Đề ra các giải pháp cho việc học tập hiệu quả trong thực tế sinh viên hiện nay

Trong xã hội ngày nay, sự học ngày càng được coi trọng. Chúng ta học kiến thức chuyên môn. Chúng ta học kỹ năng 4.0. Chúng ta còn học để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”. Có rất nhiều thứ cần để học. Vậy làm sao để học hiệu quả?

Không có bất kì một cách tiếp cận học tập nào có thể phù hợp hết tất cả mọi người. Mỗi người chúng ta đều có những khả năng khác nhau, vì vậy phương pháp học tập nên được thiết kế riêng biệt cho từng cá nhân để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Bài viết này sẽ giúp các bạn thiết kế phương pháp học phù hợp cho riêng mình. 
1. Sắp xếp công việc hợp lý Quyển sổ ghi những bài tập, công việc cần làm không bao giờ là thừa thãi. Nó sẽ là người nhắc nhở giúp bạn đảm bảo rằng không có bất kỳ một việc quan trọng nào bị lãng quên. Bạn hãy viết ra giấy và phân loại, sắp xếp công việc dựa vào thời gian dành cho nó. Việc viết ra giấy bạn có thể giảm tải cho não rất nhiều. Bạn có thể đánh số từng công việc theo thứ tự thực hiện công việc. Hoặc bạn cũng có thể chia công việc theo độ lớn và thời gian giải quyết công việc từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn. Và nên nhớ, hãy đặt deadline cho mỗi công việc trên và thực hiện đúng theo kế hoạch mà bạn đặt ra. 

2. Luôn tập trung trong lớp học

Điều quan trọng là phải tập trung khi nghe giáo viên nói. Thực hành lắng nghe tích cực bằng cách tập trung vào những gì được nói và ghi vào vở bằng lời của bạn. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn nghe [và hiểu] những gì đang được dạy trong lớp. Điều này rất quan trọng nhất là đối với các lớp học online. Việc không thể tương tác ngoài đời thật là một rào cản. Vậy nên bạn cần dồn 100% công lực vào lắng nghe những điều thầy cô giảng giải.

3. Chủ động tránh những sự phiền nhiễu

Sự phiền nhiễu ở khắp mọi nơi, từ điện thoại di động, phương tiện truyền thông xã hội đến bạn bè. Hãy nhận biết những gì làm bạn mất tập trung trong lớp và biết cách tránh xa những phiền nhiễu này. Tránh ngồi cạnh bạn bè nếu bạn biết họ sẽ làm bạn mất tập trung. Tắt điện thoại di động của bạn cũng sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang chú ý đến giáo viên của mình. Đó là những thứ gây phiền toái nhất, nguy hiểm nhất. Chúng giết chết sự tập trung của các bạn. Có những người làm việc 8 tiếng – 10 tiếng đồng hồ trong 1 ngày nhưng vẫn cảm thấy không đủ thời gian. Chính là vì họ bị chi phối quá nhiều bởi chat facebook, nghe nhạc,…

4. Ghi chú cẩn thận và đầy đủ

Viết ghi chú rõ ràng và đầy đủ trong lớp sẽ giúp bạn xử lý và phân loại thông tin bạn đang học. Những dòng ghi chú này sẽ là tài liệu cho bạn xem lại vài phút trước giờ kiểm tra. Bạn nên nói chuyện với giáo viên hoặc bạn bè nếu bạn đã bỏ lỡ một lớp học hay chưa nghe rõ để đảm bảo ghi chú của bạn được hoàn thiện nhất có thể. Não bộ chỉ có thể vận hành tốt trong 45 phút đầu tiên. Vậy nếu bạn không ghi chép cẩn thận, bạn sẽ không có cơ hội để ôn tập lại lần nữa. Ngoài ra, trong những lớp học online khi mà không ai theo dõi hay kiểm soát được thông tin bạn tiếp nhận thì bạn phải là người chủ động lưu giữa và kết nối mình với những thông tin thầy cô truyền tải đó. Có vậy, việc học mới hiệu quả được.

