Ca sĩ phòng trà xưa là ai?

Phòng trà ca nhạc là một hình thức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, các khán giả tới phòng trà để nghe ca sĩ hát. Phòng trà ca nhạc xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội sau khi tân nhạc xuất hiện. Nó thay thế cho các quán cô đầu, nơi thưởng thức hát ả đào trước đó. Tại các nước phương Tây cũng có những hình thức tương tự phòng trà ca nhạc như cabaret, café-concert.

Phòng trà ca nhạc đầu tiên là Quán Nghệ sĩ, mở ở đường Bờ Hồ, Hà Nội năm 1946. Đây là nơi gặp gỡ của nhiều nhạc sĩ khi đó như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Không chỉ tân nhạc, phòng trà này còn trình diễn cả các nhạc phẩm cổ điển. Sau Quán Nghệ sĩ, một số phòng trà khác cũng được mở: Thăng Long ở phố Hàng Bông, Tuyết Sơn ở phố Thợ Nhuộm, Thiên Thai ở phố Hàng Gai.

Trong hồi ký của mình, Phạm Duy viết:

Quán Nghệ sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển. Có nam ca sĩ Mai Khanh thường tới hát bài Bên hồ liễu. Nữ ca sĩ Bùi Thị Thái, người vợ tương lai của ông Quản Liên, trưởng ban Quân nhạc Lính Khố Xanh thì chuyên hát bài Con chim lạc bạn. Thỉnh thoảng có Dương Thiệu Tước tới đánh guitare hawaienne và có Thẩm Oánh tới để làm xướng ngôn viên.

Ở phố Hàng Bông, có phòng trà Thăng Long với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường. Phòng trà này do ông Đinh Văn Tiệp, một thương gia thời đó làm chủ. Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có phòng trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo. Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn tàn thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng.

Một thằng bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở ra ở phố Hàng Gai một phòng trà lấy tên là Thiên Thai, cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao.

Tiếp đó, tại Huế cũng xuất hiện một số phòng trà, nổi tiếng hơn cả là Tam Tinh với giọng ca Ngọc Cẩm. Chiến tranh Việt-Pháp nổ ra, các phòng trà ca nhạc đều đóng cửa.

Năm 1954, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ miền Bắc tới Sài Gòn định cư. Nền tân nhạc ở miền Nam thời kỳ này đa dạng với nhiều dòng nhạc dành cho nhiều tầng lớp khán giả. Thị trường âm nhạc sôi động cùng những ca sĩ nổi tiếng giúp các phòng trà bước vào thời kỳ hoàng kim. Tới phòng trà nghe nhạc là một nét văn hóa của Sài Gòn khi đó. Những phòng trà được mở ra khắp nơi. Có thể kể tới một số như Văn Cảnh trên đường Calmete, Đức Quỳnh đướng Cao Thắng, Anh Vũ đường Bùi Viện... Đến khi tổng thống Ngô Đình Diệm cấm khiêu vũ thì một số vũ trường cũng biến thành phòng trà như Tự Do, Baccara... Thời kỳ đó, Sài Gòn có 5 phòng trà nổi danh nhất là Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim's, Đêm Màu Hồng với các ban nhạc tên tuổi và các giọng ca ngôi sao.

Phòng trà Đêm Màu Hồng với ban Thang Long, ban nhạc gia đình gồm Thái Thanh, Hoài Bắc [tức Phạm Đình Chương], Hoài Trung, Thái Hằng. Tên phòng trà cũng được đặt theo tên một ca khúc của Phạm Đình Chương. Queen Bee, Tự Do, Maxim's nổi tiếng với các giọng ca của Khánh Ly, Lệ Thu. Ritz có ban nhạc The Dreams với ca sĩ Julie Quang, ông chủ phòng trà Jo Marcel cũng là một ca sĩ. Về sau Khánh Ly cũng mở một phòng trà mang tên mình.

Một loại phòng trà ca nhạc khác nữa là phòng trà sinh viên. Trong khi các phòng trà nổi tiếng là nơi dành các khán giả cao cấp thì phòng trà sinh viên do sinh viên mở ra và để dành cho chính họ. Trong số đó có Quán Văn với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn thời kỳ đầu sự nghiệp.

