Bệnh phì đại tuyến tiền liệt là gì năm 2024

Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề sức khỏe mà theo thời gian, hầu như nam giới nào cũng gặp phải với những triệu chứng khó chịu ở đường tiểu dưới xảy đến ở các quý ông có tuổi. Những thắc mắc liên quan tới tình trạng phì đại tuyến tiền liệt vì thế cũng luôn được đặt ra. Dưới đây là một số lưu ý về bệnh lý này

1.Vô hại nếu không gây triệu chứng phiền toái lên đường tiết niệu

Ở một số quý ông tuyến tiền liệt tăng sinh nhanh hơn quý ông khác, lại cũng có quý ông có tuyến tiền liệt tăng sinh lớn, nhưng lại chưa gây ra khó chịu nào. Phì đại tuyến tiền liệt được xem là vô hại nếu không có triệu chứng khó chịu như tiểu khó, tiểu chậm, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang sau khi đi tiểu…

2. Có thể gây biến chứng nghiêm trọng trong một số tình huống

Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt lành tính diễn tiến phức tạp có thể gây đau tức vùng bụng dưới do tình trạng bí tiểu hoàn toàn, ảnh hưởng lên bàng quang và cần được điều trị. Các biến chứng đáng lưu ý khác bao gồm nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, thận ứ nước, suy thận.

3. Cần được điều trị khi chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng

Bên cạnh những biến chứng nghiêm trọng, phì đại tuyến tiền liệt lành tính cũng cần được điều trị nếu nó gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điển hình là gây tình trạng mất ngủ, mệt mỏi do phải thức giấc đi tiểu nhiều lần trong đêm. Nhiều quý ông có phì đại lành tính tuyến tiền liệt sẽ cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm. Việc đi tiểu thường xuyên được xác định là phải đi tiểu từ tám lần trở lên mỗi ngày. Tình trạng đi tiểu đêm được xác định là phải thức dậy đi tiểu từ 2 lần trở lên mỗi đêm.

4. Phì đại không phải là ung thư

Các biến chứng của phì đại tuyến tiền liệt có thể nghiêm trọng, nhưng phì đại tuyến tiền liệt không phải là ung thư tiền liệt tuyến. Có phì đại tuyến tiền liệt không có nghĩa là quý ông có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gia tăng. Sự tăng trưởng lành tính mô tiền liệt tuyến bắt đầu xung quanh tuyến tiền liệt bên trong, mô vòng quanh niệu đạo và tiếp tục phát triển bên trong tuyến tiền liệt. Ngược lại, ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu phát triển ở phần ngoài của tuyến tiền liệt và phát triển ra bên ngoài.

5. Là diễn tiến bình thường của quá trình lão hóa

Tương tự như tóc bạc, sự phì đại tuyến tiền liệt lành tính có thể là một phần của quá trình lão hóa ở nam giới, do sự thay đổi, mất cân bằng các nội tiết tố và sự tăng trưởng của tế bào. Bằng việc khám tầm soát mỗi năm một lần, hoặc thường xuyên hơn [đối với các đối tượng có nguy cơ cao], bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ tăng sinh của tuyến tiền liệt và đưa ra chỉ định điều trị khi cần thiết.

6. Một số biện pháp đơn giản có thể giúp giảm triệu chứng

Tránh uống nhiều nước vào 3 tiếng trước giờ đi ngủ cũng như tránh các loại đồ uống chứa chất gây lợi tiểu như trà, cà phê, rượu. Các thức uống này đều tác động lên cơ bàng quang và kích thích thận, gây tình trạng tiểu nhiều lần trong đêm.

  • Một số quý ông gặp tình trạng đi tiểu thường xuyên hơn nếu lo lắng. Nên tập thể dục đều đặn và thực hành các bài tập thư giãn như thiền để giảm stress.

Thông báo cho bác sĩ Tiết niệu những loại thuốc bạn đang dùng, kể cả thuốc không kê đơn. Nếu phát hiện có loại thuốc làm trầm trọng hơn tình trạng rối loạn đi tiểu, bác sĩ sẽ có những điều chỉnh phù hợp như thay đổi liều dùng, thay đổi thời gian dùng thuốc hay kê đơn thuốc khác, ít gây bài tiết nước tiểu hơn.

Tiền liệt tuyến là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu sinh dục của nam giới, nằm ngay dưới cổ bàng quang và bao quanh đoạn đầu niệu đạo. Tuyến tiền liệt của người trưởng thành khoảng 25 ml. Tiền liệt tuyến có vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra chất nhờn và một số thành phần của tinh dịch, cung cấp năng lượng cho tinh trùng “hoàn thành số mệnh trọng đại của nó” bên cạnh đó còn có vai trò kiểm soát tiểu tiện của nam giới.

ThS.BS Nguyễn Đình Nguyên Đức, Khoa Ngoại Sản Liên Chuyên Khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, phì đại lành tính tuyến tiền liệt về đại thể là một khối hình tròn hay bầu dục [một số tài liệu ghi hình nón] gồm 2 hay 3 thùy áp sát vào nhau ở phía trước và dính chặt về phía sau. Với sự phát triển của u phì đại tuyến tiền liệt, niệu đạo tuyến tiền liệt bị kéo dài ra, bị chèn ép bởi 2 thùy bên đồng thời bị thùy giữa che lấp, có thể ảnh hưởng đến việc thoát nước tiểu ra khỏi cổ bàng quang.

