Đánh giá cây ngoại lai ảnh hưởng đến sinh thái

Đa dạng sinh học [ĐDSH] suy giảm nghiêm trọng đang là vấn đề mang tính thời sự và tính toàn cầu. Một trong những nguyên nhân gây suy thoái ĐDSH chính là các loài ngoại lai xâm hại. Các loài ngoại lai đang mở rộng khu phân bố, cạnh tranh gay gắt, gây cạnh tranh đến mức hủy diệt các loài bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên. Trong xu thế phát triển kinh tế và hội nhập, các loài sinh vật ngoại lai có nhiều cơ hội, nhiều con đường di nhập. Đáng tiếc, việc di nhập của các loài ngoại lai đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Vì vậy, trong LuậtĐDSHcần phải khẳng định và dành sự quan tâm đúng mức đến các loài ngoại lai xâm hại môi trường.

1. Sự phân bố và phát tán của sinh vật trên trái đất

Sự phong phú và đa dạng của sinh vật trên trái đất là kết quả của quá trình tiến hoá qua hàng trăm triệu năm của sinh giới. Sự tồn tại của sinh vật phụ thuộc vào vô số điều kiện phức tạp trong ngoại cảnh, do đó có sự chọn lọc. Tác nhân gây nên chọn lọc là khí hậu, nguồn thức ăn, kẻ thù, đối thủ cạnh tranh thức ăn, nơi ở... Kết quả của quá trình chọn lọc là sự tồn tại và phát triển của các cá thể mang nhiều biến dị có lợi, thích nghi cao với môi trường. Đồng thời là sự hạn chế sinh sản và dẫn đến diệt vong của các cá thể mang các biến dị không thích nghi. Dưới tác động của chọn lọc tự nhiên, các loài sinh vật tiến hóa theo các hướng ngày càng đa dạng, phong phú; tổ chức ngày càng cao; thích nghi ngày càng hợp lý.

Về mặt địa lý động vật, có sự khác biệt về hệ động, thực vật ở các khu vực địa lý [miền địa lý]. Ví dụ, chim cánh cụt chỉ phân bố ở vùng Nam Cực; canguru hay copala chỉ có ở Châu úc, đồng thời có nhiều loài có thể được tìm thấy ở các khu vực khác nhau, như đà điểu có ở châu Phi, Nam Mỹ và lục địa Australia; cá sấu có ở Nam Mỹ, Châu Phi, Nam á. Điều này có thể lý giải một cách hợp lý bằng thuyết trôi dạt các lục địa [Continental drift - Alfred Wegener]; thuyết kiến tạo mảng [Plate tectonics] và thuyết phát tán sinh vật theo đường phóng xạ. Chẳng hạn, ở các vùng châu Mỹ, châu úc có thể gặp rất nhiều loài thú nguyên thủy, quý hiếm, đặc hữu... hoặc một số vùng như Madagasca, Australia không gặp các loài cá nước ngọt điển hình vì tất cả vùng đất này được tách ra khỏi cựu lục địa quá sớm, trước khi các loài thú nhau [đa số thú này ăn thịt] và cá nước ngọt hình thành.

Về mặt sinh thái, các quần thể của các loài thường chiếm cứ một vùng lãnh thổ nhất định và bị giới hạn vùng phân bố với các quần thể các loài khác. Các giới hạn đó được tạo bởi các chướng ngại tự nhiên, sinh thái và sinh học, như khí hậu, sườn núi, sông, biển, đại dương, thức ăn, vật chủ, con mồi, vật cạnh tranh thức ăn, vật ký sinh. Các loài động vật, thực vật và vi sinh vật đều có khả năng di chuyển. Nhưng nhìn chung, sự di chuyển của chúng chủ yếu nhằm phát tán, mở rộng khu phân bố và luôn nằm trong giới hạn sinh thái nhất định của loài.

Chính sự tác động của con người đã góp phần gây nên những xáo trộn trong sự phân bố của sinh vật. Đó cũng là cơ hội cho các loài nhập cư và phát triển ở các sinh cảnh vốn không phải là nơi sống của chúng, hình thành nên các loài ngoại lai.

2. Sự du nhập và phát triển của các loài ngoại lai xâm hại

2.1. Khái niệm

Loài bản địa: là loài tạo nên quần xã sinh vật cơ bản nhất của hệ sinh thái đã thích nghi lâu đời với điều kiện tự nhiên của một khu vực, một nước, hay một vùng sinh thái.

