Bài viết tìm hiểu lịch sử văn hóa đồng nai

“Đến với Lịch sử văn hóa Biên Hùng – Đồng Nai”, được xuất bản năm 2019, nhân kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai.

“Đến với Lịch sử văn hóa Biên Hùng – Đồng Nai” đã kết nối các công trình nghiên cứu, những dòng mạch lịch sử văn hóa với nhau, tạo thành bức tranh tổng thể diện mạo của lịch sử văn hóa xứ Đồng Nai từ thời Tiền sử - Sơ sử đến Cận Trung đại. Với 31 chuyên đề, được chọn lọc từ hơn 400 tác phẩm, bài nghiên cứu đã được công bố, tài liệu gồm 3 phần chính, đó là:

Phần I - Điều kiện môi trường sinh thái Đồng Nai - Nam Bộ: Với tư duy biện chứng về văn hóa và điều kiện tự nhiên, PGS.TS Phạm Đức Mạnh đã đặt lịch sử văn hóa xứ Đồng Nai trong môi trường sinh thái Đông Nam Bộ; phân tích có hệ thống các kết quả nghiên cứu về địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng, tài nguyên, khí hậu từ thời đầu Đệ Tứ Kỷ [cách nay gần 2 triệu năm], để thấy lịch sử văn hóa không tự nhiên có, hình thành và phát triển mang đặc điểm môi trường sinh thái tự nhiên. Qua tài liệu, tác giả còn cho bạn đọc thấy được ưu thế “địa lợi” tại xứ Đồng Nai – Đông Nam Bộ thể hiện ở tính đa dạng, đa nguồn, thuận tiện cho di trú, hội cư, sản xuất và giao lưu. Đó cũng chính là lý do vì sao các nền văn minh của người tiền sử, sơ sử phát triển dày đặc, liền mạch ở Đồng Nai.

Phần II - Di tích và di vật tiền sử và sơ sử tiêu biểu: Bằng cách phân tích tài liệu khảo cổ ở 14 địa điểm tại Đồng Nai [như: Xuân Lộc, Hàng Gòn, Dầu Giây, Núi Cẩm Tiến, Suối Đá,…], tác giả Phạm Đức Mạnh đã chứng minh có dấu vết qua di vật cộng cụ đá cũ của người tiền sử cách nay 60 đến 70 vạn năm, trải rộng trên một vùng rộng lớn từ An Lộc – Xuân Lộc – Định Quán. Dù chưa có gì chắc chắn để kết luận về con người viễn cổ ở đây, nhưng sẽ là tiền đề cơ sở để nghiên cứu sâu rộng hơn.

Không chỉ vậy, tác giả còn giới thiệu đến bạn đọc hơn 16 ngàn hiện vật gốm và 56 chiếc rìu vai cùng nhiều di vật khác ở di tích Suối Linh [Vĩnh Cửu, Đồng Nai]. Giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về văn minh của người xưa với niên đại cách nay khoảng 4.000 – 5.000 năm. Qua đó, có thể vừa khẳng định sắc thái bản địa của Đồng Nai, tiêu biểu cho dòng gốm hạ lưu sông Đồng Nai, và vừa thể hiện quan hệ gần gũi với gốm Bình Đa, tương quan với phức hệ Sa Huỳnh.

Ngoài ra, qua việc phân tích hệ thống tài liệu nghiên cứu về: Gốm màu ở di tích Dốc Chùa, kiến trúc mộ Cự thạch ở Hàng Gòn, những binh khí mũi nhọn bằng đá độc đáo ở Đông Nam Bộ, các công cụ, vũ khí bằng đồng được phát hiện ở nhiều nơi cho thấy kỹ nghệ luyện kim loại nguyên sinh ở cuối nguồn Mê Kông. Hay đàn đá ở Bình Đa – Lộc Ninh, niềm hội tụ văn hóa Tân Uyên – Nông Nại thời thự sử,…v.v, tác giả Phạm Đức Mạnh đã thổi hồn cho hiện vật, di vật văn hóa, nối kết các nguồn mạch với nhau, đem lại cho người đọc nhận thức mới về quá khứ, về nhân tố nội sinh và ngoại sinh của văn hóa tiền sử, về vị trí “ngã ba đường của các tộc người và các nền văn minh”, về sự giao thoa – hỗn dung giữa văn hóa Đồng Nai với văn hóa Sa Huỳnh. Từ những hiện vật, di vật không biết nói, tập sách đã nói được những điều sử sách khó nói. Đó là: Phác thảo đôi nét về bức tranh kinh tế thời Tiền sử - Sơ sử ở Đông Nam Bộ từ thiên niên thứ II – I trước Công nguyên. Đây là bức tranh nhiều đường nét bằng phức hệ văn hóa tiền sử - sơ sử Đồng Nai, dựa trên nền tảng kinh tế sản xuất nông nghiệp, kinh tế khai thác, sản xuất thủ công, có sự phân công lao động xã hội sơ khai, phân vùng khai thác tiềm năng và biết chuyên môn hóa những ngành thủ công quan trọng.

Đến với phần III – Những di tích và di vật khảo cổ học lịch sử tiêu biểu, tác giả đã nối mạch giá trị của những di tích, di vật khảo cổ đến gần với chúng ta hơn. Từ kết quả của những công trình nghiên cứu, điền dã các di tích lịch sử ở Đồng Nai như: di tích Thành cổ Biên Hòa, khảo sát nghiên cứu hệ thống mộ cổ Đồng Nai, gồm quần thể khu mộ đức ông Trịnh Hoài Đức; Cụm 5 mộ ở phường An Bình; 40 ngôi mộ ở Cù Lao Phố; mộ hợp chất ở Cầu Xéo, Long Thành,…v.v, tác giả đã đưa đến kết luận cho một giai đoạn khá dài trong một giai đoạn lịch sử hình thành, phát triển Nam Bộ hơn 320 năm qua. Ở đó hàm chứa nhiều giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, quan niệm nhân sinh, hào khí của người phương Nam; thậm chí qua đó có thể tái hiện về đời sống văn hóa của tiền nhân. Qua việc phân tích những kết quả của công trình nghiên cứu, tác giả Phạm Đức Mạnh đã đưa ra những kiến giải và kiến nghị về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở các di tích lịch sử Đồng Nai, nhất là với những ngôi mộ cổ và di tích lịch sử ở Đồng Nai.

Với hơn 600 trang sách, khổ 16*24cm, tác giả đã giới thiệu đến bạn đọc một lượng kiến thức khổng lồ về lịch sử, văn hóa vùng đất Biên Hùng – Đồng Nai, đặt trong môi trường sinh thái Đông Nam Bộ. Đến với tập sách, bạn đọc không những được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa thời tiền sử - sơ sử đến cận trung đại mà còn được lĩnh hội những kiến thức và thông tin bổ ích về khảo cổ học, về di tích, di vật lịch sử của xứ Đồng Nai. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách “Đến với Lịch sử văn hóa Biên Hùng – Đồng Nai”

Chủ Đề