Ca sĩ nổi tiếng nhất nước pháp là ai?

Mang tựa đề "Ces gens-là" [Những người như thế], album này được trình làng hồi trung tuần tháng Tư, tập hợp 13 bài hát nổi tiếng của Brel qua phần trình bày của các giọng ca quen thuộc trong làng nhạc Pháp. Ngoại trừ các ca sĩ Bernard Lavilliers, Michel Jonasz và Marianne Faithfull, thành danh từ đầu thập niên 1970, hầu hết các giọng ca còn lại đều thuộc thế hệ sau này, chưa ra đời vào lúc Jacques Brel đạt đến tột đỉnh sự nghiệp trong giai đoạn những năm 1965-1966.

Những bài hát bất hủ như Amsterdam, La chanson des vieux amants, Quand on a que l’amour, Ne me quitte pas [If you go away] do đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phiên bản trong rất nhiều thứ tiếng [trường hợp của If you go away], cho nên giai điệu tưởng chừng là dễ hát nhưng thật ra không dễ một chút nào. Làm sao tìm được một lối trình bày mới hay ít ra diễn đạt một cách khác, khi biết bao nghệ sĩ đi trước đã từng làm.

Về điểm này, có thể xem như là đã thành công phần trình bày của các nghệ sĩ xuất thân hay gợi hứng từ dòng nhạc jazz. Ca sĩ Zaz có sở trường hát nhanh, cô thổi sức sống vào tiết mục biểu diễn của mình [bài Bruxelles] khi chọn lối hoà âm theo điệu nhạc jazz skiffle [một thể loại có từ những năm 1950, phối hợp nhạc jazz với nhạc folk] với đặc điểm luôn sử dụng các vật dụng đời thường để biến thành những ‘‘nhạc cụ’’ tùy hứng, tạo ra những âm thanh khác biệt với nhạc khí truyền thống. Còn Thomas Dutronc con trai của Françoise Hardy & Jacques Dutronc trung thành với dòng nhạc du mục đã cố tình làm cho nhịp điệu bài hát [Vesoul] chậm lại để đan xen vào đó rất nhiều nốt nhạc phá cách. Phiên bản của anh coi vậy có phần xuất sắc hơn cả bài hát của Maurane.

Hoà âm cũng như lối diễn đạt lại càng tinh tế hơn trong các phiên bản của hai nghệ sĩ nổi tiếng của làng nhạc jazz quốc tế. Trên album này, Melody Gardot ghi âm lại Bài ca của đôi tình nhân già [La chanson des vieux amants] còn Madeleine Peyroux thì diễn đạt rất trội nhạc phẩm ‘‘Voir un ami pleurer’’ [Nhìn bạn tôi khóc]. Mỗi người một vẻ, nhưng cả hai ca sĩ người Mỹ trong lối phát âm khác lạ, đem lại tất cả những nét uyển chuyển mềm mại, khác hẳn với bản nguyên tác, mãnh liệt gai góc.

Tuy được xuất bản trễ hơn nhiều so với dự kiến, tháng Tư năm 2019 thay vì tháng 10 năm 2018, nhưng tuyển tập"Ces gens-là" [Những người như thế] lại rơi đúng vào thời điểm phát hiện một số ca khúc ít được phổ biến của Jacques Brel. Tính tổng cộng là 4 bài hát trong đó có "Amsterdam" và ‘‘Le Plat Pays’’ được ghi âm vào năm 1965, nhưng chưa từng được công bố.

Trong giới yêu nhạc Pháp, hầu như ai cũng đều biết đến "Amsterdam", bản nhạc nổi tiếng của Brel, với giai điệu gợi hứng từ "Greensleeves", bài dân ca truyền thống của người Anh nổi tiếng từ năm 1580 và thịnh hành trong nhiều thế kỷ. Với sự hợp tác của công ty Diggers Factory với Cơ quan lưu trữ tài liệu Âm thanh và Hình ảnh INA của Pháp.Một phiên bản chưa từng được phổ biến này được phát hành trên đĩa nhựa Maxi 45 vòng vào ngày 13 tháng Tư vừa qua, còn được gọi là Record Store Day trong tiếng Pháp gọi là Disquaire Day, chủ yếu dành cho giới sưu tầm đĩa nhựa.

Phiên bản nổi tiếng nhất của bài "Amsterdam" từng được Jacques Brel biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 10 năm 1964 tại nhà hát Olympia. Buổi trình diễn hôm ấy được ghi âm để phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh Europe 1, đây là bản ghi âm được phát sóng thường xuyên nhất, và được xem như là phiên bản "chính thống" duy nhất của nhạc phẩm Amsterdam, nam danh ca người Bỉ không bao giờ ghi âm bài này trong phòng thu.