Sinh vật ngoại lai: là loài, phân loài hoặc một taxon [bậc phân loại] thấp hơn, kể cả bất kỳ một bộ phận, giao tử hoặc chồi mầm có khả năng sống sót và sinh sản nào, xuất hiện bên ngoài vùng phân bố tự nhiên trước đây hoặc hiện nay của chúng.

Sinh vật ngoại lai xâm hại: là loài sinh vật ngoại lai đã thích nghi và phát triển trong một hệ sinh thái hoặc nơi sống tự nhiên, nửa tự nhiên gây ra sự thay đổi, đe dọa đến tính ĐDSH bản địa.

2.2. Những con đường du nhập

Du nhập tự nhiên:

Các loài động vật, thực vật và vi sinh vật bằng cách này hay cách khác đều có khả năng di chuyển nhằm phát tán nòi giống và mở rộng khu phân bố. Chúng di chuyển nhờ vào các nhân tố như: sự di chuyển chủ động của các động vật di động, có khả năng vận động; sự phát tán hạt phấn, bào tử, hạt cây nhờ gió, nhờ nước của thực vật; sự di chuyển bị động của vi sinh vật, động vật nhỏ, hạt giống cây nhờ vào sự di trú của các động vật.

Ví dụ như quần đảo Gallapagos gồm 5 đảo lớn và 80 đảo nhỏ cách châu Mỹ 900 km, trên Thái Bình Dương là quần đảo cách xa đất liền, có hệ động thực vật mang tính chất đảo, nhưng cũng rất đa dạng và có nhiều nét giống hệ động thực vật lục địa. Trong số 46 giống chim được tìm thấy ở đây, có 40 giống tương tự ở Châu Mỹ và 6 giống địa phương. Đây là một điểm nghỉ trong hành trình của chim di trú. Và chim di trú đã mang theo ra đảo nhiều giống thân mềm ở cạn [48 loài]. Một điều thú vị nữa là người ta tìm thấy trên đảo nhiều loài bò sát vận động kém. Câu hỏi đặt ra là chúng đến đảo bằng con đường nào? Theo Charles Robert Dawin thì có thể các loài bò sát đã di nhập lên Gallapagos bằng việc bám vào các cây gỗ trôi theo các dòng hải lưu Trung Mỹ.

Như vậy, ta có thể thấy được khả năng du nhập tự nhiên của sinh vật là rất đa dạng. Các quá trình du nhập này đã diễn ra hàng trăm triệu năm nay, tạo nên sự phân bố sinh vật khá phức tạp, mang tính chọn lọc, đấu tranh sinh tồn một cách tự nhiên trên trái đất.

Du nhập có sự can thiệp của con người

Bắt đầu bằng việc khám phá, khai khẩn các vùng đất mới, con người đã làm tác nhân quan trọng trong việc vận chuyển và du nhập các loài sinh vật. Sự du nhập có thể có hay không có chủ đích, nhưng chính hoạt động của con người đã làm biến đổi trật tự phân bố thích nghi tự nhiên lâu đời của sinh vật. Và điều đó ít nhiều đã tạo nên nguy cơ diệt vong của rất nhiều loài sinh vật bản địa. Dưới đây là một số hoạt động du nhập các loài ngoại lai có sự tham gia của con người.

- Sự xâm chiếm và khai phá các vùng đất mới: Trong quá trình khai phá các lục địa, con người đã mang theo nhiều loài cây, con để gieo trồng lấy thực phẩm. Các loài này nhanh chóng chiếm cứ vùng sống mới và dần dần thay thế các loài bản địa. Điển hình là các cuộc xâm lược và chiếm đóng thuộc địa của các nước châu Âu đã mang theo nhiều loài sinh vật của họ đến các đảo, quần đảo thuộc các châu lục khác và làm biến đổi trạng thái cân bằng tự nhiên trong hệ động thực vật ở đó.

- Sự phát triển của giao thông vận tải: Trong các phương tiện vận tải, thì máy bay và tàu thuỷ là các phương tiện hữu ích mà các loài ngoại lai đã “đi lậu vé”. Mỗi ngày, gần như chuyến tàu đi biển hay đi hồ nào cũng mang theo hàng triệu thủy sinh vật "quá giang", xâm nhập khi thuỷ thủ lấy thêm nước dằn vào vỏ để giữ ổn định thân tàu. Bằng cách này, ước tính mỗi ngày có khoảng 4.000 cá thể của một số loài đi du lịch vòng quanh thế giới, trong đó có sinh vật phù du, cá và ấu trùng của những động vật không xương sống khác. Andreas Tveteraas, chuyên gia tàu biển của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã WWF, cho biết: "Hoạt động "đi nhờ tàu" này có quy mô rất lớn. Mỗi giờ, chỉ riêng ở Mỹ đã có khoảng 7,5 triệu lít nước dằn được xả ra các vùng biển nước này. Tổng cộng, mỗi năm có khoảng 10.000 tỉ lít nước dằn được chuyên chở đi khắp thế giới, và tất nhiên là mang theo rất nhiều sinh vật và mầm bệnh".

