Cách đây lâu rồi tới đọc được một vài cuốn sách của Vũ Hoàng Chương

VHSG- Bạn hẳn đã nghe đến tên nhà thơ họ Vũ này. Ông sinh ở Nam Định, vào đời ở Hà Nội, là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới [1932 – 1945] với các tập thơ “Say” 1940], “Mây” [1943]. Sự nghiệp của ông còn tiếp tục sau năm 1954 khi vào Nam với nhiều tập thơ khác. Thời kỳ này ông từng làm Chủ tịch Hội Văn Bút và được vinh danh là Thi bá của miền Nam Việt Nam.

Cuốn “Ta đã làm chi đời ta” được in lần đầu năm 1974 ở Sài Gòn tại cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký. Đây là một cuốn hồi ký [hai chữ “bút ký” ghi trên bìa sách lần tái bản này chỉ nói đúng phần nào thể loại] của Vũ Hoàng Chương viết về cuộc sống văn nghệ ở miền Bắc từ đầu thập niên 1940 cho đến giữa thập niên 1950 mà ông là một người tham dự, một người chơi hết mình.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương [1916 – 1976]

Gọi họ Vũ là một người chơi quả không ngoa khi trong toàn bộ cuốn sách ông kể về những chuyến đi chơi, những cuộc rong chơi cùng các bạn hữu văn nghệ khắp mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ – Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang. Từ đó người đọc được theo bước chân của Hoàng [như ông tự gọi mình trong sách] gặp gỡ các văn nhân tài tử như Nguyễn Bính, Ngân Giang, Tô Hoài, Thế Lữ, Chu Ngọc, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, Đinh Hùng, Huy Cận, Phan Khắc Khoan, Bàng Bá Lân, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Hoàng Cầm…, được cùng ông và các văn hữu xướng họa thơ văn, được biết sự tích một số bài thơ của ông và những thi nhân khác, biết ông còn giỏi làm kịch thơ, ngâm thơ, và có tài dịch thơ Hán, được nghe ông kể những chuyện tình cảm cùng là những thú vui chơi của mình.

Cuộc chơi của Vũ Hoàng Chương là cuộc chơi văn thơ nghệ thuật tuyệt đích tuyệt thú. Ông ý thức rõ về mình và cuộc chơi này. “Lại được Trời Đất kia cho vay tạm cái hồn văn trong một kiếp Người, đâu lẽ mình để cho khối ngọc bị hoen mờ nơi bùn bụi trên các nẻo lợi danh! Có ngọc quý – dầu chỉ vay tạm trong thời hạn một trăm năm – tất phải đưa nó lên những đỉnh cao nhất của tình cảm để nó có dịp hội tụ được tối đa những tia sáng vạn năng từ đó bùng cháy lên ngọn lửa Sáng Tạo” [tr. 172]. Ông tự tin vào hồn Thơ của Hoàng và khi một nữ sĩ người đẹp muốn được ông truyền cho hồn ấy ông đã viết: “Trước tiên phải coi nhẹ hết mọi thành kiến, dư luận, mọi hậu quả, bất cứ hậu quả này ra sao” [tr. 116]. Và trong các cuộc chơi đó ông đều chứng tỏ được cái tài cái tình của mình với bạn hữu.

Đọc ông ta thấy tình văn nhân thật tri âm tri kỷ mà cũng nhiều cung bậc, sắc thái hỉ nộ ái ố. Cuốn sách như cuốn phim giữ lại cho văn học sử nước nhà một thời đoạn văn nghệ không còn có lại, mãi mãi gắn liền với một thời ly tao của đất nước. Đúng như tiến sĩ văn học Võ Văn Nhơn đã viết trong lời giới thiệu đầu sách: “Nghiền ngẫm hồi ký của Vũ Hoàng Chương và các nhà văn cùng thời, ta thấy đó không chỉ là tiếng nói của những cá nhân, tiếng nói của một thời đã qua, mà còn từ những bài học cụ thể đó, chúng ta có thể suy nghĩ về nhiều vấn đề cho hôm nay” [tr. 11].

