Cách mã hóa thông tin để ghi nhớ

Có bao giờ bạn ngán ngẫm việc ghi nhớ các con số?

Chẳng hạn các con số về diện tích, dân số của môn Địa lý; ngày tháng lịch sử; các con số toán học, giá cả trong kinh doanh, số điện thoại, địa chỉ nhà,

Thông tin dưới dạng các con số xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Vì vậy việc ghi nhớ cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn. Vậy nếu có phương pháp hiệu quả thì chẳng việc gì bạn phải sợ ghi nhớ các con số cả?

Sử dụng khoa học về não bộ để phát huy tiềm năng não phải giúp dễ dàng ghi nhớ mọi thứ trong đó có các con số. Và một trong những công cụ quan trọng nhất của một trí nhớ siêu phàm đó chính là hệ thống mã hóa các con số thành hình ảnh. Cùng với lâu đài trí nhớ thì hệ số hình ảnh là công cụ hiệu quả nhất giúp trí nhớ vươn lên tầm cao mới.

Trong bài viết này bạn sẽ biết được hiệu quả của việc sử dụng hệ số hình ảnh và cách tạo ra cho bản thân một hệ số hình ảnh để ghi nhớ các con số dễ dàng.

Trí nhớ bằng hình ảnh

Bạn thử nhớ danh sách từ sau: số hai, người, cần câu, điện thoại, vết nứt, màu đen, con cá.

Với hình ảnh sau:

Instagram: minisekai

Thì nhớ cái nào dễ hơn?

Có phải nhớ bằng hình ảnh dễ dàng hơn phải không nào?

Vậy tại sao chúng ta ghi nhớ bằng hình ảnh tốt hơn chữ viết?

Vì bộ não của chúng ta ghi nhớ hình ảnh bằng cách tạo ra nhiều liên kết giữa các nơron thần kinh hơn. Chính xác là não phải lưu giữ hình ảnh và tạo liên kết tốt hơn nên giúp bạn giữ lại được thông tin.

Xem thêm: Não trái, não phải và não cá vàng.

Vậy còn các con số thì sao?

Các con số cũng giống như những từ phía trên, số là dạng dữ liệu rất khó nhớ vì chúng chỉ là những ký hiệu. Và để nhớ chúng dễ dàng hơn thì bạn cần chuyển chúng thành hình ảnh.

Việc chuyển các con số thành hình ảnh khó hơn rất nhiều so với việc chuyển từ sang hình ảnh. Từ bạn có thể dựa vào ý nghĩa của chúng để tìm hình ảnh vậy số thì phải làm thế nào?

Bạn yên tâm là với những phương pháp sau đây bạn sẽ dễ dàng chuyển đổi chúng sang hình ảnh.

Hệ ngữ nghĩa cá nhân

Hệ ngữ nghĩa cá nhân chính là việc bạn sử dụng những hình ảnh mang tính cá nhân và có ý nghĩa đối với bạn để liên kết chúng với các con số.

Ví dụ:

0: trà xanh không độ [không độ].

1: huy chương vàng [đạt giải nhất sẽ có huy chương vàng].

2: Chị hai, anh hai trong nhà.

3: tripod [có 3 chân].

4: bàn [có 4 chân].

5: bàn tay [có 5 ngón].

6: bụng [bụng 6 múi].

7: cầu vồng [có 7 màu].

8: bà Tám đầu hẻm.

9: rồng [sông Cửu Long có 9 cửa sông].

Ưu điểm:

  • Dễ nhớ hình ảnh đã tạo.
  • Dễ tạo câu chuyện sau này vì có nhiều liên kết với cuộc sống của bạn.

Khuyết điểm:

  • Nhiều số sẽ không tìm ra được hình ảnh liên tưởng.
  • Khó nâng cấp lên hệ thống 3 số.

Chuyển đổi sang bước từ ngữ trung gian

Ở phương pháp này bạn sẽ quy định mỗi con số là một chữ cái rồi từ sự kết hợp 2 chữ cái sẽ tạo ra hình ảnh.

Các quy tắc chuyển đổi sang chữ thường gặp là:

Major system: đây là bộ quy tắc chuyển đổi chung dành cho ngôn ngữ tiếng Anh.

0: s,z

1: t, d, th

2: n

3: m

4: r

5: l

6: j, ch, sh

7: c, k, g, q, ck

8: v, f, ph

9: p, b

Còn đối với người Việt Nam do có khác biệt về ngôn ngữ nên có thể chuyển đổi như sau:

0: k [không]

1: m [một]

2: h [hai]

3: b [ba]

4: g [ghế 4 chân]

5: n [năm]

6: s [sáu]

7: c [cầu vồng 7 màu]

8: t [tám]

9: ch [chín]

Bạn nên tạo cho mình một quy tắc chuyển đổi phù hợp với bản thân không cần phải dựa theo ai cũng được.

Ví dụ: Ở đây tôi sử dụng bảng quy tắc tiếng Anh nhưng sử dụng từ ngữ bằng tiếng Việt.

01 => st => sư tử.

15 => tl => toa lét.

18 => tv => ti vi.

Ưu điểm:

  • Nhanh tạo ra hình ảnh ngay cả những số khó.
  • Dễ nâng cấp lên bộ 3 [nếu dùng tiếng Anh].
  • Dễ học lúc ban đầu.

Khuyết điểm:

  • Qua bước trung gian nên giảm tốc độ phản xạ.
  • Bị rào cản về mặt ngôn ngữ.
  • Không rèn luyện được khả năng sáng tạo.