Ví dụ khác là Rắn nâu [Boiga irregularis] có nguồn gốc ở phía đông Indonesia, đảo Salamon, New Guinea, bờ biển phía bắc và đông châu úc. Loài này đã quá giang trên máy bay quân sự và nhờ đó được du nhập vào đảo Hawai từ cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Chúng có thể ẩn mình trong hàng hoá vận chuyển trên tàu, thuyền, máy bay, thậm chí trong các khoang chứa bánh máy bay, để di chuyển đến nhiều vùng khác nhau.

- Nhập ngoại giống vật nuôi cây trồng: Trong xu thế phát triển chung của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, việc nhập các giống ngoại nhằm cải tạo giống và cải thiện nâng cao năng suất là điều tất yếu của mỗi vùng, quốc gia và khu vực. Việc nhập giống mới mang tính tích cực cho sản xuất. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là việc tạo cơ hội cho sinh vật ngoại lai xâm nhập và gây hại cho sinh vật bản địa. Nguyên nhân chính là việc kiểm soát không chặt chẽ các đối tượng mới này. Mặt khác, việc tiền trạm ở khâu thu thập tìm hiểu thông tin sinh thái liên quan đến đối tượng mới không đầy đủ đã gây nên sự lúng túng trong khâu quản lý, xử lý hậu quả. Thực tế này đã xảy ra không chỉ ở Việt Nam, mà ở hàng trăm nước trên thế giới. Ví dụ như việc du nhập với ý đồ sai lầm của con người gây thiệt hại lớn cho tự nhiên và kinh tế - xã hội đã xảy ra ở vùng hồ lớn Victoria và ở hồ Kyoga [châu Phi]. Đây là quê hương của các loài cá Rô phi và hơn 300 loài thuộc giống Pecca họ cá Chép [Cyprinidae], trong đó 99% là loài đặc hữu. Những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX, người ta nhập về vùng Hồ Lớn loài các Vược sông Nil [Lates niloticus] ăn thịt dài 2m, nặng hơn 200kg và 3 loài Rô phi [Giống Tilapia] ăn thực vật, mùn bả, nhằm mục đích cải thiện sản lượng khai thác cá. Khoảng 20 năm sau, sinh khối cá Vược sông Nil tăng lên đáng kể, nhưng sản lượng cá Pecca đặc hữu của hồ suy giảm một cách thảm hại. Sinh khối của cá Pecca ban đầu khoảng 80% tổng sinh khối sinh vật thuỷ sinh, đến năm 1980 chỉ còn 1% và 63% loài đặc hữu biến mất. Ngày nay, vùng Hồ Lớn Victoria chỉ còn chủ yếu là cá Vược sông Nil.

- Nuôi trồng các loài sinh vật cảnh ngoại lai: Theo một cách không chủ đích, bằng việc nhập các giống cây con với mục đích nuôi trồng làm cảnh giải trí, thương mại, con người đã mở cửa cho các sinh vật ngoại lai xâm hại xâm nhập và tác động xấu lên các loài sinh vật bản địa. Nhiều loài sinh vật như cá Hoàng đế, cá Rồng, cá Chuối Trung Quốc, cá Hổ ở châu Mỹ, cây Ngũ sắc, Tảo lục nhiệt đới [Caulerpa taxifolia]... đang trở thành đề tài tranh luận gay gắt giữa các nhà quản lý môi trường và những nhà sinh vật cảnh. Với các cá thể được nuôi trồng trong các khu vực biệt lập, chúng thực sự là những sinh vật vô hại đối với môi trường sinh thái. Nhưng một khi chúng bị sổng khỏi khu nuôi nhốt, xâm nhập vào môi trường tự nhiên, ngay lập tức sẽ trở thành một đối tượng nguy hiểm, tấn công trực tiếp vào sinh vật bản địa với tư cách vật ăn thịt, đối thủ cạnh tranh thức ăn, chỗ ở hay đối tượng gây độc. Nhất là khi các loài bản địa chưa có những phản ứng thích nghi với tính chọn lọc nhân tạo đột xuất này. Theo đó, ĐDSH sẽ bị suy thoái nghiêm trọng.

