Cộng điểm cho người dân tộc thi đại học năm 2022

Chính sách còn bất cập

Điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định, nhằm tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền khi điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều. Hiện chính sách cộng điểm ưu tiên chia làm 4 khu vực [KV]. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 [thuộc vùng dân tộc và miền núi] là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn [KV2-NT] là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm và KV3 không được tính điểm ưu tiên.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022.

Qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên [chiếm 25% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp] luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại [nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau]. Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn [thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi ở nhiều mức điểm] so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi những thí sinh không được cộng điểm tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Thực tế, chính sách này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD&ĐT] điều chỉnh không ít lần, nhưng vẫn bộc lộ bất cập. Từ năm 2003 trở về trước, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm, như vậy thí sinh được cộng tối đa lên tới 3 điểm. Từ năm 2004 đến 2017, hai khu vực kế tiếp chênh nhau nửa điểm, thí sinh được cộng tối đa 1,5 điểm. Từ 2018 đến nay, thí sinh chỉ được cộng tối đa 0,75 điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thuộc các khu vực khó khăn là một chính sách nhân văn, tuy nhiên khi đời sống kinh tế-xã hội đã tăng lên, sự chênh lệch giữa một số vùng không còn như trước. Nên phân chia lại cách cộng điểm cho phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn; để học sinh ở khu vực không được được cộng điểm đỡ thiệt thòi, nhất là trong bối cảnh một số trường điểm chỉ chênh nhau 0,01 cũng quyết định việc đỗ hay trượt.

Với quan điểm chưa thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Chính sách ưu tiên của Nhà nước cho những vùng khó khăn để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nhờ đó, mở ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh ở khu vực khó khăn. Sau khi tốt nghiệp, các em trở về phục vụ địa phương, từng bước góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế quê hương mình".

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường Đại học Phenikaa, năm học 2020-2021.

Theo chuyên gia này, việc cộng điểm ưu tiên cũng ví như liều thuốc bổ, nếu quá liều sẽ phản tác dụng. Cộng điểm quá nhiều đôi khi khiến trình độ của người học giảm sút, trường không tuyển được những thí sinh có đủ năng lực thực sự. Do đó, cần tính toán, điểm ưu tiên ở mức độ nào để tạo được nguồn đào tạo chất lượng. Bên cạnh chính sách cộng điểm, cần nâng cao chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và phát huy hệ thống hỗ trợ của các trường dân tộc nội trú, trường dự bị đại học. Khi những chính sách này được làm tốt thì mới không cần cơ chế cộng điểm ưu tiên.

Điều chỉnh cho phù hợp

Thực tế, thí sinh diện được ưu tiên cộng điểm chiếm 75% số thí sinh dự thi nên mỗi sự thay đổi về quy định ưu tiên đều ảnh hưởng tới đa số, gây ra nhiều băn khoăn. TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo [Học viện Phụ nữ Việt Nam] cho hay: "Trong điều kiện tiếp cận giáo dục không ngang nhau thì chính sách này bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, cộng điểm ưu tiên như thế nào là câu chuyện phải tính kỹ, không nên cào bằng trong cùng một khu vực như trước. Việc cộng điểm ưu tiên nên xét theo hướng: Đối với thí sinh ở vùng được cộng điểm ưu tiên khi đạt mức điểm nào thì nên cộng bao nhiêu điểm là phù hợp".

"Thực tế còn cho thấy tại nhiều trường đại học, do chính sách cộng điểm ưu tiên, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất" [TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam].

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông [Trường Đại học Thương mại], khoảng cách về điều kiện học tập giữa thành phố và nhiều vùng nông thôn hiện không quá xa nhau. Nếu so sánh với một số trường ở mức trung bình tại thành phố, nhiều trường THPT thuộc KV2 nông thôn có điểm thi còn cao hơn. Do đó, chính sách điểm ưu tiên dựa theo khu vực chỉ mang tính tương đối, nên chi tiết vào những vùng đặc biệt khó khăn.