Bìa sách “Ta đã làm chi đời ta” của Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương thường được gọi là “nhà thơ Say” theo tên một tập thơ của ông. Nhưng nhà thơ tưởng như chỉ say trong khói phù dung thả hồn bay bổng trên cánh tiên cánh mộng về những cõi trời Đông phương nghìn xưa ấy lại là người đã viết nên những dòng thơ hào hùng, lẫm liệt về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Câu chuyện ông kể về bài thơ “Trả ta sông núi” trong tập sách cho người đọc biết thêm một khía cạnh hồn thơ và một phương diện con người ông. Bài thơ dài hơn trăm câu Vũ Hoàng Chương viết làm khai từ cho vở kịch “Nguyễn Thái Học” của Ban kịch Thế Lữ đã vang lên trên sân khấu một rạp hát ở Hà Nội năm 1945 gây xúc động ghê gớm như chính lời ông nói: “Tiếng vỗ tay vang dội tưởng đến vỡ rạp; mà không biết ai ngâm bài khai từ hôm đó, giọng thê thiết như tức tưởi, lại hùng tráng như lệnh xuất quân!” [tr. 100]. Bạn có thể đọc toàn bộ bài thơ trong sách này.

Đến nay đọc lại bài thơ đó của Vũ Hoàng Chương chúng ta vẫn thấy như ông viết cho bây giờ.

“Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà

Sông khoe hùng dũng núi nguy nga

“Trả ta sông núi!” bao người trước

Gào thét đòi cho bọn chúng ta…

“Trả ta sông núi!” từng trang sử

Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.

Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:

“Không đòi, ai trả núi sông ta!”…

*

Ngày nay muốn sông bền núi vững

Phải làm sao cho xứng người xưa.

Yêu nòi giống, hiểu thời cơ

Bốn phương một ý phụng thờ Giang Sơn.

Đừng lo yếu, hãy chung hờn

Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài!

*

“Trả núi sông ta!” lời dĩ vãng

Thiên thu còn vọng đến tương lai.

“Trả ta sông núi!” câu hùng tráng

Là súng là gươm giữ đất đai…

Trông lên cao ngất phương trời

Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc Cờ.”

Được viết ra từ khoảng cách ba mươi năm khi những cuộc vui cuộc chơi này đã lùi vào dĩ vãng, đã trở thành kỷ niệm và là kỷ niệm trong cả xa cách không gian không còn cơ hội được gặp lại những cảnh cũ người xưa, giọng văn kể của Vũ Hoàng Chương vừa vẫn đầy thích khoái lại vừa có chút ngậm ngùi, thương cảm. Nhất là ở những bài cuối trong tập khi ông không chỉ hoài niệm mà còn vọng tưởng và nghĩ suy về thế sự, nhân tình trong cảnh chia cắt Bắc Nam. Như câu hỏi sao lại thế được “tai mắt như không phải của mình” khi ông nhắc lại bài thơ xướng họa với cụ Phan Khôi hồi đầu cuộc kháng Pháp khi hai người cách biệt hai nơi [tr. 201-206]. Hay như tâm tư thời đại của ông với Thăng Long, Thuận Hoá, Bến Nghé khi giữa Sài Gòn buổi loạn ly nhớ lại bài thơ xướng họa với nữ sĩ Mộng Thiên khóc Huế năm 1947 hồi đang chạy tản cư [tr.213-214].

Tôi đọc “Ta đã làm chi đời ta” từ bản in đầu đến bản in này, [hai bản in đầy đủ], vẫn nguyên xúc động và cảm khái. Vũ Hoàng Chương đã đặt cho thiên hồi ký văn nghệ đất Bắc của mình một cái tên thật hay, thật thâm thuý. Tôi rất thích cái tên đó, một trong ít những cái tên hồi ký, tự truyện, sâu sắc, vì thế bài viết đọc sách này tôi không đặt một cái tên riêng như mọi lần mà quyết định dùng lại luôn tên sách của ông. Đó là một câu hỏi nhưng cũng là một câu trả lời. Hơn thế, đó là một câu khẳng định. Nhà thơ tự trào và tự hào về mình đã sống được một đời [một đoạn đời] thích chí. Cái đời mình đó Vũ Hoàng Chương đã được sống trong phóng túng hình hài và phóng cuồng tâm trí, ít nhất là ở đoạn đời ông đã sống và kể lại trong sách này, để làm tỏa sáng viên ngọc quý hồn văn Trời Đất đã đặt vào ông. Nhờ đó, đọc sách này tôi còn học được ông cách thẩm thơ, bình thơ, nhất là dịch thơ. Nói không quá, Vũ Hoàng Chương là một người dịch thơ Hán tài hoa rất mực thời hiện đại dù ông không chuyên dịch.