2.3. Sự xâm chiếm và phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại

Ngay khi du nhập vào môi trường sống mới, sinh vật ngoại lai sẽ chịu các áp lực bởi các nhân tố sinh thái bản địa. Những cá thể nào có những đặc điểm thích ứng với môi trường sẽ tồn tại và được nhân lên qua các thế hệ. Điểm đáng chú ý là tại nơi sống mới, các loài ngoại nhập chưa gặp các thiên địch của chúng, như các động vật là kẻ thù, các loài ký sinh, nấm bệnh. Do vậy, khi đảm bảo lượng thức ăn cần thiết, với một lượng cá thể nhiều khi rất ít, các loài ngoại lai có thể chiếm cứ ổn định, mở rộng khu vực phân bố và tạo nên sự canh tranh không cân sức cho loài bản địa. Tuỳ vào mức độ hoạt động, chu kỳ sống, khả năng sinh sản các loài ngoại lai dần dần đẩy các loài bản địa đến chỗ thu hẹp nơi sống, giảm nhanh số lượng cá thể, số lượng loài và tiến tới bờ vực huỷ diệt.

3. Vai trò của các loài ngoại lai xâm hại

Tích cực:

Nếu chỉ xét trên góc độ tiến hoá, sự di cư mở rộng khu phân bố của một loài là một hiện tượng tự nhiên; sự cạnh tranh quyết liệt giữa loài này và loài khác là một nhân tố của quá trình chọn lọc và kết quả là sự ưu thế thuộc về loài thích nghi hơn. Nghĩa là sức cạnh tranh của các quần thể ngoại lai sẽ là áp lực chọn lọc của loài bản địa. Loài bản địa muốn tồn tại và phát triển cần phải tích luỹ các biến dị theo hướng có lợi, thích nghi cao trước tác nhân là loài ngoại lai. Vấn đề này phải giải quyết trong sự thích nghi sinh học, sinh thái hàng nghìn năm mới tái lập được sự cân bằng quần xã.

Tuy nhiên, với sự can thiệp của con người trong việc du nhập của loài ngoại lai, chỉ vài thập niên đã làm mất tính tự nhiên của mối tương tác trên. Do vậy, có thể nói con người phải chịu trách nhiệm của mình trong việc di nhập và xâm hại của các loài ngoại lai đến ĐDSH và cân bằng sinh thái.

Tiêu cực:

Xâm hại của các loài ngoại lai có thể thấy rõ trên cả khía cạnh sinh thái và kinh tế. Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng, nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm: i] Cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sống…; ii] Ăn thịt các loài khác; iii] Phá huỷ hoặc làm thoái hoá môi trường sống; iv] Truyền bệnh và ký sinh trùng

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều loài ngoại lai xâm hại không biểu hiện tác hại của chúng ngay sau khi xâm nhập vào một môi trường sống mới mà thường trải qua một giai đoạn tiềm tàng. Giai đoạn này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào từng loài cũng như vào đặc điểm môi trường mà chúng xâm nhập. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng các hệ sinh thái nhạy cảm đã bị biến đổi thường dễ bị tác động hơn các hệ sinh thái nguyên sinh. Đây là một khó khăn lớn cho công tác kiểm soát và phòng ngừa tác hại của loại sinh vật xâm hại.

Một tác động khác, tuy không kém phần nghiêm trọng nhưng cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, là các loài ngoại lai xâm hại góp phần làm xuất hiện các bệnh dịch mới hoặc tái xuất hiện các bệnh dịch cũ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Sốt rét là một bệnh dịch nguy hiểm được truyền qua véc tơ là giống muỗi Anopheles. Năm 1930, loài muỗi Anopheles gambiae được du nhập một cách vô tình vào vùng Tây Bắc Barasil theo các đoàn tàu biển đến từ Châu Phi. Chưa đến một năm sau, trong một diện tích khoảng 10 km2 với số dân khoảng 12.000 người đã xuất hiện 10.000 ca nhiễm bệnh sốt rét. Vào cuối những thập niên 30 của thế kỷ XX, người ta đã phải tốn hàng triệu đô la và hàng nghìn nhân công để tiêu diệt muỗi Anopheles gambiae tại vùng này. Như vậy. sinh vật ngoại lai không những xâm hại đến thành phần loài, vốn gen và hệ sinh thái, mà còn tác động đến tính nhân văn và tri thức bản địa của địa phương.

