Ca sĩ hết thời là ai?

Ngày nay, có rất nhiều ca sĩ được các nhà làm phim mời chào khi tên tuổi họ còn sức hút.

Mặc dù những cuộc dạo chơi với điện ảnh không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”, mà vẫn luôn ẩn chứa nguy trở thành trò cười trên sóng truyền hình, và cả màn ảnh rộng. Tuy nhiên, trong quá trình cạn đục khơi trong này, cũng có những ngôi sao tìm được cho mình một lối thoát mới sang mảng điện ảnh, khi mà cánh cửa sân khấu đã không còn rộng mở với họ.

 

Điển hình như Ngô Thanh Vân, giờ đây người ta nhớ đến cô với vai trò là một đả nữ của dòng phim hành động, hay sự phát triển về khả năng diễn xuất ngày một vững chắc. Nếu bây giờ mà gắn thêm cụm từ ca sĩ trước tên cô, ắt hẳn sẽ có hàng đoàn người xua tay ngán ngẩm. Chẳng còn ai mảy may quan tâm đến khả năng hát hò của Ngô Thanh Vân, thay vào đó, khán giả chỉ muốn đả nữ gắn chặt sự nghiệp của mình với điện ảnh. Ngoài Ngô Thanh Vân, thì điện ảnh còn là chiếc bè cứu sinh của nhiều ngôi sao khác như Minh Thư, Kim Khánh. Họ không còn phải chới với vì áp lực tìm kiếm hit, hay phải lo âu chuyện bị bầu show ghẻ lạnh, nhờ có điện ảnh mà những ngôi sao này vẫn tiếp tục tồn tại. Thỉnh thoảng cũng có người quay lại sân khấu ca nhạc vì nhớ nghề, và may thay, không ai gọi họ là ngôi sao hết thời.

Ra nước ngoài định cư

Chuyện hết thời với ca sĩ là điều hiển nhiên, không sớm thì muộn. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề mà chẳng mấy ai muốn thừa nhận. Họ thường phải tìm ra những lý do hợp tình hợp lý để biện bạch cho nguyên nhân vì sao tên tuổi đã nguội lạnh dần trước truyền thông, hay xuất hiện ngày càng thưa thớt trên sân khấu, và chạy ra nước ngoài chính là đáp án hiệu quả nhất. Vì bận ra nước ngoài lập gia đình, sum họp bên người thân, kinh doanh v.v… Nên lẽ hiển nhiên ca sĩ không thể thoải mái “nhận” show nội địa như trước, một cách để tránh né cái tình trạng ế ẩm. Thêm vào đó, khi xuất ngoại, ở môi trường mới, những “cựu ngôi sao” này cũng có được nhiều lợi thế trước sự đón chào của kiều bào. Nếu may mắn tiếp tục thành công ở hải ngoại, tiếng thơm sẽ bay ngay về quê nhà, mở ra khá nhiều cơ hội đánh bóng tên tuổi. Còn nếu như xui rủi không thành công thì các sao cũng dễ dàng viện cớ “chăm lo cho gia đình” để tránh phải thừa nhận thực tế hết thời. Đó cũng là một phần trong cái nguyên nhân showbiz ngày nay luôn hào hứng với trào lưu tìm kiếm tình yêu nơi xứ người.

Làm quản lý

Đây là hình thức khá phổ biến vì nó đường hoàng chính chính, giúp các ngôi sao hết thời hoặc có nguy cơ hết thời được tiếp tục cống hiến cho showbiz. Tuy nhiên cái gì cũng thường ẩn chứa mặt trái của nó. Trong thực tế, ngoài những trường hợp có tâm huyết thật sự, thì cũng tồn tại một số tên tuổi sử dụng bức bình phông “nhà quản lý” để mưu cầu lợi ích riêng. Họ lập ra công ty đào tạo để chiêu sinh vô tội vạ, nhìn ai cũng thấy “tiềm ẩn tài năng”, “tố chất thành ca sĩ” mà khuyến khích đóng học phí. Không chỉ thế, một số đàn anh, đàn chị còn lợi dụng sự thành công của học trò để làm bàn đạp đánh bóng ngược lại cho bản thân. Ca sĩ thành lập công ty riêng, hoặc nhận lời nâng đỡ đàn em trước nay tồn tại rất nhiều, thế nhưng đi đến được một cái hậu tốt đẹp thì thực tế vẫn là khá hiếm hoi. Nhiều ngôi sao lâu năm cứ nghĩ mình thừa kinh nghiệm để làm nhà quản lý tốt, cuối cùng lại nảy sinh scandal thầy trò đốp chát nhau trên mặt báo, hoặc lăng xê 10 trò, thì đã giữa đường gãy gánh đến 7, 8. Thế nhưng dẫu có thế nào đi chăng nữa thì đây vẫn sẽ luôn là con đường mà rất nhiều ca sĩ hành nghề lâu năm hướng đến, vừa có tiếng, vừa có miếng mà không phải mất công kiếm vợ, tìm chồng bên kia quả đất.