5. Đặt câu hỏi nếu bạn không hiểu

Hãy giơ tay và đặt câu hỏi nếu bạn không hiểu điều gì đó. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi hỏi trước mặt mọi người. Hãy đặt một lời nhắc trên điện thoại để nói chuyện với giáo viên sau giờ học.  Đây là điều rất cần thiết. Bởi đặt câu hỏi cho giáo viên đồng nghĩa với việc não bộ của bạn sẽ có cơ hội rà soát lại một lần và phát hiện lỗ hổng kiến thức. Và bạn đang thực hiện quá trình học hai chiều. Việc lấp đầy lỗ hổng đó ngay lập tức sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan vào hệ thống kiến thức và lưu trữ nó lâu hơn việc tiếp nhận một chiều.

6. Lập chiến lược học tập

Nhìn vào sổ kế hoạch của bạn và suy nghĩ về những gì bạn cần phải hoàn thành, để tạo chiến lược học tập hiệu quả. Hãy suy nghĩ về các loại câu hỏi sẽ có trong bài kiểm tra và các chủ đề sẽ được đề cập đến trong tiết học để biết bạn nên tập trung vào điều gì và đặt mục tiêu cụ thể cho mỗi buổi học để đến cuối buổi bạn sẽ biết bao nhiêu phần trăm bạn đã hoàn thành.

7. Xem lại những ghi chú trong lớp mỗi buổi chiều

Sau giờ học, việc xem lại và mở rộng các ghi chú trong lớp là điều tất yếu. Xem lại các ghi chú giúp bạn chuyển các tài liệu học được từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn. Điều này sẽ rất giúp ích cho lần tới khi bạn có một bài kiểm tra lớn. Hoặc chỉ đơn thuần là giúp bạn lưu giữ lâu hơn các kiến thức đã học. Hãy cố gắng biến nó thành thói quen của mình. Đừng để sự trì hoãn làm bạn thiếu chủ động trong tiếp nhận kiến thức.

8. Nói chuyện với giáo viên

Giáo viên luôn sẵn sàng để giúp bạn phát triển bản thân. Hãy thoải mái nói chuyện với giáo viên và yêu cầu hiểu rõ hơn về bài học. Chủ động yêu cầu được giúp đỡ với giáo viên là một việc khôn ngoan. Họ sẽ hiểu bạn là cô/cậu học trò như thế nào? Cách tiếp thu nhanh hay chậm? Tư duy cố định hay cầu tiến? Từ đó họ sẽ có những cách giúp bạn tiếp cận kiến thức và hòa nhập vào cuộc sống học đường tốt hơn.
9. Học tập trong thời gian ngắn Cứ sau 30 phút học, hãy nghỉ khoảng 10-15 phút để nạp lại năng lượng. Các buổi học ngắn sẽ có hiệu quả hơn và giúp bạn tận dụng tối đa thời gian học. Như đã nói ở trên, não bộ chỉ có thể tiếp thu kiến thức hiệu quả trong 45 phút đầu tiên. Vậy nên việc kết hợp hợp lý giữa nghỉ và học sẽ giúp cân bằng hoạt động của não bộ, giúp nó hoạt động tốt hơn.

10. Tham gia nhóm học tập

Khi học cùng nhau, bạn sẽ học nhanh hơn. Ví dụ như một số phần quyển sách có thể gây khó hiểu cho bạn, nhưng đối với thành viên khác thì không. Trong một nhóm học, thay vì phải dành thời gian quý báu để giải quyết khó khăn, thì bạn có thể học nhanh chóng bằng việc đặt câu hỏi với các thành viên còn lại. Hơn nữa, bạn có thể giúp các thành viên còn lại khi họ không hiểu vấn đề gì đó mà đó là vấn đề mà bạn biết. Hãy cố gắng tạo nên các cuộc tranh luận trong nhóm vì đó là cách nhanh nhất và tốt nhất để chúng ta bóc tách vấn đề và làm nó sáng tỏ hơn.

Nguồn: leadthechange.asia

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19

[ĐCSVN] - Dịch bệnh gây thảm họa cho con người, đồng thời là phép thử không phải cho nền kinh tế mà cho chính mỗi tổ chức, mỗi cá nhân... về sự bền bỉ, ý chí, lòng quyết tâm và sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, để vừa đảm bảo công việc, cuộc sống… diễn ra bình thường song năng động hơn, tích cực hơn.

