100-50 trước công nguyên là bao nhiêu tuổi năm 2024

Vì một số lý do, người tổng hợp cáo lỗi không thể xin phép tác giả các tư liệu và hình ảnh được sử dụng trong loạt bài này. Nếu bạn đọc xem qua loạt bài của tôi rồi cảm nhận sâu sắc về nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, thì cái tội sử dụng chất liệu mà không xin phép của người tổng hợp hẳn sẽ được dung thứ.

Due to various reasons, the compiler could not seek authors’ permission for the use of their materials and photographs in this treatise. If after going through this text, the readers have a deep sense toward Vietnamese age-old culture, then I hope my plagiarism would be pardoned.

Dẫn nhập

Loạt bài này bổ sung những bài viết sau:

  • Loạt bài Chùa ở Việt Nam, bắt đầu từ //tamdiepblog.wordpress.com/2021/02/10/chua-o-viet-nam-bai-1-trong-3/;
  • Loạt bài Đền, miếu và thiền viện ở Việt Nam, bắt đầu từ //tamdiepblog.wordpress.com/2021/03/10/den-mieu-va-thien-vien-o-viet-nam-bai-1-trong-2/;
  • Loạt bài Nhà thờ ở Việt Nam, bắt đầu từ //tamdiepblog.wordpress.com/2021/03/30/nha-tho-o-viet-nam-bai-1-trong-2/; và
  • Loạt bài Bảo vật Quốc gia Việt Nam về văn hóa, bắt đầu từ //tamdiepblog.wordpress.com/2021/07/07/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-ve-van-hoa-truoc-cong-nguyen-den-the-ky-6/

Thông tin cơ sở

Loạt bài này cung cấp thông tin liên quan đến một số hiện vật quý Việt Nam về văn hóa, được tổng hợp một cách ngẫu nhiên tùy theo nguồn thông tin tìm được. Vì thế, người đọc đừng thắc mắc tại sao tôi đưa vào hiện vật này và loại bỏ hiện vật kia.

Để độc giả dễ theo dõi phần mô tả các hiện vật, một ít thông tin cơ sở được trình bày dưới đây.

Niên đại

Trước Công nguyên, người Việt trải qua những thời kỳ sau:

  • Họ Hồng-Bàng: 2879-258 tCN
  • Nhà Thục: 257-207 tCN
  • Nhà Triệu: 207-111 tCN
  • Thời Bắc thuộc lần thứ nhất: 111 tCN – 39.

Văn hóa Phùng Nguyên, 2000-1500 tCN

Văn hóa Phùng Nguyên là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, tồn tại trong giai đoạn 2000-1500 tCN. Phùng Nguyên là tên một làng ở Xã Kinh Kệ [nay là Xã Phùng Nguyên], Huyện Lâm Thao, Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra các di chỉ của nền văn hóa này. Sau đó, di chỉ Văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện thêm ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng và một vài nơi khác trong lưu vực Sông Hồng. Tính đến năm 1998, có khoảng 55 địa điểm đã được phát hiện có di chỉ văn hóa đồng dạng với các di chỉ tại Phùng Nguyên, trong đó có 3 địa điểm có di cốt người. Công cụ bằng đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Đồ trang sức bằng các loại đá, đá bán quý, ngọc được tìm thấy nhiều, đặc biệt là các vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí. Trong đời sống của cư dân Phùng Nguyên đã xuất hiện đồ đồng và thuật luyện kim [còn hạn chế].

Cùng thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng ở Việt Nam như Văn hóa Phùng Nguyên còn có Văn hóa Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc [lưu vực Sông Mã], văn hóa của các bộ lạc người nguyên thủy ở lưu vực sông Lam, của các bộ lạc ở thượng lưu Sông Mã [Huyện Sông Mã, Sơn La], Văn hóa Tiền Sa Huỳnh [Trung Trung bộ], Văn hóa Đồng Nai [Đông Nam Bộ].

Bản đồ dưới đây chỉ các nền văn minh khoảng năm 1000 tCN, trong đó các bộ tộc Bách Việt [Yue] sinh sống ở miền nam Trung Hoa. Vào thời kỳ này, bên Trung Hoa là nhà Tây Chu [Zhou trong bản đồ, 1121-770 tCN].

Văn hóa Đồng Đậu, 1500-1000 tCN

Văn hóa Đồng Đậu là nền văn hóa thuộc trung kỳ đồ đồng của người Việt, có niên đại khoảng năm 1000 năm tCN, sau Văn hóa Phùng Nguyên và trước Văn hóa Gò Mun tức hậu kỳ đồ đồng. Tên của nền văn hóa này đặt theo tên khu di tích Đồng Đậu ở Thị trấn Yên Lạc, Huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, nơi vào năm 1962 các nhà khảo cổ học khám phá ra một nền văn hóa đồ đồng phong phú.

Người Đồng Đậu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du Bắc Bộ với một nền kinh tế khá ổn định và phát triển dựa trên nông nghiệp trồng lúa và các cây hoa màu. Các dấu tích luyện kim như xỉ đồng, các mảnh khuôn đúc [bằng đá] cho thấy nghề đúc đồng đã có và phát triển thời kỳ này.

Văn hóa Gò Mun, 1.000-600 tCN

Văn hóa Gò Mun ước chừng trong giai đoạn 1.000-700 tCN, thuộc cuối thời kỳ đồ đồng. Nền văn hóa này được đặt tên theo địa điểm mà vào năm 1961 các nhà khảo cổ học khai quật được nhiều di chỉ của nền văn hóa này [Gò Mun, Xã Tứ Xã, Huyện Phong Châu, Phú Thọ].

Phùng Nguyên rồi tiếp theo là Đồng Đậu và Gò Mun là 3 giai đoạn lớn của thời đại đồng thau. Con người trong ba giai đoạn này từng bước chế ngự thiên nhiên, làm ruộng lúa, phát huy được tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp, làm chủ vùng tam giác châu thổ Sông Hồng, mở đường cho một giai đoạn văn hóa rực rỡ, đỉnh cao thời đại dựng nước: giai đoạn Đông Sơn. Vì thế, Văn hóa Gò Mun được nhìn nhận như là nền văn hóa tiền Đông Sơn.

Người Gò Mun sống bằng nghề làm ruộng trồng lúa nước là chính, đồng thời họ cũng là những người chăn nuôi, săn bắn, đánh cá. Đây là một cung cách làm ăn tiến bộ, cũng là cách làm ăn của mọi dân cư ở những vùng trung tâm nông nghiệp của thế giới cổ đại.

Người Gò Mun thích ở trên những gò đồi cao nổi lên giữa vùng đồng bằng và trung du; họ bắt đầu tập trung ở những vùng chân gò, những vùng gò thấp ven các sông Hồng, Cầu, Đáy, Cà Lồ… Cuộc sống định cư lâu dài của họ để lại những tầng văn hóa khá dày, có những chuyển biến rõ rệt về một xã hội phức tạp và giàu có, thúc đẩy việc ra đời nhà nước sơ khai của người Việt.

