Cách học để không nợ môn

Lượt xem: 2,575,315

Bước vào cánh cửa đại học, tức là đã bước sang một giai đoạn mới đầy thử thách và chông gai hơn cần nhận thức đúng đắn và quyết tâm. Không phải là thời gian được nghỉ ngơi và hưởng thụ như bao người vẫn nghĩ. Năm đầu tiên sinh viên là năm rất dễ rớt môn và được nhiều người cho là chuyện bình thường. Đó chính là một nguy cơ cao gây ra việc đi sai đường trong con đường sự nghiệp của mỗi chúng ta.

Nguyên nhân của việc dễ rớt môn là gì?

Ngủ quên trên sự chiến thắng bước đầu. Đó chính là nguyên nhân mà hầu hết các sinh viên mắc phải. Sau bao nhiêu năm trên ghế nhà trường để bước vào được cánh cửa đại học mà mình mong ước là một sự thành công bước đầu cho chúng ta trong con đường sự nghiệp sau này.

Thế nhưng, có nhiều suy nghĩ cho rằng đã chiến thắng thì cần phải được nghỉ ngơi, cần phải được thư giãn sau những tháng ngày vất vả đó. Sự tập trung, chăm chỉ học hành không được như thời còn ngồi trên ghế phổ thông. Nên việc rớt môn là điều không thể tránh khỏi.

Chưa kịp thích nghi với môi trường mới và phương pháp học mới.

Môi trường học đại học rất khác so với môi trường trung học phổ thông trước đó. Phương pháp học và thời gian học không cố định mà mang tính chất tự giác nhiều. Hầu hết chúng ta đang quen với sự ràng buộc, khuôn khổ học nhất định, và các phương pháp học đã được các thầy cô vạch rõ ra để chỉ việc thực hiện theo.

Chính vì thế lên đại học, tất cả những việc đó lại là do chúng ta tự sắp xếp và thực hiện.  Ai có tính tự giác cao thì sẽ tự biết vạch ra con đường đúng đắn cho mình, nhưng phần lớn là sẽ ỷ lại, phó mặc cho việc học “đến đâu thì đến”, “nước đến chân rồi nhảy”.

Bắt đầu cuộc sống tự lập và hạn hẹp về kinh tế.

Nhiều sinh viên khi lên đại học luôn có suy nghĩ có nhiều thời gian rảnh nên cần phải tập trung vào kiếm tiền thêm để giúp đỡ bố mẹ phần nào hay đơn giản là giúp bản thân chi tiêu không phụ thuộc vào bố mẹ. Điều đó cũng dễ hiểu vì, phần lớn các sinh viên đều từ các tỉnh khác đến học, nên để nuôi một người con ăn học đại học xa nhà cũng là gánh nặng lớn cho nhiều phụ huynh.

Khi đó, sinh viên chỉ còn tập trung vào việc làm thêm, kiếm tiền mà không chú trọng vào việc học nhiều nữa. Một khi đã không được tập trung và quan tâm thì kết quả cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Không vượt qua được nhiều cám dỗ và sự ham chơi, thích khám phá.

Đại học là một môi trường có rất nhiều điều mới mẻ, thu hút đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ,… Những hoạt động đó, nếu biết sắp xếp thời gian tham gia một cách khoa học thì rất tốt và có lợi cho bản thân.

Nhưng nó lại có mặt trái cho những sinh viên không kiểm soát được sự ham chơi, sự thích thú khám phá của mình. Sinh viên mới lên cứ luôn nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian, chỉ cần chú trọng vào năm cuối trước khi ra trường là được, nên dành hết thời gian cho các hoạt động vui chơi, cho các câu lạc bộ ngoại khóa để rồi việc học bị trì trệ khó kiểm soát.

Cần định hướng sớm lại việc học hành sao cho khoa học nhất.