Các triệu chứng của bệnh có thể được nhận biết bởi các nhóm triệu chứng chính gồm: Nhóm triệu chứng kích thích: biểu hiện là người bệnh tiểu gấp, không nhịn được, có khi tiểu són, tiểu nhiều lần. Nhóm triệu chứng bế tắc biểu hiện là: tiểu khó, tiểu phải rặn, đứng lâu mới tiểu hết, tiểu xong vẫn còn cảm giác mắc tiểu.

ThS.BS Nguyễn Đình Nguyên Đức, Khoa Ngoại sản - Liên Chuyên khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đang thăm khám cho bệnh nhân.

Biến chứng của bệnh là khiến người bệnh bí tiểu, tiểu buốt, tiểu ra máu, sỏi bàng quang…Để phát hiện, người bệnh cần được thăm khám hệ tiết niệu, trực tràng, làm các cận lâm sàng từ đó bác sĩ có cơ sở đánh giá bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Cũng theo BS Đức, không phải tất cả trường hợp phì đại tuyến tiền liệt đều cần phải can thiệp. Trong một số trường hợp nhẹ, người bệnh không cần điều trị nội khoa hay phẫu thuật mà thực hiện thay đổi lối sống, tập luyện, nghỉ ngơi để giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên cần theo dõi và kiểm tra định kỳ 3-6 tháng.

Trong trường hợp các biện pháp tự nhiên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị. Hiện có hai phương pháp điều trị là nội khoa và ngoại khoa. Với phương pháp nội khoa bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc như: Thuốc chẹn Alpha, thuốc ức chế 5 Alpha reductase [5-ARI], thuốc kháng Muscarinic. Bên cạnh đó bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại thảo dược như: Cọ lùn Nam Mỹ, Cây mận Châu Phi, Cỏ ngôi sao Nam Phi, Cây thông, cây vân sam, cây tầm ma, hạt bầu bí, hoa cây xương rồng, cây trinh nữ hoàng cung… Tuy nhiên bệnh nhân lưu ý quá trình sử dụng các loại thuốc trên cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp.

Phân biệt giữa phì đại tuyến tiền liệt với ung thư tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp và tăng lên theo tuổi [50% tuổi 50-60, 90% tuổi 80-90]. Người bị rối loạn nội tiết do bệnh tật hay do tuổi già cũng làm tăng khả năng mắc u xơ tiền liệt tuyến. Trên thực tế, những người đã cắt tinh hoàn, hoặc tinh hoàn mất chức năng trước tuổi dậy thì sẽ không mắc u xơ tiền liệt tuyến. Những người đã mắc u xơ tiền liệt tuyến, nếu cắt bỏ tinh hoàn thì sau một thời gian khối u có thể nhỏ lại. Người ta nhận thấy, người da trắng ở châu Mỹ có tỷ lệ mắc u xơ tiền liệt tuyến cao hơn người da đen ở châu Phi. Những người có cha, hoặc anh, em trai bị u xơ tuyến tiền liệt thì nguy cơ bị u xơ tuyến tiền liệt cao hơn.

Phì đại và ung thư tuyến tiền liệt triệu chứng gần giống nhau vì vậy để khẳng định có ung thư hay không, người bệnh cần phải được kiểm tra cẩn thận và cần thực hiện một số cận lâm sàng hỗ trợ như: Siêu âm, PSA [Prostate Specifc Antigen], kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt. Chỉ số này tăng lên khi có tình trạng ung thư hoặc viêm tuyến tiền liệt, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt… Sinh thiết tuyến tiền liệt nhằm xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Bản chất của phì đại tuyến tiền liệt là một tăng sinh lành tính. Khi bị phì đại tuyến tiền liệt, hiện chưa có bằng chứng chứng minh lành tính sẽ chuyển sang ác tính. Tuy nhiên, trong thực tế lâm sàng, ở một bệnh nhân có thể xảy ra đồng thời cả 2 hiện tượng là vừa phì đại tuyến tiền liệt vừa ung thư.

ThS. BS Nguyễn Đình Nguyên Đức cho hay, để phòng bệnh phì đại tuyến tiền liệt người dân cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh như: Không nhịn tiểu, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, tập thể dục mỗi ngày là cách để bạn duy trì sự khỏe mạnh cho các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tuyến tiền liệt. Đặc biệt, bài tập Kegel của nam giới sẽ giúp làm săn chắc các cơ xung quanh hậu môn, rất có lợi cho hoạt động của tuyến tiền liệt; giảm cân nếu đang bị thừa cân; luôn giữ tinh thần thư thái vì strees là thủ phạm khiến bệnh tình trở nặng rất nhanh.

Bên cạnh đó cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh như hạn chế các loại thịt đỏ như thịt chó, thịt bò, thịt trâu, thịt dê, mỡ động vật, đặc biệt là nội tạng tim, gan, lòng, pate… Hạn chế ăn mặn, rượu bia và thức uống chứa caffeine. Nên bổ sung: Quả bơ, hạt bí ngô, quả hồ đào, đậu nành, mầm lúa mì… Các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng, đậu nành… Các loại hạt như vừng, hạnh nhân, hạt bí ngô, các loại quả mọng, hành tây và tỏi. Nếu trong gia đình có tiền sử về các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn.

Chủ Đề