Các chính sách phát triển du lịch bền vững

Dịch COVID-19 diễn ra trong năm 2020, 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ, khiến doanh thu ngành du lịch giảm mạnh; nhưng lại đang mở nhiều cơ hội để ngành du lịch Đà Lạt phát triển theo xu hướng bình thường mới.

Đà Lạt sẽ phát triển du lịch theo hướng khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù.

Nhìn từ thực tế các địa phương

Các địa phương được thí điểm đón khách du lịch như Phú Quốc hay Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, khách du lịch nội địa khá đông, nhưng số ca nhiễm virus Corona không nhiều. Tỉnh Kiên Giang trong tháng 11 đã đón hơn 300 ngàn lượt khách, gấp hơn 10 lần so với tháng 10 và gần 97% trong số này là khách đến Phú Quốc, với hơn 1.400 lượt khách quốc tế. Số lượng du khách đang tăng là nhờ Phú Quốc áp dụng chính sách "hộ chiếu vắc xin" đối với khách quốc tế và quy định thích ứng an toàn trong tình hình mới; công tác kiểm soát dịch được đảm bảo tối đa, với các trạm y tế di động và y tế phường, xã có mặt ngay khi cơ sở lưu trú thông báo du khách có vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, Phú Quốc không đón khách lẻ. Mỗi đoàn khách du lịch đến Phú Quốc đều theo mô hình bong bóng, đảm bảo không tiếp xúc với cộng đồng và không ảnh hưởng đến hoạt động của đoàn du khách khác... Phú Quốc hiện đang có thời tiết rất đẹp, rất ấm và biển lặng, chứ không gió lạnh như các vùng biển khác; hơn nữa, Phú Quốc có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, hệ sinh thái du lịch đang rộng mở và hệ thống y tế hỗ trợ tốt trong phòng, chống dịch... nên đang là điểm đến thu hút khách.

Trong tháng 11, Sân bay Đà Nẵng đón rất nhiều lượt du khách, nhưng chỉ có khách du lịch nội địa thực sự du lịch Đà Nẵng. Cũng trong tháng 11, Vietravel khởi động tour du lịch khép kín ở Đà Nẵng. Tham gia chào đón khách, ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Vietravel chi nhánh Đà Lạt, nhận thấy: Chính quyền và ngành Y tế Đà Nẵng đã có sự linh hoạt rất rõ. Đó là, ngay khi khách chờ lấy hành lý ở Sân bay Đà Nẵng thì có sẵn một ứng dụng để du khách quét và khai báo thời gian, địa điểm lưu trú; những thông tin này được liên kết đến chính quyền cấp xã, phường và hệ thống y tế có mặt ngay tại nơi lưu trú của khách để hỗ trợ các thủ tục kiểm soát phòng, chống dịch. Công việc này của chính quyền Đà Nẵng khiến du khách rất hài lòng vì thủ tục rất đơn giản, rõ ràng, không phiền phức, nhanh chóng, trật tự... mà chính quyền lại quản lý được thông tin của du khách cũng rất nhanh chóng và đầy đủ. 

Bình thường mới trong hoạt động du lịch

Trong thời gian tới, thành phố Đà Lạt định hướng tạo môi trường đầu tư ổn định, hiệu quả... để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư các dự án du lịch cao cấp, có quy mô lớn vào các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch của thành phố. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp du lịch; tăng cường đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến. Tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh hợp pháp và hưởng lợi từ du lịch. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch... góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong giai đoạn bình thường mới.

Bình thường mới là cụm từ được sử dụng khắp nơi, ở mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Bình thường mới trong lĩnh vực du lịch là mọi du khách nên có smartphone để mọi thông tin chỉ cần chạm trượt rất nhanh, chứ không cần chờ văn bản, hay khai báo trên giấy; tức là, phải ứng dụng được công nghệ số ở mọi nơi, mọi lúc. Theo ông Nguyễn Nhật Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt: Chúng ta nên học hỏi cách làm du lịch trong tình hình mới ở các địa phương như Đà Nẵng hay Phú Quốc. Ngoài các quy định y tế, để bảo đảm tính an toàn cho du khách và cộng đồng - là yếu tố quan trọng nhất trong tình hình mới, thì việc áp dụng các tour khép kín, chất lượng cao nên được khuyến khích mở rộng. 