Nếu mỗi sinh viên ngay từ lúc mới lên đại học mà đã có những suy nghĩ như trên thì ảnh hưởng rất nhiều đến con đường sự nghiệp sau này của chính mình. Chính vì thế, mỗi sinh viên cần phải thiết lập lại tư tưởng, thiết lập lại cách sống, học tập và làm việc ngay từ đầu sao cho cân bằng và khoa học nhất. Không chỉ biết mỗi học, cũng không chỉ biết mỗi làm, các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, mà cần phải đan xen và cân bằng chúng thì mới có kết quả tốt sau này và đặc biệt là không bị rơi vào tình trạng nợ nhiều môn học ngay từ năm nhất.

Tác giả: Vũ Thị Hương

Không ít bạn trẻ thời THCS, THPT thì học hành rất giỏi, nhưng khi lên đại học thì lại tụt dốc kinh khủng và phải lê lết từng ngày để được qua môn? Tại sao lại như vậy? Đại học khó vậy sao?

Nếu như học cấp 3, các bạn được hướng dẫn “tận răng” từ cách giải, cách trình bày, rồi được thúc giục làm bài,… chăm sóc kỹ lưỡng. Thì khi vào đại học, mọi thứ khác đi hoàn toàn. Thầy cô sẽ chỉ giảng bài rồi giao bài tập để bạn mày mò tìm hiểu, nếu không biết thì tự tìm kiếm trên sách báo hay trên mạng internet, hoặc sẽ liên hệ trực tiếp thầy cô để hỏi.

Và mọi thứ đều là tự giác, không có ai thúc giục hay ép buộc các bạn. Bạn cảm thấy mọi thứ thật khó khăn.

Có phải khi vừa vào năm nhất là bạn đã được nghe: “học đại học dễ lắm”, “chỉ cần chăm chỉ lúc ôn thi”, “tuần trước thi sẽ quyết định điểm của bạn là giỏi hay yếu”… Và thời gian trôi qua, điểm của các bạn có xu hướng đi theo một chiều giảm dần phải không? Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sinh viên học rất giỏi, đạt được học bổng trường và thậm chí là học bổng du học? Họ làm như thế nào vậy?

1. Xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu

Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều cần xác định một thái độ rõ ràng, đúng đắn và học cũng vậy. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… Nên có một động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi nhiệt huyết giảm và không muốn nổ lực nữa. Khi học nên nghiêm túc, kiên trì.

Đặt mục tiêu rõ ràng cho mọi việc bạn làm [Nguồn: balkanmt]

Có nhiều sinh viên coi việc học đại học như một chuyến du lịch khám phá thủ đô chứ không phải học để trang bị cho tương lai. Cũng có rất nhiều sinh viên đến lớp để điểm danh, hay chỉ đến để tán gẫu với bạn bè. Điều này không chỉ làm bạn phí phạm thời gian, kiến thức mà cả tiền bạc.

Hãy luôn nghỉ về số tiền mà bố mẹ bỏ ra cho chúng ta ăn học, tuy hơi thực tế nhưng nó sẽ là động lực để bạn cố gắng và không sao nhãn việc học.

2. Đi học đầy đủ

Bạn nên đi học đầy đủ nhất có thể, mặc dù đi học chuyên cần chỉ đóng góp 10% vào điểm số cuối kỳ của bạn. Đi học đầy đủ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng mà giảng viên giảng trên lớp và những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành.

Đi học chuyên cần thì không phải sợ bỏ lỡ kiến thức quan trọng [Nguồn: Harvard University]

Tất nhiên, sinh viên là bạn còn phải dành thời gian cho các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm ngoại ngữ,… Tuy nhiên, hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để mọi thứ được cân bằng nhé!

3. Ngồi bàn đầu tốt hơn bàn cuối

Có phải khi đến lớp bạn thường tránh ngồi bàn đầu? Bạn cảm thấy ngại ngùng sợ bị giảng viên hỏi hay sợ bị gọi là “bon chen”? Thực chất, chúng ta thường có xu hướng ngồi giữa hoặc ngồi cuối. Tuy nhiên, đây là một sai lầm sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.

Ngồi bàn đầu thì tốt hơn nhỉ? [Nguồn: Du học Đức]

Ngồi bàn cuối bạn sẽ không thể tập trung được, vì hầu hết những người chọn ngồi bàn cuối là để làm việc riêng. Ngồi cuối có thể bạn sẽ không nghe được giảng viên nói gì và thậm chí là không thể nhìn được bảng hay slide thuyết trình. Và còn rất nhiều lợi thế mà chỉ có ngồi bàn đầu bạn mới biết.