Đà Lạt 5.7.2020

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Posted on by hoanghaithuy

 

CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG. Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ. Tác giả Viên Linh. Nhà Xuất Bản Khởi Hành ấn hành năm 2000. Trang 56-57. Trích:

Vũ Hoàng Chương từ lúc khai bút đến khi gác bút, là hiển lộng duy nhất của Thơ Mới, vượt tất cả những tài năng của Thơ Mới, cả Bắc lẫn Nam, khai triển thêm các kích thước khác, trở thành thi bá của thế kỷ XX của Việt Nam. Những gì Hoài Thanh Hoài Chân viết về Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư trong THI NHÂN VIỆT NAM, xuất bản năm 1941, xét ra không cần viết thêm nữa. Những người đó đã lên tới đỉnh từ trước đó. Từ đó về sau, họ không hay hơn, nếu không nói là ngược lại.

Vũ Hoàng Chương không như vậy. Ông cũng đã lên tới đỉnh, như mấy người kia, với THƠ SAY, như Hoài Thanh viết trong cùng một cuốn sách. Từ đỉnh ấy, ngay từ Hà Nội năm 1954, ông xuất bản Rừng Phong là một đỉnh khác. Thế rồi “con chim bằng cất cánh bay về Nam Minh”, Vũ Hoàng Chương lên cao bằng một đỉnh khác: NHỊ THẬP BÁT TÚ. Thơ ông trong hai thập niên ’60, ’70 trở thành ngọc trác kim khôi về phương diện nghệ thuật. Ông bỏ xa những người đồng thời ở phương Bắc, đang cục mịch đi vào chủ nghĩa hiện thực, lại là hiện thực tô hồng, hiện thực phê phán. Vũ Hoàng chương đi vào ngôn ngữ. Đi vào Thiền. Vũ Hoàng Chương ca ngợi khoa học, bay vào không gian vị lai…

Trên đây là một trong những lời viết về Thi sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG của tác giả Viên Linh trong quyển CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG, 200 trang, bìa đen, giấy vàng, trình bày đẹp. Cầm quyển sách tôi nghĩ chắc là không có một lỗi chính tả nào trong quyển biên khảo văn học này.

Trước 1975, những trang sách báo Sài Gòn được anh em thợ sắp chữ, văn huê là ấn công, sắp chữ bằng tay, qua nhiều lần sửa nhưng khi in ra thường vẫn có cả đống lỗi viết sai. Những ký giả xưa thường đổ lỗi chữ viết sai cho anh em sắp chữ và gọi đó là “phốt ti-pô”. Bây giờ đa số tác giả viết bằng computer, nếu bản văn có chữ viết sai, đó là lỗi tác giả, không còn đổ cho ai được.

Liêu lạc bi tiền sự.. Chi li tiếu thử thân.. Đêm Rừng Phong yên tĩnh, an ninh chăm phần chăm, phòng ấm, đèn vàng, đọc sách rồi tôi tỉ mẩn tìm những lỗi chính tả trong quyển sách mà tôi nghĩ là không có một lỗi. Tôi ngạc nhiên khi tìm thấy những lỗi này:

Chiêu Niệm Văn Chương trang 105, bài Túy Hậu Cuồng Ngâm:

Nhớ thưở xưa chưa có ta hề đường đi thênh thang Kịp tới khi có ta hề chông gai mông mênh Cuồng vọng cả mà thôi bốn phương hề vướng mắc Ba mươi năm trên vai hề Lều nát hề trơ vơ ngõ mưa lầm lội

Trăng lạnh đến mở hồn đêm hề le lói

Vũ Hoàng Chương Túy Hậu Cuồng Ngâm, trong quyển THƠ MỚI 1932-1945, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành ở Hà Nội năm 1999:

Nhớ thưở xưa chưa có ta hề đường đi thênh thênh Kịp tới khi có ta hề chông gai mông mênh Cuồng vọng cả mà thôi bốn phương hề vướng mắc Ba mươi năm trên vai hề trống không bình sinh Lều nát hề trơ vơ ngõ mưa lầm lội

Trăng lạnh, đèn mờ, hồn đơn hề le lói …

Sáu câu thơ Vũ Hoàng Chương được kể lại trong CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG có ba lỗi, ba lỗi không phải nho nhỏ mà là to tổ bố: “đường đi thênh thênh” viết sai là “đường đi thênh thang”, câu “ba mươi năm trên vai hề..” thiếu “trống không bình sinh”. Nặng và khó hiểu nhất là câu “Trăng lạnh, đèn mờ, hồn đơn hề le lói..” Chiêu Niệm Văn Chương — CNVC — để là “Trăng lạnh đến mở hồn đơn hề le lói“. Từ “đèn mờ” sang “đến mở” cách nhau quá xa. Sao lại có thể sai đến như thế trong một quyển sách gọi là “biên khảo văn học?”