Với lịch trình tour khép kín, quản lý chặt chẽ và đã được chuẩn bị trước, du khách được kiểm tra an toàn COVID trước, trong và ngay khi kết thúc tour. Nếu có ca mắc phát sinh thì sẽ được khoanh vùng ngay trong đoàn khách đó, các điểm đến trong lịch trình đó... nên dễ dàng truy vết, hạn chế được việc lây lan trong cộng đồng hay lây lan sang các tour du lịch khác... Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour và chịu trách nhiệm, có sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Cần quan tâm tìm kiếm giải pháp hạn chế khai thác khách lẻ, khách tự túc, vì đây là đối tượng khách sử dụng dịch vụ ít, hoạt động nhiều, phạm vi khó kiểm soát... nếu có sự cố thì truy vết rất khó khăn và đã làm dịch bệnh lây lan rộng.

Phát triển du lịch theo hướng thông minh

Thành phố Đà Lạt đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực, hướng đến phát triển du lịch thông minh; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 07/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đà Lạt sẽ phát triển du lịch theo hướng nhanh và bền vững, gắn với khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù của thành phố, hình thành các khu du lịch mang tầm quốc tế [Khu Du lịch chuyên đề hồ Tuyền Lâm, Khu Du lịch tổng hợp Đankia - Suối Vàng]... tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hiện đại, hấp dẫn, đưa du lịch phục hồi và phát triển bền vững trong tình hình mới.

Theo Báo Lâm Đồng

Du lịch là một trong những ngành lớn nhất, không ngừng phát triển và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Có thể nhận thấy điều này thông qua con số thống kê về số lượng các chuyến du lịch thực hiện mỗi năm trước khi COVID-19 xuất hiện đã vượt qua dân số thế giới. Năm 2019 lượng khách du lịch quốc tế vượt 1,5 tỷ lượt, và dự kiến sẽ lên tới 1,8 tỷ lượt vào 2030. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển ẩn chứa tiềm tàng mối đe doạ đến các sinh cảnh sống, xáo trộn đời sống hoang dã, tác động đến chất lượng nước và đe doạ cộng đồng địa phương do việc phát triển quá mức, dễ phá vỡ các giá trị văn hoá địa phương. Do đó, các quốc gia và các vùng cần lập kế hoạch một cách cẩn trọng theo hướng du lịch bền vững để mang những lợi ích đến cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá địa phương, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi trực tiếp được mang đến cho cộng đồng địa phương.

Du lịch bền vững tìm cách duy trì số lượng, chất lượng và năng suất của cả hệ thống tài nguyên thiên nhiên và con người theo thời gian, đồng thời tôn trọng và thích ứng với các động lực của hệ thống đó. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch bền vững là du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai. Mục tiêu là duy trì các lợi thế kinh tế và xã hội khi phát triển du lịch đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động không mong muốn nào đến môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa xã hội tại địa bàn liên quan.

Trong một nghiên cứu 2020 mới đây của Booking.com thực hiện với 29.000 du khách trên 30 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam cho thấy, cam kết hướng tới bền vững trong sinh hoạt hàng ngày của du khách cũng nhất quán với ý định của họ cho các chuyến du lịch sau này. Theo đó, 100% du khách Việt trả lời rằng, trong năm tới, họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững; 88% du khách Việt muốn giảm rác thải tổng hợp, 86% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng; 81% muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe; 84% du khách Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa bản địa; 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản.[3]

Trụ cột phát triển du lịch bền vững

Nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong quá trình vận hành, tính bền vững thể hiện ở khía cạnh hướng tới giảm thiểu tác động đối với môi trường và văn hóa địa phương, đồng thời góp phần tạo ra thu nhập, việc làm và bảo tồn các hệ sinh thái tại đó.

Đồng thời, du lịch bền vững cung cấp các động lực kinh tế quan trọng để bảo vệ môi trường sống. Nguồn thu từ du khách thường được chuyển trở lại các chương trình bảo tồn thiên nhiên hoặc nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương để quản lý các khu bảo tồn. Hơn nữa, du lịch có thể là một phương tiện quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi tích cực đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học trong số hàng triệu người đi du lịch trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, xây dựng ngành du lịch bền vững vẫn đang là mục tiêu của nhiều quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển nơi mà cấp độ hiện tại chủ yếu là du lịch đại chúng.

Du lịch bền vững khác với du lịch đại chúng như thế nào?