Kỹ thuật đồng thau Gò Mun

Lần đầu tiên, những mũi tên đồng thau xuất hiện, với loại hình đa dạng và số lượng nhiều, đòi hỏi những tiến bộ về kỹ thuật và cũng đòi hỏi phải có một khối lượng nguyên liệu lớn để đáp ứng đủ nhu cầu, vì mũi tên mỗi lần bắn đi là một đi không trở lại.

Trong giai đoạn Gò Mun, công cụ và vũ khí đồng thau chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số công cụ và vũ khí, với các loại mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, dao, giáo, dây, kim, giũa, dùi, đục. Loại rìu lưỡi xéo xuất hiện dưới dạng hoàn chỉnh, với mũi rìu hơi chúc và lưỡi hơi cong. Đồ đồng thau Gò Mun được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp: những lưỡi hái được phát hiện; những chiếc rìu cũng đã được sử dụng như những nông cụ.

Đồng thau cũng được dùng làm đồ trang sức: vòng tay được uốn bằng những dây đồng.

Kỹ thuật chế tác đá đang ở trên bước đường suy thoái. Đó là do sự phong phú và sự phát triển của nghề luyện kim đồng thau. Những cái hái bằng đồng thau phát hiện được ở nhiều nơi nói lên sự phát triển và hoàn thiện của nông nghiệp trồng lúa. Hợp kim đồng thau để đúc hái có 89% đồng và 0,1% thiếc với những vết chì. Trong số những công cụ bằng đồng thau dùng để thu hoạch hoa màu của người xưa ở vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, loại hái Gò Mun lưỡi cong, có gờ ở giữa, họng tra cán hình chóp cụt là có hình dáng hoàn thiện và tiến bộ hơn cả.

Đồ gốm Gò Mun

Đồ gốm Gò Mun có độ dày đều, độ nung cao [khoảng 900 °C]; có mảnh được nung gần thành sành. Gốm có màu xám xanh, xám mốc. Người thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật đã có từ giai đoạn Đồng Đậu. Các miệng gốm Gò Mun thường được bẻ loe ra, nằm ngang, rộng bản, góc tạo thành giữa cổ và thân thường là góc nhọn. Những loại hình thường gặp là các loại nồi, các loại vò, bình cổ cao, chậu, âu, bát đĩa, cốc. Chân đế có xu hướng thấp dần, loại đáy bằng xuất hiện, hình dáng ổn định, thanh thoát. Ngoài ra còn có các loại bi, dọi xe chỉ, chì lưới.

Loại hoa văn độc đáo và phổ biến của gốm Đồng Đậu là hoa văn nan chiếu, và hoa văn khắc vạch: những đường nét này được phối trí hài hòa với những vòng tròn nhỏ tạo nên những đồ án sinh động kết thành một dải quây vòng phủ kín miệng gốm, làm thành đặc trưng chủ yếu của hoa văn gốm Gò Mun.

Sự phát triển của nghề thủ công luyện kim có ảnh hưởng lớn không những đến sự phát triển của nông nghiệp mà còn thúc đẩy sự hoàn thiện của các nghề thủ công khác – trừ nghề làm đồ đá.

Những mũi giáo gỗ phát hiện được ở giai đoạn Gò Mun cho chúng ta biết rằng nghề làm đồ gỗ – một nghề cũng có truyền thống xa xưa như nghề làm đồ đá – vẫn tiếp tục tồn tại và cải tiến.

Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Ghi chú: nội dung của Văn hóa Đông Sơn có nhiều điểm khác nhau giữa các học giả. Quan điểm được nhiều học giả chia sẻ cho rằng Văn hóa Đông Sơn bao gồm tất cả các văn hóa thời đại đồng thau ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia. Về niên đại của Văn hóa Đông Sơn, ý kiến cũng rất khác nhau. Các bài viết của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thường ghi niên đại của Văn hóa Đông Sơn là 800 tCN – 100. Các trang Wikipedia Việt ngữ truy cập tháng 8-2021 ghi niên đại của Văn hóa Đông Sơn là 800-200 tCN nhưng không cho biết nguồn, còn các trang Wikipedia Anh ngữ truy cập tháng 8-2021 ghi niên đại của Văn hóa Đông Sơn là 1000 tCN – 100 nhưng cũng không cho biết nguồn.

Văn hóa Đông Sơn là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ nước Việt, tạo thành tam giác văn hóa của người Việt:

  • Văn hóa Đông Sơn: năm 800 tCN đến năm 100;
  • Văn hóa Sa Huỳnh: khoảng năm 500 tCN đến năm 200; và
  • Văn hóa Óc Eo: thế kỷ 1 đến thế kỷ 7.

Văn hóa Đông Sơn từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam và Bắc Trung Bộ [Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mà trung tâm là khu vực Đền Hùng], và ba con sông lớn và chính của đồng bằng Bắc Bộ [Sông Hồng, Sông Mã và Sông Lam] vào thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt sớm. Nền văn hóa này được đặt tên theo địa phương nơi các dấu tích đầu tiên của nó được phát hiện, gần Sông Mã, Thanh Hóa. Nhiều dấu tích đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn cũng được tìm thấy ở một số vùng lân cận Việt Nam như ở Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc, ở Lào hay ở Thái Lan…

Có những nghiên cứu cho rằng trên cơ sở Văn hóa Đông Sơn, nhà nước văn minh đầu tiên của người Việt – nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng và nối tiếp là nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương – đã phát triển, trước khi bị ảnh hưởng của nền văn minh Hán.

Năm 1924, một người câu cá tên Nguyễn Văn Lắm ngẫu nhiên tìm được một số đồ đồng ở Làng Đông Sơn [Thành phố Thanh Hóa, ven Sông Mã]. Tiếp đó là những cuộc khai quật của một viên thuế quan Pháp yêu khảo cổ tên là L. Paijot, người đầu tiên khai quật thấy các hiện vật thuộc một nền văn hóa lớn. Tên của ngôi làng nhỏ nhắc tới ở trên trở thành tên của cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí. Người nói đến tên “Văn hóa Đông Sơn” đầu tiên là học giả R. Heine-Geldern, vào năm 1934. Sau 80 năm kể từ khi được khám phá, có hơn 200 di tích và hàng vạn di vật Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu.

Luân canh và chăn nuôi trong nông nghiệp

Trong di chỉ khảo cổ cho thấy các lưỡi cày bằng đồng phong phú. Vào giữa và cuối thời kỳ Đông Sơn xuất hiện khá nhiều đồ sắt và đồ đồng, chuyển sang các loại vật dụng trang trí và tinh xảo hơn. Lưỡi cày và di cốt trâu, bò nuôi chứng minh một trình độ luân canh định cư của cư dân Đông Sơn dẫn đến sự thặng dư thực phẩm. Điều này thúc đẩy một bộ phận dân cư chuyển sang làm các ngành nghề như đồ gốm, dệt, đồ trang sức, xây dựng, luyện kim, làm sơn… Văn hóa lúa nước phát triển, thực phẩm dồi dào và có dự trữ, dẫn đến sự phân cấp xã hội người Việt cổ.

Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng

Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam. Dựa theo chủng loại và chức năng, các loại đồ đồng thau được dùng trong khu vực văn hóa Đông Sơn gồm có 7 nhóm sau đây [Phạm Minh Huyền, 2018]:

1/ Vũ khí: Lưỡi giáo, mũi tên, dao găm, đoản kiếm, rìu chiến, giáp che ngực [hộ tâm phiến], vật dụng đeo binh khí, cung và nỏ.

2/ Dụng cụ sản xuất: Rìu, cuốc, thuổng, lưỡi cầy, lưỡi liềm, dùi, đục, dũa.

3/ Dụng cụ sinh hoạt: Thạp, thố, bình, âu, khay, đĩa, chậu, lọ, ấm, muôi, đèn dầu, cốc trầm.

4/ Nhạc cụ: Chuông, lục lạc, trống. Ngoài ra còn có các nhạc cụ như khèn, chiêng, cồng chỉ tìm thấy trong phần trang trí trên các trống, thạp, thạp, hoặc các hình tượng nhỏ.

5/ Đồ trang sức: Vòng tay, vòng chân, vòng tai, khóa thắt lưng.

6/ Hình tượng nhỏ: Thường là các tượng người hay thú đúc nhỏ để gắn trên các hiện vật khác, dùng để trang trí, vừa có công dụng cầm tay hoặc làm móc chặn.

7/ Hiện vật minh khí: Đồ thu nhỏ dùng để tùy táng, với hầu hết các vật dụng bằng đồng thau điển hình dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Kỹ thuật đúc các đồ đồng này thường sơ sài, mỏng manh.

Đã tìm thấy hơn 30 loại khuôn bằng đất hoặc bằng đá và sa thạch dùng để đúc giáo, dao găm, rìu, mũi dùi, mũi tên… Trong các giai đoạn trước Đông Sơn, hợp kim đồng chủ yếu dùng để chế tạo các đồ nghề, đòi hỏi tính sắc bén, bền chắc. Đến giai đoạn Đông Sơn, trong thành phần hợp kim, tỷ lệ đồng và thiếc giảm xuống và tỷ lệ chì tăng lên. Việc sáng tạo ra loại hợp kim mới này không phải là ngẫu nhiên mà là xuất phát từ những yêu cầu về kinh tế và kỹ thuật: đồng chuyển mạnh vào lĩnh vực đồ dùng hằng ngày; các loại thạp, thố, trống đồng đòi hỏi sản xuất nhiều. Những đồ vật này lại cần phải trang trí đẹp, phức tạp, như vậy cần hợp kim có tính năng dễ đúc và dễ tạo nên các chi tiết tinh xảo sắc nét trong khi đúc. Vì vậy mà người Việt cổ sử dụng hợp kim đồng-thiếc-chì. Hợp kim mới có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn, do đó giảm bớt những khó khăn trong việc nấu và đúc, và như vậy, người Việt cổ lúc đó đã bước đầu biết đến mối quan hệ giữa thành phần và tính chất của hợp kim, mà thuật ngữ khoa học kỹ thuật luyện kim hiện đại gọi là điểm nóng chảy thấp.

Đồ đồng Đông Sơn có kỹ thuật cao vì biết pha với chì khiến hợp kim có độ dai bền đặc biệt [hợp kim đồng ở Thái Lan hay nhiều nơi khác có thể pha chế đồng với sắt, thiếc, antimoin như Đông Sơn nhưng không có chì]. Thành phần của các kim loại trong hợp kim đồng-thiếc-chì [hoặc đồng-chì-kẽm] thay đổi theo chức năng của từng loại đồ nghề, đồ dùng hay vũ khí. Ví dụ:

  • Mũi tên đồng ở Cổ Loa có thành phần hợp kim thích hợp, tạo độ cứng lớn nhất để đảm bảo tính năng xuyên thủng áo giáp.
  • Lưỡi giáo Thiệu Dương có thành phần hợp kim thích hợp khác để đảm bảo cho vũ khí vừa dẻo vừa bền.

Trống đồng lớn và thẩm mỹ

Trống đồng Đông Sơn có quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hòa, thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật đời sống sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước mà người ta vẫn cho là chìm trong đám mây mù của truyền thuyết Việt Nam. Ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống tượng trưng cho thần Mặt Trời vì người dân Văn Lang có quan niệm về một vị thần liên quan đến Mặt Trời.

Nhìn chung chức năng chủ yếu của trống đồng vẫn là chức năng của một nhạc khí. Đánh vào vành 1-3 được nốt Si giáng; ở vành 4-5 được nốt Mi và Fa; ở vành 7 cũng được nốt Si giáng. Từ vành 9 trở ra lại trở lại nốt Mi [theo kết quả ghi âm của Cao Xuân Hạo].

Trống đồng còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh ngày xưa: vua ban thưởng trống đồng cho các tù trưởng người dân tộc. Điều đó thể hiện uy quyền của nhà nước đối với các vùng tự trị, tự do tương đối. Theo Hậu Hán thư [một cuốn chính sử của Trung Hoa], tướng nhà Hán Mã Viện, người dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào khoảng năm 40-43, ra lệnh tịch thu và nấu chảy trống đồng của các thủ lĩnh địa phương. Điều đó cũng cho thấy ý nghĩa chính trị của trống đồng Đông Sơn những ngày này.

Ngoài Việt Nam, trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở nhiều vùng ngoài Việt Nam: miền Nam Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Indonesia, thậm chí quần đâò New Guinea xa xôi… Điều này cho thấy nền mậu dịch sôi động và rộng lớn ngay cả vào thời xa xưa đó.

Thạp đồng Đông Sơn

Có khoảng 280 thạp đồng Đông Sơn được tìm thấy trôi nổi, ngoài khai quật khảo cổ học. Thạp đồng cũng là di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, có nhiều kiểu dáng khác nhau, với hai loại hình cơ bản sau đây:

Thạp có dáng hình quả nhót, thường có nắp đậy. Thân thạp hình trụ, miệng hơi khum, nửa trên hơi bóp, giữa phình và nửa dưới, sát chân thót lại. Tiêu biểu cho loại hình này là thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh, cả hai đều phát hiện ở Yên Bái và đều đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Hoa văn và đề tài trang trí trên hai chiếc thạp này đã có nhiều văn liệu khảo cổ học nhắc đến, nhưng hình ảnh cặp đôi giao hợp trên nắp thạp Đào Thịnh dường như là một hiện tượng duy nhất, được biết cho đến nay, nhưng tinh thần và bản chất quen thuộc của văn hóa Đông Sơn vẫn toát lên, đó là ý nghĩa phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Việt cổ. Những hoa văn hình học, thuyền người trên thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh thì quá quen thuộc trên những đồ đồng Đông Sơn, đặc biệt là trên trống đồng, khiến cho bất cứ ai cũng phải thừa nhận, loại thạp quả nhót có nắp là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn. [Phạm Quốc Quân, 2017]

Thạp có dáng như xô đựng nước hiện đại mà giới yêu thích đồ đồng cổ gọi bằng cái tên dân dã “xô đồng”. Đây là loại thạp không có nắp, có dáng hình trụ, miệng thẳng, phía trên nở và thót dần xuống đáy. Loại thạp này có số lượng nhiều, tập trung ở đồng bằng và thung lũng các dòng sông lớn, như sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hoa văn trang trí trên thạp chủ yếu là văn hình học: vạch thẳng song song, đường tròn có chấm giữa, ô trám lồng… mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dẫu hoa văn hình học được coi là nổi trội trên loại hình thạp này nhưng không phải là tất cả. Nhiều thạp đồng loại này, kích thước trung bình từ 20 -25 cm đường kính miệng, với chiều cao tương tự, trình diễn những tổ hợp hoa văn thuyền người hoặc người hóa trang lông chim, người cách điệu hình cờ bay trên băng chủ đạo giữa thân thạp, phản ánh ngôn ngữ chung của nghệ thuật Đông Sơn. [Phạm Quốc Quân, 2017]

Thành tựu văn hóa-nghệ thuật

Các sinh hoạt văn hóa của cư dân Đông Sơn được mô tả khá phong phú trên các hoa văn rất sắc nét của trống đồng.

