Chính sách phát triển nông nghiệp của Trung Quốc

Quốc vụ viện [Chính phủ] Trung Quốc mới đây công bố Quy hoạch thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14, với tầm nhìn đến năm 2035, cơ bản hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, quy hoạch nhằm đưa ra các định hướng chiến lược, mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng bảo đảm và vai trò bình ổn của nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục nâng cao mức sống của người dân nông thôn.

Mục tiêu mà quy hoạch đưa ra là đến năm 2025, nền nông nghiệp Trung Quốc có nền tảng vững chắc, thúc đẩy toàn diện chiến lược chấn hưng nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn đạt được bước tiến quan trọng; thúc đẩy những khu vực có điều kiện cơ bản thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, những khu vực đã thoát nghèo kết hợp hiệu quả giữa củng cố thành quả xóa đói giảm nghèo với phát triển nông thôn. Tầm nhìn đặt ra là đến năm 2035, công cuộc chấn hưng toàn diện nông thôn đạt được bước tiến có tính quyết định, cơ bản thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Đến thời điểm đó, nguồn cung lương thực và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng được bảo đảm hiệu quả, năng lực sản xuất tổng hợp được giữ vững, duy trì sản lượng khoảng 650 triệu tấn, bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực trong nước.

Theo yêu cầu của quy hoạch, Trung Quốc sẽ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ sản xuất lương thực, như ổn định trợ cấp cho nông dân, hoàn thiện chính sách giá tối thiểu thu mua lúa gạo và lúa mì cùng chính sách trợ cấp cho người sản xuất ngô và đậu tương; đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất và tiêu dùng lương thực, khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất lương thực tập trung; mở rộng phạm vi bảo hiểm trồng trọt lương thực…

Trung Quốc sẽ tập trung phát triển ngành chăn nuôi hiện đại để bảo đảm nguồn cung thịt, trứng, sữa, trong đó sản lượng thịt lợn giữ ổn định ở mức 55 triệu tấn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cấp ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản...

Đáng chú ý, quy hoạch lần này đề ra mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp thông minh, thông qua xây dựng và mở rộng ứng dụng hệ thống dữ liệu lớn [big data] về nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy kết hợp sâu rộng giữa sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với các công nghệ thế hệ mới như internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối [blockchain]..., nhằm xây dựng mô hình cánh đồng số, khu vực tưới tiêu số hóa và hệ thống nông trường, ngư trường thông minh.

HỮU HƯNG [Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc]

Văn kiện số 1

Văn kiện Trung ương số 1 [gọi tắt Văn kiện số 1] là văn bản chính sách đầu tiên mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện [Chính phủ] ban hành vào dịp đầu năm mới và thường là chỉ dấu về các ưu tiên chính sách của đất nước trong năm đó.

Năm 2017, Văn kiện số 1 có tiêu đề “Các quan điểm về thúc đẩy cải cách cơ cấu về nguồn cung trong lĩnh vực nông nghiệp và đẩy nhanh động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn”. Đây là năm thứ 14 liên tiếp, Văn kiện số 1 tập trung vào vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Điều đó cho thấy, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng tới sự phát triển toàn diện của lĩnh vực này.

Lý giải về tiêu đề của văn kiện, ông Tang Renjian, Phó Trưởng nhóm công tác Trung ương về nông thôn, cho biết trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội tháng 3.2016, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vấn đề chủ yếu mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt không phải là sự thiếu hụt nguồn cung mà là cơ cấu nguồn cung. Vấn đề nghiêm trọng là sự tồn tại song song của cả tình trạng dư cầu lẫn dư cung. Vì vậy, việc thúc đẩy cải cách về nguồn cung trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh và lợi ích toàn diện trong lĩnh vực này đã trở thành mục tiêu quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.