Những nhạc công biểu diễn ở phòng trà cũng có các nhạc sĩ nổi tiếng, như Nguyễn Ánh 9 thường đệm dương cầm cho các ca sĩ Khánh Ly, Thái Thanh. Cũng có một vài giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó như Duy Trác, Sĩ Phú hầu như không xuất hiện ở phòng trà. Ngoài Sài Gòn, còn có những phòng trà ở Đà Lạt và một số thành phố khác.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, các phòng trà của Sài Gòn đều đóng cửa.

Sau một thời gian gián đoạn, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số phòng trà được mở cửa trở lại. Thời gian đầu, các phòng trà vẫn mang tính chất sang trọng, giá đồ uống cao và trình diễn những bản nhạc giá trị. Trong số đó nổi danh hơn cả là M&Tôi và Tiếng Tơ Đồng.

Khoảng cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, thị hiếu âm nhạc trở nên đa dạng, các phòng trà cũng thay đổi theo. Để đáp ứng những khán giả thanh niên, các phòng trà mời các ca sĩ trẻ với những ca khúc đang thịnh hành. Những hiện tượng như hát nhép môi cũng làm chất lượng âm nhạc các phòng trà giảm xuống. Tiếng Tơ Đồng còn tổ chức các đêm Người đẹp hát, Diễn viên hát... M&Tôi có chương trình Vui, trẻ khỏe và thứ hai mỗi tuần. Sự xuất hiện những sân khấu ca nhạc bình dân cũng làm các phòng trà vắng bớt khách.

Một số khác cố gắng duy trì phong cách và giữ một tầng lớp khán giả cho riêng mình như ATB của ca sĩ Ánh Tuyết, 2B của ca sĩ Mỹ Hạnh với các nhạc phẩm tiền chiến, tình khúc, Carmen với nhạc Flamengo, Sax ’n’ art của Trần Mạnh Tuấn với nhạc jazz...

Khoảng 2005-2007, nhiều phòng trà nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh như M&Tôi, Tiếng Tơ Đồng, ATB, Đồng Dao đều đóng cửa vì lý do mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này, các phòng trà phải chuyển ra xa trung tâm hơn để mở cửa trở lại.

Tại Hà Nội, số lượng phòng trà ít hơn và do thị hiếu của khán giả, các phòng trà ở đây cũng mang phong cách khác với Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1995, đáp ứng nhu cầu một số khán giả yêu thích nhạc đỏ, ca sĩ Thanh Hoa mở phòng trà Aladin tại ngõ Hàng Bột. Cuối năm 2004, Thanh Hoa khai trương phòng trà ca nhạc Aladin 2 tại khách sạn Thắng Lợi. Ngoài một số ca sĩ của dòng nhạc đỏ như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn... những ca sĩ nhạc trẻ như Khánh Linh, Tùng Dương cũng biểu diễn ở đây.

Một phòng trà đặc biệt khác là Lý club trên phố Lý Thường Kiệt. Đây là một phòng trà nhỏ, sang trọng, chủ yếu dành cho nhạc dân gian truyền thống của miền Bắc như chèo, tuồng, ca trù, chầu văn, xẩm, quan họ với nhiều khách du lịch. Ngoài ra các vũ trường như New Century, Hồ Gươm Xanh cũng có các ca sĩ ban nhạc biểu diễn.

Ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, một số thành phố khác cũng có các phòng trà ca nhạc như violon- Mục Đồng [41 Hùng Vương] với phong cách nhạc trữ tình và vẫn giữ được phong cách xưa,... ở Huế, Cung Tơ Chiều ở Đà Lạt.