Nghệ thuật Đông Sơn cho thấy sự cảm nhận tinh tế của cư dân thời đó qua khả năng chạm khắc, tạo hình tinh tế và một đời sống ca múa nhạc phong phú. Hình chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn cho thấy những hình người thổi kèn, các vũ công đầu đội mũ lông chim trĩ hoặc chim công [hai loài chim quý phương Nam nhiệt đới], nhà sàn của cư dân vùng nhiệt đới Đông Nam Á, hình ảnh các loài chim cổ mà ngày nay một số loài đã tuyệt chủng.

Đồ dùng Đông Sơn gồm có các loại thạp, có nắp hay không nắp, với những đồ án hoa văn trang trí phức tạp, những thổ hình lẵng hoa có chân đế và vành rộng, các loại gùi, vò, ấm, lọ, chậu. Qua đó làm chứng cứ về một xã hội phức tạp trên cơ sở các đại gia đình, các dòng họ trong cộng đồng làng xã đã định cư ổn định.

Người Đông Sơn trang sức bằng các loại vòng tay, vòng ống ghép, nhãn, hoa tai, móc đai lưng, bao tay, bao chân, ví dụ như bao tay và bao chân tìm thấy ở di tích Làng Vạc, Nghệ An.

Nghệ sĩ tạc tượng Đông Sơn để lại cho chúng ta nhiều loại tượng người, tượng thú vật như cóc, chim, gà, chó, hổ, voi…

Nhạc sĩ Đông Sơn đã diễn tấu các loại chuông nhạc, lục lạc, khèn, trống đồng.

Tín ngưỡng, tập tục

Tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Con người cần sinh sôi, mùa màng cần tươi tốt để duy trì và phát triển sự sống, nên đã nảy sinh tín ngưỡng phồn thực. Ở Việt Nam, tín ngưỡng đó tồn tại lâu dài, dưới hai dạng biểu hiện: thờ sinh thực khí nam và nữ và thờ cả hành vi giao phối. Ví dụ như thạp đồng có khắc hình trai gái đang giao hợp.

Mộ thuyền là một cách chôn cất khá độc đáo của người Việt cổ thuộc Văn hóa Đông Sơn. Năm 2004 các nhà khảo cổ học tìm thấy thêm một ngôi mộ bên triền Sông Cửu An, thuộc Thôn Động Xá, Xã Lương Bằng, Huyện Kim Động, Hưng Yên. Đây không chỉ là ngôi mộ có quan tài hình thuyền như những phát hiện trước đó, mà thực sự là một con thuyền độc mộc chở người Đông Sơn vào giấc vĩnh hằng từ 2.500 năm trước. Khi nắp quan tài bật mở, người ta thấy tất cả bùn đất tích tụ từ thiên niên kỷ 1 tCN phủ kín hiện vật. Khi lớp bùn được gạt ra, nhóm khai quật nhìn thấy người chết đặt nằm ngửa, thân bó vải, hai tay để xuôi, chân duỗi thẳng. Ngoài ra, còn có một số hiện vật đi kèm là đồ gốm, hạt thực vật.

Kỹ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh

Vũ khí Đông Sơn đa dạng về loại hình, độc đáo về hình dáng và phong phú về số lượng. Những cuộc khai quật ở Thành Cổ Loa [Huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội] phát hiện ra kho chứa hàng vạn mũi tên đồng. Mũi tên Cổ Loa có các loại hình cánh én, hình lao có họng hay có chuôi, loại 3 cạnh có chuôi dài. Mũi tên ba cạnh [quả khế] gây vết thương trầm trọng mà kẻ bị bắn trúng mũi tên này không dám rút mũi tên ra – việc này gây mất máu và dẫn đến tử vong nhanh.

Ngoài ra còn có giáo, lao, dao găm, kiếm, qua, rìu chiến… Rìu chiến có đến gần 10 loại: các loại rìu xéo [hình dao xéo, hình thuyền, hình hia, hình bàn chân], rìu lưỡi xoè cân, rìu hình chữ nhật, rìu hình dao phạng. Dao găm có các loại lưỡi hình lá tre đốc củ hành, đốc bầu dục hay có chuôi là một tượng hình người, có loại dao găm lưỡi hình tam giác, cán dẹt hay tròn. Khải giáp gồm có các tấm che ngực có hình vuông hay hình chữ nhật, áo giáp gồm các vảy đồng buộc lại với nhau, có hoa văn trang trí đúc nổi. Ở Hà Nam Ninh còn tìm thấy cả giáp che ngực và mũ chiến bằng đồng.

Phát triển kinh tế-xã hội

Nhiều di vật văn hóa Đông Sơn có xương trâu, bò. Việc phát hiện những khuôn đúc đồng và xỉ đồng đã khẳng định nghề luyện kim do cư dân Đông Sơn sáng tạo ra.

Với kỹ thuật luyện đồng, cư dân Đông Sơn bấy giờ tạo nên bước ngoặt, loại trừ hẳn đồ đá. Trong một số di tích thời Hùng Vương như Tiên Hội, Đường Mây, Gò Chiền Vậy, Đồng Mõm, Vinh Quang tìm thấy các di vật bằng sắt

Hiện tượng một số trống đồng của nước Văn Lang ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng như sự có mặt của những lưỡi qua đồng Chiến quốc ở nhiều di tích văn hóa Đông Sơn đã chứng tỏ có sự buôn bán giữa người Việt cổ đương thời với các quốc gia quanh vùng. Một số đồ trang sức và trâu, bò cũng đã trở thành hàng hóa trong việc buôn bán giữa Văn Lang-Âu Lạc với các nước lân bang.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật Văn hóa Đông Sơn nhất hiện nay với khoảng 10.000 hiện vật, bao gồm các chất liệu đa dạng như: đồng, gốm, gỗ, đá… Trong đó, hiện vật đồng chiếm số lượng nhiều hơn cả, đặc biệt là sưu tập trống đồng. Bên cạnh đó, còn có các sưu tập công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt và đồ trang sức… Trong đó có nhiều hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia như thạp đồng Đào Thịnh, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, đèn hình người quỳ… Xem bài viết Bảo vật Quốc gia Việt Nam về văn hóa – Trước Công nguyên đến thế kỷ 6. //tamdiepblog.wordpress.com/2021/07/07/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-ve-van-hoa-truoc-cong-nguyen-den-the-ky-6/

Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 200

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ nước Việt, tạo thành tam giác văn hóa của người Việt:

  • Văn hóa Đông Sơn: năm 800 tCN đến năm 100;
  • Văn hóa Sa Huỳnh: khoảng năm 500 tCN đến năm 200; và
  • Văn hóa Óc Eo: thế kỷ 1 đến thế kỷ 7.

Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 bên đầm An Khê [một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi]. Các cuộc khai quật vào nhiều năm khác nhau tại di tích gò Ma Vương hay còn gọi là Long Thạnh Đức Phổ – nơi được xem là có niên đại sớm nhất của Văn hóa Sa Huỳnh – đem lại những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển văn hóa Sa Huỳnh. Nền văn hóa Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu từ đó đến nay và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định được mệnh danh là “cái nôi Văn hóa Sa Huỳnh”, trong đó Quảng Ngãi là vùng lõi của Văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh được xác định thuộc thời đại đồ sắt sớm, có nguồn gốc bản địa, địa bàn phân bố rộng, tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh có ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng Đông Nam Á cũng như Trung Hoa cổ xưa và Ấn Độ cổ xưa. Bản đồ dưới đây chỉ Văn hóa Sa Huỳnh năm 200 tCN, dưới thời Hán Cao Tổ bên Trung Hoa [lên ngôi năm 202 tCN] trong khi Triệu Đà đang cai trị nước Nam Việt sau khi đánh thắng An Dương Vương năm 208 tCN.

Mai táng bằng mộ chum

Khởi đầu, M. Vinet năm 1909 phát hiện ở Sa Huỳnh khoảng 200 quan tài bằng chum, còn được gọi là mộ chum. Người ta gọi di tích khảo cổ đó là Kho Chum Sa Huỳnh [Pháp ngữ: Dépot à Jarres Sa Huỳnh]. Mộ chum trong Văn hóa Sa Huỳnh được chôn thành cụm, thường ở cồn cao ven biển, ven sông với nhiều hình thức mai táng: cải táng, hỏa táng, hung táng trẻ em và mộ tượng trưng.

Mộ chum Sa Huỳnh đa dạng về kích thước và kiểu dáng như: chum hình trụ, chum hình trứng, chum trung gian giữa hình trụ và hình trứng, chum hình cầu, chum lồng nhau… Chum thường có nắp hình nón cụt đáy bằng, loại gần hình chóp nón đáy gần nhọn, loại hình cầu đáy lòng chảo… Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m, đường kính một mét, đa phần cao dưới một mét, đường kính 50-60 cm.

Trong mộ chum bao giờ cũng kèm theo vật tùy táng như đồ gốm, công cụ đá, công cụ sắt, đồng và đồ trang sức…. Những vật tùy táng được tìm thấy trong mộ chum thể hiện một tín ngưỡng riêng của cư dân Sa Huỳnh cũng như của cư dân vùng biển ở nhiều khu vực trên thế giới. Cuộc sống của họ gắn liền với biển và đến khi chết người thân đưa họ về với biển.

Riêng tại Quảng Nam, trên 50 địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh được đào thám sát và khai quật. Bước đầu thu thập được rất nhiều mộ chum phục vụ cho công tác nghiên cứu. Qua sưu tập mộ chum hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Quảng Nam hiện nay, có thể tái hiện một phần đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Sa Huỳnh phát triển đến một trình độ cao.

Trồng trọt

Dân cư cổ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh định cư chủ yếu dọc hai bên vùng đất thấp thuộc các con sông dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, trải dài từ Quảng Bình cho đến Phú Yên. Họ thuộc một nguồn gốc văn minh lúa nước Đông Nam Á. Những dụng cụ bằng sắt như cuốc, dao, kiếm, lao, đục, xà beng… được tìm thấy ở đây. Đồ gốm lớn với hoa văn đẹp, cùng với kỹ thuật dùng bàn xoay làm lạc hướng các nhà khảo cổ về nguồn gốc của Vương quốc Chiêm Thành, những đồ gốm dùng để đựng các vật dụng và sản phẩm nông nghiệp, đánh cá và cả mai táng người chết.

Phần đất miền Trung bao gồm xứ Quảng là nơi tụ hội và giao tiếp văn hóa Tây-Đông, giữa miền núi với miền biển và đồng bằng xứ Quảng đã từng là nơi hội tụ văn hóa, kết tinh văn minh, dựng lên nền văn minh lúa nước và dâu tằm nổi tiếng. Lúa hai mùa, tằm tám lứa, tơ mỗi năm được sử sách chép đến sớm nhất là đồng bằng xứ Quảng, trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh. Sách sử có nói đến người Cham trồng hai vụ lúa và để thích ứng với thời tiết, người Cham tìm ra giống lúa chịu hạn gieo trồng vào đầu mùa khô, để đầu mùa mưa thì lúa chín. Sử sách gọi là mùa Chiêm. Cũng do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt khô hạn nên cư dân cổ Sa Huỳnh và Champa đã đào cả một hệ thống giếng lấy nước tưới cho cây trồng nên giới nghiên cứu ghi nhận một nền văn hóa gọi là “văn hóa Giếng Champa cổ”.

Đánh cá và đi biển

Người Sa Huỳnh cổ là những cư dân nông nghiệp, và đi biển chỉ là một trong những sinh hoạt của họ. Các đồng tiền Ngũ Thủ và Vương Mãng [đầu thế kỷ 1 tCN], các gương đồng của nhà Tây Hán [202 tCN – 8], đỉnh đồng nhà Đông Hán [25-220] có trong các mộ chum chứng tỏ họ đã có một nền sản xuất hàng hóa cùng với sự giao thương khá phát triển. Người Cham đã biết khai thác trầm hương, quế, ngà voi, sừng tê, dầu rái, ngọc, vàng trên núi, hồ tiêu trên đồi, biết làm ruộng hai mùa ở đồng bằng hẹp Minh Kinh và Ô Chân. Họ trồng cau, dừa và trồng dâu nuôi tằm một năm tám lứa từ trước kỷ nguyên Dương lịch. Họ biết làm thuyền to gọi là nốôc [bàu] và thuyền nhỏ [tròong ghe]. Hai cảng Cửa Việt, Cửa Tùng từng là hải cảng quốc tế từ lâu trước khi Lâm Ấp thành lập nhưng phồn thịnh nhất là thời quốc vương Champa cùng thời với triều Đường [618-907] bên Tàu. Người Cham biết đánh cá biển và buôn bán đường biển trên vùng Đông Nam Á, từ ven biển Trung Hoa xuống tới Ấn Độ Dương.

