Chiều dài bờ biển tỉnh cà mau chiếm bao nhiêu

Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Bạc Liêu và biển Đông, phần mũi phía Nam giáp biển Đông và một phần phía tây giáp vịnh Thái Lan. Khí hậu Cà Mau ôn hòa thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, không bị ảnh hưởng của lũ và ít có bão.

Thành phố Cà Mau – Ảnh: Phạm Dương Hải

Tỉnh Cà Mau được tái lập năm 1997. Có diện tích 5.294,88 km2 xếp thứ 2 và bằng 12,97% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bằng 1,58% diện tích cả nước. Trong đó, diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên 200.000 ha, đất trồng lúa 94.000 ha, diện tích đất lâm nghiệp 114.000 ha.

Vị trí địa lý nằm ở 8o30’ đến 9010’ vĩ Bắc và 104o80’ đến 105o5’ kinh Đông, thiên nhiên phú cho Cà Mau giàu tài nguyên về rừng và biển. Hệ sinh thái rừng ngập nước có diện tích gần 100.000 ha được chia thành 2 vùng: rừng ngập lợ với đặc trưng cây tràm là chủ yếu nằm sâu trong đất liền ở vùng U Minh hạ, ngập mặn với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở vùng Mũi Cà Mau và ven biển, trong rừng có nhiều loài động vật, thực vật phong phú với trữ lượng lớn là đặc sản của rừng ngập nước. Rừng Cà Mau trở thành nổi tiếng trên thế giới và chỉ đứng sau rừng ngập mặn Cửa sông Amazôn [Brazil]. Bờ biển Cà Mau dài 254 km chạy từ phía biển Đông sang vịnh Thái Lan, bờ biển thấp, nền đất yếu và bằng phẳng.

Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam do tỉnh Cà Mau quản lý rộng trên 71.000 km2, độ sâu trung bình từ 30 đến 35 mét. Trong đó, có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc.

Trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn, có khả năng khai thác trong nhiều năm. Biển Cà Mau có vị trí trung tâm đường biển trong vùng Đông Nam Á và sát với đường biển quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.

Sân bay Cà Mau Ảnh: Trần Quốc Bình

Cà Mau được kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực bằng nhiều hệ thống giao thông rất thuận lợi cho việc giao thương gồm: đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường biển qua cảng Năm Căn. Về đường bộ, Cà Mau có thêm tuyến đường Hồ Chí Minh về xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đã được thông tuyến đi vào khai thác.

Do có vị trí thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu rất ôn hòa… tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt, dầu khí và dịch vụ cảng biển.

Dân số Cà Mau có 1.218.821 người, phân bổ tương đối đều, mật độ trung bình 230 người/km2, là vùng đất có cộng đồng các dân tộc kinh, người Khmer, người Hoa và một số dân tộc ít người khác sinh sống. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 50%, đa số là lao động trẻ, cần cù, có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nhiều lĩnh vực. Địa giới hành chính được chia thành 8 huyện và 1 thành phố: Thành phố Cà Mau, Các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Thái Bình, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh trong đó có 82 xã, 10 phường, 9 thị trấn. Thành phố Cà Mau là trung tâm kinh tế- văn hóa của tỉnh nằm trên trục quốc lộ 1, quốc lộ 63, quảng lộ Phụng Hiệp và đường hành lang ven biển phía Nam có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng. Nhịp độ phát triển đô thị của Cà Mau rất nhanh: từ một thị xã, sau 15 năm xây dựng và phát triển đến nay Cà Mau là Thành phố – đô thị loại II, hướng tới đô thị loại I năm 2020. Thị trấn Năm Căn, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, cửa biển Khánh Hội, ông Trang, Rạch gốc, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp… cũng đang hình thành lên các đô thị sầm uất của dải hành lang đô thị ven biển.

Dự kiến đến năm 2020 tổng dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh có khoảng 894.000 người, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo, dạy nghề đến năm 2020 đạt 50% trở lên. Tỉnh có nguồn lao động dồi dào, trong đó số người trong độ tuổi lao động trên 700.000 người, phần lớn trong số đó đã được đào tạo nghề cơ bản. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 02 trường đại học phân hiệu và 06 trường Cao đẳng và Trung cấp.

Cà Mau, mảnh đất thiêng liêng nơi vùng cực Nam của Tổ quốc đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để nỗ lực vươn lên trở thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL] bằng những thế mạnh về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ logistics.

Mũi Cà Mau là một mũi đất ở phía Nam tỉnh Cà Mau. Đây cũng là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam. Ảnh: Lê Nguyễn

Cơ hội lớn từ kinh tế biển và năng lượng sạch

Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển toàn vùng ĐBSCL. Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển cũng rất thích hợp cho việc nuôi trồng quy mô lớn các loài thủy sản nước mặn như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn… Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung phát triển ngành thủy sản trên cả 3 lĩnh vực là nuôi trồng, khai thác và chế biến. Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức, Cà Mau đã phát triển được đội tàu cá hùng hậu với hơn 4.500 chiếc.

Cà Mau xác định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên quy hoạch Tỉnh trở thành trung tâm nuôi, đánh bắt và chế biến thuỷ sản của cả nước. Các mặt hàng thuỷ sản của Tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU.

Đặc biệt, Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về nuôi tôm với diện tích chiếm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% so với cả nước. Bất chấp sự biến động thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột vũ trang ở một số nước trên thế giới, liên tiếp các năm 2020, 2021, 2022 Cà Mau đều là địa phương nổi bật nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn vượt mức trên 1 tỉ USD.