ở châu Phi, con số tổn thất được đưa ra trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Bảo tồn Quốc tế [IUCN], có tựa đề Sinh vật ngoại lai trong những vùng đất ngập nước châu Phi. Báo cáo nhấn mạnh, ở vùng đất mới, các loài ngoại lai sẽ tìm được nguồn dinh dưỡng dồi dào, phù hợp, không gặp động vật ăn thịt, vật dữ, không phải chiến đấu với ký sinh trùng và những kẻ cạnh tranh, do đó chúng nhanh chóng phát tán và trở thành hiểm họa. Tai tiếng nhất trong số này là cây bèo Lục bình [Eichaornia crassipes]. Loài cây này có xuất xứ ở Amazon [Nam Mỹ], được đưa tới châu Phi để làm cây cảnh và đến nay, chúng đã chiếm lĩnh hầu hết các sông, hồ trên lục địa. Có nơi, bèo Lục bình kết thành bè rộng cả hécta, ngăn cản ánh sáng chiếu xuống và tước đi nguồn dinh dưỡng, nguồn ô xy ít ỏi trong nước, khiến các động, thực vật thủy sinh bản địa khó mà sống nổi. Hiện nay, người ta đang sử dụng biện pháp sinh học để kiểm soát sự sinh sôi của chúng. Đó là dùng bọ cánh cứng và nấm bệnh tiêu diệt bèo Lục bình...

Rõ ràng là, các tác động của sinh vật ngoại lai xâm hại, không những chỉ làm suy giảm ĐDSH, mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác về sức khoẻ, kinh tế, xã hội của con người.

Nếu chúng ta đặt câu hỏi rằng: nếu nước úc và một số quốc gia châu Mỹ không đặt nặng vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại, thì các loài thú ăn thịt từ các lục địa khác tràn sang, các nước này liệu có bảo tồn được các loài động vật đặc hữu, nhất là các loài thú đơn huyệt, thú túi đặc trưng và quý hiếm của các vùng này không?

Mọi cố gắng để bảo tồn nguồn gen, giảm thiểu suy thoái ĐDSH bản địa sẽ không thành công nếu chúng ta không có giải pháp khả thi, hữu hiệu để chặn đứng sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai vào địa phương mình bằng cách này hay cách khác.

4. Thực trạng các loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, là một trong những nước có độ ĐDSH cao trên thế giới, là cái nôi của nhiều sinh vật với nguồn gen quý hiếm, đặc hữu. Trong những năm gần đây, sự suy giảm ĐDSH đang là vấn đề báo động và cần phải được chấn hưng kịp thời. Trong đó, sinh vật ngoại lai xâm hại chính là một vấn đề quan trọng đang được chú ý.

Trước đây, do thiếu các thông tin và sự quản lý không chặt chẽ, chúng ta đã để nhiều loài ngoại lai du nhập và xâm hại, gây tổn thất to lớn về nhiều mặt. Những ví dụ điển hình nhất có thể nói là: nạn ốc bươu vàng, Bèo Nhật bản, cây Bông ổi, cây Ngũ sắc, cá Hoàng đế ở hồ Trị An, cây Mai dương...

ốc bươu vàng [Pomacea canaliculata] có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam khoảng trước năm 1975 với số lượng nhỏ để làm cảnh. Loài nhuyễn thể này bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng từ sau năm 1989, khi nó được nhập vào với số lượng lớn phục vụ mục đích nuôi xuất khẩu tại 2 trại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiêm trọng hơn nữa là người dân đã mang ốc bươu vàng đi các tỉnh, thành phố khác để nhân nuôi, cải thiện kinh tế gia đình. Đến năm 1990, ốc bươu vàng đã di giống đến Thừa Thiên - Huế để nuôi thử nghiệm và từ đó, nó phát triển với tốc độ rất nhanh, lan tràn ra đồng ruộng, ao hồ. ốc bươu vàng đã gây ra nhiều tổn thất, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất lúa nước hoặc phá huỷ hoàn toàn nhiều ruộng rau muống, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều gia đình nông dân nghèo, sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Hiện nay, ốc bươu vàng vẫn tồn tại với số lượng nhỏ trong các hệ sinh thái đồng ruộng, ao hồ. Tuy nhiên, do áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp nên chúng ta đã cơ bản khống chế được sự bùng phát thành dịch trên phạm vi rộng và duy trì sự phát triển của chúng dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Hàng năm, Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư kinh phí cho việc giám sát và kiểm soát ốc bươu vàng. Đây là bài học đắt giá cho việc du nhập loài động vật thuỷ sinh ăn thực vật vào vùng đất có truyền thống văn hoá trồng lúa nước như Việt Nam và các nước Đông Nam á.