Đồ trang sức và kỹ thuật làm thủy tinh

Ở những khu mộ táng của Văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ tìm thấy các bộ hạt chuỗi giá trị ở Lai Nghi. Trong khi rây bằng sàng phát hiện được hơn 8.600 hạt cườm bằng thủy tinh màu xanh, vàng hoặc nâu có đường kính 1-3 mm. Ngoài bộ hạt chuỗi gồm khoảng 1.500 hạt bằng đá mã não, achat, crystal, amethyst, nephrite và bằng vàng, còn có 4 khuyên tai bằng vàng. Người văn hóa Sa Huỳnh ở Lai Nghi thích sử dụng nhiều nhất loại đá ngọc mã não làm đồ trang sức. Hơn 15 hình dạng hạt chuỗi khác nhau được chế tác – có lẽ bằng đá mã não đến từ khu vực Myanma hoặc Ấn Độ. Trong tổng số 1.136 hạt chuỗi bằng đá mã não tìm thấy ở Lai Nghi có 3 chiếc rất đặc biệt: chiếc thứ nhất có hình con chim nước, chiếc thứ hai có hình con hổ hoặc sư tử và chiếc thứ ba là hạt chuỗi khắc. Cả ba hạt chuỗi này được phát hiện trong 3 mộ chum khác nhau cùng với nhiều đồ tùy táng quý khác có niên đại vào thế kỷ 1-2 TCN. Những di vật hiếm thấy khác ở miền Trung Việt Nam được kể đến là hai cái gương bằng đồng của thời kỳ Tây Hán.

Thủy tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh. Các cư dân dùng cát trắng để nấu thủy tinh làm bát lọ và đặc biệt những chuỗi hạt trang sức bằng thủy tinh [mà sử sách Hoa ngữ gọi là “lưu ly” gốc từ chữ Phạn là verulia] từ đầu Công nguyên. Đây là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới. Chúng không những đa dạng về kiểu dáng mà còn phong phú về màu sắc như xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu. Sử Trung Hoa đã từng ghi chép về một chén thủy tinh xuất phát từ vùng đất này mà họ gọi là chén lưu ly với một sự trân trọng và khâm phục.

Nổi bật trong những vật trang sức của người Sa Huỳnh là khuyên tai ba mấu dành cho phụ nữ và khuyên tai hai đầu thú của nam giới. Nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện chất dũng mãnh, kiêu hãnh và cư­ờng tráng của nam giới. Những vật trang sức chế tác từ đá, mã não và thủy tinh có thể nói là những tinh hoa đặc sắc nhất mà nền văn minh này sáng tạo ra và đư­ợc phổ biến khắp vùng Đông Nam Á. Người ta tìm thấy khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Đài Loan.

Đồ gốm

Người Sa Huỳnh rất khéo tay và có mỹ cảm tuyệt vời. Các đồ gốm gia dụng đều được tạo dáng thanh nhã, cân đối, hoa văn phong phú, sinh động, thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu xúc cảm.

Nghệ nhân Lâm Dũ Xênh, chuyên sưu tập những mẫu hiện vật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh cho biết, đặc trưng gốm Sa Huỳnh là hoa văn đơn sơ, sản xuất chủ yếu thủ công, chất liệu đất sét có pha cát xốp, không tráng men, sản phẩm nung nhẹ lửa, đều. Trong khi đó các sản phẩm thuộc nền văn hóa khác chủ yếu dùng đất cao lanh, có sử dụng men, nung ở nhiệt độ cao, hoa văn đa dạng.

Trong gốm Sa Huỳnh, các đồ đựng như bát, bình có chân đế, có thân gãy ở vai hay đáy, chiếm tỷ lệ lớn. Mẫu gốm thường gặp là vàng đỏ, đôi khi xám-nâu, nhiều khi có vệt đen bóng, có hoa văn chữ S và đệm tam giác, những đường chấm hay đường in dấu răng vỏ sò. Trong các di chỉ mộ táng, phổ biến là mộ chum, trong chum chứa nhiều đồ trang sức bằng đồng, đá quý, thủy tinh, đặc biệt là loại khuyên tai ba mấu nhọn và khuyên tai hai đầu thú. Các đặc trưng đó của Văn hóa Sa Huỳnh cũng đã tìm được ở các di chỉ trong lưu vực sông Đồng Nai. Có nơi còn có những đặc trưng xưa hơn, mà khảo cổ học gọi là văn hóa thời tiền Sa Huỳnh.

Xã hội Sa Huỳnh

Khoảng năm 1000 tCN, trên lưu vực Sông Đồng Nai mà lãnh thổ Lâm Đồng là thượng nguồn, có những bộ lạc sinh sống với một nền văn hóa đồng-sắt đã phát triển và có đặc trưng riêng. Các bộ lạc này là tiền thân của các dân tộc bản địa.

Bấy giờ trên địa bàn của Văn hóa Sa Huỳnh có hai bộ lạc sinh sống:

  • Bộ lạc Dừa [chữ Phạn là Narikela vam’sa] ở vùng Bình Định, Quảng Nam ngày nay. Từ thế kỷ đầu trước Công nguyên bị nhà Hán đô hộ [cùng thời kỳ với nước Âu Lạc] và đặt tên là Huyện Tượng Lâm. Năm 190-193, dân Tượng Lâm nổi dậy đánh đuổi người Hán, lập nên nước Lâm Ấp [theo tên gọi của thư tịch cổ Trung Hoa], tồn tại đến khoảng năm 605. Vương quốc này được coi là giai đoạn khởi đầu cho lịch sử Chiêm Thành độc lập.
  • Bộ lạc Cau [chữ Phạn là Kramuka vam’sa] cư trú vùng Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào. Khoảng đầu công nguyên đã hình thành một tiểu vương quốc riêng có tên là Panduranga [tên Phạn] hay Pan-Rãn [tiếng Cham cổ], về sau gọi là Chiêm Thành, có địa bàn từ Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết ngày nay.

Tập tục tín ngưỡng

Tập tục độc đáo của cư dân Sa Huỳnh là chôn người quá cố trong các chum lớn, có những chiếc chum cao đến 1,2 m. Chum được làm từ vật liệu đất đen hay đất có màu đỏ và được nung khá tốt. Người chết được táng trong chum với tư thế ngồi bó gối – như một hiện tượng được sống tiếp với thế giới cõi âm. Đồ tùy táng theo người chết tùy thuộc vào sự giàu có hay nghèo khó của người chết mà có nhiều hay ít hiện vật được chôn theo.

Người Sa Huỳnh theo tín ngưỡng thờ mẫu [mẹ, bà] và còn tồn tại cho đến ngày nay ở các dân tộc Cham và các cư dân bản địa Tây Nguyên. Tuy theo đạo Hồi nhưng đã biến cải thành đạo Bani mang bản sắc văn hóa truyền thống Chiêm Thành thờ thần linh và ông bà tiên tổ.

Đồng bào Cham còn lưu lại một nền văn hóa cổ với những vần thơ dân gian, những bia ký sử thi văn học, những giai thoại truyền kỳ lịch sử cùng với nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng tinh vi, sống động của truyền thống của người Môn-Việt thời cổ đại.

Những nơi lưu giữ hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh:

  • Bảo tàng Đà Nẵng
  • Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An.
  • Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh-Champa ở Trà Kiệu, Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam
  • Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi;
  • Khu di tích Văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời ở địa bàn các xã Phổ Thạnh và Phổ Khánh, Huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Nguồn: Lâm Thị Mỹ Dung [2019], Nguyễn Văn Sơn [2014], Wikipedia_Văn hóa Sa Huỳnh.