Anh Bùi Chí Thượng, một người nuôi tôm lâu năm ở huyện Năm Căn cho biết: “Tôi có hơn 3ha mặt nước nuôi tôm, một năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ khoảng 90 đến hơn 100 ngày, trừ mọi chi phí mỗi năm thu gần 2 tỉ đồng [khoảng hơn 84 nghìn USD - PV]”.

Với chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung cho hội nhập quốc tế sâu rộng, Cà Mau hoàn toàn có thể tự tin hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1,65 tỉ USD.

Bên cạnh tiềm năng về thủy sản, Cà Mau còn có lợi thế rất lớn về phát triển dịch vụ logistics nhờ nằm ở vị trí trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp với vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia và lại nằm trên Hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng. Cà Mau còn có cụm đảo Hòn Khoai có đủ điều kiện để xây dựng trở thành cảng biển tổng hợp quy mô lớn. Đây chính là những lợi thế đưa Cà Mau trở thành trung tâm dịch vụ logistics, kết nối giao thương của vùng ĐBSCL trên Hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Một thế mạnh khác của Cà Mau là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tiềm năng này không chỉ có khả năng đóng góp rất lớn vào nguồn năng lượng quốc gia mà còn giúp địa phương đảm bảo an ninh năng lượng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đây còn là sự thể hiện cam kết tăng trưởng xanh, khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Được biết, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, Cà Mau sẽ có 3.607MW điện gió. Hiện có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động hòa vào lưới điện quốc gia 100MW. Trong tương lai, Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án với tham vọng sẽ đóng góp trên 6.500MW điện gió cho hệ thống năng lượng điện quốc gia. Bên cạnh điện gió Cà Mau cũng đang xúc tiến xin bổ sung vào quy hoạch nhiều dự án điện khí và điện mặt trời.

Với tiềm năng về kinh tế biển, năng lượng sạch lại thuận lợi giao thương đường biển quốc tế cũng như kết nối nội vùng ĐBSCL thông qua hệ thống đường sông, đường bộ và đường hàng không, Cà Mau đang nắm trong tay những lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế-xã hội vươn lên trở thành cực tăng trưởng quan trọng của “vùng đất Chín Rồng”.

Thế mạnh đặc sản du lịch đất Chín Rồng

Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, là vùng đất có bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hữu tình của rừng và biển cùng với đời sống người dân mang đậm bản sắc văn hóa của vùng miền Tây sông nước. Đồng thời, Cà Mau cũng nằm trong Hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng nên có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế du lịch với các nước Đông Nam Á.

Ở khu vực ĐBSCL, Cà Mau có lợi thế lớn khi nằm liền kề với thành phố du lịch biển nổi tiếng Phú Quốc và gần với thành phố Cần Thơ [trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL]. Tại đây, còn có 04 sân bay [Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá], trong đó có 02 sân bay quốc tế nên cũng rất thuận tiện trong việc kết nối các tour du lịch quốc tế từ Phú Quốc, Cần Thơ đến với Cà Mau. Bên cạnh đó, dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai một khi được Chính phủ phê duyệt và đầu tư cũng sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với du lịch biển của tỉnh.

Về tiềm năng di sản, Cà Mau hiện có 12 di tích quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và 02 di sản văn hóa quốc gia là nghề gác kèo ong truyền thống, nghề muối ba khía truyền thống.

Cà Mau có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ là hai điểm du lịch sinh thái nổi tiếng. Hai Vườn Quốc gia này đã được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2013, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước cả nước, tiếp giáp với Biển Đông và Biển Tây. Nơi đây có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú đa dạng với khoảng 27/32 loài cây ngập mặn đã được phát hiện ở Việt Nam, khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá, 9 loài lưỡng cư và còn nhiều loài quý hiếm khác… Trong đó có hai loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài, voọc bạc và bốn loài có trong sách đỏ Việt Nam.

Đến Mũi Cà Mau, du khách có thể đi lại bằng thuyền máy, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn để ngắm hệ sinh thái tuyệt vời, tham quan mô hình làng rừng thời chiến được gìn giữ một cách cẩn thận để hiểu thêm về đời sống của quân và dân miền Tây Nam Bộ thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trải nghiệm đời sống đậm chất sông nước miền Tây như lội sông bắt ba khía, câu cá, bắt cua, thòi lòi cùng những trò chơi dân gian luôn thu hút nhiều du khách tham gia.

Cà Mau cũng là vùng đất nổi tiếng về ẩm thực đồng quê mang phong vị đất phương Nam với nhiều món ăn đặc sản như: ba khía muối, mắm cá chim, cá thòi lòi nướng muối ớt, cá đối kho mía, vọp hấp gừng, hàu nướng... đặc biệt không thể bỏ qua món cua Cà Mau thơm ngon nức tiếng cả nước.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt phát triển du lịch cộng đồng với những tour du lịch đi sâu vào rừng và đi ra các bãi bồi ven biển để du khách thưởng ngoạn.

Theo định hướng, Cà Mau sẽ tập trung phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng, kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch Cà Mau gắn với sự phát triển du lịch chung của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước./.

Biểu tượng con thuyền Đất Mũi thuộc Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm

Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Định hướng của Tỉnh là phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Chú trọng phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, tạo bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Chủ Đề