Trở thành thảm họa

Ông bà ta có câu “khôn ba năm dại một giờ”, tuy vậy, không phải ai cũng vô tình mà hóa dại. Rõ ràng xu hướng để nổi tiếng ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều bởi độ phong phú về chiêu trò. Thà hát hay mà nổi tiếng đã đành, giờ đây hát dở, hát nhảm và thậm chí là không biết hát cũng có thể nổi tiếng ầm ầm. Vậy thì giữa một bên là hết thời, và một bên là nổi tiếng theo kiểu thảm họa, hiển nhiên nhiều ngôi sao cũng phải cảm thấy chạnh lòng. Thế là họ bắt tay vào đua đòi làm theo những công việc thời thượng như phát ngôn sốc, chế nhạc nhảm, viết hồi ký, hay vạch trần đủ thứ chuyện. Họ ít hát đi, và siêng năng với các công tác bên lề nhiều hơn. Với thâm niên lâu năm, lứa “sao già” có thừa chuyện phiếm để kể trên mặt báo. Bởi thế mà dạo gần đây bỗng xuất hiện tình trạng các nghệ sĩ có tên có tuổi ra sức chứng minh rằng: tuy không thể lộ hàng, phơi số đo 3 vòng, hay diện thời trang kinh dị như đàn em, thế nhưng phong cách thảm họa mà họ tạo ra vẫn đủ sức khiến showbiz hừng hực bởi thị phi. Có ngôi sao khi đã lụi tàn thì chọn cách ra đi trong yên bình, và cũng có ngôi sao ra sức dãy dụa, tìm cách phát nổ để tìm lại chút ánh hào quang xưa. Hết thời là thứ không ai muốn thừa nhận, nhưng với khán giả, họ không cần phải có sự thừa nhận thì mới biết ca sĩ đã hết thời hay chưa. Bởi thế chọn cách nào để chào tạm biệt ánh hào quang cũng là một nghệ thuật của giới ngôi sao.  

Theo 2sao

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Diva bày tỏ: "Nếu tôi và các đồng nghiệp cùng thế hệ không bước qua giai đoạn đỉnh cao, làm sao con gái Mỹ Anh và các bạn trẻ khác có cơ hội vươn lên?”.

‘Vượt sướng cũng chẳng dễ gì’

- Sau khi học xong phổ thông, chị quyết định thi vào Nhạc viện Hà Nội [hiện là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam]. Mỹ Anh con gái chị cũng lựa chọn trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp sau khi học xong phổ thông. Con đường mà hai mẹ con chị đi có khá nhiều điểm tương đồng. Vì sao chị từng nói rằng, thời của chị là “vượt khổ”, còn thời của con gái là “vượt sướng”?

Ngay từ bé, tôi đã rất thích hát. Khi đi học, tôi thường tham gia ca hát trong các phong trào của nhà trường, quận và thành phố. Thời của chúng tôi, đa số các ca sĩ đều trưởng thành từ các sân chơi như thế. Nó giống như một mạng xã hội, kết nối những người quan tâm tới nghệ thuật.

Cũng từ các sân chơi này, tôi có cơ hội gặp gỡ những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Khi đang học lớp 12, trong một cuộc thi hát, tôi gặp bác Quý Dương [NSND Quý Dương]. Sau khi nghe tôi hát lần đầu tiên, bác gọi tôi ra một chỗ và chia sẻ chân thành: “Cháu hát rất hay, lâu lắm rồi bác không xúc động, không rơi nước mắt, nhưng giọng hát của cháu vừa làm được điều đó. Cháu nên đi hát, mang lại niềm vui cho nhiều người. Bác tin rằng cháu sẽ thành công”. Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi quyết định thi vào Nhạc viện Hà Nội và gắn bó với con đường ca hát.