Mộ chum bằng đất nung, 2500-2000 tCN

Táng tục người chết trong các mộ chum, mộ vò được làm bằng đất nung là một trong những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh. Khi nghiên cứu tục mai táng người chết trong các chum vò của người Sa Huỳnh, hiện nay các nhà nghiên cứu cho rằng, người Sa Huỳnh sau khi chết đi được chôn vào trong các chum táng, vò táng với quan niệm: con người sinh ra từ bụng mẹ đến khi chết đi rồi vẫn về với bụng mẹ, bụng mẹ ở đây là sự biểu trưng của các chum táng, vò táng với kích thước lớn, nhỏ khác nhau. [Võ Cáp, 2020]

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nồi đất nung thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, 2000-1500 tCN

Chiếc nồi đất nung thuộc Văn hóa Phùng Nguyên này là một hiện vật hiếm hoi so với niên đại rất cổ. Nồi có đường kính 12 cm, cao 10 cm, tức là nhỏ như một chiếc tô.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán với giá 1800 euro.

Khuyên tai đá ngọc hình gối quạ, khoảng 1500-1000 tCN

Đây là loại khuyên tai độc đáo, cho tới nay chỉ gặp trong Văn hóa Đồng Đậu.

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Cốc đất nung thuộc Văn hóa Gò Mun, 1100-500 tCN

Cốc đất nung cao 11 cm.

Văn hóa Gò Mun lấy tên địa danh đầu tiên phát hiện được là Gò Mun ở Xã Tứ Xã, Huyện Lâm Thao,h Phú Thọ. Trên địa bàn Phú Thọ có 14 địa điểm di tích văn hóa Gò Mun như các di chỉ: Gò Mun, Gò Chiền, Gò Tro Trên, Gò Tro Dưới… phân bố trong các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Đoan Hùng. Văn hóa Gò Mun là nền văn hóa hậu kỳ thời đại đồng thau và tiền Đông Sơn [sơ kỳ đồ sắt].

Trong buổi đấu giá ngày 24-03-2017, cốc gốm này được bán với giá €283 [6.743.607 VND].

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Trống đồng Sông Đà thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Trống đồng Sông Đà còn có tên là trống Moulié, là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn, có nhiều hoa văn phong phú.

Phó sứ Moulié Tỉnh Hòa Bình lấy trống này từ nhà người vợ góa của viên quan lang người Mường vùng Sông Đà thuộc Tỉnh Hòa Bình. Năm 1889, trống được mang trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris và sau đó không được trở về Việt Nam nữa.

Đây là một trong những chiếc trống đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn đẹp nhất và còn nguyên vẹn nhất – và vì thế bị thực dân Pháp mang về nước họ. Đường kính mặt trống là 78 cm, chiều cao là 61 cm.

Hoa văn trên mặt trống: Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao nổi 14 cánh, xem kẽ các cánh sao là những họa tiết trang trí kiểu lông công. Bao quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn, gồm hai loại: hoa văn hình học và hình khắc người, động vật và vật. Về hoa văn hình học, ngoài những hoa văn các chấm nhỏ thẳng hàng, chữ gãy nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, văn răng cưa,…còn có thêm một vành gồm hai đoạn hồi văn xen giữa với hai đoạn văn xoắn ốc hình quả trám kèm theo vòng tròn chấm giữa. Vành 18 có hình chim, gồm 16 hình chim bay và hai chim đứng.

Hoa văn ở thân trống: Phía trên của tang trống có một băng hoa văn hình học gồm 6 vành: hai vành 1 và 6 là những đường cấm nhỏ, các vành 2 và 5 là văn răng cưa, hai vành 3, 4 là vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Dưới băng hình học này là hình 6 chiếc thuyền, xen giữa các thuyền có hình một chim đứng. Đây là loại chim cổ cao, chân giống con chim hạc. Cứ hai chiếc thuyền thì lại có một con chim đứng. Mỗi thuyền đều có năm người, mũ trên đầu họ đều có hình đầu chim.

Bên dưới những chiếc thuyền này là một băng hoa văn hình học, gồm 3 vành: một vành hoa văn vòng tròn có chấm giữa nằm giữa hai đường chấm nhỏ.

Trống có hai đôi quai kép trang trí văn thừng. Chân trống không có trang trí.

Nơi lưu giữ hiện vật: Musée national des Arts asiatiques-Guimet [Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á – gọi tắt Bảo tàng Guimet], Paris, Pháp.

Trống đồng có 4 tượng cóc thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Cóc hoạt động mạnh vào mùa mưa, vì thế tượng cóc thể hiện ý cầu mong mưa thuận gió hòa để sản xuất đủ thức ăn.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Lọ đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Lưỡi rìu đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, khoảng 500 tCN

Đây là loại lưỡi rìu gót vuông được trang trí cảnh săn hươu.

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Tp HCM.

Giáp tay bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 500- 100 tCN

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Vòng chân bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 500- 100 tCN

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bao dao găm bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 500 – 100 tCN

Hiện vật được thu thập ở Nghệ An. Cao 13,5 cm. Thuộc loại cổ vật đẹp và hiếm.

Nơi lưu giữ hiện vật: Cornette de Saint Cyr, Paris, Pháp [có thể đã được bán bất kỳ lúc nào].

Lẫy nỏ bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Thạp đồng Đào Xá thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Thạp đồng Đào Xá từ Yên Bái thuộc loại trung bình, dáng quả nhót [đặc trưng của văn hóa Đông Sơn], miệng loe đứng [loại không có nắp], thân thuôn, đáy lõm gần bằng, quai kép hình khuyên tạo nổi hình sống trâu với nhiều gờ nổi. Trải qua thời gian tồn tại, patine của thạp rất bóng, vẫn ánh lên màu xanh biếc xen lẫn màu vàng xám. Thạp gần như nguyên vẹn, chỉ sứt nhỏ phần gờ miệng, với đường kính 25 cm; đường kính đáy 22 cm; cao 31 cm. Quan sát các băng hoa văn trang trí phủ kín mặt ngoài thạp có thể nhận thấy đó là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, đồng thời cảm nhận được phần nào thế giới quan của người Đông Sơn xưa.

Chiếc thạp Đào Xá này cho chúng ta những hiểu biết mới về cách biểu đạt đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người Việt cổ vào thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.

Thạp đồng là loại vật dụng rất đỗi gần gũi với đời sống sinh hoạt của người Đông Sơn. Cho dù sử dụng trong đời sống thường nhật hay trong các nghi lễ tôn giáo, mai táng… song, vượt lên trên hết đó là nơi gửi gắm bao tâm tư, ước vọng của cư dân lúa nước Việt cổ, sâu sắc hơn là quan niệm về thế giới nhân sinh cao cả, mà cho đến hôm nay không hẳn trong mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhận/hiểu. [Nguyễn Văn Đoàn, 2014]

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Thạp đồng [1] thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Thạp có dáng như một chiếc xô đựng nước hiện đại mà giới yêu thích đồ đồng cổ gọi bằng cái tên dân dã “xô đồng”. Đây là loại thạp không có nắp, có dáng hình trụ, miệng thẳng, phía trên nở và hơi thót dần xuống đáy, có hai quai chữ U.

