Đánh giá kết quả giáo dục của chương trình mới

PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục [Viện Khoa học giáo dục VN], cho hay khi ban hành Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã cam kết sự đổi mới đồng bộ mục tiêu về phương pháp dạy học, nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá sẽ tập trung vào năng lực của học sinh [HS], sử dụng nhiều phương thức, công cụ khác nhau, thay vì chỉ sử dụng công cụ đã quá phổ biến là bài kiểm tra. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn về vấn đề này.

Có rất nhiều cách ôn tập lại nội dung bài cũ mà không nhất thiết phải buộc học sinh thuộc lòng

Tuy nhiên, theo bà Thơ, qua quá trình đồng hành cùng các nhà trường và theo dõi các kỳ thi tuyển sinh, rất ít địa phương dịch chuyển, sử dụng bộ công cụ đánh giá này. Để tạo hệ sinh thái cho Chương trình GDPT 2018 đi vào cuộc sống, động lực về mục tiêu, phương pháp, nội dung, hạ tầng triển khai phải hòa cùng động lực từ hệ thống đánh giá. Hệ thống đánh giá này phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thì mới là động lực đổi mới cách dạy học.

Với quyết tâm thay đổi mạnh mẽ cách kiểm tra, đánh giá HS phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các trường về kiểm tra đánh giá HS.

Giáo viên có thể thực hiện đánh giá thường xuyên học sinh thông qua hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập...

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Nguyễn Bảo Quốc nói thêm theo quy định về đánh giá HS THCS và THPT có đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Có các môn đánh giá bằng nhận xét và có những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Về hình thức, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Mục đích của đánh giá thường xuyên là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của HS diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình. Thông qua đó cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của HS; xác nhận kết quả đạt được của HS trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập.

Cụ thể về việc thay đổi trong đánh giá, kiểm tra, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền [Q.11, TP.HCM], cho hay có rất nhiều cách ôn tập lại nội dung bài cũ mà không nhất thiết phải buộc HS thuộc lòng, chẳng hạn thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập…

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 cả 3 cấp học đều thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 [GDPT]. Theo đánh giá của các nhà trường và ngành Giáo dục, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa [SGK] mới là hướng đi đúng đắn, đã đem lại một số kết quả tích cực ban đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và không ít khó khăn...

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đánh giá của nhiều giáo viên, có ưu điểm là phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Đề cao sự chủ động trong học tập

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình GDPT trước đây. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch chỉ đạo thực hiện Chương trình, thành lập các hội đồng lựa chọn SGK, ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, phê duyệt danh mục SGK… bài bản, khoa học.

Ngành Giáo dục chủ động thực hiện rà soát đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến cơ sở vật chất và các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên [GV], nhân viên. Sau gần 3 năm học thực hiện Chương trình GDPT 2018, thực tế tại các cấp học, chúng tôi nhận được những đánh giá tích cực của nhiều GV, học sinh [HS].

Cô giáo Bùi Thị Minh Hảo, Tổ Ngữ văn, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, nhận định: Đối với môn Ngữ văn, HS phát huy được 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cách thức kiểm tra, đánh giá có điểm mới đó là tác phẩm ngoài SGK [mở rộng], vì thế nếu em nào chủ động khai thác các nguồn học liệu tốt thì bài kiểm tra sẽ được đánh giá cao. Chương trình mới có nhiều ưu điểm, ngoài mục tiêu về kiến thức đã chú trọng hơn đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Còn theo thầy giáo Bùi Tiến Tùng, dạy môn Hóa học, Trường THPT Đại Từ: Mỗi môn học sẽ phát huy từng năng lực, phẩm chất của HS. Môn Hóa học phát triển năng lực tư duy, thực hành, tính toán. Ưu điểm nữa là GV có thể tham khảo được học liệu dạy học rộng hơn. Người dạy phải có sự đầu tư, thay đổi về phương pháp, còn người học chuyển từ trạng thái thụ động tiếp nhận kiến thức sang chủ động vào quá trình học tập.

Đối với SGK lớp 3, cô giáo Tô Hồng Diệp, Trường Tiểu học Đông Bo, Tràng Xá [Võ Nhai], đánh giá: So với chương trình hiện hành, có thêm Hoạt động trải nghiệm, Tin học và Công nghệ. Số tiết tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần, giảm 35 tiết. Môn học mới, hoạt động giáo dục mới là Tin học và Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm giúp HS được học nhiều nội dung bổ ích, thiết thực, gần gũi, những kiến thức, kĩ năng áp dụng trong thực hành, vận dụng nhiều vào cuộc sống hàng ngày.

Đối với HS học theo Chương trình mới, nhiều HS đánh giá cao phương pháp kiểm tra, đánh giá. Theo em Mạc Phương Diệp, Lớp trưởng 10A11, Trường THPT Lương Ngọc Quyến: Trước đây, môn Ngữ văn, bài kiểm tra tự luận là 1 bài văn viết 2-3 trang giấy, nhưng giờ chỉ là 1 câu tự luận viết 300 đến 400 chữ, còn lại là câu hỏi trắc nghiệm.

Còn theo em Lê Đắc Hiếu, lớp 10A1, Trường THPT Đại Từ: Chương trình mới đề cao sự chủ động trong học tập của HS. Với những HS, qua kiểm tra, đánh giá, điểm thấp là do chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp, nhiều bạn đã quen với cách học, làm bài của chương trình cũ là thụ động. Còn chương trình mới đòi hỏi HS phải mở rộng tìm hiểu kiến thức…

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Trong quá trình đổi mới sẽ có nhiều bỡ ngỡ, không chỉ đối với người học mà còn đối với đội ngũ GV. Khó khăn nữa khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục chưa đồng đều, nhiều địa phương thiếu GV.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số cán bộ quản lý, GV, nhân viên toàn tỉnh trong học kỳ I năm học 2022-2023 là 25.073 người. Tổng số biên chế [BC] được giao của toàn tỉnh là 18.306 và tổng số BC đang thực hiện là 17.597.

Giai đoạn 2022-2026, Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 BC sự nghiệp giáo dục, tuy nhiên thực tế số BC GV so với định mức của toàn Ngành vẫn còn thiếu trên 3000.

Mặt khác, cơ cấu đội ngũ GV của một số trường chưa hợp lý, thiếu GV các môn như tiếng Anh, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc; GV được thuê, khoán không ổn định, việc bố trí, sắp xếp GV giảng dạy một số môn học, nội dung giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 khó khăn.

Ngoài thiếu giáo viên môn Tin học, tại nhiều trường, các máy tính được cấp từ nhiều năm, cấu hình thấp, hỏng nên không đáp ứng được yêu cầu dạy học.

Ngoài thiếu GV, cơ sở vật chất, phòng học bộ môn của nhiều trường trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo Thông tư số 13, 14 của Bộ GDĐT. Hiện nay đã là thời điểm cuối học kỳ II của năm học 2022-2023 nhưng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải xoay xở vì thiếu trang thiết bị dạy học.

Th.s Nguyễn Thái Trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ [Đại Từ], cho biết: Các thiết bị, đồ dùng cho GV giảng dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ của khối 10 chưa được cấp. Nhà trường phải tận dụng lại một số trang thiết bị của chương trình cũ để hạn chế việc dạy chay. Về tài liệu Giáo dục địa phương, tuy đã có kế hoạch nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa được cung cấp kịp thời.

Mặt khác, ở bậc THPT, các nhà trường xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn khác nhau, khó khăn cho HS khi chuyển trường, hoặc muốn chuyển nguyện vọng…

Chủ Đề