Đánh giá galaxy note fe tinhte

Gọi Note 7 là một trong những chiếc điện thoại khét tiếng nhất mọi thời đại âu cũng không phải nói quá. Và giờ đây, để có được vị thế dẫn đầu thị phần smartphone toàn cầu với 24% thị phần quý I năm 2022, đứng trên cả Apple lẫn Xiaomi, bản thân chiếc máy Note 7 cũng chính là thất bại khiến Samsung phải thay đổi hoàn toàn, từ thời điểm đó về sau.

Nhắc lại chuyện của năm 2016, sau tất cả những sự vụ Note 7 bốc cháy, giờ chúng ta đều biết vấn đề đến từ cục pin lithium-ion trang bị bên trong chiếc điện thoại. Đấy không phải vấn đề của riêng Note 7, vì công nghệ li-ion được tuyệt đại đa số những smartphone đang có trên thị trường ứng dụng. Cái công nghệ ấy mong manh hơn anh em tưởng tượng.

Công nghệ pin này dễ gây cháy nổ, rơi cũng có thể gây cháy, thậm chí dùng sai loại sạc pin cũng là một nguy cơ. Điều may mắn là đối với hầu hết những mẫu điện thoại khác, những sự cố như thế này rất hãn hữu. Nhưng với Note 7 thì…

Màn mở bán bùng nổ của chiếc điện thoại “bùng nổ”

Ngày 19/08/2016, Samsung Galaxy Note 7 chính thức bán ra thị trường, và ngay lập tức trở thành cú hit của thị trường smartphone năm ấy. Doanh số bùng nổ đúng nghĩa đen. Nhưng không cần nhiều thời gian trước khi những nguồn tin nói chiếc Note 7 phát nổ hoặc bốc cháy đúng nghĩa đen. Câu chuyện đầu tiên về Note 7 phát nổ được báo giới đăng tin vào ngày 24/08 năm ấy, chưa đầy 1 tuần sau khi Note 7 đến tay khách hàng. Ban đầu mọi người nghĩ đó là trường hợp đen đủi của một người dùng duy nhất, vì thỉnh thoảng chúng ta cũng được xem thông tin về những chiếc smartphone chẳng may phát nổ.

Nhưng rồi rất nhanh, mọi người nhận ra có vấn đề nghiêm trọng với Note 7. Tháng 9/2016, Samsung thông báo triệu hồi 2,5 chiếc Note 7 mà họ đã bán trong vòng 2 tuần kể từ ngày 19/08. Họ đổ lỗi cho những cục pin không đạt chuẩn, và đề nghị người dùng hoặc nhận máy đổi, hoặc trả lại máy để nhận khoản tiền đã bỏ ra mua. Cũng nhanh không kém khi Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng của Mỹ thông báo cho người dân, đề nghị họ để ý tới thông tin triệu hồi Galaxy Note 7.

Ngày 5/10, thông tin về một chiếc Note 7 khác lại khiến mọi người hoang mang. Lần này chiếc máy không chỉ quá nhiệt trên một chuyến bay nội địa của Mỹ, mà còn liên quan tới chiếc máy đã được Samsung đổi cho khách hàng, đã đổi pin. Tình hình kém khả quan tới mức lần lượt từ FAA của Mỹ cho đến các hãng hàng không đều cấm hành khách lên máy bay cùng chiếc điện thoại. Ban đầu là muốn lên máy bay, thiết bị phải tắt nguồn, nhưng sau khi có thông tin Note 7 tắt nguồn mà vẫn gây ra cháy nổ, thì FAA và các hãng cũng cấm luôn việc mang chiếc smartphone này lên máy bay, cho dù là bật hay tắt.

Đến khi có quá nhiều thông tin nói đến việc những mẫu Note 7 được Samsung đổi trả cũng bốc cháy hay bốc khói, thì các nhà mạng Mỹ cũng bắt đầu dừng bán máy, đề nghị khách hàng đổi sang những mẫu máy khác đảm bảo an toàn hơn.