Còn nhớ thời sinh viên, mỗi sáng tôi đều đạp xe từ nhà ở Thanh Xuân tới Nhạc viện Hà Nội. Buổi trưa loanh quanh gần trường, ăn tạm cái bánh mì kẹp quả trứng rồi chiều vào học tiếp. Thời đó, số học bổng ít ỏi của tôi cũng chỉ đủ tiêu dè sẻn cho tới giữa tháng, cuối tháng là ăn bánh mì, uống nhân trần chịu. Ngoài đam mê ca hát, động lực và khát khao mãnh liệt nhất của tôi khi đó là đưa bố mẹ ra khỏi cảnh ăn bữa nay lo bữa mai.

Diva Mỹ Linh

Thế nên khi còn là sinh viên, tôi đã làm thêm đủ thứ. Ai gọi hát đâu là đi, tối này đạp xe từ Thanh Xuân lên Nhà nổi Hồ Tây hát bolero cho khách ăn, còn tối khác lại hát trên đầu Hàng Cót, lương ít lắm.

Còn thời nay khó khăn của Mỹ Anh và thế hệ của bạn ấy lại khác. Phần lớn các bạn trẻ thời nay đều có sự ổn định về vật chất, ít bị thiếu thốn và có nhiều sự lựa chọn. Mỹ Anh thuận lợi hơn tôi khi ngay từ nhỏ đã được sống trong môi trường âm nhạc, biết được những khó khăn, trở ngại, vất vả của bố mẹ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, điều ấy cũng tạo áp lực không hề nhỏ cho con. Chính vì vậy, vài năm trước, con còn nhất định không theo con đường ca hát và chọn cách đi du học, chắc cũng phần nào chạy trốn cái áp lực vô hình từ gia đình.

- May mắn mà chị vừa nhắc tới có phải là sân chơi mang tên SV96, khi chị hát bài “Hà Nội đêm trở gió” và ngay lập tức được hàng triệu khán giả truyền hình yêu mến?

Hồi đó, tôi đến chương trình SV96 để ủng hộ đội thi của Nhạc viện Hà Nội. Mọi người rủ tôi lên sân khấu hát một bài ngẫu hứng. Còn trẻ lại đang “máu” hát, chả có sự chuẩn bị trước nên đang tiện mang theo nhạc đệm ca khúc “Hà Nội đêm trở gió”, tôi hát luôn, không ngờ được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Tôi vẫn nói trong sự nghiệp của mình, tôi gặp rất nhiều may mắn. Mọi người khen tôi hát hay, nhưng chắc chắn còn nhiều người hát hay, thậm chí là hơn tôi chứ. Trời cho tôi chất giọng đẹp bẩm sinh, nhưng nhiều người khác cũng có giọng đẹp không kém. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng có cơ may lên truyền hình với hàng triệu người xem và hát tốt ngay trong lần đầu tiên như tôi.

- Từ đầu cuộc nói chuyện tới giờ, có lẽ “may mắn” là từ được chị nhắc tới nhiều nhất?

Nghề ca hát cũng có nhiều cái đặc thù. Một ca sĩ muốn thành công, trước tiên phải có tố chất, sau đó là phải học, phải luyện tập không ngừng, và một yếu tố quan trọng nữa là sự may mắn.

- Có điều, cơ hội đến với mọi người, nhưng chỉ người biết nắm bắt mới biến cơ hội trở thành vận may?

Chuyện nắm bắt được cơ hội hay không, suy cho cùng cũng là may mắn mà. Chúng ta đâu có được học để làm điều đó? Lúc đó tôi còn trẻ tuổi, còn nông nổi lắm, làm gì đã biết được cơ hội đó là tốt với mình.

- Chỉ sau phần trình diễn tại SV96, chị đã được chú ý và sau đó nổi tiếng rất nhanh. Thành công đến sớm có khi nào gây cho chị sự phiền phức?

Thành công đến nhanh quá, trong khi tôi chưa chuẩn bị tinh thần đối diện với nó. Cũng không ai hướng dẫn tôi phải ứng xử thế nào. Tôi cứ "hồn nhiên như cô tiên" nên cũng gặp nhiều lùm xùm, nhiều vấn đề đấy. Tôi thấy mình may mắn khi sự hồn nhiên của mình không giết chết sự nghiệp, mà chỉ đem lại cho mình một số rắc rối.