Chuột hải ly [Myocaster coypus] có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cuối thế kỷ trước, loài này được nhập vào Việt Nam với mục đích phát triển chăn nuôi, lấy thịt, da xuất khẩu và chống đói nghèo. Chuột hải ly đã được nuôi thử nghiệm ở một số cơ sở ngoại thành Hà Nội và bước đầu nhân ra một số tỉnh trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, do kịp thời phát hiện những tác hại tiềm ẩn của chúng đối với nền nông nghiệp, đê điều và thậm chí có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành quyết định tiêu huỷ toàn bộ số chuột đã và đang nuôi trong phạm vi cả nước. Đây cũng là một bài học mang chuột về phá nhà.

Tại một số quốc gia, Chuột hải ly đã gây ra các tác hại nghiêm trọng như phá huỷ hệ sinh thái đất ngập nước, phá huỷ mùa màng, làm hư hỏng đê điều, bờ kênh, bờ sông. Diệt trừ tận gốc là biện pháp quản lý có hiệu quả đối với loài vật này.

Mọt cứng đốt [Trogoderma granarium] có nguồn gốc từ ấn Độ. Đây là một loài côn trùng gây hại cực kỳ lớn cho các kho hàng. Chúng phá hoại trên 100 loại nông sản khác nhau như thóc gạo, hạt giống cây trồng, hạt có dầu [đặc biệt là lạc và khô dầu], vải, len dạ, giấy, cao su, đồ hộp, cá khô, bông, thức ăn gia súc, gia cầm,... đồng thời để nhiều chất thải như xác lột, phân, chất bài tiết và sản phẩm vụn nát. Hậu quả là các loại hàng bảo quản trong kho bị giảm chất lượng hoặc mất hoàn toàn khả năng sử dụng. Chi phí cho việc khử trùng xông hơi một tấn sản phẩm bảo quản hoặc nhập khẩu bị nhiễm Mọt cứng đốt từ 1,5 - 2 đô la Mỹ. Thiệt hại lớn nhất đối với các nước xuất khẩu nông sản là hầu hết các nước nhập khẩu trên thế giới đều từ chối mua nông sản từ những nước có loại côn trùng này, hoặc nếu có thì yêu cầu kiểm dịch rất cao và nghiêm ngặt. Đây là loại côn trùng rất khó diệt trừ bằng các loại hoá chất thông thường. Muốn diệt chúng phải dùng thuốc xông hơi Phosphin hoặc Mythyl Bromide với liều lượng cao. Những loại hoá chất này ngoài việc gây hại cho môi trường, còn tiêu diệt cả các loại kẻ thù tự nhiên của sâu hại, phá huỷ tính ĐDSH của hệ sinh thái nông nghiệp, làm phát sinh và phát triển tính kháng thuốc của nhiều loài côn trùng khác trong kho. Với những tác hại đó, Mọt cứng đốt được xếp vào đối tượng kiểm dịch nhóm 1 của Việt Nam và được xếp vào loài sinh vật ngoại lai xâm hại.

Cây Mai dương [Mimosa pigra] còn được gọi là Trinh nữ trâu, Trinh nữ tây, Móc mèo Mỹ, thuộc họ Trinh nữ [Mimosaceae], có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Đây là loài cây bụi, phát tán rất nhanh, mọc dày đặc và nhiều gai cứng. Tác hại chính của Mai dương là làm thay đổi thảm thực vật, gây tác hại đến hệ động vật ở những vùng nó xâm lấn. Có rất ít loài thực vật có thể mọc dưới tán Mai dương và hầu như cũng không có loài động vật nào sử dụng cây này làm thức ăn. Các bụi Mai dương dày đặc làm cản trở việc đi lại của con người, động vật. Mai dương xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XX. Vào đầu thập kỷ 80, chúng xuất hiện lác đác dọc sông một số tỉnh Miền tây Nam Bộ, ven bờ nước của hồ Trị An thuộc tỉnh Đồng Nai và hồ Đồng Mô thuộc tỉnh Hà Tây. Đầu thập niên 90, Mai dương bùng phát và gây hại nhiều nơi. Hiện nay Mai dương đã xuất hiện khắp nơi và nhất là đã xâm lấn mạnh vào vườn quốc gia Tràm Chim, một khu bào tồn nổi tiếng ở nước ta. Tại đây, chúng mọc thành những đám rộng, rậm rạp, lấn át dần các bãi cỏ năn [Eleocharis sp], là thức ăn quan trọng của Sếu đầu đỏ [Grus antigone sharpii]. Nếu không có những biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả thì toàn bộ 5.000 ha đồng cỏ ngập nước theo mùa của vườn quốc gia có thể sẽ bị loài cây này bao phủ hoàn toàn trong một thời gian không xa. Mai dương cũng đang xâm lấn mạnh vùng trung và hạ lưu sông Đồng Nai. Chi phí nghiên cứu và kiểm soát Mai dương ở phía Bắc nước úc trong năm 1996-1997 đã lên trên 11 triệu đô la Mỹ.