Du lịch đại chúng thường chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất là lợi nhuận của bên tổ chức, không có mục tiêu cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương và có thể phá huỷ nhanh chóng các môi trường nhạy cảm. Ví dụ, với những vùng biển cần được bảo tồn, thì các hoạt động du lịch đại chúng tại đó có thể mang đến những tác động xấu do việc thiếu kế hoạch và quản lý hiệu quả. Khai thác nhiều năm có thể phá huỷ hoặc làm thay đổi một cách không thể nhận ra được các nguồn lợi và văn hoá mà chính những chuyến du lịch đại chúng này phụ thuộc vào. Du lịch đại chúng không cung cấp nguồn quỹ tài trợ cho cả các chương trình bảo tồn lẫn cộng đồng địa phương bảo vệ vùng tránh khỏi những hoạt động và phát triển mà có thể gây hại đến cảnh đẹp tự nhiên của vùng. Những cơ hội và các đe doạ tác động tới môi trường và văn hóa xã hội có thể chỉ được điều khiển thông qua các kế hoạch được lập ra và quản lý cẩn thận của du lịch bền vững.

Du lịch bền vững thì được lập kế hoạch đa mục đích: lợi tức, môi trường và cộng đồng ngay từ khi bắt đầu, nhằm mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, hướng dẫn du khách và cả cộng đồng địa phương. Trong kế hoạch này thường có sự tham gia của các bên liên quan, hướng tới địa phương nơi du khách sẽ tới. Các bên liên quan bao gồm các thành viên cộng đồng địa phương, chính quyền, tổ chức phi chính phủ cũng như ngành du lịch, du khách và nhiều nhóm khác. Tất cả cần phối hợp để tạo ra các tổ chức kinh doanh về du lịch bền vững nhằm đem lại các lợi ích địa phương và khả thi về mặt kinh tế. Đặc biệt các nguồn lợi tự nhiên, các giá trị văn hoá của vùng sẽ được bảo vệ để giảm thiểu các tác động xấu của du lịch, đồng thời còn đóng góp vào công tác bảo tồn và sức khoẻ của cộng đồng về cả mặt kinh tế và xã hội.

Hình 1: Trụ cột phát triển du lịch bền vững bao gồm cả 3 phương diện môi trường, văn hóa- xã hội và kinh tế

Thân thiện, bảo vệ môi trường

Du lịch có mối quan hệ đặc biệt, hai chiều với môi trường. Chất lượng của môi trường là yếu tố cần thiết cho sự thành công của du lịch, vì đây thường là yếu tố thu hút mọi người đến thăm một địa điểm và thuyết phục họ quay trở lại. Do đó, nguyên tắc của du lịch bền vững là giảm thiểu các tác động đến môi trường [động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm,…] đồng thời có những tác động góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học, bảo tồn cảnh quan,… thông qua việc quản lý vùng, bảo tồn và nâng cấp di sản, giảm ô nhiễm do rác thải, tăng cường nghiên cứu giải pháp khoa học để bảo vệ môi trường.

Tại châu Âu, nơi du lịch là ngành kinh tế lớn thứ ba với uớc tính số lao động là 17 triệu người và đóng góp gần 10% tổng sản phẩm quốc nội của EU thì cơ quan Môi trường Châu Âu đã tiến hành xây dựng cơ chế báo cáo về mối quan hệ du lịch và môi trường, với hệ thống chỉ số du lịch Châu Âu về quản lý điểm đến bền vững [ETIS], được phát triển như một phần hành động của EU thúc đẩy du lịch bền vững.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017, nhiều chỉ số liên quan đến môi trường của Việt Nam đạt mức thấp như mức độ bền vững về môi trường xếp hạng 129/136, mức độ chất thải hạng 128/136, tình trạng phá rừng hạng 103/136, hạn chế về xử lý nước thải hạng 107/136,…][1]. Hiện tại 2021, Việt Nam đang triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Trong đó, bước đổi mới quan trọng là gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch.

Điển hình có thể kể đến vùng biển Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với diện tích khoảng 15 km2, Cù Lao Chàm không chỉ là nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm, mà còn là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự phát triển của thương cảng Hội An trước đây. Sau 10 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được phục hồi tương đối nguyên vẹn và trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và khu vực miền Trung nước ta. Năm 2019 đã đánh dấu mốc 10 năm kể từ ngày Cù Lao Chàm chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới.

Hình 2: Cù Lao Chàm, Tp Hội An, Tỉnh Quảng Nam

Bảo tồn và nâng cao giá trị văn hoá – xã hội

Du lịch bền vững không gây tổn hại đến các cấu trúc xã hội hoặc văn hoá của cộng đồng mà là chất xúc tác nâng cao giá trị văn hoá và truyền thống địa phương. Du lịch bền vững khuyến khích các bên liên quan [các cá nhân, cộng đồng, công ty du lịch, và quản lý chính quyền] tham gia trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ. Sự tham gia đầy đủ sẽ đảm bảo việc phân bố lợi ích và chi phí du lịch công bằng với mỗi bên.

