1mA bằng bao nhiêu vốn?

Sau khi học từ bài 1,2,3 có một vài bạn đã inbox với mình rằng đã bắt đầu mua cổ phiếu này, cổ phiếu kia, vì sau khi tìm hiểu kỹ về công ty và thấy nó rất tốt để đầu tư. Khi nghe các bạn nói vậy, Việt cảm thấy rất vui vì đã giúp được nhiều bạn bắt đầu bước chân vào con đường đầu tư chân chính. Đầu tư bằng kiến thức và tư duy tài chính. 

Sau khi trang bị năng lực đánh giá và định giá một thương vụ đầu tư. Tiếp theo các bạn cần phải trang bị thêm năng lực quan trọng tiếp theo: Quản trị vốn và danh mục đầu tư.

Sau đây là những băn khoăn mà các bạn mới đầu tư thường hỏi:

  • Quản trị vốn và danh mục là cái gì? Tại sao nó lại quan trọng đến vậy?
  • Người mới đầu tư thì nên bắt đầu với số vốn bao nhiêu?
  • Tôi nên mua 1 hay nhiều loại cổ phiếu, nhiều thì bao nhiêu là đủ?
  • Quản trị danh mục đầu tư như thế nào mới đúng? Có công thức hay cách nào để tôi áp dụng hay không?
  • Khi thị trường giảm hoặc xảy ra khủng hoảng thì tôi nên làm thế nào?
  • Làm sao để nhận biết được mình đang quản trị danh mục hiệu quả?

Trong bài này, mình sẽ làm sáng tỏ vướng mắc của các bạn. Và giúp mọi người có 1 vài phương pháp cơ bản, dễ sử dụng nhé!

Ok, bắt đầu thôi!

I. TẠI SAO PHẢI CẦN QUẢN TRỊ VỐN:

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett: “Đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ.”

Vua thép Andrew Carnegie: “Bỏ hết trứng vào một giỏ, và trông chừng nó!”

Vậy thì như thế nào mới đúng?

Trước hết, chúng ta cần nắm rõ khái niệm sau: quản trị vốn là cách bạn sử dụng hoặc phân bổ nguồn tiền vào danh mục đầu tư. 

Ví dụ, bạn có 100 triệu, thì bạn sẽ làm gì với 100 triệu đó. 

  • Phương án 1: Dùng hết 100tr triệu mua 1 mã cổ phiếu A
  • Phương án 2: Dùng hết 50 triệu mua cổ phiếu A và 50 triệu mã B
  • Phương án 3: Dùng 30 triệu mua 1 mã cổ phiếu A, còn 70 triệu thì mua vàng
  • Phương án 4: Dùng 50 triệu mua 1 mã cổ phiếu A, còn 50 triệu thì cứ để tiền mặt ở đấy
  • …..

=> rõ ràng, chỉ với 1 số tiền thôi mà chúng ta đã có rất nhiều phương án để sử dụng và phân bổ. Và tất nhiên, với mỗi phương án trên đều đem lại cho bạn kết quả khác nhau.

Do đó, quản trị vốn là cách bạn sử dụng và phân bổ tiền làm sao để đem lại hiệu quả đầu tư tốt nhất, an toàn nhất.

Mình lấy các phương án trên làm ví dụ cho những kịch bản sẽ xảy ra:

Kịch bản 1: thị trường đi lên, kéo theo cổ phiếu A tăng giá 50%, cổ phiếu B tăng 10%, vàng giảm giá 5% => phương án 1 là đem về hiệu quả đầu tư tốt nhất, phương án 2 tốt nhì.

Kịch bản 2: thị trường biến động, kéo theo cổ phiếu A giảm giá 50%, cổ phiếu B tăng giá 10%, vàng giữ nguyên => phương án 2 là đem về hiệu quả tốt nhất, phương án 3 tốt nhì

Kịch bản 3: thị trường giảm mạnh, kéo theo cổ phiếu A giảm 50%, cổ phiếu B giảm 10%, vàng giảm 5% => phương án 3 là đem về hiệu quả tốt nhất, phương án 4 tốt nhì

Kịch bản 4: thị trường khủng hoảng, tất cả cổ phiếu đều giảm mạnh, chỉ có vàng là tăng giá => phương án 3 là an toàn và hiệu quả nhất.

