Đánh giá kết quả truyền thông dân số năm 2024

Truyền thông có vai trò phổ biến kiến thức, các giá trị, chuẩn mực xã hội, định hướng dư luận. Cụ thể trong lĩnh vực dân số và phát triển là các ý tưởng về kiểm soát mức sinh, kiến thức về giải phẫu sinh lý, cách sử dụng các biện pháp tránh thai, về sức khoẻ sinh sản, lợi hại của gia đình sinh ít con. Thông qua truyền thông, người ta phê phán các hủ tục, ủng hộ sự bình đẳng giới và vai trò chính của phụ nữ trong các quyết định về sinh sản, tình dục; nhân rộng khả năng giao tiếp, học hỏi lẫn nhau về thực hiện Kế hoạch hoá gia đình [KHHGĐ], hình thành các chuẩn mực mới.

Từ giữa thế kỷ XX, các chương trình quốc gia về KHHGĐ được thiết kế, tổ chức thực hiện và ngày càng phát triển đề đáp ứng những nhu cầu thông tin và dịch vụ cuả cộng đồng.

Thời gian đầu cho đến hết thập kỷ 60, chương trình KHHGĐ được diễn tả là "kỷ nguyên phòng khám", nghĩa là người ta xây dựng các phòng khám, làm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có thể giúp khách hàng lựa chọn các biện pháp tránh thai rồi dùng thông tin, truyền thông trực tiếp, gián tiếp, đại chúng về các biện pháp KHHGĐ, địa chỉ phòng khám và các vấn đề liên quan. Từ đầu những năm 1970, kỷ nguyên đó đã được thay thế bởi "kỷ nguyên thực địa" tạo nên cách tiếp cận với KHHGĐ chủ động hơn, từ "phòng khám" đã hình thành thêm các "cánh tay" nối dài tới cộng đồng thông qua các nhân viên chuyên trách KHHGĐ tại cơ sở chịu trách nhiệm thông tin, vận động, hướng dẫn mọi người tại địa phương mình với sự hỗ trợ của nhiều hình thức thông tin như phát thanh, tờ rơi, áp phích, chiếu phim, biểu diễn ca nhạc thời trang, sinh hoạt văn nghệ... hướng cộng đồng chuyển biến nhận thức, tiếp cận dịch vụ KHHGĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống vì phát triển bền vững.

Thập kỷ 70 trở đi, các phương tiện thông tin đại chúng [TTĐC] phát triển mạnh, các chương trình KHHGĐ rút kinh nghiệm từ thời kỳ trước nên có nhiều tiến bộ vượt bậc. Giữa những năm 1990, hơn 170 nước đã thông qua các chính sách quốc gia về dân số và phát triển.

Đáng chú ý là từ đầu thập kỷ 80 đến nay, trên thế giới đã hình thành các dự án dịch vụ truyền thông dân số mang tính hệ thống, toàn diện, liên tục, kế tiếp.

Trong dự án, chương trình về dịch vụ truyền thông dân số, có hạt nhân là các ban, đội chuyên môn để tổ chức các hoạt động như:

- Đánh giá nhu cầu truyền thông,

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị, sinh hoạt chuyên đề,

- Đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng truyền thông và quản lý,

- Xây dựng các chiến lược và chiến dịch truyền thông quốc gia,

- Hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án truyền thông liên quan và huy động cộng đồng tham gia,

- Đánh giá những can thiệp thông qua truyền thông,

- Sản xuất các sản phẩm đặc thù như sách mỏng, tờ rơi, áp phích, phim, video về chủ đề liên quan DS-KHHGĐ...

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, các ngành chức năng quan tâm, nỗ lực thực hiện các chương trình DS-KHHGĐ nên đã thu được kết quả tốt. Những thành tựu bước đầu rất khả quan: Trong giai đoạn 1989 - 1992 tỷ lệ sinh không giảm, nhưng khi bắt đầu thực hiện chiến lược DS-KHHGĐ giai đoạn 1993 - 2000 thì tỷ suất sinh đã giảm mạnh từ 2,8 con năm 1989 xuống còn 2,3 con năm 1999, dự kiến sau 2005, tỷ suất sinh sẽ dưới 1,9 con. Nhờ giảm được tốc độ gia tăng dân số, nước ta đã tiết kiệm được khối lượng lớn các nguồn lương chi cho ăn, mặc, ở, đi lại, việc làm, bảo hiểm, giáo dục, chữa bệnh...Nhiều văn bản pháp quy, chính sách, chế độ về DS-KHHGĐ được ban hành và tổ chức đi vào quy củ, nề nếp. Việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ cơ bản đáp ứng được nhu cầu người sử dụng về sự đa dạng, thuận tiện, an toàn. Đã kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ...