Tưởng tượng theo hình dạng

Phương pháp tưởng tượng theo hình dạng này bạn sẽ dùng sự liên tưởng và sáng tạo dựa trên hình dạng của những con số để tạo ra hình ảnh:

Ví dụ:

0: quả trứng

1: viên phấn

2: con vịt

3: trái tm

4: dao

5: vòi xịt nước

6: tẩu

7: phảng

8: còng

9: cuộn giấy

Ưu điểm:

  • Rèn luyện được khả năng tưởng tượng, sáng tạo [đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của siêu trí nhớ].
  • Không qua trung gian nên phản xạ nhanh.
  • Hệ số hình sẽ khắc phục được nhược điểm về mặc ngôn ngữ của hệ chính [hệ thống mã hóa hình ảnh bằng ngôn ngữ]. Một số quốc gia sử dụng chữ hình tượng như Trung Quốc, Nhật, Thái, sẽ không sử dụng được hệ chính. Vì vậy hệ số hình là một giải pháp vượt qua mọi ngôn ngữ.

Khuyết điểm:

  • Khó tạo hình ảnh cho những số khó.
  • Khó nâng cấp lên bộ mã hóa 3 chữ số.

Vậy nên chọn phương pháp nào?

Bản thân tôi chọn phương pháp thứ 3 để tạo ra bộ mã hóa hình ảnh của mình. Sau đây là những gì tôi rút ra được khi sử dụng phương pháp này.

  • Khả năng liên tưởng, tưởng tượng: Hai khả năng này của tôi được nâng cao rõ rệt. Những con số như những hình ảnh trừu tượng. Việc luyện tập theo dạng trừu tượng này giúp tôi có tiền đề tốt để có thể đạt giải nhất bộ môn Nhớ hình trừu tượng tại giải Siêu trí nhớ Việt Nam 2019.

Dự định tiếp theo là tôi sẽ học tiếng Trung và việc nhớ được Hán tự chính là nhờ khả năng liên tưởng trừu tượng này.

  • Luyện được kỹ năng vẽ: Trong học tập việc ghi chú sáng tạo bằng hình ảnh sẽ hiệu quả hơn cho việc ghi nhớ thông thường. Tạo xong bộ mã hóa này bạn sẽ đồng thời luyện được kỹ năng vẽ để áp dụng cho việc ghi chú sau này thông qua sơ đồ tư duy hay sketchnote.
  • Gây thích thú hơn: Một đứa em của bạn tôi rất mê chơi game nhưng khi được học phương pháp vẽ này đã chăm chú vẽ và thuộc các hình ảnh nhanh chóng mà không hề bị nhàm chán. Trẻ con thích vẽ và thích sử dụng hệ thống này hơn. Người lớn thích nhanh nên thích sử dụng hệ thống đổi sang chữ hơn. Nhưng nhiều thứ khác người lớn không thích nhanh đâu :v

Sử dụng hệ thống nào là do bạn tự quyết định nhưng cần nhớ những lưu ý sau:

  • Không nên sử dụng những hình ảnh của người khác đã tạo ra sẵn. Vì nó sẽ giảm hiệu quả ghi nhớ vì hình ảnh đó không có nhiều ý nghĩa, cảm xúc đối với bạn.
  • Hãy tự tạo ra hình ảnh của riêng bạn.
  • Phù hợp với yêu cầu của bạn. Bạn muốn nhanh, muốn sáng tạo hay muốn dễ nhớ.

Ghi nhớ các con số

Bây giờ sử dụng khả năng liên tưởng và tưởng tượng của bạn để tạo ra các hình ảnh trong dãy số pi sau đây nhé.

3.1415926535

Đầu tiên bạn sẽ mã hóa hình ảnh cho các con số sau dấu phẩy của số pi. Dưới đây là những hình ảnh của tôi tạo ra.

14 => mạng nhện.

15 => xe lăn.

92 => con khỉ.

65 => cánh tay.

35 => con bọ.

Sau khi mã hóa xong các con số. Bây giờ bạn sẽ dùng phương pháp liên kết để tạo thành một câu chuyện tưởng tượng sẽ giúp bộ não liên kết các thông tin tốt hơn.

Xem thêm: Phương pháp ghi nhớ liên kết.

Câu chuyện tưởng tượng của tôi là: một con nhện phóng tơ chụp dính một chiếc xe lăn rồi kéo lên, bỗng chiếc xe lăn xoay bánh thoát khỏi tơ nhện và chạy trên không trung, đúng lúc đó nó hứng một con khỉ trượt vỏ chuối khi trèo cây, con khỉ này tập tạ nên có cơ bắp cuồn cuộn và nó đang vật tay với một con bọ cánh cam.

Bạn có thể nghĩ rằng tại sao phải nhớ một câu chuyện dài như vậy. Khi viết ra thì thấy dài như thế chứ lúc bạn nhớ bạn chỉ cần hình dung hình ảnh trong đầu. Lý do vì sao bạn nên hình dung hình ảnh có thể xem thêm ở bài viết sau.

Xem thêm: Bản chất trí nhớ siêu phàm.

Dù bạn sử dụng phương pháp nào để mã hóa các con số thành hình ảnh thì điều quan trọng là bạn sẽ cố định chúng và luôn sử dụng những hình ảnh đó tương ứng với các con số. Khi sử dụng nhiều thì khả năng mã hóa và giải mã sẽ rất nhanh.

Việc nhớ các con số sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần bạn bỏ thời gian một lần để tạo ra bộ mã hóa số thành hình ảnh thì có thể dùng mãi mãi sau này.

Video liên quan

Chủ Đề