4. Tìm cho mình những người bạn

Hãy tìm cho mình những người bạn để mỗi khi cảm thấy lười biếng, thì chúng nó sẽ là động lực để bạn đi học. Đùa thôi! Học đại học không phải cái gì bạn cũng biết, và bạn bè sẽ là người nói cho bạn những điều bạn chưa biết.

Họ sẽ kéo bạn đến sinh hoạt ở các câu lạc bộ, tham gia những sự kiện thú vị, đi đến những buổi hội thảo, kỹ năng mềm… và vô số nơi để bạn được mở mang kiến thức và thăm thú. Hay đơn giản, chúng sẽ là người lôi bạn ra khỏi phòng vì những môn học khô khan, cứng nhắc hay những đống bài tập, tiểu luận chất như núi mà bạn chưa “rờ” tới.

Bạn bè sẽ là người học chung với bạn, chơi chung với bạn và phát triển cùng bạn. Hãy nhớ “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Bạn thời đại học [Nguồn: Thanh niên]

5. Hãy mạnh dạn hỏi và nêu lên quan điểm của mình

Nếu có cơ hội, bạn nên xung phong phát biểu và lên bảng làm bài tập. Mỗi lần như vậy, thầy cô sẽ đánh một dấu “+” vào tên bạn trong danh sách lớp. Mỗi dấu “+” bạn sẽ được cộng từ 0.25 đến 1 điểm vào bài thi giữa kỳ tùy vào mỗi môn học. Đó là những điểm vừa đáng quý lại còn dễ dàng lấy được.

Những điểm cộng này sẽ làm giảm bớt áp lực thi cử của bạn. Và lỡ không may bạn có sai sót trong bài thi, thì nó cũng sẽ kéo điểm của bạn lên một ít.

Không những vậy, mạnh dạn nêu lên ý kiến, quan điểm của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn, có thể hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.

Tự tin đưa ra quan điểm cá nhân [Nguồn: Pomona College]

6. Dành thời gian cho việc học tại nhà

Bạn nên dành thời gian tự học ở nhà một cách đều đặn. Lên đại học, việc học ở nhà không còn vất vả như thời cấp 3 nữa. Bạn sẽ không phải dành cả buổi tối hay thậm chí thức đêm làm bài tập.

Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành 20-30 phút cho mỗi môn học, chỉ để nắm bắt được những gì đã học ngày hôm trước và biết được sẽ học gì vào ngày hôm sau. Và bạn phải khiến nó trở thành một thói quen hằng ngày.

Tự học được là một lợi thế [Nguồn: Evensi]

Tuy rằng đến lớp sẽ chẳng có ai kiểm tra bài cũ bạn, nhưng việc tự học đều đặn sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn vì bạn biết bạn đang học cái gì và việc này rất hữu ích trong quá trình ôn thi của bạn.

7. Ôn luyện trước khi thi

Bạn cần ôn luyện tất cả những kiến thức mà giảng viên đã dạy trên lớp và kiến thức được yêu cầu học tại nhà, hãy tóm tắt ra để có thể nắm vững hết tất cả những kiến thức trọng tâm của môn, đôi khi nó chỉ gói gọn vài tờ giấy A4.

Còn đối với những môn học như Triết, Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam,… bắt buộc phải học thuộc lòng thì giảng viên sẽ cho bạn đề cương và giới hạn ôn tập. Bạn cũng sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần để ôn tập trước kỳ thi.

Xác định thời điểm hợp lý để ôn thi [Nguồn: Tubik Studio]

Hãy áp dụng những điều trên để việc học của bạn trở nên thoải mái và dễ dàng hơn, không làm bạn cảm thấy áp lực để còn dành thời gian cho những điều thú vị khác như: đi làm thêm nè, đi tình nguyện nè…

*Hãy truy cập Edu2Review mỗi ngày biết thêm nhiều kiến thúc bổ ích.

Mỹ Linh tổng hợp

Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam

Tags

Học đại học


Video liên quan

Chủ Đề