Bằng nhiều biện pháp, trong đó có truyền thông DS-KHHGĐ đã góp phần làm tăng nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với DS-KHHGĐ. Trước hết, nhờ sự phát triển của các phương tiện TTĐC mà các cơ quan chức năng đã có nhiều chương trình, bài báo, tin tức, phim ảnh... phong phú, hấp dẫn công chúng, hướng họ vào việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, lộ trình, chương trình DS-KHHGĐ. Không chỉ bằng phương tiện thông tin đại chúng, ngày nay người ta còn lồng ghép các hình thức truyền thông khác như dùng cách hình thức tuyên truyền, giáo dục, sinh hoạt tập thể đa dạng, uyển chuyển khác, với sự tham gia của đội ngũ cán bộ chuyên trách về dân số, cán bộ y tế, cộng tác viên DS-KHHGĐ; của cán bộ tuyên truyền, cán bộ xung kích, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng... Các mô hình truyền thông DS-KHHGD ngày càng được xây dựng có quy chuẩn, bài bản, tiếp cận được với nhiều loài hình đối tượng xã hội. Hình thức và các nội dung của các sản phẩm truyền thông về DS-KHHGĐ được cải tiến, hoàn thiện liên tục nên rất đa dạng, hiệu quả, hiện đại, phong phú [ví dụ trên truyền hình xuất hiện các chương trình thi tìm hiểu về DS-KHHGĐ và các kiến thức liên quan, tổ chức hỏi đáp trên truyền hình, chuyên mục trên báo, phát thanh, truyền hình; thiết kế nội dung DS-KHHGĐ trong chương trình của các cấp học phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; trường chính trị, hành chính, trường của lực lượng vũ trang đã thiết kế nội dung DS-KHHGĐ...].

Tuy nhiên chỉ nói riêng phần truyền thông và DS-KHHGĐ cũng còn thiếu sót cần khắc phục:

Việc quảng bá các chương trình DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức triển khai hiệu quả chỉ mới ở các vùng thành thị, nông thôn phát triển. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng gặp khó khăn, nghèo, đời sống vật chất, tinh thần thấp, ít có điều kiện tiếp xúc sách, báo đài, truyền hình... thì kết quả rất hạn chế. Nhiều địa phương có ít cán bộ chuyên trách, việc lồng ghép các yếu tố dân số vào các chính sách, kinh tế - xã hội khác chưa chú trọng đúng mức, các nơi vẫn tập trung vào vấn đề giảm mức sinh để hạn chế gia tăng dân cư, chưa chú trọng đến các mặt chất lượng, phân bố dân cư, cơ cấu dân số, di dân tự do, chưa phát huy mạnh chiến lược truyền thông rộng, liên tục, gắn kết với các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Ngoài các thiếu sót, khó khăn nêu trên, vấn đề dân số nước ta còn gặp một số thách thức lớn như: Mức sinh giảm nhanh, nhưng quy mô dân số cả nước vẫn ngày một lớn do số dân tăng thêm trung bình mỗi năm còn ở mức cao [năm 2003 đã hơn 80 triệu dân, các chuyên gia tính toán rằng từ nay đến năm 2010 dân số nước ta mỗi năm tăng hơn 1 triệu người]. Kết quả giảm sinh chưa thật vững chắc; chất lượng dân số còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đổi mới; cơ cấu dân số trẻ đang chuyển dần sang cơ cấu dân số già, tạo ra nhiều cơ hội và nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Di dân tự do kèm theo những biến động lớn của lực lượng lao động thách thức đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Triển khai tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ [đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 147/2000/QĐ-TTg ngày 22.12.2000] là nhiệm vụ cụ thể không chỉ của các ngành chức năng mà cần sự phối hợp của mọi ngành, mọi cấp và cả xã hội. Chiến lược đã nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp, chương trình hành động đối với phạm vi cả nước, thực hiện định hướng "Dân số - sức khoẻ sinh sản phát triển" gắn kết với chính sách tổng thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để thực hiện tốt chiến lược Dân số một trong các giải pháp quan trọng là đẩy mạnh công tác, hoạt động truyền thông va các giải pháp lâu dài như sau:

- Kiện toàn, hoàn thiện hệ thống tổ chức làm công tác dân số các cấp, chú ý cấp cơ sở, tăng cường nhận thức mới cho cơ quan quản lý Nhà nước về dân số và các tổ chức liên quan về sự hợp tác hiệu quả, áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại trong thời đại thông tin phát triển, hội nhập quốc tế.

- Nhấn mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục để thay đổi hành vi bằng cách đa dạng hoá các hoạt động truyền thông có chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Đưa hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ vào những vùng sâu, vùng xa, khó khăn và tới những nhóm đối tượng bị hạn chế về nhận thức.

- Ngành chức năng cần phối hợp tốt với các phương tiện thông tin đại chúng để có những bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo, điện ảnh... chất lượng, hiệu quả DS-KHHGĐ.

- Nâng cao dân trí, bồi bồ đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, văn minh, nêu cao vai trò của gia đình và bình đẳng giới để đưa chất lượng dân số ngày một cao hơn.

- Chú trọng chất lượng, quy trình, tính thường xuyên, cập nhật; đăng ký đầy đủ tính pháp lý, bảo đảm các chuẩn mực quốc tế của dữ liệu, tư liệu về dân cư.

- Tích cực mở rộng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên môn, chuyên trách về DS-KHHGĐ và các lĩnh vực liên quan để có đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dân số đầy đủ, toàn diện, gắn kết với sự phát triển bền vững. Trong khâu xã hội hoá, các ngành chức năng cần quan tâm quản lý, hỗ trợ các tổ chức tư vấn dân số, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản...

- Chủ động thực hiện tốt các chương trình về chăm sóc sức khỏe sinh sản [SKSS/KHHGĐ], tăng cường dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho các vùng sâu, xa, khó khăn.

- Nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam [VINAFP] và các Hội cơ sở.

- Tăng cường việc giáo dục dân số - gồm các giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giáo dục tình dục bằng các giải pháp đồng bộ. Mở rộng các hình thức giáo dục về DS-KHHGĐ ở trong và ngoài nhà trường.

Chủ Đề