Mãi ở trên đỉnh cao cũng không phải hay lắm đâu, cũng mệt lắm đấy. Được sống vui vẻ, hạnh phúc, làm những việc mình yêu thích hoá ra lại đáng giá hơn nhiều.

Diva Mỹ Linh

Thời đó, mạng xã hội, truyền thông và mọi thứ không phát triển như bây giờ. Tôi và các đồng nghiệp khác không có nhiều cơ hội thể hiện quan điểm, giãi bày hay kết nối trực tiếp với khán giả. Công chúng và khán giả đôi khi chỉ biết về người nghệ sĩ qua góc nhìn của người khác. Việc đó khiến nhiều người buộc phải tỏ ra thân thiện, phải dễ thương với tất cả mọi người, khó có cơ hội được là chính mình.

Tôi không có nhiều phẩm chất đó nên chọn cách tự bảo vệ mình, thu nhỏ phạm vi của mình lại, chỉ chơi với những người có thể chia sẻ với mình chứ không đánh giá mình. Đó là lý do mà tôi có rất ít bạn.

- Cách sống đó có tạo sự cản trở đối với nghề nghiệp của chị?

Thật khó để có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên tôi nghĩ, cho tới thời điểm này mình vẫn ổn, vậy chắc là không có cản trở gì nhỉ?

Tôi thấy những người sáng tạo không có khả năng quan hệ rộng đâu. Về cơ bản, họ tập trung vào những cái bên trong con người họ.

Thời gian gần đây, tôi nhận ra rằng, việc mình không làm gì đôi khi còn quan trọng hơn cả việc mình làm gì. Có quá nhiều cơ hội, gặp gỡ quá nhiều người, ôm đồm quá nhiều việc có khi lại khiến người ta chẳng làm được việc gì nên hồn.

‘Mình không già đi, sao con lớn được’

- Khi đang gặt hái thành công vang dội với những ca khúc nhạc pop, chị chuyển sang hát R&B và những sáng tác của chồng [nhạc sĩ Anh Quân]. Thời điểm đó, không chỉ khán giả mà rất nhiều người trong nghề cũng không ủng hộ sự lựa chọn của chị. Chị có cảm thấy rất áp lực?

Tôi hâm mộ nhạc của Anh Quân trước khi gặp gỡ, trước khi yêu và kết hôn mà. Tôi cũng hâm mộ nhạc của anh Tuấn [nhạc sĩ Huy Tuấn]. Tôi đang được hát thứ nhạc mình thích, vậy có gì mà buồn phiền?

Nói chung, ý thích của tôi có trùng với mọi người hay không cũng không khiến tôi đau khổ như mọi người nghĩ đâu. Tôi cũng không cuồng lên về việc mọi người phải thích mình. Điều này tôi nói rất thật. Tôi luôn trân trọng và biết ơn tình cảm của khán giả dành cho mình. Làm nghệ sĩ mà không được khán giả yêu quý thì khó sống nhưng tôi không phải dạng người ngày nào cũng phải xem khán giả nói gì về mình, người ta có thích mình không, có khen mình không.

Tôi cũng nhận ra, việc người ta thích gì, không thích gì đôi khi cũng theo trào lưu. Hôm nay một người có thể đứng trên top nhưng một thời gian sau họ sẽ thích một người khác. Tôi nhận ra điều đó và rất thoải mái, chứ không phải lúc nào cũng lo lắng: Ôi chết rồi, tôi sắp mất vị trí của mình rồi.

- Vậy chị có tự ái không nếu như bây giờ có người nói: Mỹ Linh đã qua giai đoạn đỉnh cao rồi?

Không, tôi chả có gì tự ái cả. Sự thật là thế mà. Như lúc nãy tôi nói, làm gì có ai "on top" mãi được. Chừng nào coi nhẹ mấy cái đó, chừng ấy mình sống vui. Cuộc sống luôn xoay chuyển liên tục. Ai cũng phải già đi. Mình không già đi làm sao con mình lớn được. Nếu tôi cũng như các đồng nghiệp cùng thế hệ không bước qua giai đoạn đỉnh cao, làm sao Mỹ Anh và các bạn trẻ khác có cơ hội vươn lên? Khi nhận ra điều đó, tôi luôn thấy hạnh phúc.

Ca sĩ Mỹ Linh và hai con gái.