  • Quán trà
  • Tân nhạc Việt Nam
  • Quán cô đầu
  • Cà phê thời trang
  • Cà phê sách

  • Bài 3: Nhìn lại phòng trà ca nhạc Việt Lưu trữ 2007-04-27 tại Wayback Machine
  • Phòng trà Sài Gòn "thế hệ 2"
  • Phòng trà ca nhạc Hà Nội: Không "sao" đèn vẫn sáng... Lưu trữ 2007-09-23 tại Wayback Machine
  • Thanh Hoa - người đàn bà hát nhạc đỏ

Lấy từ “//vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Phòng_trà_ca_nhạc&oldid=65102042”

Tối chủ nhật, mở chương trình truyền hình trên TV, tình cờ tôi xem được một vài tiết mục trong một chương trình ca nhạc có tên là “Phòng Trà Đêm Sài Gòn”. Tôi ít khi nghe nhạc từ TV, nhưng hai chữ “Sài Gòn“ được chính thức xuất hiện trên truyền hình đã gợi cho tôi một chút tò mò.

Chương trình được trực tiếp truyền hình từ một phòng trà nào đó. Khá đông khán giả ngồi nghe nhạc bên ly nước ngọt, tách cà phê. Không khí của phòng trà khá lịch sự, không ồn ào chen chúc như ở các tụ điểm ca nhạc. Phòng trà mang tên Sài Gòn vì ở đây khán giả sẽ được nghe lại dòng nhạc của Sài Gòn khi xưa.

Tôi vào mạng xem thêm một vài chương trình đã phát sóng trong các chủ nhật trước. Chương trình được biên tập theo nhiều đề tài.

Các ca khúc của Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Y Vân, Phạm Duy, Trúc Phương… được hát lại trên sân khấu phòng trà… Chủ phòng trà bắt mạch đúng khao khát của khán giả Sài Gòn lớn tuổi. Họ muốn tạo dựng không khí nghe lại dòng nhạc lãng mạn của một thời.

Không hiểu khán giả trong phòng trà có hài lòng với bữa tiệc âm nhạc Đêm Sài Gòn này không. Với tôi, dựng lại một cái gì đã cũ không dễ.

Những bài hát cũ thì còn đó như một cái xác, nhưng ca sĩ – người thổi hồn vào xác thì dường như chưa hiểu hát ở phòng trà khác với biểu diễn ở sân khấu lớn, ở tụ điểm ngoài trời như thế nào.

Tôi đã muốn bật cười khi có ca sĩ hát nhạc Ngô Thụy Miên đến cuối bài lại hú lên vài tiếng như muốn kích động cho các khán giả đáng tuổi cha chú ngồi dưới hú theo. Các ca sĩ gốc nhạc viện thì thật sự không hợp với không khí phòng trà vì dù giọng hát cực kỳ khỏe như cơ bắp của lực sĩ, họ quá thiên về phô trương kỹ thuật làm hỏng đi chất giọng riêng, điều cốt lõi để gây không khí quyến rũ, mê hoặc của phòng trà.

Bao giờ những phòng trà của Sài Gòn về đêm mới trở lại như thuở ấy?

Đó là thuở mà phòng trà là chốn ma mị làm mê dại lòng người. Đó là nơi ca sĩ không phải hát theo chủ đề. Không phải cứ chủ đề mùa đông thì Thái Thanh, Lệ Thu buộc phải hát một bài nào đó về mùa đông, bởi vì “Đêm Đông”đã dành riêng cho Bạch Yến.

Không ca sĩ nào dại dột hát “Dòng Sông Xanh” vì tổ đã giao bài hát ấy cho Thái Thanh và “Thuyền Viễn Xứ” dường như là ngôi đền thiêng mà chỉ có Lệ Thu mới dám đặt chân vào.

Người đến phòng trà vì mê không khí nơi ấy chứ không phải để tìm hiểu xem mùa thu, mùa xuân… có bao nhiêu bài hát.

Các ca sĩ thời ấy rất kiêu hãnh. Không ai có thể bắt họ phải hát bài hát họ không thích và có khi chủ phòng trà phải chấp nhận việc cả tháng trời họ đến phòng trà chỉ để hát một bài hát. Chấp nhận, bởi vì có cả khối đàn ông chấp nhận đến phòng trà chỉ để ngắm nàng và nghe nàng hát chỉ một bài hát ấy.

Chẳng phải có thời người ta đến phòng trà nghe Bích Chiêu hát “Nỗi Lòng” mãi mà không chán. Khi nàng hát bài hát ấy, các bậc nam nhi trong phòng trà cảm thấy đau đớn, thổn thức như thể chính mình là thủ phạm đã làm trái tim nàng tan nát.