Ảnh minh họa. [Nguồn: trian.vn].

Cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới cho sự phát triển trong bối cảnh mới

Đại dịch COVID-19 với các biến thể mới đã và đang làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân, sức khỏe nền kinh tế và còn nhiều diễn biến khó lường. Với loại dịch bệnh này, virus có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ ai không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần, nghề nghiệp... Sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung là rất đáng quan ngại, thậm chí nó thúc ép các quốc gia, các tổ chức cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới cho sự phát triển trong bối cảnh mới.

Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội và mang tính khách quan. Không thể nói vì dịch bệnh mà hãy ngừng tác động. Sự tác động ấy như một dòng chảy liên tục, không thể gián đoạn ở bất cứ quốc gia nào, trừ khi quốc gia đó quá nghèo, không thể đủ năng lực tiếp cận sự tiến bộ của khoa học - công nghệ diễn ra và phát triển từng ngày, từng giờ.

Nếu không có đại dịch COVID-19, các quốc gia chỉ phải chăm lo vào chiến lược phát triển của mình trong điều kiện Cách mạng 4.0 và các mối quan hệ quốc tế cần giải quyết. Hai năm nay, dịch bệnh đã làm thế giới thay đổi và những thay đổi đó đang định hình lại tương lai của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi con người bởi những phương pháp phát triển truyền thống có thể không còn phù hợp, rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Đất nước không thể không phát triển, dịch bệnh không thể không đẩy lùi. Vì tương lai đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức... cần xác định lại vị trí của mình trong bối cảnh mới, trong điều kiện phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra. Hội Khuyến học Việt Nam cũng cần kịp thời nhận thức đúng nhiệm vụ của mình trong tình hình đó, trước tiên cần đào sâu tìm các phương pháp mới trong thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao thông qua 02 đề án “Công dân học tập” và “Mô hình: gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập”. Chi phối sự thành công của các mô hình chính là các công dân học tập – vừa là mấu chốt, vừa là nền tảng của xã hội học tập mà chúng ta đang xây dựng.

Công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản

Công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản, đó là: Năng lực tự học, học suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.

Điều đầu tiên đặt ra đối với các “Công dân học tập” thời kỳ dịch bệnh là các công dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Trước tiên, để thực hiện “Mục tiêu kép”, mỗi người cần chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế. Mỗi người được an toàn trong mùa dịch là cả gia đình an toàn, cộng đồng an toàn và đất nước an toàn. Mỗi quốc gia an toàn là thế giới an toàn. Đó là trách nhiệm công dân của mỗi người.

Sự thành công trong phòng, chống dịch bệnh thời gian vừa qua là do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết nhất trí từ trên xuống dưới, cộng với sự đồng lòng, ủng hộ, tin tưởng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi công dân đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đóng góp tiền của, sức lực, tinh thần... cho người nghèo thời dịch bệnh. Những tấm gương nơi tuyến đầu chống dịch của các bác sỹ, cán bộ ngành Y, của các em sinh viên ngành Y, dược, những cụ già, em nhỏ dành phần tiền ít ỏi của mình cho chống dịch... đã thắp sáng thêm truyền thống nhân ái của đất nước Việt Nam anh hùng. Họ là những công dân Việt Nam đã thể hiện tốt tinh thần công dân của mình, điều đó đã khơi dậy niềm tin yêu, hy vọng là đất nước sẽ đạt được mục tiêu kép như kế hoạch đã đề ra.

Song, trách nhiệm công dân, tinh thần công dân chỉ được nhân lên khi mỗi người cần có quyết tâm cao độ trong việc bồi đắp, tiếp nhận các thông tin cần thiết hàng ngày về cách phòng, chống dịch bệnh, cách áp dụng những kinh nghiệm và chia sẻ thông tin phòng, chống dịch hiệu quả, những kiến thức khoa học thường thức, khoa học kỹ thuật để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo đời sống và phát triển kinh tế trong thời dịch bệnh. Học tập thường xuyên bằng phương pháp học trực tuyến là phương pháp học hiệu quả, phổ biến và mang tính văn minh nhất hiện nay.