Chưa đầy một năm sau, vào mùa hè năm 1965, Jacques Brel đang ở trên đỉnh cao vinh quang, đã tham gia chương trình biểu diễn trực tiếp tại Đài Phát thanh Quốc gia Maison de la Radio. Trong buổi trình diễn ấy, Brel đã hát bốn ca khúc : "Le Plat Pays", "Ne me quitte pas", "Au Suivant" và "Amsterdam" với phần nhạc đệm khác hẳn, không dùng đàn phong cầm [accordion], mà chỉ có piano [Gérard Jouannest] và contrebasse [Pierre Sim]. Phần ghi âm này sau đó do không được phát hành trên băng đĩa, đã dần dần bị chìm vào quên lãng.

Gần đây, cơ quan INA theo yêu cầu của công ty Diggers Factory, đã cho xuất bản các tài liệu quý hiếm được cất giữ trong kho lưu trữ của mình. Các đĩa nhựa ở đây được phát hành giới hạn [700 bản] và được đánh số hẳn hoi, điều này ít có giá trị về mặt lịch sử, nhưng lại quan trọng đối với giới sưu tầm. Đĩa nhựa này của Jacques Brel bổ sung cho bộ sưu tập gồm các bài hát ít được phổ biến của Dalida, Barbara và Léo Ferré. Nghe lại những ca khúc bất hủ của Jacques Brel, ta sẽ nhận thấy ngay là bốn thập niên sau ngày ông mất, có rất nhiều nghệ sĩ chịu nhiều ảnh hưởng của ông, nhưng vẫn chưa có một tài năng nào có thể soán ngôi của Brel, ông hoàng dòng nhạc hiện thực.

Các ca sĩ trẻ thời nay tham gia vào album tưởng niệm Jacques Brel như Slimane [Ne me quitte pas] hay Claudio Capéo [Ces gens-là] cho dù có cố gắng cách mấy, thế nhưng ngạc nhiên thay, họ vẫn không thoát khỏi chiếc bóng quá lớn của bậc thầy. Lúc sinh tiền, Jacques Brel nổi tiếng là người thổi ma lực vào giai điệu, lối kể chuyện của ông sống động và cuồng nhiệt trên sân khấu, khán giả như thể bị hớp hồn, “mất vía” từ lúc nào không hay.

Theo nguồn tin từ phía gia đình, trong những năm tháng cuối đời, Marie Laforêt chủ yếu sinh sống tại Tây Ban Nha, tuy nhiên căn bệnh ung thư hiểm nghèo buộc nghệ sĩ này phải nhiều lần trở về Thụy Sĩ để điều trị. Sự nghiệp của Marie Laforêt trải dài trên gần nửa thế kỷ từ năm 1959 đến năm 2008, cho dù trong những thập niên về sau, bà đã cố tình đoạn tuyệt với làng giải trí [showbiz]. Tại Thụy Sĩ, công chúng ít biết rằng Marie Laforêt từng là diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng ở Pháp, ít nhất là trong hai thập niên liền, từ đầu những năm 1960 cho tới cuối những năm 1970.

Sinh tại vùng Gironde, miền nam nước Pháp, Marie Laforêt [tên thật là Maïtena Douménach] xuất thân từ một gia đình nghèo. Năm 14 tuổi, cô bé theo gia đình dọn nhà về thủ đô, sau khi ông bố làm việc trong ngành đường sắt, được chuyển tới Paris. Năm 16 tuổi, Marie Laforêt ghi tên theo học các lớp diễn xuất vì ngay từ khi còn nhỏ, cô đã đam mê ngành kịch nghệ, một cách như cô nói để chữa cái ‘‘bệnh nhút nhát’’.

Tuy nhiên, cơ duyên nào khiến cho một thiếu nữ còn rất non tay nghề lại có cơ hội đóng phim với thần tượng điện ảnh Alain Delon. Năm 1959, cô lúc đó vừa tròn 20 tuổi tham gia một cuộc thi tuyển lựa các tài năng mới do đài phát thanh Europe 1 tổ chức. Marie Laforêt về đầu trên số hơn 3.000 thí sinh. Nhờ một gương mặt hết sức ăn ảnh, Marie Laforêt được chọn để đóng vai nữ chính trong bộ phim ‘‘Plein Soleil’’ [tựa tiếng Anh là Blazing Sun] của đạo diễn René Clément, phóng tác từ quyển tiểu thuyết trinh thám ăn khách ‘‘The Talented Mr. Ripley’’ của nhà văn Patricia Highsmith.

Lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh lớn, cô đóng phim với hai gương mặt nổi tiếng là Alain Delon và Maurice Ronet. Thành công của bộ phim này giúp cho Marie Laforêt tham gia vào những bộ phim quan trọng nhất thời bấy giờ, bên cạnh các diễn viên ‘‘đình đám’’ chẳng hạn như tác phẩm ‘‘La Fille aux yeux d’or’’ [Cô gái với cặp mắt vàng] của đạo diễn Jean-Gabriel Albicocco hay là ‘‘Flic ou Voyou’’, đóng với ngôi sao màn bạc Jean-Paul Belmondo.

