Chưa nhận thức vai trò của văn hóa năm 2024

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, văn hóa nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng; đồng thời còn tồn tại nhiều yếu kém hạn chế. Trong đó “so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng…, thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa với kinh tế, chính tri”. Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ về văn hóa; lãnh đạo chỉ đạo chưa quyết liệt; chưa nhận thức đầy đủ; sâu sắc về vị trí, vai trò văn hóa… Do vậy, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, và đề ra 1 trong 6 nhiệm vụ là “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực ra, đây là thể hiện sự quán triệt, thấm thấu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa trong phát triển. Người đã từng dạy: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. [Hồ Chí Minh: Về văn hóa. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11]. “Văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải trong kinh tế và chính trị” [Hồ Chí Minh toàn tập. T6, tr.367 – 369; NXB Chịnh trị quốc gia, 2002]. Kinh tế là nền tảng vật chất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; kinh tế và văn hóa trong Tư tưởng Hồ Chí Minh cuối cùng đều phục vụ nhiệm vụ chính trị là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, đạo đức, văn minh. Sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững. Không có sự phát triển bền vững phi hài hòa. Văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Đồng thời, kinh tế, chính trị, xã hội phải có tính văn hóa. Kinh tế không có văn hóa không thể tăng trưởng, càng không thể phát triển bền vững, đích thực hướng tới phục vụ con người. Chính trị không có văn hóa không thể có một sức mạnh, động lực thật sự, một định hướng đúng, một bản lĩnh vững vàng. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã nhận định: Đường lối chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn thấm đượm tinh thần văn hóa. Người dạy: phải làm cho văn hóa ăn sâu vào tâm lý quốc dân để cho mọi công dân Việt nam đều có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tinh thần yêu nước, thương dân; trung thực, ghét giả dối, lừa lọc. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ…

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa có các chức năng chủ yếu là: bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; nâng cao dân trí; bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lối sống lành mạnh, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Cho nên văn hóa góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, lười biếng, những điều trước đây Bác Hồ gọi là “giặc nội xâm”, ngày nay được coi là “quốc nạn”. Nói tóm lại, mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải và chỉ đạo thực hiện. Có chính trị mới có văn hóa. Chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hóa phát triển. Văn hóa tác động tích cực trở lại chính trị, xã hội như một động lực quan trọng.

Tình hình xã hội nước ta hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn còn nhiều hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, một phần do chưa nhận thức sâu sắc và chưa thực hiện đầy đủ về mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Do vậy, Nghị quyết Trung ương 9 [khóa XI] nhấn mạnh phải đặt ngang hàng văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội và phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Xây dựng văn hóa trong chính trị trước hết là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đó là nhân tố hàng đầu, là vấn đề cấp thiết, có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và là khâu đột phá trong sự nghiệp xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam để bảo đảm sự phát triển bền vững của cả nước. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam; Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc cho nên xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng văn hóa ở bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất, là loại hình cao nhất trong các loại hình văn hóa. Xây dựng văn hóa trong Đảng trong tình hình hiện nay, thì hạt nhân cơ bản là xây dựng đạo đức, bởi đó vừa là gốc vừa là biểu hiện quan trọng nhất của văn hóa, của nhân cách con người phải được thực hiện trước tiên, sẽ có tác động dẫn đường chỉ lối cho sự nghiệp xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Đây cũng là thách thức lớn nhất và là một vấn đề cấp bách của Đảng ta hiện nay.

Bác Hồ dạy người Cách mạng có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính, có vậy mới chí công vô tư được. Tại sao ta học hoài mà thực hiện chưa thật tốt! Hầu như ai cũng nắm vững tác phẩm “Đường kách mệnh” [1927], nhất là mục Tư cách của người cách mạng với 23 điều cần thiết trong ứng xử, rồi tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc [1947] với 12 điều xây dựng Đảng; rồi “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, rồi Di chúc của Bác trước lúc Bác đi xa. Tất cả đã dạy chúng ta về xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng để Đảng ta là Đảng của dân tộc, là Đảng Việt Nam, là con nòi của giai cấp, của dân tộc; cán bộ, đảng viên là người đầy tớ của nhân dân. Vậy mà sao lại có tình trạng như hiện nay “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...”?. Phải chăng đã lâm vào tình trạng như Bác Hồ nói: lòng dạ không trong sáng nữa, … sa vào chủ nghĩa cá nhân” [HCM toàn tập, Tập 12. NXB Chính trị quốc gia. HN. 1995. Tr.557-558]. Do vậy phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân; bài trừ chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài...