Muốn thành công thì các điều kiện cho việc học phải được đảm bảo tương đối đầy đủ

Thực tế vừa qua cho thấy: Phương pháp học truyền thống: Thầy – trò, Trường – lớp trực tiếp tương tác đã không thể đáp ứng nhu cầu học tập an toàn trong mùa dịch, nếu tất cả mọi người đều đến cơ quan làm việc là không chấp hành chủ trương giãn cách xã hội.... Và tất cả buộc phải học và làm việc trực tuyến, tuy lúc đầu khó khăn nhưng chúng ta cũng đã thành công bước đầu và việc học trực tuyến đã trở thành thói quen. Do đó nhân đợt dịch này, mỗi nhà trường, mỗi tổ chức nên nhìn nhận lại công nghệ tổ chức, công nghệ dạy học, công nghệ vận hành của tổ chức mình vừa qua để định hình lại các công việc cho phù hợp với điều kiện mới. Dịch bệnh gây thảm họa cho con người, đồng thời là phép thử không phải cho nền kinh tế mà cho chính mỗi tổ chức, mỗi cá nhân... về sự bền bỉ, ý chí, lòng quyết tâm và sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, để vừa đảm bảo công việc, cuộc sống… diễn ra bình thường song năng động hơn, tích cực hơn.

Nhìn lại gần 2 năm chống dịch thì thấy rõ điều đó. Chuyển biển rõ nhất là phương pháp học tập từ học sinh tiểu học đến sinh viên đại học, từ người nông dân đến cán bộ cao cấp: Điều hành trực tuyến, họp trực tuyến vượt biên giới, học trực tuyến đã thành phương pháp bắt buộc, phổ biến.... Phương pháp này đã mang lại giá trị kinh tế lớn, giảm chi phi đi lại, ăn ở... mà mọi quyết định vẫn được đưa ra và thực hiện một cách hiệu quả, mọi người lại thoải mái hơn khi được học và làm việc ở nhà... Song học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi mỗi người cần trau dồi và rèn luyện kỹ năng TỰ HỌC – kỹ năng quan trọng nhất và là năng lực đầu tiên bắt buộc phải có đối với mỗi “Công dân học tập” thời kỳ 4.0, và nó lại càng quan trọng hơn khi dịch bệnh kéo dài, không biết bao giờ chấm dứt. Tất nhiên muốn thành công thì các điều kiện cho việc học này phải được đảm bảo tương đối đầy đủ.

Như vậy cùng với trách nhiệm công dân, tinh thần công dân như phân tích ở trên [thuộc nhóm năng lực thứ 3] thì năng lực tự học của công dân cần được nhấn mạnh và đề cao trong thời điểm dịch bệnh này.

Để đáp ứng yêu cầu của phương pháp học online có hiệu quả, mọi công dân [người học] cần sử dụng thành thạo một số chức năng của điện thoại thông minh, hoặc máy vi tính và máy tính bảng để vào được chương trình, gọi được đúng tên chương trình và có thể tương tác [đối thoại] được với giáo viên [đối với các chương trình cần giáo viên]. Cần tạo cảm giác thật thoải mái, chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ học tập: Bút, giấy… vì nếu học online mà chỉ như xem phim và đọc truyện thì rất lãng phí thời gian, không hiệu quả. Cần chọn cho mình một vị trí thích hợp để bắt đầu giờ học. Nếu được một vị trí yên tĩnh, sáng, thoáng mát thì tốt nhất và là điều kiện tốt nhất để tiếp thu kiến thức.