Túy Hậu Cuồng Ngâm, đoạn dưới, CNVC viết:

Mây hồng tìm phương tây hề tà huy thoi thóp Thôi hết mùa tươi

Hết thôi chờ đợi

Túy Hậu Cuồng Ngâm, THƠ MỚI, Nhà XB Hội Nhà Văn:

Mây hồng tím phương tây hề tà huy thoi thóp Đời sắp tàn chăng hề bấc lu dầu hao Ngõ hẹp giường tre giấc mơ hề chới với Thôi hết mùa tươi

Hết thôi chờ đợi …

CNVC Trang 117:

Hôn nhòe cặp má hoa bên cửa
Ghi hẫng đôi tay nguyệt trước giường

Khỏi cần nêu sách vở, đây là lỗi tác giả không đọc lại cẩn thận bản văn trước khi in, em nhỏ lên ba cũng biết câu ấy là:

Ghì hẫng đôi tay nguyệt trước giường

CNVC Trang 148:

Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hãng kia bởi đâu mà cát bay?

Cũng chỉ là lỗi tác giả không xem lại cẩn thận. Sông Hằng nhằng ra sông Hãng! Đức Phật Di Đà có đọc chắc cũng biết đó là lỗi ở người viết sách, không đến nỗi ngơ ngẩn không biết sông Hãng ở đâu. May mà không lộn ra sông Háng.

CNVC Trang 161:

Mạn phi thuyền cháy lên rừng rực
Ta gõ mà ca : thiên nhật phương

CNVC Trang 171:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không du Hoàng Hạc Lâu..

“Thiên nhật phương” khác với “Thiên nhất phương“, “không du” khác với “không dư”. Một lần nữa phải nói em nhỏ lên ba cũng biết phải là “thiên nhất phương” và “không dư“. Sao dzậy? Ông Viên Linh? Ông vẫn nổi tiếng là làm sách kỹ lắm mà?

Lỗi chính tả, dù là lỗi nhỏ, cũng không nên có trên những trang sách báo Việt tầm thường, huống chi CNVC lại là sách biên khảo văn học, loại sách cần được viết kỹ nhất, đúng nhất, không có lỗi nhất. Trên đây là một số những lỗi sơ xuất về chữ tôi thấy trong CNVC, nay sang phần nhận xét và ý kiến của tôi về một số những sự kiện trong CNVC.

Chiêu Niệm Văn Chương. Sách đã dẫn. Trang 49:

..Trước khi bị bắt, trong Lễ Phật Đản 1976, ông đứng ở giảng đường Vạn Hạnh ngâm sang sảng bài Lửa Từ Bi. Sáng ngày 23 Tháng Tư, khoảng 20 tên công an đã xầm xập xông vào Gác Bút ở phường Cây Bàng bắt ông. Nếu đêm hôm trước ông không ngâm bài thơ ấy, những người cộng sản hôm sau đã không phải biểu dương võ lực đến như vậy.

Ta không nên vẽ thêm ra những tội ác để gán cho Việt Cộng, những tội ác họ làm đã không chỉ quá đủ mà còn là quá nhiều, quá thừa, ta lại càng không nên coi rẻ Việt Cộng. Viết rằng Thi bá Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Vũ Hoàng Chương bị công an VC đến nhà bắt chỉ vì đêm trước Thi bá ngâm bài thơ Lưả Từ Bi ở giảng đường Vạn Hạnh là làm rẻ tội Việt Cộng đồng thời làm rẻ giá Thi bá. Viết như thế người đọc có thể hiểu: Nếu Thi bá VHC không ngâm bài thơ Lửa Từ Bi, Công An VC Thành Hồ đã không bắt ông đi tù, Công An VC bắt nhà thơ vì nhà thơ đã ngâm bài thơ Lửa Từ Bi nơi công chúng.