5. Biện pháp quản lý và phòng trừ các loài ngoại lai xâm hại

Trong bối cảnh ĐDSH cũng như phát triển bền vững đang trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, quản lý và phòng trừ các loài ngoại lai xâm hại đang là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đề cập một cách thấu đáo và có tính hệ thống trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Chúng chỉ được đề cập khá đơn giản, chung chung tại một số quy định liên quan đến bảo tồn ĐDSH và bảo vệ thực vật. Ví dụ, Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 của Chính phủ ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật; Điều lệ kiểm dịch thực vật và Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Nghị định 109/2003/NĐ-CP ngày 23/09/2003 về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; Luật Bảo vệ và phát triển rừng [2004]; Thông báo số 914TB-KNKL ngày 09/08/2002, Thông báo kết luận của Cục khuyến nông - khuyến lâm về việc nhập khẩu chuột Hải ly; Nghị định số 488/QĐ-TY ngày 14/08/2002 của Cục Thú y về ngăn chặn nhập bất hợp pháp chuột Hải ly và thành lập tổ công tác giải quyết vấn đề liên quan đến chuột Hải ly...

Như vậy, có thể thấy các loài ngoại lai xâm hại là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng mới được đề cập chung với các vấn đề khác trong các văn bản. Để tăng tính hiệu quả của việc quản lý vấn đề trên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản luật và dưới luật.

5.1. Các biện pháp chung

Nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế [IUCN, 2001] đã đưa ra biện pháp chung sau:

- Nâng cao nhận thức về tác hại của các loài xâm hại đối với ĐDSH, kinh tế - xã hội và sức khoẻ con người cho mọi tầng lớp nhân dân.

- Ưu tiên cho các công tác ngăn chặn sự du nhập các loài ngoại lai xâm hại ở quy mô quốc gia cũng như trên toàn thế giới.

- Tăng cường các biện pháp hạn chế sự xâm nhập vô tình hoặc nhập lậu các loài ngoại lai xâm hại.

- Đánh giá nguy cơ gây hại tiềm ẩn của một loài sinh vật ngoại lai trước khi cho phép nhập khẩu.

- Khuyến khích và thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại cũng như từng bước nâng cao hiệu quả của các biện pháp đó.

- Tăng cường khung pháp luật cũng như hợp tác quốc tế trong phòng ngừa việc du nhập, kiểm soát và tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại.

- Đưa vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại vào các điều luật trong Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường.

5.2. Các biện pháp cụ thể

  1. Biện pháp phòng ngừa

Việc phòng ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai rất cần thiết. Trước hết, cần tăng cường năng lực và hiệu quả của việc thực thi các văn bản pháp qui về kiểm dịch động, thực vật. Ưu điểm của biện pháp này là hiệu quả ngăn chặn cao đối với sự du nhập chủ động hoặc bị động [bởi con người, hàng hoá, phương tiện...] và ít tốn kém. Biện pháp này phải dựa trên cơ sở khoa học và đảm bảo tính minh bạch theo đúng qui định trong nước cũng như các tổ chức và Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

ở các nơi xung yếu, nhạy cảm của môi trường, dễ bị các loài ngoại lai xâm hại du nhập, đặc biệt là ở các khu bảo tồn, cần lập các ô và tuyến định vị để kiểm soát sự xuất hiện và xâm lấn của chúng. Các tuyến và ô này cần được theo dõi định kỳ 3 tháng hay 6 tháng một lần, tuỳ theo đối tượng và mức độ nguy hiểm của các loài cần theo dõi.