Các bạn thấy đó, mỗi phương án phân bổ vốn sẽ phát huy hiệu quả cho những tình huống nhất định. Nhưng đối với một nhà đầu tư, mindset căn bản:

ƯU TIÊN SỐ 1: KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ MẤT TIỀN 

ƯU TIÊN SỐ 2: LUÔN PHẢI NHỚ ƯU TIÊN SỐ 1

Bản chất của đầu tư là một công việc lâu dài, đòi hỏi sự bền vững, lợi nhuận ổn định và duy trì tăng trưởng qua nhiều năm. Điều đó sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận lên xuống thất thường. Hãy tưởng tượng bạn có 100tr và mỗi năm lời 20% trong suốt 4 năm, vậy lỡ trong năm thứ 5 bạn gặp khủng hoảng và bị lỗ 50% có phải bạn đánh mất thành quả của suốt 5 năm đầu tư không? 

II. NGUYÊN TẮC CĂN BẢN KHI QUẢN TRỊ VỐN

Trong binh pháp Tôn Tử có đề cập: “Khi binh ít thì cần phải tập trung để tăng cường sức mạnh, khi binh nhiều thì nên chia tách để tránh rủi ro và gia tăng tính linh hoạt”

Trong đầu tư chúng ta cũng có thể vận dụng nguyên lý đó:

Khi bạn mới đầu tư, vốn còn ít thì nên đầu tư vào 1 mã cổ phiếu mà bạn đánh giá là tiềm năng nhất. Việc làm đó sẽ giúp bạn tối ưu hiệu quả sử dụng vốn. 

Với số vốn ít ỏi ban đầu, nếu đầu tư nhiều cổ phiếu. Bạn sẽ không có đủ thời gian để tìm hiểu thật kỹ, lựa chọn thời điểm mua tốt nhất cho tất cả. Do đó nếu thị trường tăng, chỉ có 1 cổ phiếu trong số đó tăng mạnh, các cổ phiếu còn lại tăng ít hoặc có CP giảm. Dẫn đến hiệu suất sinh lời của tổng số vốn đầu tư không cao.

Giai đoạn đầu bạn phải tìm hiểu thật kỹ, lựa chọn cổ phiếu tốt nhất, tiềm năng nhất, thời điểm mua có giá hấp dẫn nhất trong danh mục theo dõi để đầu tư. 

NHẮC LẠI: GIAI ĐOẠN ĐẦU - TÌM HIỂU NHIỀU ĐỂ SO SÁNH VÀ LỰA CHỌN NHƯNG MUA ÍT [ CHỈ 1 MÃ CP TỐT NHẤT]

Vậy khi nào thì bắt đầu mua mã cố phiếu thứ 2?

Ok, nguyên tắc là khi vốn ít thì tập trung để sinh lợi, khi vốn nhiều thì bắt đầu chia tách để để gia tăng sự an toàn và tìm kiếm thêm những cơ hội khác.

Vậy khi nào thì gọi là vốn ít, khi nào là vốn nhiều?

Để xác định vốn ít hay nhiều mình sẽ dựa khả năng của mỗi người. Cụ thể là tổng thu nhập của các bạn. Nếu bạn có thu nhập 10 triệu/tháng thì 30 triệu cũng là con số đáng quan tâm, còn nếu bạn có thu nhập 50 triệu/tháng thì 40 triệu cũng không phải là vấn đề quá lớn.

CÔNG THỨC PHÂN CHIA VỐN:

Đầu tiên, bạn hãy xác định khoản vốn an toàn đối với bản thân:

Lấy số tiền tiết kiệm dư ra sau tất cả khoản chi tiêu trong tháng làm đơn vị. 

Ví dụ, thu nhập của bạn là 25 triệu/tháng và bạn chi tiêu 15 triệu/tháng. Vậy số tiền bạn tiết kiệm được 1 tháng là 10 triệu

Khoảng vốn an toàn của bạn là: số tiền tiết kiệm 1 tháng x 3 = 10 triệu x 3 = 30 triệu

Mình gọi đây là khoản vốn an toàn của bạn là vì: khoản tiền này chỉ mất 1 quý [3 tháng] để phục hồi. Nếu rủi ro xảy ra, nó không quá lớn để làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. 

Trường hợp 1: tổng vốn đầu tư của bạn < khoảng vốn an toàn. Thì bạn chỉ nên đầu tư đúng 1 mã cổ phiếu.

Ví dụ: thu nhập của mình là 50 triệu, mỗi tháng Việt tiết kiệm được 30 triệu. Thì khoảng vốn an toàn của Việt là 90 triệu. Vậy nếu đầu tư 100 triệu thì mình sẽ mua hết 90 triệu vào 1 mã cổ phiếu. Còn dư 10 triệu thì cứ để tiền mặt.

Trường hợp 2: khi tổng vốn đầu tư của bạn lớn hơn 2 lần khoảng vốn an toàn. Thì bạn nên đầu tư 2 mã cổ phiếu. 

