Bài tập xác định phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt là câu hỏi thường xuất hiện trong tất cả các bài kiểm tra, kể cả kỳ thi đại học. Bởi các phương thức này có tính ứng dụng cao, nó giúp người đọc hiểu rõ dụng ý sâu xa của tác giả truyền đạt trong nhiều tác phẩm.

Trong bài viết này, M5s News sẽ giúp bạn biết cách xác định phương thức biểu đạt thường gặp trong văn bản nhằm giúp cho việc đọc hiểu và khả năng viết của bạn trở nên sáng tạo hơn.

Mục lục

1. Phương thức biểu đạt là gì? Tác dụng

Phương thức biểu đạt là cách thức mà một người muốn truyền đạt thông điệp, ý tưởng, cảm xúc của mình đến với người khác thông qua văn bản hay giao tiếp hằng ngày. Việc sử dụng phương thức này sẽ giúp làm rõ được ý nghĩa và thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình một cách rõ ràng, hiệu quả hơn.

Tác dụng của phương thức biểu đạt trong văn bản và giao tiếp bao gồm:

  • Tạo tính chuyên nghiệp cho văn bản: Phương thức biểu đạt là một trong những yếu tố quan trọng giúp tác giả có được một “đứa con tinh thần” chuyên nghiệp hơn. Tùy vào ngữ cảnh, tình huống được xây dựng mà các kỹ thuật văn phong sẽ được sử dụng một cách khéo léo, uyển chuyển, các thuật ngữ chuyên môn trong tác phẩm được đầy đủ và chính xác.
  • Tạo tính chân thực cho tác phẩm: Khi sử dụng cần phù hợp với văn hoá và thời đại của tác phẩm, độc giả có thể dễ dàng hình dung và cảm nhận được tình huống và nhân vật.
  • Tăng khả năng truyền đạt thông điệp: nó còn giúp chúng ta truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và dễ hiểu hơn, giúp cho người nghe có thể hiểu được ý nghĩa của chúng ta.
  • Giao tiếp hiệu quả hơn: Giúp con người giao tiếp hiệu quả với nhau hơn, ngoài ra còn giúp cho chúng ta có thể thuyết phục và thương lượng một cách dễ dàng hơn.
  • Tăng sự tự tin: Khi biết cách biểu đạt tốt, chúng ta sẽ tự tin hơn khi truyền đạt thông điệp của mình, giúp cho chúng ta có thể giao tiếp và gặp gỡ nhiều người mới một cách dễ dàng hơn.

2. Có bao nhiêu phương thức biểu đạt?

Mỗi văn bản có thể sử dụng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau, tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 phương thức chính. Sau đây là tổng hợp 6 phương thức chính trong văn bản hiện nay:

2.1 Tự sự

Tự sự là phương thức được sử dụng để kể lại một sự kiện hoặc một câu chuyện theo một trật tự logic: mở đầu, diễn biến sự việc và tạo ra một kết thúc. Bên cạnh đó, phương thức này cũng làm rõ nét được sự việc và tính cách của mỗi nhân vật trong câu chuyện, mang đến ý nghĩa cho người đọc.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Có mạch truyện rõ ràng, đầy đủ
  • Ngôi kể thường là của nhân vật chính trong câu chuyện
  • Có nhân vật, sự vật, sự việc theo từng ngữ cảnh, diễn biến của câu chuyện

Ví dụ:

Trong một bài văn kể lại cuộc hành trình đi đến một địa điểm nổi tiếng, tác giả đã viết: "Tôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc hành trình này. Tôi đã mệt mỏi, đói khát và cảm thấy mất hy vọng nhiều lần. Nhưng khi tôi đến được đến đích, cảm giác hạnh phúc đã tràn ngập trong tôi. Tôi cảm thấy mình đã vượt qua được mọi thử thách để đến được đây."

\=> Ví dụ trên đã sử dụng phương thức tự sự để tường thuật lại trải nghiệm cá nhân, suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong cuộc hành trình.

2.2 Miêu tả

Miêu tả là một phương pháp giúp mô tả một cách chi tiết, đầy đủ và chân thực về một sự vật, sự việc hoặc một địa điểm. Qua phương pháp miêu tả, sẽ tạo ra hình ảnh sống động, giúp người đọc cảm nhận rõ nét và hiểu được một sự vật hay một sự việc nào đó cụ thể.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Các từ miêu tả, các từ loại và biện pháp tu từ được sử dụng một cách khéo léo và linh hoạt để tạo ra hình ảnh sống động và chi tiết
  • Miêu tả chi tiết giúp cho người đọc có thể tưởng tượng và hiểu được một cách sâu sắc hơn về cảnh vật hoặc tình huống được mô tả.
  • Sử dụng các đại từ nhân xưng, thể hiện rõ quan điểm và cảm nhận của chính tác giả về đối tượng, cảnh vật hoặc tình huống được mô tả.