Trong khi học online hoặc tự học các chương trình khác bằng các thiết bị điện tử, điều quan trọng nhất là phải có kỹ năng đọc nhanh. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì đây là kỹ năng quan trọng để tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Đối tượng này đã có trình độ chuyên môn, họ có khả năng đọc lướt để tìm kiếm kiến thức cần cho chuyên môn của mình và dừng lại đó để đào sâu hơn, dùng khả năng ghi chép để ghi lại những dữ liệu quý, những thông tin quý báu cho chuyên môn của mình. Kinh nghiệm cho thấy việc ghi chép sẽ giúp cho mình nhớ lâu hơn và nếu muốn xem lại, sẽ rất tiện lợi. Điều này rất phù hợp với người cao tuổi khi tự học bằng mọi hình thức. Người cao tuổi đã có thời gian công tác lâu dài thì điều này càng có ý nghĩa khi đọc kiến thức trên máy, ghi chép những điều cần thiết và liên hệ lại với những kiến thức mình đã vận dụng vào công việc trước đây, sẽ thấy sự thay đổi về tư duy, về phương pháp và về cả nội dung mới phong phú hơn, hiệu quả hơn. Đôi khi điều đó sẽ kích thích họ muốn làm việc, muốn khởi nghiệp, muốn học tiếp.

Trong thời dịch bệnh, nhất là hiện nay, ai cũng có thời gian làm việc ở nhà nhiều hơn. Do đó cần phải có thói quen học tập, đọc sách mỗi ngày. Phải coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Thay vì vào mạng, đi lang thang để tìm tin “hot” thì hãy tiếp tục học tập các chương trình phù hợp, cần thiết cho cuộc sống, công việc trên mạng [ví dụ: rèn luyện sức khỏe đối với mọi đối tượng đều cần thiết mà trên mạng thì có bao nhiêu chương trình bổ ích phục vụ đề tài này]. Khi có thói quen học, đọc mỗi ngày, ta sẽ thấy mệt mỏi khi có ngày không được học, không được đọc. Lúc đó cơ thể cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Do đó thói quen học tập thường xuyên như là liều thuốc bổ cho trí não. Học tập thường xuyên hàng ngày chính là phương pháp tốt rèn luyện não bộ. Khi kiến thức được dung nạp, tư duy, sáng tạo sẽ phát triển và người học sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân mình trong công việc, trong cuộc sống. Từ những kiến thức đã học được, chúng ta sẽ cải thiện được cuộc sống của chính mình và tốt hơn nữa nếu chúng ta biết chia sẻ được những điều mình học cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Điều này hết sức cần thiết trong việc phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm trong phòng, chống dịch hiệu quả hiện nay [bản thân tôi cũng được nhiều bạn bè chia sẻ những bài thuốc dân gian hay, hiệu quả ngoài 5K do Bộ Y tế đưa ra].

Như vậy, COVID-19 đã buộc mỗi công dân phải định hình lại cách tự rèn luyện mình, cuộc sống và công việc của mình cho phù hợp với xu hướng mới. Với xu hướng mới này, dù trong tình huống nào mỗi người vẫn phải sống khỏe mạnh, phải học, phải phấn đấu để mọi việc đều ổn định và phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới: cả thế giới chống dịch, cả đất nước chống dịch, nhà nhà chống dịch, người người chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.

Nói tóm lại, dù bất cứ hoàn cảnh nào, qua sự phân tích ở trên, mỗi công dân học tập đều phải thể hiện được cả 3 năng lực cốt lõi. Khi sử dụng tốt cả 3 năng lực này, chúng ta sẽ được lắng nghe và thấu hiểu một cách sâu sắc, hiệu quả những diễn biến của cuộc sống hàng ngày, luôn tạo được sự tương tác và cảm nhận của cộng đồng. Khi đó ta sẽ thấy mình luôn tìm được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp có chuyên môn tốt hơn thông qua các bài viết được đăng tải trên mạng và đối thoại trực tiếp. Chúng ta sẽ được hoàn thiện hơn, cuộc sống vui hơn, thoải mái hơn, thành công hơn./.

GS.TS Nguyễn Thị Doan
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

TIN LIÊN QUAN

  • Khung hình phạt hành vi lừa đảo góp vốn thành lập ngân hàng?
  • Hoàn thành dự án đường Vành đai 4 trước năm 2025
  • Ca khúc chính thức của SEA Games 31 sẽ ra mắt vào ngày 18/4
  • Đã đến lúc nên thay đổi quy định 5K
  • Khẳng định hợp tác sâu sắc giữa Australia với các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam
  • Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt
  • Khuyến khích tiêu dùng và lan tỏa giá trị của hàng Việt

Video liên quan

Chủ Đề