Tăng nguồn cung sạch và chất lượng

Văn kiện số 1 của năm 2017, gồm 6 mục với 33 chính sách và biện pháp, được chia ra làm hai phần. Phần thứ nhất đề cập tới các điều chỉnh mang tính cơ cấu và bao gồm 2 khía cạnh: Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, các phương pháp sản xuất và cơ cấu công nghiệp; tăng cường hỗ trợ cơ bản và hỗ trợ công nghệ.

Liên quan tới việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, theo ông Tang, Trung Quốc sẽ giảm nguồn cung giá rẻ, chất lượng thấp và thiếu hiệu quả, trong khi tăng nguồn cung có chất lượng, giá trị cao, đồng thời thúc đẩy các phương pháp sản xuất “xanh” và cải thiện hệ sinh thái.

Đặc biệt, Văn kiện số 1 nhấn mạnh việc tạo ra các nông sản an toàn, bền vững và có chất lượng cao hơn, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Một chuỗi các trung tâm đổi mới sẽ được thành lập, và phương pháp sản xuất sạch sử dụng ít nước hơn sẽ được thúc đẩy.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp mới và mô hình kinh doanh mới; tăng cường hội nhập các ngành cấp 1, cấp 2 và cấp 3 ở khu vực nông thôn; nâng cấp toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, tăng giá trị của lĩnh vực này.

Đối với vấn đề hỗ trợ công nghệ, Trung Quốc sẽ tạo ra các công nghệ mang tính sáng tạo để đối phó với sự chuyển đổi từ sự phát triển theo hướng ưu tiên số lượng sang ưu tiên cho chất lượng. Còn về hỗ trợ cơ bản, sẽ tăng cường các mối liên kết đang yếu về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Tiếp thêm sinh lực cho thị trường

Theo Văn kiện số 1, một trong những yêu cầu khi tiến hành cải cách cơ cấu về bên cung trong lĩnh vực nông nghiệp là an ninh lương thực quốc gia phải được bảo đảm. Trung Quốc sẽ tập trung vào 3 vấn đề.

Trước hết, sẽ tiếp thêm sinh lực cho thị trường. Để làm được điều đó, văn kiện trên đã nêu ra các chính sách và biện pháp về cải cách cơ chế định giá cho các nông sản chủ chốt, cải cách hệ thống thu mua và dự trữ, và cải thiện hệ thống trợ cấp nông nghiệp.

Tiếp đến là thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sự lưu chuyển tự do của các nguồn lực. Đó là những cải cách về hệ thống ngân sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới trong các hệ thống tài chính nông thôn, đưa cải cách về hệ thống sở hữu trí tuệ tập thể đi vào chiều sâu, và nghiên cứu các biện pháp để thiết lập một hệ thống nhằm đảm bảo nguồn cung đất đai cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ có các biện pháp khuyến khích những bên tham gia thị trường như phát triển các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, khai thác nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, và thu hút các chuyên gia nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, Nhà nước sẽ khuyến khích lao động nông thôn đang làm ăn ở nơi khác quay về và khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Các cơ quan quản lý sẽ ban hành các chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn cùng với sự hỗ trợ về tài chính, sử dụng đất và bảo hiểm xã hội.

“Ba vùng”, “Ba khu” và “Một hợp nhất”

Văn kiện số 1 đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng “cách tiếp cận, nền tảng và phương tiện chuyển tải”, biểu hiện rõ nét ở “Ba vùng”, “Ba khu” và “Một hợp nhất”.

“Ba vùng” gồm: Vùng chức năng cho sản xuất lương thực, vùng bảo vệ cho các nông sản chủ chốt và vùng ưu tiên cho sản xuất đặc sản. Vùng chức năng cho sản xuất lương thực được thiết kế để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và sẽ trồng các loại cây lương thực chủ chốt như gạo và ngô. Vùng bảo vệ được xây dựng nhằm bảo đảm Trung Quốc có thể tự cung, tự cấp cơ bản về lương thực đối với các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, trong đó có đậu tương, bông, hạt cải dầu, mía và cao su. Vùng ưu tiên cho sản xuất đặc sản sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng trên thị trường nhằm gia tăng lợi ích và khả năng cạnh tranh toàn diện của ngành nông nghiệp Trung Quốc.