Với những bất hợp lý trong cộng điểm ưu tiên hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Về mặt lý thuyết, điều chúng ta mong muốn sau khi được cộng điểm ưu tiên, phổ điểm của 4 KV có tính tương đương. Nhưng qua phân tích phổ điểm của thí sinh, Bộ GD&ĐT đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực".

Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, bảo đảm tính công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên [trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10], sau đó sẽ giảm tuyến tính [tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0].

Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng sẽ bằng [[30 - tổng điểm đạt được của thí sinh]/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Chẳng hạn, nếu lấy mốc 24 điểm, những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6... Thí sinh 30 điểm thì không được điểm ưu tiên.

Với cách làm như trên, sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn. Cũng từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT [hoặc trung cấp] và một năm kế tiếp để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Có thể thấy, việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, nên cần bảo đảm sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại khiến nhóm thí sinh khác bị bất lợi...

Bài và ảnh:THU HÀ

Về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2022 đưa ra như sau:

Ưu tiên theo khu vực tuyển sinh: Cộng cao nhất là 0,75 điểm

Điểm ưu tiên cho khu vực 1 [KV1] là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn [KV2-NT] là 0,5 điểm và khu vực 2 [KV2] là 0,25 điểm; chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT [hoặc trung cấp].

Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học THPT [hoặc trung cấp]; nếu thời gian học [dài nhất] tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường học gần nhất.

Đối với các trường hợp được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú bao gồm học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh có nơi thường trú [trong thời gian học THPT hoặc trung cấp] trên 18 tháng tại:

- Các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ;

- Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135;

- Các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT [hoặc trung cấp] tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực [như khu vực 3].

Ưu tiên theo đối tượng chính sách: Chỉ được tính mức điểm cao nhất

Dự thảo Quy chế nêu rõ: Điểm ưu tiên cho nhóm đối tượng UT1 [gồm các đối tượng 01 đến 04] là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng UT2 [gồm các đối tượng 05 đến 07] là 1,0 điểm; áp dụng không phụ thuộc năm thí sinh tốt nghiệp THPT [hoặc trung cấp].

Điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác [được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành] do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.

Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách theo quy định chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.

Các mức điểm ưu tiên được quy định tương ứng với tổng điểm 3 môn [trong tổ hợp môn xét tuyển] theo thang điểm 10 đối với từng môn thi [không nhân hệ số]; trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.

Bảng phân chia khu vực tuyển sinh như sau:

Khu vực

Mô tả khu vực và điều kiện

Khu vực 1

[KV1]

Các xã khu vực I, II, III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực 2 nông thôn [KV2-NT]

Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3;

Khu vực 2

[KV2]

Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương [trừ các xã thuộc KV1].

Khu vực 3

[KV3]

Các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương.

Bảng đối tượng chính sách ưu tiên:

Đối tượng

Mô tả đối tượng, điều kiện

Nhóm UT1

 

01

Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong thời gian học THPT hoặc trung cấp trên 18 tháng tại Khu vực 1.

02

Công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh trở lên công nhận và cấp bằng khen.

03

a] Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh;

b] Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên, hoặc có thời gian phục vụ từ 12 tháng trở lên tại Khu vực 1;

c] Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định.

04

a] Thân nhân liệt sĩ;

b] Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c] Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên;

d] Con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

đ] Con của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Nhóm UT2

 

05

a] Thanh niên xung phong tập trung được cử đi học;

b] Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ dưới 12 tháng ở Khu vực 1 và dưới 18 tháng ở khu vực khác;

c] Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở. Thời hạn tối đa được hưởng ưu tiên là 18 tháng kể từ ngày ký quyết định xuất ngũ đến ngày dự thi hay ĐKXT.

06

a] Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có nơi thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc đối tượng 01;

b] Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%;

c] Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%.

07

a] Người khuyết tật nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT- BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ GDĐT quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện;

b] Người lao động ưu tú thuộc tất cả thành phần kinh tế từ cấp tỉnh, cấp bộ trở lên được công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, được cấp bằng hoặc huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

c] Giáo viên đã giảng dạy đủ 3 năm trở lên dự tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên;

d] Y tá, dược tá, hộ lý, y sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, người có bằng trung cấp dược đã công tác đủ 3 năm trở lên dự tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Video liên quan

Chủ Đề