Với tôi, việc có sống hạnh phúc thật sự không quan trọng hơn việc người khác thích mình hay không thích mình. Mọi người nhận xét về tôi thế nào, tôi có quan tâm nhưng không để những ý kiến đó ảnh hưởng tới mức làm mình suy sụp. Người ta nói gì không quan trọng bằng việc tôi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hiện tại của mình.

Giờ đây, tôi không đi hát thường xuyên như trước kia mà tìm thấy niềm vui, nhiều năng lượng và hạnh phúc trong việc xây dựng một chương trình dạy hát tại ngôi trường do tôi thành lập, và đó sẽ là sự nghiệp trong 10 năm tới của tôi.

Mãi ở trên đỉnh cao cũng không phải hay lắm đâu, cũng mệt lắm đấy. Được sống vui vẻ, hạnh phúc, làm những việc mình yêu thích hoá ra lại đáng giá hơn nhiều.

- Trên trang cá nhân, chị thường “khoe” việc làm bánh, chạy bộ, đi tập golf. Đó là những việc mà có lẽ trước kia Diva Mỹ Linh khó có cơ hội thực hiện?

Đúng đấy, bây giờ tôi mới được sống thực sự cho bản thân mình nhiều hơn, có nhiều cơ hội chọn lựa làm những cái mình thích và từ chối những thứ mình không thích. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn phải kiếm sống vì còn nuôi con đi học, nhưng không còn nhiều áp lực như trước kia.

Không chọn cách dẫn con lên sân khấu

- Con gái út của chị - Mỹ Anh - đang là nghệ sĩ rất được chú ý. Tài năng của Mỹ Anh không phải bây giờ mới bộc lộ nên nhiều khán giả cảm thấy tiếc nuối khi chị giữ con quá lâu, không để con lên sân khấu từ nhiều năm trước?

Với khán giả, không có bạn này thì có bạn khác, không có Mỹ Anh thì có Mỹ Hương, Mỹ Trà gì đó.

Tôi tin điều quan trọng nhất với một đứa trẻ là được sống hồn nhiên, được làm điều mà con thích. Tại sao cứ phải ép con "chín sớm" làm gì? Trong vai trò người cha người mẹ, tôi và anh Quân đều có chung quan điểm, điều tốt nhất mình có thể làm là giữ sự hồn nhiên cho con trong những năm tháng tuổi thơ.

Vợ chồng tôi hầu như không ép con cái làm điều con không muốn. Con gái lớn Anna trước đây cũng định học làm phim đó chứ, mãi sau này mới quyết định theo âm nhạc. Còn cậu con trai thứ hai, bố mẹ cho làm quen với âm nhạc từ nhỏ nhưng lại quyết định đi học Y. Mỹ Anh thì cũng chỉ mới đây mới chọn con đường trở thành nghệ sĩ.

- Với vị trí của vợ chồng chị, Mỹ Anh hoàn toàn có thể lên sân khấu lớn ngay từ những bước chập chững vào nghề. Ấy vậy mà Mỹ Anh lại đi hát ở các nhà hàng nhỏ hàng năm trời trước khi được chú ý như hiện nay, vì sao?

Trước khi lên sân khấu lớn, con phải trải qua những sân khấu nhỏ. Chính nơi đó mới cho con những bài học quan trọng, từ việc điều chỉnh mic ra sao, tương tác với khán giả thế nào, và đặc biệt là rèn luyện khả năng giữ được giọng hát, giữ được cảm xúc, để hát hay ngay cả khi không ai chú ý. Đó là điều khó nhất đấy.

Ca sĩ Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh

- Trong phần đầu của cuộc trò chuyện, chị có chia sẻ rằng, khi nổi tiếng, chị không được ai chỉ bảo để làm quen với điều đó, dẫn tới việc có một số lùm xùm không đáng có. Vậy chị có chuẩn bị cho Mỹ Anh?

Chúng tôi có nói chuyện với Mỹ Anh, nhất là khi con vướng phải vài sự cố. Nhưng chúng tôi biết rõ con còn trẻ lắm, còn rất “bướng”. Thế nên chúng tôi cũng lùi lại quan sát thôi, không ép con cư xử theo cách mình muốn. Thời của chúng tôi khác thời của Mỹ Anh. Chúng tôi học những bài học của mình, còn con phải học bài học của con. Những vấp váp sẽ khiến con trưởng thành hơn.

- Xin cảm ơn chị!

Thu Giang  [thực hiện]

Video liên quan

Chủ Đề