Ví dụ: mình có tổng tiền để đầu tư là 200 triệu, khoảng vốn an toàn của mình vẫn là 90 triệu. Thì lúc này mình sẽ mua 90 triệu cho cổ phiếu đầu tiên và mua thêm 90 triệu cho mã cổ phiếu khác.

Khi số vốn đã bắt đầu lớn hơn 2 lần khoảng vốn an toàn, có nghĩa là số tiền bạn để dành trong suốt 6 tháng. Thì đây là một con số cũng tương đối lớn. Nếu bị ảnh hưởng sẽ rất dễ làm bạn lo lắng. Cho nên giai đoạn này sẽ ưu tiên đa dạng hóa danh mục để đem lại sự an toàn. Nhưng vẫn không nên mua quá nhiều, chỉ 2 hoặc 3 là tối đa.

Trường hợp 3: tổng vốn đầu tư của bạn lớn hơn 4 lần khoảng vốn an toàn và ít hơn 25 tỷ [có thể xem là mốc 1 triệu usd]

Đối với trường hợp này, số mã cổ phiếu các bạn nên mua là từ 3 đến 10 cổ phiếu là tối ưu nhất. Không nên đầu tư nhiều hơn 10 cổ phiếu cùng 1 lúc. 

Đối với những nhà đầu tư không chuyên [nghĩa là đầu tư chỉ là nghề tay trái], thì hơn 10 mã cổ phiếu là quá nhiều để họ tìm hiểu sâu, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp và sự thay đổi của ngành.

Trường hợp 4: tổng vốn đầu tư trên 25 tỷ. Trường hợp này thì mình chưa biết, vì mình chưa trải qua giai đoạn này. Cho nên khi nào vốn đầu tư của mình nhiều hơn 25 tỷ thì mình sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm này nhé.

III. CÁC CHIẾN LƯỢC CƠ BẢN TRONG SỬ DỤNG VỐN VÀ QUẢN TRỊ DANH MỤC ĐẦU TƯ

1. Chiến lược tích lũy:

Đây là một chiến lược khá an toàn cho những bạn mới bước chân vào đầu tư thị trường chứng khoán với số vốn ít ỏi và thu nhập dưới 20 triệu. [đây cũng là chiến lược Việt đã áp dụng từ hồi mới đi làm, mỗi tháng trích ra 1 phần lương để đầu tư đó]

Với chiến lược này, các bạn chỉ cần tập trung tìm hiểu và lựa chọn đúng 1 cổ phiếu tốt theo tiêu chí: doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng suốt 3-5 năm gần nhất, có chia cổ tức đều đặn mỗi năm, giá thị trường không biến động mạnh.

Sau khi đã tìm được 1 mã cổ phiếu như vậy, hãy chờ đợi những đợt thị trường giảm mạnh và mua vào. Cứ tiếp tục như vậy, mỗi tháng đều trích 1 phần tiền vào quỹ đầu tư và mua cổ phiếu này ở những lúc thị trường giảm mạnh. Chỉ cần bạn liên tục duy trì việc này đều đặn cho đến khi tổng vốn đầu tư lên mức bằng 2 lần khoảng vốn an toàn thì bắt đầu bán ra 1 phần để mua cổ phiếu thứ 2.

2. Chiến lược công trước thủ sau - đội hình 7:3

Chiến lược này dành cho những bạn đầu tư từ 2 cổ phiếu trở lên

Phân bổ 7 phần vốn vào mã cổ phiếu tấn công

Phân bổ 3 phần vào mã cổ phiếu phòng thủ

Vậy, thế nào là mã cổ phiếu tấn công, mã cổ phiếu phòng thủ:

Mã cổ phiếu tấn công: những cổ phiếu tăng trưởng, những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và duy trì được tốc độ đó trong ít nhất 3-5 năm gần nhất. Những doanh nghiệp nằm trong ngành nghề đang lên hoặc đang hưởng lợi dài hạn bởi chính sách hoặc chu kỳ phát triển của quốc gia. 

Ví dụ: trong 3 năm tới, cổ phiếu liên quan đến đầu tư công như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản ở những tỉnh thành có công trình lớn. 

Mã cổ phiếu phòng thủ: là những mã cổ phiếu an toàn trước những biến động lớn của thị trường. Những doanh nghiệp làm trong ngành nghề tăng trưởng ổn định, công ty đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển ổn định và trả cổ tức lợi nhuận đều đặn mỗi năm.

Ví dụ: giai đoạn dịch bệnh, thì những mã cổ phiếu nằm trong lĩnh vực cung cấp nước hoặc điện hoặc công nghệ viễn thông cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận. Do đó, giá cổ phiếu sẽ không bị sụt giảm quá nhiều khi cả thị trường giảm.