Tất nhiên cũng có nam ca sĩ làm cho phòng trà đậm chất say đắm như Jo Marcel khi hát “Mộng Dưới Hoa”, “Thôi”, nhưng dường như nữ ca sĩ làm chủ không khí phòng trà nhiều hơn. Điều dễ hiểu khi thời đó hầu như đàn ông chiếm gần hết không gian phòng trà.

Vậy đó. Phòng trà là một nơi mà ca sĩ và người nghe như được cùng nhau bước vào một không gian mộng ảo, hư hư, thực thực trong âm thanh rã rời của kèn saxo, trong tiếng bập bùng của contrebass.

Mọi người thường phê phán rằng khác với ngày trước, ca sĩ Sài Gòn ngày nay ăn mặc quá hở hang, người đi nghe nhạc thì nhìn thay vì nghe ca sĩ hát. Lầm đấy. Ngày xưa ở phòng trà, người ta mê ca sĩ, say đắm ngắm ca sĩ, nghiện không khí huyền hoặc đầy kịch tính của phòng trà hơn ngày nay rất nhiều.

Thuở ấy, các nữ ca sĩ của phòng trà Sài Gòn hầu hết đều mặc áo dài khi đứng trên sân khấu, nhưng dưới ánh đèn mờ ảo, đôi mắt sâu thẳm, vời vợi buồn của các nàng quá là cuốn hút. Đôi mắt ấy chắc ban ngày cũng bình thường như mắt của vợ mình thôi, nhưng trong bóng tối, chúng được tô đậm ở viền mắt rồi nhạt dần sang màu khói nhang đã làm cho khán giả có cảm giác như đang nhìn ngắm một nỗi niềm u uẩn. Và trái tim đàn ông Sài Gòn ngày ấy vẫn hay bị chấn thương vì một ánh mắt u buồn, hờn trách hơn là vì một thân hình hở hang nóng bỏng.

Chàng học trò nghèo Trịnh Công Sơn chắc phải nhịn ăn mới có đủ tiền vào phòng trà ngắm mái tóc “che nửa mặt hoa” của Thanh Thúy và khi một giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt được tô vẽ rất kỷ của nàng thì chàng học trò mười bảy tuổi đã thất điên bát đảo, xuất thần viết nên ca khúc “Ướt Mi” nổi tiếng.

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly cũng là gã si tình chốn phòng trà khi viết:

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa dòng tóc, tay vời âm thanh “

Nhà văn Mai Thảo thì hầu như là “con ma” của “nhà hát” Đêm Màu Hồng khi tối nào cũng xuất hiện ở nơi mà ông chỉ cần nghe mỗi tiếng hát của Thái Thanh.
Và chắc mọi người không quên mối tình si của ký giả Hồng Dương dành cho ca sĩ Lệ Thu.

Khác với tình yêu của chàng trai mới lớn “Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh” [Em Tôi – Lê Trạch Lựu], tình yêu của người đàn ông ở phòng trà dành cho ca sĩ là sự si mê như mê thuốc lào. Và họ nghiện cảm giác mê dại ấy dù họ biết quá rõ ban ngày trông nàng xanh xao, rũ rượi, nàng luôn ngủ nướng đến 12 giờ trưa, nàng không hề xách giỏ đi chợ nấu cơm, khi rảnh nàng đánh tứ sắc, xì phé chứ không ủi quần áo cho ta, khi chùi hết son phấn nàng chẳng đẹp gì hơn vợ ta…

Nhạc sĩ Trường Sa mô tả hay nhất tình yêu rất lênh đênh dành cho một gọng hát:

“Tình trong cơn ngủ mê
Rồi phai trên hàng mi
Chợt khi mình nhớ về

Mộng thành mây bay đi
Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình
Cho tình càng thêm say”

Phòng trà là như vậy, và chắc còn lâu lắm Sài Gòn bây giờ mới lại có được những phòng trà là nơi mà âm nhạc làm cho người ta “phê” như ngày xưa.

Nguồn: Huyền Chiêu [t-van]

Video liên quan

Chủ Đề