Không phải như thế. Tháng Ba, Tháng Tư năm 1975 Công An Việt Cộng Thành Hồ mở chiến dịch lớn bắt giam một số văn nghệ sĩ Quốc Gia VNCH. Chiến dịch này xẩy ra cùng thời gian bọn Cộng Sản Chóp Bu ở Hà xuống tay bóp mũi, chọc tiết cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Cộng sản Hà Nội lạnh lùng giết Mặt Trận GPMN trước ngày 30 Tháng Tư 1976, không cho những anh cà chớn trong Mặt Trận Tã Rách ấy có dịp kỷ niệm ngày mấy ảnh hí hửng kéo vào Sài Gòn theo chân bộ đội Bắc Việt Cộng. Công An VC không bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn sớm hơn vì trong những tháng mới ngơ ngáo vào Sài Gòn — VC không ngờ họ vào được Sài Gòn dễ và nhanh đến như thế — họ có quá nhiều việc phải làm. Đúng 12 tháng sau họ mới làm cuộc khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn.

Hai mươi mấy năm trời đã qua từ ngày ấy, bao nhiêu người đã viết về việc một số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị Công An VC đến tận nhà còng tay bắt đi trong tháng Ba, tháng Tư năm 1976. Trong hai, ba đêm liền tháng ấy, năm ấy có tới 30 văn nghệ sĩ Sài Gòn bị Công An VC bắt đi, anh Vũ Hoàng Chương là một trong số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bắt ấy. Việc bắt văn nghệ sĩ Sai Gòn là một chiến dịch đàn áp, khủng bố, do bọn đầu xỏ Công An Thành Hồ lên kế hoạch, đặt phương án thực hiện với sự cho phép của những anh đầu xỏ Đảng ở Hà Nội. Anh Vũ Hoàng Chương không bị bắt chỉ vì “đêm trước đã ngâm bài thơ Lửa Từ Bi” ở một nơi nào đó. Lửa Từ Bi là bài thơ VHC làm về việc tự thiêu của Thượng tọa Thích Quảng Đức năm 1963. Không có gì chống cộng, chống càng trong bài thơ ấy.

Nếu đã biết con người của Thi bá, dù chỉ biết tí ti thôi, ta cũng thấy dù ta có muốn bốc thơm Thi bá đến mấy ta cũng không có thể vẽ ra cái cảnh trầm hùng Thi Bá “sang sảng ngâm thơ”. Thi bá đong thóc, Thi bá hít tô phê, giọng Thi bá khàn khàn, hơi sức Thi bá rất yếu, không bao giờ, kể cả ba mươi năm trước năm 1975, Thi bá sang sảng ngâm thơ cả. Trước ngày 30 Tháng Tư 75 sức khỏe của Thi bá đã yếu lắm, Thi bá đã nói gần như không ra tiếng. Lại phải sống ở giữa lòng Sài Gòn đầy cờ đỏ, nón cối, giép râu cả năm trời, có khỏe như Hạng Vũ cũng nhão như bún thiu, nát như cơm vữa, cũng không thể sang sảng ngâm thơ được, đừng nói gì đến người mình hạc, xương mai gió thổi bay như Thi bá. Nếu nói Thi bá bị Công An VC bắt vì “tội ngâm bài thơ Lửa Từ Bi nơi đông người” thì cùng trong mấy đêm ấy các ông văn nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Côn, Trần Việt Sơn, Doãn Quốc Sĩ, Mặc Thu có ngâm ngợi gì đâu mà cũng bị Công An VC đến tận nhà tó đi tù mút mùa Lệ Thủy! Ta yêu quí anh Vũ Hoàng Chương, tưởng ta không nên hạ giá trị anh như thế chứ.

CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG. Trang 62. Trích:

Sau 1975, lạc loài ở Hải Ngoại, dân di tản đã phục Vũ Hoàng Chương:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh Bể vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

[Vũ Hoàng Chương, Phương Xa]

Tác giả CNVC muốn nói gì trong đoạn này? Phải chăng là muốn nói dân Việt bỏ nước mình ra sống ở nước người cảm thấy mình bị quê hương mình ruồng bỏ, mình bị giống nòi mình khinh bỉ? Không biết có ai, hay có nhiều người Việt cảm thấy thế không? Tôi không thấy như thế. Quê hương tôi không ruồng bỏ tôi bao giờ cả, quê hương tôi bị xâm chiếm, quê hương tôi bị đày đọa, tôi không thể sống được trong quê hương tôi, tôi phải bỏ quê hương tôi tôi đi, tôi đi nhưng quê hương tôi vẫn thương xót tôi, quê hương tôi không vì việc tôi bỏ đi mà ruồng bỏ tôi, giống nòi tôi không bao giờ khinh bỉ tôi cả. Giống nòi tôi yêu thương tôi, tôi đã không phản bội giống nòi tôi. Tôi nghĩ mấy câu thơ ấy là tâm sự của mấy lãng tử ăn chơi những năm 1930, không ăn nhậu gì đến những nguời Việt vong quốc, tha hương sau 1975.