Ví dụ:

"Buổi sáng, tại công viên Hoàng Văn Thụ, ánh nắng chiếu rọi lên bầu trời xanh thẳm, cây xanh rợp bóng lan tỏa khắp mọi nơi làm cho không khí nơi đây mát mẻ và cực kỳ trong lành. Tô điểm thêm là những cánh hoa trắng tinh khôi nở rộ trên đầm hoa. Từng đàn chim hót líu lo, vui đùa trên những cành cây đã tạo nên giai điệu vui tươi. Tất cả những điều tưởng chừng như bình thường ấy đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy yên bình và tự do.”

2.3 Biểu cảm

Phương thức biểu cảm sử dụng các ngôn từ, cấu trúc câu, hình ảnh, và các yếu tố khác nhằm truyền tải cảm xúc và thế giới nội tâm của tác giả đến người đọc. Phương pháp này giúp tác giả tạo ra một tác phẩm văn học sâu sắc và đầy cảm xúc, khiến người đọc cảm nhận rõ nét và chân thực

Cách nhận biết

  • Xuất hiện các từ ngữ mang tính cảm xúc, cảm nhận của nhân vật hoặc tạo ra sự ảnh hưởng đến độc giả
  • Cấu trúc câu đa dạng nhằm nhấn mạnh vào ý tưởng của tác giả

Ví dụ:

"Nước mắt của cô gái rơi xuống, những cánh hoa cúc tưởng chừng như đang khóc cùng cô, lặng lẽ, đầy xúc động."

  • Sử dụng các từ ngữ mang tính cảm động như "nước mắt", "khóc", "xúc động" để tạo ra sự chạm động đến cảm xúc của độc giả.
  • Tạo hình ảnh sống động bằng cách miêu tả cảnh tượng cô gái đang khóc và nhân hóa cánh hoa cúc khóc cùng cô.

2.4 Nghị luận

Phương pháp biểu đạt này là cách mà tác giả diễn đạt ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm của mình một cách rõ ràng và thuyết phục độc giả về tính hợp lý và đúng đắn của quan điểm đó. Các văn bản sử dụng phương pháp biểu đạt nghị luận thường có cấu trúc rõ ràng, các luận điểm logic và bằng chứng thuyết phục để hỗ trợ quan điểm của tác giả.

Cách nhận biết:

  • Có luận điểm chính về một vấn đề cụ thể
  • Có các lập luận, dẫn chứng hợp lý, thuyết phục
  • Các từ ngữ, cụm từ được sử dụng thể hiện được sự chắc chắn, kiên định ví dụ như "tuyệt đối", "chắc chắn", "không thể chối cãi".

Ví dụ:

Bài báo "Vì sao cần giảm thiểu sử dụng túi nilon" theo Thông tin ngày Trái Đất năm 2000, tác giả đã nhận biết được tác hại của việc sử dụng túi nilon đến môi trường và đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động này.

Luận điểm rõ ràng: việc sử dụng túi nilon gây tác hại đến môi trường và cần phải giảm thiểu sử dụng chúng

Lập luận:

  • Túi nilon làm ô nhiễm môi trường
  • Chúng không thể phân hủy tự nhiên và phải đưa đến bãi rác
  • Tiêu thụ năng lượng và tài nguyên để sản xuất
  • Các giải pháp khác đã được triển khai như sử dụng túi vải thay cho túi nilon.

2.5 Thuyết minh

Thuyết minh chính là việc trình bày, giải thích, hoặc truyền đạt thông tin chi tiết, chính xác về một chủ đề, sự việc, hoặc một vấn đề nào đó cho những người có nhu cầu nhưng vẫn chưa nắm được những thông tin ấy.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Câu văn sử dụng các từ ngữ thể hiện đặc điểm, lợi ích riêng biệt của đối tượng được nhắc đến
  • Có thể vận dụng các biện pháp tu từ nhưng phải rõ ràng, dễ hiểu, mang lại lợi ích cho người đọc

Ví dụ:

"Việc luyện tập thể thao đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đầu tiên, nó giúp cơ thể bạn giảm stress và tăng sức đề kháng. Thứ hai, luyện tập thể thao giúp bạn tăng cường sức mạnh, độ bền và khả năng chịu đựng của cơ thể. Thứ ba, nó giúp cải thiện tình trạng tim mạch, giảm nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ. Cuối cùng, luyện tập thể thao cũng giúp bạn tăng cường tự tin, tăng khả năng tập trung và cải thiện tâm trạng."

Trong đoạn văn này, chúng ta có thể thấy rằng người viết đã sử dụng phương thức biểu đạt thuyết minh để giới thiệu các lợi ích của việc luyện tập thể thao. Tác giả sử dụng các chi tiết cụ thể như giảm stress, tăng sức đề kháng, cải thiện tim mạch và tăng cường tự tin để làm rõ nét ý tưởng của tác giả. Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng các từ liên kết logic để kết nối các ý lại với nhau giúp đọc giả hiểu rõ hơn về các lợi ích của việc luyện tập thể thao.