Đang trên đà thành công với nghề đóng phim, Marie Laforêt được mời ghi âm những ca khúc đầu tiên. Vào đầu năm 1963, cô trình làng đĩa hát ‘‘Les Vendanges de l’Amour’’ [tạm dịch là Gặt hái Yêu thương] do ca sĩ kiêm tác giả Danyel Gérard sáng tác. Bài hát này lập kỷ lục số bán, nhờ vào thành công ấy Marie Laforêt tiếp tục ghi âm nhiều ca khúc ăn khách khác như Viens sur la Montagne, Mon amour Mon ami, Que calor la Vida …..

Marie Laforêt xen kẻ những bài hát nguyên tác cũng như các bản nhạc phóng tác, chuyển thể từ các ca khúc Anh Mỹ thịnh hành như ‘‘Paint it black’’ của nhóm the Rolling Stones, ‘‘The Sound of Silence’’ của Simon & Garfunkel, ‘‘Summer Wine’’ của Lee Hazlewood hay là ca khúc chủ đề bộ phim Bố Già [The Godfather] của tác giả Nino Rota.

Marie Laforêt thành công chủ yếu nhờ hát nhạc nhẹ, ngược lại những bài hát pop rock do cô ghi âm vào thời phong trào nhạc trẻ những năm 1960 của Pháp đang trỗi dậy, lại không ăn khách. Có lẽ cũng vì thế mà tuy nổi danh hầu như cùng lúc với Sylvie Vartan và Françoise Hardy, nhưng Marie Laforêt không được xem như là một trong những thần tượng nhạc trẻ. Đa số các bài hát của cô cũng không nhắm vào lứa tuổi thiếu niên, và ngay từ đầu những năm 1970, cô chuyển hẳn sang dòng nhạc dân ca, các khúc nhạc dân gian đến từ châu Âu, Nam Mỹ hay Hoa Kỳ.

Có thể nói đây là thời kỳ quan trọng nhất trong sự nghiệp của Marie Laforêt, cô bắt đầu sáng tác một số bài hát của mình với một bút hiệu khác [Françoise They], cô hợp tác với nhiều nghệ sĩ đến từ Brazil [Egberto Gismonti] hay đến từ Argentina [Jorge Milchberg]. Qua việc phối hợp dân ca với nhiều dòng nhạc khác, Marie Laforêt trở thành một trong những nhân vật tiên phong ở Pháp thử nghiệm dòng nhạc ‘‘world music’’ trước khi khái niệm "âm nhạc thế giới" chính thức ra đời.

Đó là lý do khiến cho hợp đồng ghi âm của cô không được triển hạn. Khi chuyển từ công ty CBS sang một hãng đĩa khác là Polydor [vào năm 1972], Marie Laforêt buộc phải ghi âm những bài hát thương mại hơn, dễ ăn khách trên thi trường. Nhạc phẩm Il a neigé sur Yesterday là một ca khúc dễ nghe, khai thác âm điệu cũng như các tựa ca khúc của nhóm Tứ Quái The Beatles. Bài hát này lập kỷ lục số bán vào năm 1977. Nhưng cũng từ đó, Marie Laforêt giải nghệ ca hát vì theo cô, cho dù có ăn khách nhưng cô không hề được quyền chọn lựa, mọi thứ đều do các nhà sản xuất quyết định.

Kể từ cuối những năm 1970, Marie Laforêt sang Thụy Sĩ định cư. Cô lập gia đình, nhập tịch Thụy Sĩ và qua các lớp đào tạo để trở thành một chuyên viên bán đấu giá. Cô mở một phòng tranh và khám phá thế giới của các nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Theo lời đạo diễn Lisa Azuelos [tác giả bộ phim tiểu sử về Dalida,] và cũng là con gái ruột của Marie Laforêt, bà đã cố tình chọn một cuộc sống ‘‘an phận’’ ở Thụy Sĩ, nơi mà ít ai để ý tới cái quá khứ showbiz của bà. Mãi tới giữa những năm 2000, Marie Laforêt mới trở lại trên sàn diễn. Lần cuối xuất hiện trên sân khấu là vào năm 2008, bà rốt cuộc đã thực hiện được giấc mơ đầu đời : vào vai thần tượng Maria Callas trong một vở kịch kể lại cuộc đời và sự nghiệp của một trong những huyền thoại sáng chói nhất làng kịch opéra.

Từ bài hát ăn khách đầu tiên [1963], cho đến tuyển tập CD cuối cùng thực hiện vào năm 1993 với những sáng tác của chính mình, sự nghiệp của Marie Laforêt trải dài trên 3 thập niên. Cô đã đóng khoảng 40 bộ phim và phát hành 14 album, tính tổng cộng bán được hơn 25 triệu bản. Cô gái với cặp mắt vàng vĩnh viễn ra đi, để lại hình ảnh của một nghệ sĩ không vì tiền tài mà hy sinh hạnh phúc gia đình, không vì danh vọng mà lại quên sống theo ý mình.

Video liên quan

Chủ Đề