Chiêu Niệm Văn Chương. Trang 62. Trích:

Ở trong nước, như sau này Mai Thảo cho biết, anh em và đồng bào, cũng đọc “sấm ký Vũ Hoàng Chương”:

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ.

Cũng chỉ là tâm trạng của mấy ông văn nghệ sĩ ăn chơi những năm thanh bình vô sự 1930-1940. Nhưng bỏ qua chuyện mấy ông kêu rêu mấy ông đầu thai lầm thế kỷ — mấy ông loại này dù có muôn kiếp đầu thai cũng không lần nào đầu thai đúng thế kỷ — tôi chỉ nói đến chuyện sống ở Sài Gòn hai mươi mùa lá rụng kể từ ngày 30 Tháng Tư 75 không bao giờ tôi cảm thấy tôi trơ vơ cả, tôi u uất thì có nhưng tôi trơ vơ thì không. Tôi u uất vì tôi thương thân tôi, thương vợ con tôi, thương đồng bào tôi sống khổ cực dưới ách cộng sản, thương những người đã chết vô ích, thương đất nước tôi rách nát, nhưng tôi không cô đơn. Tôi có cả hai mươi triệu đồng bào tôi cũng có tâm trạng như tôi, cũng đau khổ, cũng u uất như tôi. Chúng tôi không phải là đôi người mà là hai mươi triệu người.

CNVC, Trang 197. Trích:

1975. Dời từ đường Phan Đình Phùng về Khánh Hội, ở chung với bà Đinh Hùng.

Như vậy là CNVC ghi: Sau khi Bắc Việt Cộng vào Sài Gòn, ông bà Vũ Hoàng Chưng ra khỏi căn nhà ông bà vẫn ở ở đường Phan Đình Phùng, về sống chung nhà với bà Quả phụ Đinh Hùng ở Khánh Hội. Nhưng mà cả nước biết rằng năm 1972 ông bà Vũ Hoàng Chương đã không còn ở căn nhà đường Phan Đình Phùng nữa; năm 1972 ông bà được bà Mộng Tuyết — nghe nói bà Mộng Tuyết là vợ không chính thức của ông Thi sĩ Đông Hồ — long trọng mời về ở trong vi-la của bà Mộng Tuyết ở khu Lăng Cha Cả. Vi-la này nguyên của ông Đông Hồ, ông mất , bà Mộng Tuyết thừa hưởng. Bà Mộng Tuyết dành nguyên tầng lầu trong vi-la để ông bà VHC ở. Sau ngày 30 Tháng Tư 75, quốc gia VNCH sụp đổ, Thi bá Vũ Hoàng Chương bị coi như một tội nhân của chế độ cộng sản, bà Mộng Tuyết trở mặt, đưổi ông bà Thi bá ra khỏi vi-la không chút nể nang, xót thương. Bà Mộng Tuyết muốn được vinh hạnh tiếp đãi tại gia những người Hà Nội như Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu.., bà sợ những nhân vật ấy sẽ không chịu đến nhà bà nếu họ biết nhà bà có Thi bá VNCH Vũ Hoàng Chương. Trong một sớm, một chiều ông bà Vũ Hoàng Chương phải dắt nhau ra khỏi vi-la. Gần như không văn nghệ sĩ Sài Gòn nào quen biết Thi bá Vũ Hoàng Chương, dù quen sơ, sống ở Sài Gòn những năm sau ngày 30 Tháng Tư 75 lại không biết chuyện ông bà Vũ Hoàng Chương bị bà Mộng Tuyết đuổi ra khỏi nhà. Chuyện bà Mộng Tuyết đuổi nhà ông bà Vũ Hoàng Chương được Hoàng Hương Trang kể lại rõ và kỹ trong một bài viết được đăng trên nhiều tờ báo Việt hải ngoại. Rất nhiều người Việt ở hải ngoại biết chuyện ấy.