Hoạt động du lịch phát triển kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống, đào tạo kiến thức và rèn luyện, bồi dưỡng thể chất, tinh thần cho mọi tầng lớp dân cư.

Kinh doanh du lịch giúp tạo ra các nguồn kinh phí để bảo tồn, nâng cao giá trị và khôi phục các di sản kiến trúc, nghệ thuật, vật thể và phi vật thể, văn hóa, thủ công mỹ nghệ, trang phục, phong tục truyền thống,… Tuy nhiên, có nhiều thách thức trong việc gìn giữ các di sản. Ví dụ : văn hóa đặc đặc sắc của các dân tộc thiểu số dễ bị biến đổi do tiếp xúc với các nền văn hóa xa lạ, do xu hướng thị trường hóa các hoạt động văn hóa, do mâu thuẫn nảy sinh khi phát triển du lịch hoặc do tương phản về lối sống. Hay các di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ thường được xây dựng bằng các vật liệu đất nung như di tích Mỹ Sơn – Quảng Nam khó bảo tồn nguyên vẹn do tác động của khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam. Do đó, nhu cầu bảo tồn di sản bền vững ngày càng cấp thiết hơn.

Hình 2: Tháp Chàm, Mỹ Sơn, Tỉnh Quảng Nam

Phát triển kinh tế

Du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra số lượng lớn công ăn việc làm ổn định cho địa phương cũng như rất nhiều các bên liên quan. Việc thực hiện kinh doanh du lịch đa dạng sẽ không được phép phá huỷ các nguồn lợi tự nhiên, văn hoá và kinh tế mà có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hoá và mang lợi tức đến cho cộng đồng cũng như cho chính các doanh nghiệp tổ chức.

Có thể thấy phát triển du lịch bền vững mang lại nhiều lợi ích lớn như góp phần tăng trưởng kinh tế [chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất khẩu tại chỗ]; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận cộng đồng dân cư địa phương; góp phần cải thiện điều kiện về hạ tầng và dịch vụ xã hội cho địa phương [y tế, thông tin, vui chơi giải trí], …

Hình dưới đây cho thấy ngành du lịch tại 10 quốc gia có tỷ lệ đóng góp vào GDP cao nhất năm 2019, lên tới gần 10 % đối với Mỹ và hơn 8% với% với Trung Quốc – những nước hàng đầu trong phát triển du lịch bền vững.[2]

Hình 4: Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP của các quốc gia
Hình 5:Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP của Việt Nam

Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP của Việt Nam cũng ngày càng tăng, từ 6,3% năm 2015 lên 9,2% vào 2019.[1]

Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỷ trọng của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ. Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt như Sa Pa [Lào Cai], Hạ Long [Quảng Ninh], Cát Bà [Hải Phòng], Sầm Sơn [Thanh Hóa], Cửa Lò [Nghệ An], Huế [Thừa Thiên-Huế], Đà Nẵng, Hội An [Quảng Nam], Nha Trang [Khánh Hòa], Mũi Né [Phan Thiết], khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương khác. Các ngành thương mại, nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông, xây dựng, viễn thông… nhờ phát triển du lịch mà những năm qua đã có thêm động lực phát triển, góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế – xã hội Việt Nam.

Tóm lại, du lịch bền vững là một quá trình liên tục đòi hỏi phải theo dõi liên tục các tác động của nó, nhằm đáp ứng hài hòa cả 3 tiêu chí :

  • Sử dụng tối ưu tài nguyên môi trường là chìa khóa cho phát triển du lịch, qua đó duy trì các quá trình sinh thái và giúp bảo tồn đa dạng và di sản thiên nhiên.
  • Tôn trọng tính xác thực về văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương, nhằm bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống của họ, hiểu biết và gìn giữ sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
  • Đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, khả thi, nhằm cung cấp các lợi ích kinh tế – xã hội công bằng cho tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ hội việc làm và thu nhập cũng như các dịch vụ xã hội cho cộng đồng địa phương [UNEP, 2006].

Nguồn tham khảo:
[1] Vietnamtourism. 2020 Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội
[2] Visualcapitalist. 2020 Visualizing the Countries Most Reliant on Tourism
[3] Booking.com Báo cáo Thường niên về Du lịch Bền vững

Video liên quan

Chủ Đề