Bảo tồn văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Đất nước ta, dân tộc ta tồn tại và phát triển như ngày hôm nay là nhờ sức mạnh dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Ý thức rõ điều đó, trong Nghị quyết Trung ương 8 [khóa IX] cũng như Nghị quyết số 28-NQ/TW [khóa XI] về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khi đề cập đến mục tiêu chiến lược, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ là bảo vệ vững chắc độc lập

QĐND - Đất nước ta, dân tộc ta tồn tại và phát triển như ngày hôm nay là nhờ sức mạnh dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Ý thức rõ điều đó, trong Nghị quyết Trung ương 8 [khóa IX] cũng như Nghị quyết số 28-NQ/TW [khóa XI] về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khi đề cập đến mục tiêu chiến lược, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... mà còn là bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nói đến bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam là nói đến những tinh hoa, những giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá trị ấy, những tinh hoa ấy đã tạo nên những nét đặc sắc, riêng có ở cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong con người Việt Nam. Nét nổi bật của nền văn hóa truyền thống Việt Nam là tinh thần yêu nước thương nòi; tinh thần tự tôn dân tộc, tình đoàn kết, sống hòa thuận, thủy chung, ý thức bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đạo lý; lao động cần cù, sáng tạo; đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất… Cùng với đó, Việt Nam còn là quốc gia có truyền thống văn hóa chính trị, với quan điểm “Dân vi bản”, nước lấy dân làm gốc. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa chính trị ấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quan điểm lấy dân làm gốc. Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Đảng ta xác định rõ đó là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân", cán bộ nhà nước là công bộc của dân... Nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc với kết cấu bền vững: Đất nước bao gồm thôn, bản, làng, xã và có nhiều dân tộc cùng chung sống; mỗi làng, xã, thôn bản có phong tục, tập quán riêng... Chính sự gắn kết bền vững của nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc ấy là cội nguồn tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi; xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh. Bác Hồ của chúng ta đã đúc kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" [1].

Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp, nhưng trước hết, đó là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam, sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam. Không phải chỉ đến Nghị quyết số 28-NQ/TW [khóa XI] về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới Đảng ta mới đặt ra vấn đề này mà trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng mặt trận văn hóa mà cốt lõi của nó là bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa chính trị Việt Nam. Đặc biệt sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 [khóa VIII] đã đánh dấu bước phát triển mới về đường lối giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta. Theo đó, phương hướng chung của sự nghiệp phát triển văn hóa được Đảng ta đề ra là “… phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH [bổ sung, phát triển năm 2011] Đảng ta tiếp tục hoàn chỉnh: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Để phát huy sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc chúng ta phải làm nhiều việc, nhưng trước hết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần, sức mạnh của nền văn hóa đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế. Chỉ có nhận thức đúng chúng ta mới tạo được sự đồng thuận, hành động thống nhất, đề cao trách nhiệm, tâm huyết trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự chuyển biến về nhận thức đúng không phải thể hiện ở những lời nói suông, sách vở mà phải được thể hiện ở sự quan tâm chăm lo bằng các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Cán bộ, đảng viên và nhân dân phải coi trọng các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Để tạo được điều ấy cốt lõi, không thể không nói tới vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt, trong đó nền giáo dục Việt Nam phải được đổi mới căn bản và toàn diện. Mục tiêu hướng đến của nền giáo dục nước nhà là phải đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng các thế hệ người Việt Nam mới vừa mang những phẩm chất cao quý, nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, vừa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải luôn được đặt trong mối quan hệ biện chứng với phát triển kinh tế-xã hội, với xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Bởi đó là cơ sở để chúng ta mở rộng dân chủ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đời sống kinh tế-xã hội phát triển, dân chủ được phát huy, Đảng và chính quyền vững mạnh còn là cơ sở để chúng ta tôn trọng và đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người. Khi đời sống vật chất, văn hóa tinh thần được nâng lên, quyền con người được bảo đảm sẽ tạo ra động lực để con người Việt Nam phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác khi lòng yêu nước, niềm tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc được phát huy; tinh thần cố kết cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc được tăng cường thì đó sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn để chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Cùng với phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ với những tư tưởng, quan điểm sai trái đi ngược lại văn hóa Việt Nam. Đặc biệt trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển nền văn hóa mới của Đảng và Nhà nước ta; phủ nhận những thành tựu về văn hóa mà nhân dân ta đã thu được. Nguy hiểm hơn, chúng luôn tìm cách kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phủ nhận, hạ thấp ý nghĩa của các cuộc cách mạng; xuyên tạc, bóp méo lịch sử; phủ nhận chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Song hành với đó chúng ra sức tuyên truyền, cổ súy cho những hành vi phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; truyền bá, gieo rắc các giá trị văn hóa phương Tây… Do đó, cùng với xây dựng nền văn hóa mới, một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tình hình hiện nay là phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi lẽ nền văn hóa ấy là những giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trở thành cốt cách, nền tảng của dân tộc Việt Nam. Chính nền tảng văn hóa ấy là yếu tố bảo đảm cho đất nước ta trường tồn và phát triển.

Chủ Đề