CNVC đăng một bài của Vũ Hoàng Chương viết năm 1959, bài “Sao Lại Thế Được“. Thi bá viết bài này khi được tin ông Phan Khôi bị Cộng Sản Hà Nội đàn áp, khủng bố, mạ lỵ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Trích: SAO LẠI THẾ ĐƯỢC

Nhân dịp nhà văn lão thành Phan Khôi bị Cộng sản đàn áp. Và để góp phần vào cho lý tưởng Tự Do. V.H.C.
Cách đây 20 năm, ngay khi bước vào làng văn để nhận lấy cái nghiệp dĩ của những người cầm bút, tôi đã nghe đại danh ông Tú Phan Khôi, như sấm rậy vang tai. Nhưng phải đến năm Bính Tuất [1946] tôi mới có dịp cùng tiên sinh hạnh ngộ.

Mùa thu năm 1946, chiến tranh Việt Pháp chưa xẩy ra trên toàn quốc — theo như đoạn viết trên đây của VHC — ông Phan Khôi đã ở Hà Nội. VHC đang ở Nam Định lên Hà Nội chơi, Nguyễn Tuân đưa VHC đến gặp Phan Khôi. Phan Khôi theo VHC về Nam Định.

Trích Sao Lại Thế Được:

Một già, một trẻ, thẳng đường vềø bến Vị, non Côi… Trong căn gác xép ở bờ sông, dài như cái ống, tối như “hũ xuân thu”, tôi đã tiếp chuyện Phan tiên sinh hai ngày tròn với hai đêm trắng toàn chuyện văn chương cả, mà quái thay, dứt không ra nữa thôi! […]

..Suốt hai ngày đêm, trong cái dài dằng dặc và cái tối mò mò của “Gác Ống” phố Bờ sông, Phan Khôi đã cao đàm hùng biện, hứng khởi thao thao, giọng sắc bén như chém đinh, chặt sắt. Ông căm thù bạo lực, ông phản kháng độc tài, ông lên án mọi hình thức giả hiệu. Ông có thừa phong độ cốt cách của một nho sĩ ngang tàng bất khuất, cộng thêm vào cái kiến thức sâu rộng của một tay lịch lãm giang hồ. […]

Sau đó ít lâu, khói lửa bùng lên từ Hải Phòng, từ Hà Nội… và lan tràn khắp các thị trấn trung châu. Tôi vâng lệnh huyên đường tạm rời về miền duyên hải. Ngày dài đằng đẵng, hết xuân rồi lại thu… Lòng nhớ bè bạn làng văn như thiêu, như đốt. Bỗng một hôm, tôi nhận được từ Thái Nguyên gửi về không phải một lá thắm buông theo giòng nước biếc, nhưng một lá thư trao theo kiểu chim xanh… Nghĩa là do cac trạm thông tin liên lạc của “Mặt Trận” chuyển đi, qua tay hàng trăm chú nhi đồng trên suốt ba ngàn dịch lộ.

Ngoài phong bì, chỉ có hai dòng: Vũ Hoàng Chương, Nam Định. Và bên trong vẻn vẹn một bài luật thi với chữ ký: Phan Khôi.[…]

Ngừng tim lặng óc bặt giòng tình Tai mắt như không phải của mình Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc Nghe trong tiếng ếch một mầu xanh Suối tiên đắm đuối bao cho chán Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành Thứ ấy từ lâu không có nữa

Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh.

Bài thơ trên được lưu truyền khá rộng. Theo tôi, thơ cũng không xuất sắc gì cho lắm, nó được nhiều người để ý vì nó là thơ ông Phan Khôi. Bài thơ được lưu hành có một chữ khác với bài thơ anh VH Chương nói là ông Phan Khôi gửi riêng cho anh:

Bài thơ theo VHC:

Thứ ấy từ lâu không có nữa…

Bài thơ của Phan Khôi nhiều người có:

Thú ấy từ lâu không có nữa..

“Thứ” và “thú” chỉ khác nhau tí síu nhưng ý nghĩa khác nhau xa. Có người bình loạn bài thơ trên nói rằng cái “thú ấy” trong thơ Phan Khôi là cái thú “nằm với đàn bà”, nhà thơ than lâu rồi ông không có cái thú dâm đàn bà nữa. Tôi không nghĩ ông Phan Khôi lại than như thế, tôi nghĩ tiếng đó phải là “thú“, không phải là “thứ“, nhưng cái “thú” của nhà thơ Phan Khôi không phải là cái thú hành dâm với đàn bà.