2.6 Hành chính - công vụ

Văn bản hành chính - công vụ thường được sử dụng trong các văn bản liên quan đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước hoặc các văn bản có tính chất kỷ luật.

Từ ngữ trong văn bản hành chính - công vụ phải được thể hiện chính xác, rõ ràng, logic và chuyên nghiệp. Tránh sử dụng các từ ngữ gây mơ hồ, hiểu nhầm hay khó hiểu.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Văn bản này bắt buộc phải có đủ:
  • Quốc hiệu, tiêu ngữ
  • Địa điểm, ngày tháng
  • Họ tên và chức vụ của người/cơ quan nhận
  • Họ tên và chức vụ của người/cơ quan gửi
  • Lý do viết văn bản
  • Chữ ký, họ tên người làm văn bản

3. Các loại văn bản tương ứng với từng phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt Mục đích giao tiếp Loại văn bản tương ứng Ví dụ Tự sự Kể lại một sự kiện hoặc một câu chuyện Tiểu thuyết, văn học nghệ thuật, bản tường trình/tường thuật,... Tấm Cám, Sọ Dừa Miêu tả Mô tả đặc điểm sự vật, sự việc, con người Thơ, bút ký, các bài văn miêu tả: người, cảnh… Tả con mèo nhà em Tả trường học của em Biểu cảm Bày tỏ tình cảm, cảm xúc Thơ, truyện ngắn, truyện dài, bài vè, ca dao, tục ngữ… Bày tỏ sự đam mê với ca hát Nghị luận Nêu ý kiến, bàn luận, đánh giá một vấn đề Tài liệu, bài báo, bài văn nghị luận… Bàn về vấn đề bạo lực học đường ngày càng gia tăng Thuyết minh Giới thiệu tính chất, đặc điểm Văn bản thông tin, báo cáo, sách giáo khoa, luận văn, và nhiều loại văn bản khác Giới thiệu về chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam Hành chính - công vụ Trình bày mong muốn, thông báo quyết định nào đó Nghị định, thông tư của Nhà nước, bản báo cáo lỗi tại công ty, quy định tại trường học, hợp đồng, giấy xin phép… Thông báo triệu tập, Biên bản nghiệm thu

4. Bài tập xác định phương thức biểu đạt

Để củng cố kiến thức về khái niệm và các loại phương thức thường sử dụng, các bạn có thể áp dụng giải bài tập xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích sau:

1. Đồng chí

Phương thức biểu đạt chính của bài thơ “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu là: Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. Biểu cảm là phương thức chủ yếu bởi bài thơ tập trung thể hiện cảm nghĩ của con người về tình đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng.

2. Bếp lửa

Phương thức biểu đạt chính của bài thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt là: Biểu cảm kết hợp với tự sự và miêu tả.

3. Lão hạc

Phương thức biểu đạt chính của văn bản “Lão hạc” được sáng tác bởi tác giả Nam Cao là tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

4. Chiếc lá cuối cùng

Phương thức biểu đạt của truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” được viết bởi tác giả O-hen-ri sử dụng là: tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. Trong đó, tự sự là phương thức chính.

5. Cô bé bán diêm

Phương thức biểu đạt của truyện “Cô bé bán diêm” được viết bởi tác giả Han Cri-xti-an An-đéc-xen là tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

6. Quê hương

Phương thức biểu đạt bài thơ “Quê hương” của tác giả Trần Tế Hanh là biểu cảm kết hợp với tự sự và miêu tả.

7. Kiều ở lầu ngưng bích

Phương thức biểu đạt của đoạn trích “Kiều ở lầu ngưng bích” được viết bởi tác giả Nguyễn Du là miêu tả và biểu cảm

8. Chuyện người con gái Nam Xương

Phương thức biểu đạt “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ là tự sự kết hợp với biểu cảm [trữ tình]

9. Tiếng gà trưa

Phương thức biểu đạt “Tiếng gà trưa” được viết bởi nhà thơ Xuân Quỳnh là tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

10. Trong lòng mẹ

Phương thức biểu đạt của văn bản “Trong lòng mẹ” được viết bởi tác giả Nguyên Hồng là tự sự xen lẫn biểu cảm.

Tóm lại, phương thức biểu đạt trong văn bản là một khía cạnh quan trọng trong việc viết, truyền đạt thông tin và ý nghĩa cốt lõi tới người khác. Nó giúp một người truyền đạt ý tưởng của mình một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc lựa chọn phương pháp biểu đạt phù hợp cũng giúp cho văn bản trở nên sinh động, thú vị và dễ tiếp thu hơn đối với độc giả.

M5s News cũng hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp các bạn biết xác định các phương thức biểu đạt chính trong văn bản để từ đó có thể vận dụng vào các bài viết trong cuộc sống hằng ngày. Nếu còn thắc mắc nào về chủ đề này, hãy comment bên dưới nhé!

Chủ Đề