Có thể dùng bản đồ với tỷ lệ thích hợp để giám sát sự phân bố và phát tán của các loài ngoại lai trong khu vực. Đối với khu bảo tồn, phải có kế hoạch theo dõi sự xuất hiện và xâm lấn của các loài ngoại lai ở cả vùng đệm và vùng lõi. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cần được giám sát chặt chẽ với số lần theo dõi định kỳ nhiều hơn so với phân khu khác.

  1. Các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt

Trước hết cần phải tập hợp đầy đủ thông tin về các loài ngoại lai xâm hại và tiến hành nghiên cứu đặc tính sinh thái và sinh học của chúng. Sau đó tuỳ theo điều kiện của địa phương, trên cơ sở các đặc điểm đã nghiên cứu mà áp dụng các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt phù hợp như cơ giới, hoá học hay sinh vật học.

Biện pháp cơ giới đã được sử dụng từ lâu để kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại. Ưu thế của biện pháp này là đơn giản, dễ áp dụng, không đòi hỏi nhiều trang thiết bị và không làm ô nhiễm môi trường. Có thể áp dụng các hình thức sau:

- Nhổ và bắt bằng tay, áp dụng đối với các loài ngoại lai chưa đến kỳ sinh sản hoặc mới xuất hiện. Chú ý thu thập toàn bộ cơ thể, không để lại bất kỳ một bộ phận nào của chúng, đề phòng khả năng tái sinh bằng con đường vô tính hoặc hữu tính.

- Đối với loài thực vật ngoại lai xâm hại có thể dùng các hình thức khác như đào cây, xới đất làm bật rễ, phát đốt, san ủi và kéo lưới đối với các loài động, thực vật thuỷ sinh.

Biện pháp hoá học có lợi thế là nhanh, ít nhân công và rẻ tiền, nhưng thường gây ô nhiễm môi trường hoặc đôi khi gây độc cho cả cây trồng và những loài sinh vật bản địa khác. Vì vậy cần rất thận trọng khi sử dụng các hoá chất độc để tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại và cần áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác hại của hoá chất trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai.

Biện pháp sinh vật học thường dùng các loài là kẻ thù tự nhiên, thiên địch của loài ngoại lai xâm hại để tiêu diệt chúng. Ví dụ như dùng Ong mắt đỏ để tiêu diệt Sâu bướm trắng gây hại cho sản xuất Cánh kiến ở ấn Độ và Trung Quốc. Ưu điểm của biện pháp này là không gây ô nhiễm môi trường nhưng rất bất lợi do khó kiểm soát sự phát triển của các loài thiên địch sau khi chúng đã tiêu diệt hết các loài ngoại lai. Vì vậy, khi sử dụng biện pháp này cần hết sức thận trọng và chỉ nhập các loài thiên địch khi biết rõ đặc tính sinh vật học và có thể kiểm soát được sự phát triển của chúng khi nhập vào một môi trường mới.

Biện pháp tổng hợp, bằng việc phối hợp cả 3 biện pháp trên nhằm phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của từng biện pháp riêng lẻ. Thí dụ, để tiêu diệt cây Mai dương cần tiến hành nhổ, chặt, cày đất khi cây còn non và mới phát triển, dùng hoá chất khi cây đã phát triển mạnh và có thể nghiên cứu sử dụng các loài thiên địch để diệt trừ loài cây này.

Một nguyên tắc cần lưu ý là càng sớm tiến hành ngăn ngừa, hạn chế và sớm sử dụng các biện pháp phòng trừ, tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại, thì càng tiết kiệm được chi phí và hiệu quả kinh tế, sinh thái càng cao.

6. Một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đa dạng sinh học

1. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có hành vi mua bán, vận chuyển, nuôi trồng, phát triển các loài ngoại lai xâm hại không vì mục đích nghiên cứu khoa học.

2. Trong phát triển kinh tế, chỉ cho phép nhập khẩu các loài sinh vật đã biết rõ nguồn gốc, đặc điểm sinh học, sinh thái và khẳng định được sẽ không gây hại cho các loài bản địa.

3. Công bố danh lục các loài sinh vật ngoại lai xâm hại không được phép nuôi thả, không được nhập nội và các loài ngoại lai xâm hại cần phải tiêu diệt.

4. Đưa ra khung hình phạt hợp lý, thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều khoản được quy định trong Luật.

5. Chuyển tải các nội dung của Luật để lồng ghép, tích hợp vào các chương trình giáo dục cộng đồng, giáo dục phổ thông và trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng./.

Chủ Đề