“Ba khu” gồm khu công nghiệp nông nghiệp hiện đại, khu khoa học và công nghệ, và khu tiên phong, trong đó riêng khu tiên phong được sử dụng để thu hút nhân tài về nông thôn để khởi nghiệp.

“Một hợp nhất” đề cập tới tổ hợp hợp nhất nông thôn. Nghĩa là, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các khu vực nông thôn đạt tiêu chuẩn thúc đẩy sự kết hợp giữa nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sáng tạo và kinh nghiệm canh tác, trong đó các hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò như “phương tiện chuyển tải chủ chốt”, còn nông dân được phép tham gia và thu lời từ đó.

Theo ông Tang, thông qua việc xây dựng “Ba vùng”, “Ba khu” và “Một hợp nhất”, Trung Quốc có thể tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp ở nông thôn, thúc đẩy sự hội nhập của các ngành công nghiệp cấp 1, cấp 2 và cấp 3, kết hợp các yếu tố vốn, khoa học và công nghệ, tri thức và các dự án ở nông thôn, và đẩy nhanh sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại.

Phân bổ nguồn lực, thu hút nhân tài

Văn kiện số 1 chú trọng nhiều tới việc tối ưu hóa sự phân bổ các nguồn lực và yếu tố nông nghiệp, đồng thời đề xuất nhiều chính sách như thực hiện các dự án tiết kiệm nước nông nghiệp quy mô lớn, kết hợp và tạo đòn bẩy về tài chính, kích hoạt và khai thác đất bỏ không. Hiểu một cách đơn giản, phần này liên quan tới các yếu tố con người, đất đai và tiền.

Tình trạng thiếu nước hiện là “nút thắt” cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Trung Quốc. Hệ số đất nông nghiệp được tưới nước chỉ là 0,53, thấp hơn 0,2 điểm so với nhiều nước phát triển. Đặc biệt ở khu vực phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, nơi có các vùng sản xuất lương thực chủ chốt, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức diễn ra rất nghiêm trọng. Trong khi đó, sự phân bổ tài nguyên nước về không gian và thời gian là không đều.

Vì vậy, ông Tang nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải tiến hành các dự án chỉnh hướng nguồn nước, dẫn nước và tích trữ nước. Nước này sẽ tiếp tục các dự án như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, trong dài hạn, biện pháp cấp thiết và hiệu quả nhất là tiết kiệm nước trong nông nghiệp. Điều đó đã được ghi trong văn kiện.

Đối với vấn đề vốn, các khái niệm “kết hợp” và “đòn bẩy” đã được đưa ra. Hiện nay, áp lực suy thoái kinh tế đối với đất nước vạn lý trường thành khá lớn nên rất khó tăng đầu tư cho nông nghiệp. Vì vậy, văn kiện này chỉ đề xuất một sự tăng vốn vừa phải. “Kết hợp” là một kế hoạch tổng thể nhằm kết hợp các nguồn vốn và tập trung để làm tốt các dự án cần phải thực hiện. “Đòn bẩy” là việc sử dụng ngân sách và các nguồn tài chính khác như một đòn bẩy để huy động thêm vốn đầu tư xã hội và tài chính nhằm bổ sung vốn đầu tư cho việc xây dựng nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Về chính sách sử dụng đất, Trung Quốc sẽ thực hiện một số quy định và thủ tục mới liên quan tới việc sử dụng đất bỏ không cho người di cư nông thôn và cho phép các làng/xã sử dụng đất đai tiết kiệm được để xây dựng các cơ sở vui chơi ở nông thôn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch.

Đặc biệt, một trong những điểm rất mới trong Văn kiện số 1 là cơ chế thu hút nhân tài. Cụ thể, văn kiện đưa ra đề xuất Trung Quốc cần phát triển bộ ba gồm: Hợp tác toàn diện một cách tích cực, khai thác các nhân tài nông thôn và đội ngũ chuyên gia.

Đào Tùng

Video liên quan

Chủ Đề