khu căn cứ cách mạng Tân Trào từng là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng rất anh dũng của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 5/2012.
Đoàn khách cựu chiến binh Hà Nội dâng hương tại nhà tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. [Nguồn: Bảo tàng Tuyên Quang]
Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Sơn Dương, phía Đông huyện Yên Sơn thuộc tỉnh Tuyên Quang, Tân Trào là tên gọi chung của cả khu căn cứ cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Đây là một vùng đất rộng lớn có địa hình đồi núi đa dạng, trùng điệp và khá hiểm trở. Sinh sống lâu đời ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí sống quần tụ bên nhau trong các thung lũng, ven sông, suối và trên các triền núi
Khu căn cứ có tổng diện tích tự nhiên trên 530 km2. Xung quanh khu căn cứ có nhiều dãy núi cao bao bọc và được che phủ dưới tán rừng già, rậm rạp, lại có sông, suối, chảy qua. Trên núi có nhiều hang, động có sức chứa vài chục đến vài trăm người, rất thuận lợi cho việc chiến tranh du kích, xây dựng phát triển lực lượng và cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm, nhằm bảo toàn lực lượng, đảm bảo cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã sớm nhìn thấy thế mạnh “nhân hòa, địa lợi” ở đây nên đã chọn vùng này làm căn cứ địa chủ yếu trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.[1]
* * *
Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là nơi có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam. Là căn cứ địa cách mạng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Đây cũng là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược [1947 - 1954], nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận ở, làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngược dòng lịch sử về lại nơi đây trong những ngày đầu tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Pác Bó [Cao Bằng]. Hội nghị đã quyết định những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam và có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Việt Bắc. Đặc biệt là khu cách mạng Tân Trào đã trở thành căn cứ địa vững chắc, đây cũng chính là nhân tố quyết định để Bác Hồ dời căn cứ Pác Bó ề Tân Trào [Tuyên Quang] tiếp tục chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 4/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó tới trưa ngày 21/5/1945 đến Tân Trào, Bác dừng chân nghỉ tại đình Hồng Thái, rồi vào ở tạm với gia đình ông Nguyễn Tiến Sự [Chủ nhiệm Việt Minh của làng Kim Long] tại làng Kim Long. Sau đó, để đảm bảo an toàn, bí mật Bác chuyển lên ở và làm việc tại một căn lán nhỏ trên rừng Nà Lừa [lán Nà Lừa].
Ngày 4/6/1945, chấp hành chỉ thị của Bác và Tổng bộ Việt Minh, Hội nghị cán bộ toàn Khu được tổ chức. Hội nghị quyết định thành lập Khu giải phóng, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, Tân Trào là Thủ đô lâm thời khu giải phóng. Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc tại một căn lán làm tạm trên rừng Nà Lừa với gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, các chiến khu. Sau khi phân tích, bàn bạc, Hội nghị đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến...” và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra bản Quân lệnh số I, hạ lệnh tổng khởi nghĩa.
Tại cây đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa đọc Bản Quân lệnh số I làm lễ xuất quân Nam tiến, đây là lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam [Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân]. Cùng ngày, Quốc dân Đại hội cũng được tổ chức, khai mạc tại đình Tân Trào, thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước. Từ đây lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong cả nước, tỉnh Tuyên Quang là địa phương khởi nghĩa vũ trang và được giải phóng sớm nhất trong cả nước [ngày 17/ 8/1945].
Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập, hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/946, đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam lại nhất tề đứng lên đánh giặc, với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Đầu năm 1947, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bộ, ban, ngành dời Thủ đô Hà Nội trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu căn cứ cách mạng Tân Trào một lần nữa trở thành căn cứ địa chủ yếu của cả nước, được chọn làm “Trung tâm Thủ đô kháng chiến” lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.[2]
Khu căn cứ cách mạng Tân Trào “Thủ đô Khu giải phóng, Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”, đã được công nhận là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào với 177 di tích [18 di tích, cụm di tích là Di tích lịch sử quốc gia, và 30 Di tích lịch sử cấp tỉnh]. Nơi đây có những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử Việt Nam như: lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lấu, Vực Hồ, Thác Dẫng, ATK Kim Quan,...
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào hiện nay do Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang trực tiếp quản lý, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị. Nơi đây là một trong những địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng và điểm du lịch văn hóa, sinh thái đầy ấn tượng của vùng Việt Bắc. Du khách khi tới đây, sau khi dâng hoa tại lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc [từ tháng 6/1945 đến tháng 8/1945], sẽ được các cô thuyết minh viên “sơn nữ” duyên dáng trong trang phục truyền thống dân tộc giới thiệu và hướng dẫn tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng. Theo ông Lý Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang, hàng năm khu di tích đón trên 80.000 lượt khách đến tham quan. Đặc biệt, trong đó có nhiều đoàn là đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ, các đoàn khách ngoại giao quốc tế, các tỉnh, thành trong nước đến tham quan. Ngoài hoạt động đón tiếp phục vụ khách tham quan, ở đây còn tổ chức một số hoạt động sự kiện, giáo dục truyền thống như kết nạp Đảng, Đoàn, Đội cho các cơ quan, trường học trong tỉnh. Tổ chức các tua du lịch trải nghiệm như đi mảng [bè] trên sông, suối, tham quan làng bản, thưởng thức ẩm thực dân tộc, hát then,... khi khách có nhu cầu.
[1], [2] trong bài có tham khảo tư liệu của đồng nghiệp Bảo tàng Tuyên Quang cung cấp
ĐOÀN BÍCH NGỌ

Video liên quan

Chủ Đề