Với chiến lược này, khi thị trường tăng liên tục nhiều phiên. Cổ phiếu tấn công của bạn sinh lời tốt và bắt đầu làm tỷ lệ vốn biến thành 8:2, lúc đó bạn hãy bán bớt 1 phần ở cổ phiếu tấn công và mua cổ phiếu phòng thủ => khi thị trường gặp biến cố và giảm, thì cổ phiếu phòng thủ sẽ giữ lại tiền và cổ phiếu tấn công mất ít tiền hơn.

Ngược lại, khi thị trường giảm làm cổ phiếu tấn công bị giảm mạnh làm tỷ lệ vốn phân bổ bị thay đổi ở mức 6:4 thì hãy bán 1 phần cổ phiếu phòng thủ để đắp lại cho cổ phiếu tấn công => để khi thị trường tăng trở lại thì cổ phiếu tấn công phục hồi mạnh hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn trước khi bị giảm

3. Chiến lược công thủ linh hoạt - đội hình 1:5:3:1

Chiến lược này dành cho những bạn đầu tư từ 5 mã cổ phiếu trở lên

1 phần cổ phiếu đầu cơ [là dạng cổ phiếu khá mạo hiểm, không vượt qua đầy đủ tiêu chí ở bài 2 nhưng sắp tới có tiềm năng tăng giá gấp 2, 3 lần. Xui thì mất!]

5 phần cổ phiếu tấn công

3 phần cổ phiếu phòng thủ

1 phần tiền mặt để ở ghế dự bị

Ở đội hình này, bạn không cần phải điều chỉnh nhiều khi thị trường tăng. Bạn chỉ điều chỉnh khi: Thị trường giảm mạnh và đột ngột!

Khi thị trường vừa giảm 1 vài phiên đầu. Các bạn không cần hành động gì cả. Vì có khi nó chỉ giảm 1,2 phiên là quay lại tăng ngay. Chỉ cần chú ý xem biên độ giảm của từng nhóm cổ phiếu có đúng như mình sắp xếp hay không. [ví dụ cổ phiếu phòng thủ phải là đứa giảm ít nhất]

Tiếp theo, chờ đến khi thị trường giảm đến mức đủ lớn [Vnindex giảm tầm 10%-15%]. Mọi người có thể cơ cấu lại vốn. Dồn hết 1 phần tiền mặt còn dư vào những cổ phiếu ở nhóm tấn công và có biên độ giảm nhiều [tất nhiên phải luôn đánh giá xem cp đó có thể phục hồi hay không]. 

Nếu thị trường giảm tiếp, thì chờ đến khi ngừng giảm thì chúng ta bắt đầu bán 1 phần cổ phiếu ở nhóm phòng thủ, mua cổ phiếu ở nhóm tấn công. Và các bạn cứ linh hoạt chuyển đổi như thế. Cho đến khi thị trường phục hồi thì lợi nhuận của bạn sẽ không mất mà còn gia tăng.

4. Chiến lược phòng thủ - đội hình 3:4:3

Dành cho những lúc thị trường tăng trưởng nóng, tăng liên tục suốt 2,3 tháng mà chưa có những đợt giảm. Thì lúc này các bạn nên chủ động rút 1 phần lợi nhuận từ các nhóm cổ phiếu đưa về đội hình

4 phần cổ phiếu tấn công

4 phần cổ phiếu phòng thủ

2 phần tiền mặt

Khi thị trường có 1 phiên điều chỉnh lớn sau giai đoạn tăng nóng. Các bạn có thể lựa chọn thời điểm giá tốt để dùng 2 phần tiền mặt mua vào cổ phiếu ở nhóm tấn công.

Tóm lại, bốn chiến lược phân bổ vốn trên chỉ là cơ bản để những bạn mới có thể áp dụng. Bạn nào đầu tư lâu dài và có nhiều kinh nghiệm sẽ tự phát triển được chiến lược vốn phù hợp với bản thân. 

Trong binh pháp Tôn Tử có đề cập: khi địch mạnh đang ở thế mạnh thì chúng ta nên phòng thủ hoặc rút lui, khi địch ở thế yếu thì phải tấn công nhanh và mạnh. Người tướng tài là biết tiến, biết lui, biết tìm yếu điểm của đối phương để khai thác.

Đầu tư cổ phiếu cũng giống đánh trận. Khi ra quân phải hiểu rõ về năng lực của các tướng để dàn xếp chiến lược và đội hình hợp lý, khi vào trận phải biết cách nhìn tình thế để điều quân hợp lý.

Chủ Đề