Ông Phan Khôi đong thóc, tức ông hít tô phê, lại tức ông hút thuốc phiện. Nếu bạn từng đọc bài tôi viết về ông Phan Khôi — Không Tìm Thấy Mộ — bạn đã biết ông Phan Khôi đong thóc qua lời kể của bà con gái ông. Thi bá Vũ Hoàng Chương đong thóc. Khi hai đệ tử của Cô Ba gặp nhau việc phải xẩy ra là họ đưa nhau về điện thờ Cô Ba, nôm na là về bên bàn đọi, tức bàn đèn. Ông Phan Khôi về Nam Định với ông VH Chương. Cái Gác Ống dài như cái ống, tối như hũ nút ông VHC tả đó là tiệm hút thuốc phiện và chỉ có thể là tiệm hút thuốc phiện. Trong cái tiệm hút đó ông VH Chương và ông Phan Khôi đã nói chuyện với nhau hai ngày tròn với hai đêm trắng.

Không ở đâu hai anh đàn ông có thể nằm ngồi với nhau được cả ngày, cả đêm, trừ ở tiệm hút thuốc phiện. Bên bàn đọi, khi đã đủ thuốc, nhiều tiên ông nằm phi, lơ mơ đi mây, về gió, nhiều tiên ông nói như súng đại liên nổ, chuyện quanh bàn đèn không dai ngoách như chão rách mà nở ròn như gạo rang. Người ta bảo trong á phiện có cao xương khiếu nên hút vào nhiều ông hót như khiếu.

Trong bài thơ của ông Tú Khôi, cái “thú” ấy không phải là cái thú chơi đàn bà mà là thú đi mây, về gió, thú hít tô phê, thú phi yến thu lâm. Từ ngày lên Việt Bắc ông Tú Khôi không còn cái thú hít tô phê nữa. Rất có thể bài thơ ấy được ông Tú Khôi làm để gửi riêng cho Thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Thời Pháp thuộc, anh đàn ông Việt có quyền hút thuốc phiện, có quyền nhẩy đầm, có quyền có vợ bé, ở Sài Gòn anh đàn ông còn có quyền đánh bạc. Khi được độc lập anh đàn ông Việt mất quyền có vợ bé, nhẩy đầm, hút thuốc phiện. Nói cách khác khi được độc lập, tự do, anh đàn ông Việt bị cấm không được có vợ bé, không được nhẩy đầm, không được đánh bạc, không được hút thuốc phiện.

Sau năm 1956 pháp luật Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trừng trị rất nặng tội hút thuốc phiện. Hút thuốc phiện bị coi là trọng tội, người hút bị bắt, bị tống giam, ra tòa, có án, nằm Khám Lớn Chí Hòa, công chức hút bị bắt bị cho nghỉ ngang. Năm 1959 uy quyền của chính phủ Ngô Đình Diệm lên đến đỉnh cao nhất, khi Thi sĩ Vũ Hoàng Chương — năm ấy chưa là Thi bá — viết bài “Sao Lại Thế Được“, các đệ tử Phù Dung Tiên Nữ đang chịu cơn kiếp nạn ác dữ nhất kể từ ngày Tiên Nữ được rước vào đất nước Việt Nam gấm hoa, họ đang bị khủng bố sát ván, tả tơi. Sợ miệng tiếng, sợ dư luận, ông VH Chương đã không viết đúng sự thực, ông đã không viết ông Phan Khôi than với ông là lâu rồi ông không còn cái thú hít tô phê, ông VH Chương sửa thơ ông Phan Khôi từ “thú” ra “thứ”. Không ai gọi “tự do  là “thứ” cả, dù là ám chỉ, dù để hiểu ngầm.

Tôi thấy Thi bá Vũ Hoàng Chương không lương thiện nếu quả thật ông sửa thơ ông Phan Khôi. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Thi bá đã sửa lời thơ ấy từ “thú” ra “thứ”..

Tôi không tin chăm phần chăm ở việc “nói có sách, mách có chứng..” Sách có nhiều sách sai be, sai bét, còn chứng thì rất nhiều khi toàn là chứng láo khoét.

Đến đây tạm chấm dứt chương trình Văn Nghệ Tạp Lục của ban Tùm Lum!

Filed under: Viết Ở Rừng Phong |

Video liên quan

Chủ Đề