Tình trạng phai nhạt lý tưởng ở các mức độ khác nhau cũng khá phổ biến trong Đảng. Do vậy vấn đề xây dựng niềm tin cộng sản, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là nội dung quan trọng xây dựng văn hóa trong Đảng hiện nay, phải tuân thủ lời Bác Hồ dạy “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết về xây dựng Đảng gần đây đã nêu.

Một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay về xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng và cả trong xã hội. Trước lúc đi xa, Bác dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” [HCM Toàn tập. T12 – tr.510]. Tuân theo Lời dạy của Bác Hồ, Đảng ta luôn chủ trương “giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội” [VK ĐH11. Tr.257]. Và thực tế về chủ trương đường lối Đảng ta có sự thống nhất cao. Tuy vậy, hiện nay trong các cấp tổ chức Đảng khác nhau, kể cả cấp cao nhất cũng có những ý kiến khác nhau về những vấn đề lớn, hệ trọng của Đảng. Dư luận cho rằng, trước đây trong Đảng cũng có những ý kiến bất đồng với nhau, nhưng chủ yếu là do đánh giá, nhận định vấn đề, tức thuộc về quan niệm, quan điểm. Còn hiện nay, ngoài vấn đề thuộc cách nhìn nhận, đánh giá, quan điểm còn do lợi ích. Đây là điều hết sức nguy hiểm trong Đảng; bởi đó là sự biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cái đối lập với đạo đức cách mạng, cái phi văn hóa. Gần đây trong Đảng, Quốc hội cũng thường nhắc đến hiện tượng, tình trạng “lợi ích nhóm”. Điều này hoàn toàn trái ngược với tôn chỉ mục đích của Đảng ta, một đảng mác-xít được hình thành do nhu cầu giải phóng dân tộc, vì sự phồn vinh, trường tồn của Tổ quốc, vì quốc dân, đồng bào. Ngoài lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Ấy vậy mà, lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc nay được chia ra nhóm này, nhóm nọ, dẫn đến sự hiềm khích trong Đảng.

“Lợi ích nhóm” dẫn tới “phe cánh” trong Đảng. Và có tình trạng các phe cánh đã dùng các thủ đoạn phi đạo đức, gài bẫy nhau làm những việc mờ ám để hạ bệ nhau. Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện sự móc ngoặc của những viên chức nhà nước với tội phạm, những dấu hiệu đầu tiên của maphia. Rõ ràng chúng ta chưa thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn di huấn của Bác Hồ “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Muốn đoàn kết, thống nhất trong Đảng cần phải thường xuyên sử dụng biện pháp có ý nghĩa then chốt là “tự phê bình và phê bình”. Song đã bao lần tiến hành các cuộc chỉnh đốn Đảng, từ Nghị quyết TW6 [lần 2 – khóa VIII] đến cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt Nghị quyết TW4 vừa qua, nhưng xem ra tính tự giác, tự phê bình chưa cao. Cho nên, việc phải xây dựng tinh thần trung thực trong Đảng chưa bao giờ được đặt ra cấp bách như hiện nay. Xưa nay, ai vào Đảng, trước hết phải trung thực với Đảng, không nói dối, không che giấu một điều gì, có như vậy mới trung thành được. Ngày nay, lề thói gian lận, gian dối, kể cả gian tuổi tác khá phổ biến, làm tổn thất nặng nề đến văn hóa trong Đảng.

Nói tóm lại, xây dựng văn hóa trong Đảng hiện nay, thực chất là đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức – cán bộ, nhiệm vụ được xác định là “then chốt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nói chung, và là khâu “đột phá” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nói riêng, và đó cũng là khâu đột phá về xây dựng văn hóa trong chính trị như nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam [khóa XI].

Chủ Đề