Phân tích nguyên nhân cơ bản

Nhanh như cách nó xuất hiện, chỉ hai tháng, Samsung dừng sản xuất Galaxy Note 7 vào tháng 10/2016. Ngay sau đó là cuộc điều tra tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến chiếc máy tưởng chừng là 1 trong những mẫu smartphone đáng sở hữu nhất năm 2016, một trong những màn ra mắt sản phẩm ấn tượng nhất của Samsung biến thành cơn ác mộng của nhiều người dùng.

Để công bằng với Samsung, họ rất nghiêm túc trong việc điều tra lý do Note 7 cháy nổ, khi nhờ tới sự trợ giúp của cả những chuyên gia làm việc trong công ty lẫn những đơn vị độc lập, được mời về vừa để xem xét kỹ lưỡng những mẫu Note 7 và những cục pin bên trong chiếc máy, vừa để kiểm soát sự minh bạch trong cuộc điều tra do Samsung triển khai.

Kết luận lại, lý do không chỉ đến từ cục pin mà còn đến từ chính cách Samsung thiết kế Note 7. Họ sử dụng pin từ hai nhà cung cấp, một để trang bị cho máy lúc mới mở bán, và pin của nhà cung cấp còn lại dùng để trang bị trong máy đổi trả bảo hành.

Cụ thể hơn thì, với trường hợp “pin A” do Samsung SDI sản xuất, ruột pin có thể bị vỏ pin chèn ép, khiến các điện cực ở góc trên bên phải cục pin cong vênh, dần dần dẫn tới tình trạng đoản mạch vả cháy nổ. Còn với cục “pin B” dùng bảo hành và thay thế, do Amperex Technology sản xuất thì có mối hàn với kích cỡ bất thường, có thể chọc thủng lớp cách ly điện cực pin, và cũng có khả năng dẫn tới đoản mạch.

Tham vọng hơn khả năng của bản thân lúc ấy

Như đã nói, những bài viết và chùm ảnh mổ bụng chiếc Note 7, ra mắt 6 năm về trước đã mô tả một thiết bị mang đầy tham vọng của Samsung, với ý tưởng tạo ra một chiếc máy càng mỏng càng tốt. Hệ quả là cục pin của máy Note 7 không có không gian giãn nở như bình thường. Những chiếc máy khác phải tính toán không gian thừa ít nhất 10% thể tích cục pin để nó giãn nở trong quá trình sử dụng, còn các nhà thiết kế của Samsung khi phác thảo Note 7 lại không nghĩ đến điều đó. Điều này chính là thứ “khuếch đại” nguy cơ của cục pin vốn đã gặp lỗi như mô tả ở trên.

Cũng may là giờ đây không ai nhắc tới chiếc Note 7 nữa, vì cũng đã gần 6 năm trôi qua rồi. Dù vậy, nó vẫn là một nốt trầm trong lịch sử tập đoàn khổng lồ Hàn Quốc. Khi ấy Newsweek dẫn nguồn khảo sát thị trường của Branding Brands, trong đó 34% người dùng Samsung khi ấy thừa nhận họ sẽ không mua thêm chiếc máy nào từ Samsung nữa. Đó là về mặt danh tiếng, còn về mặt doanh thu, dự báo 19 triệu máy Note 7 bán ra thị trường từ các nhà phân tích bỗng biến thành con số 0 tròn trĩnh, tương đương 7 tỷ USD doanh thu không bao giờ chảy về túi Samsung. Đó là còn chưa kể tới việc, cổ phiếu Samsung khi ấy tuột 8% giá trị, tương đương 19 tỷ USD giá trị vốn hóa.

Nhưng ở một khía cạnh tích cực hơn, chính nhờ sự nghiêm túc trong cuộc điều tra, mà Samsung không chỉ vẫn còn tồn tại trên thị trường smartphone, mà còn đang ngồi ở vị trí cao nhất về mặt doanh số.

Chủ Đề