Thân thạp có hai dải khắc hoa văn các loài thú, xen kẽ những dải hoa văn hình học.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán với giá 5500 euro.

Thạp đồng [2] thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Thạp có dáng như một chiếc xô đựng nước hiện đại mà giới yêu thích đồ đồng cổ gọi bằng cái tên dân dã “xô đồng”. Đây là loại thạp không có nắp, có dáng hình trụ, miệng thẳng, phía trên nở và hơi thót dần xuống đáy, có hai quai chữ U.

Thân thạp có một dải rộng khắc hoa văn các loài thú, xen kẽ những dải hoa văn hình học.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Thạp đồng [3] thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Thân thạp có một dải khắc hoa văn thuyền chở người, xen kẽ những dải hoa văn hình học.

Ghi chú: Chú thích ảnh ghi niên đại là thế kỷ 6-1 tCN nhưng không ghi nguồn, nên người tổng hợp bài này ghi niên đại 800 tCN – 100 cho nhất quán với các hiện vật trên.

Nơi lưu giữ hiện vật: Musée national des Arts asiatiques-Guimet [Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á – gọi tắt Bảo tàng Guimet], Paris, Pháp.

Dao găm có chuôi hình người thuộc Văn hóa Đông Sơn, 500 tCN – 1

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Có những hình người khác trên chuôi dao găm thuộc Văn hóa Đông Sơn, như trình bày dưới đây.

Đặc điểm trang phục hình người: nam thường cởi trần và đội mũ, hình tượng mạnh mẽ, còn nữ thường có trang phục đầy đủ và khá cầu kỳ với mũ, khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, áo dài tay, váy quấn, vải quấn quanh bụng.

Vòng đồng đeo cổ thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Lọ thắp hương bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Đế cắm đèn bằng đồng hình voi thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Muỗng/Thìa đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Muỗng/Thìa đồng đầu bò thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Vòng đồng trang sức đeo tay thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Trống đồng tí hon thuộc Văn hóa Đông Sơn, 500-100 tCN

Trống đồng thực sự tí hon: đường kính 6 cm, cao 5,5 cm.

Vẫn chưa rõ công dụng cụ thể của loại trống đồng này, vốn thường được chôn theo người chết làm đồ tùy táng. Trống cũng có thể được sử dụng trong nghi thức khác.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán ngày 23-3-2016.

Trống đồng tí hon với 4 tượng cóc, 500 tCN – 300

Trống đồng có kích thước tí hon: đường kính chỉ có 10,2 cm, trong khi nhiều trống đồng có đường kính đến 1,2 m.

Vẫn chưa rõ công dụng cụ thể của loại trống đồng này, vốn thường được chôn theo người chết làm đồ tùy táng. Trống cũng có thể được sử dụng trong nghi thức khác.

Nơi lưu giữ hiện vật: The Metropolitan Museum of Art, Tp New York, Hoa Kỳ.

Bình đất nung hai quai thuộc Văn hóa Đông Sơn, 500-100 tCN

Ghi chú: niên đại được ghi theo nhà sưu tập. Thời kỳ Văn hóa Đông Sơn thường được cho là 800 tCN – 100.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Âu 3 chân thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Âu Đông Sơn 3 chân có quai cầm cao 20 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: Nhà sưu tầm cũng là nhà khoa học John Menke.

Hũ đất nung thuộc Văn hóa Đông Sơn, 800 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: Cornette de Saint Cyr, Paris, Pháp [có thể đã được bán bất kỳ lúc nào].

Mộ chum đất nung [1] thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 1

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Mộ chum đất nung [2] thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 1

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Đà Nẵng.

Đèn đất nung thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 200

Trong những đồ dùng sinh hoạt của Văn hóa Sa Huỳnh, loại hình đèn đất nung chiếm khá phổ biến và thường có cấu tạo: phần miệng rộng loe hoặc khum; có gờ cao và rãnh có thể để đựng dầu; phần đế choãi giống bình hoặc bát bồng được trang trí hoa văn khắc vạch. Những chiếc đèn này có phần chân được trổ lỗ hình tam giác, chân vững chãim chính vì vậy mà nhiều nhà khoa học còn cho rằng những chân đèn này có thể đã được cư dân đương thời sử dụng rộng rãi, gắn liền với tập quán sinh hoạt.

Sự phổ biến của loại hình đèn trong Văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt trong những ngôi mộ táng, phần nào thể hiện chắc hẳn đây là một trong những vật dụng quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các nghi lễ mai táng của cư dân Băn hóa Sa Huỳnh. Cũng như bao cư dân khác trên đất nước như Đông Sơn, Đồng Nai, Óc Eo…, có lẽ lúc bấy giờ, cư dân Băn hóa Sa Huỳnh đã biết dùng đèn dầu để thắp sáng phục vụ đời sống trên trần gian cũng như khi sang thế giới bên kia. Vì thế, đèn trở thành đồ tùy táng không thể thiếu trong những ngôi mộ.

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bình đất nung thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 200

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chuỗi ngọc [1] thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 200

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Chuỗi ngọc [2] thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 200

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Nồi đất nung thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 200

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Tp HCM.

Tượng người ngồi bằng đồng thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN – 300

Tượng bằng đồng cao 8,9 cm, thuộc thời đại đồ đồng của Văn hóa Sa Huỳnh.

Nơi lưu giữ hiện vật: The Metropolitan Museum of Art, Tp New York, Hoa Kỳ.

Lọ bằng đá hình tù và thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, 500 tCN đến 100

Đây là lọ đựng nước hoặc nậm rượu. Chiếc lọ được làm bằng đá, cao 7 cm. Hiện vật có hình dạng khác thường, giống như một chiếc tù và, mà giới chuyên môn nước ngoài cho là kỳ bí [enigmatic]. Có lẽ một phần lý do là nếu để đựng nước hay rượu thì không thể để hiện vật này xuống để tự nó đứng vững nên phải cầm mãi trên tay [?]

Được cho là có liên quan tới Văn hóa Sa Huỳnh, và có lẽ được dùng trong nghi thức tang lễ.

Nơi lưu giữ hiện vật: The Metropolitan Museum of Art, Tp New York, Hoa Kỳ.

Chân đèn đất nung di chỉ Hòa Diêm, 500 tCN đến 200

Di tích khảo cổ học Hòa Diêm thuộc Thôn Hòa Diêm, Xã Cam Thịnh Đông, Thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa, nằm trong thung lũng của dãy núi Tà Lưa, cách bờ biển khoảng 500 m về phía Đông. Thông qua một số mảnh gốm cổ của di tích, các nhà khảo cổ học dự đoán là những mảnh gốm này thuộc vào khoảng cuối Văn hóa Sa Huỳnh sang đến tận Chăm Pa sớm.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Vòng chân bằng đồng gắn lục lạc thuộc Văn hóa Đông Sơn, 400 tCN – 100

Những vòng ống, vòng tay đính nhiều lục lạc gợi ra hình ảnh về “những bước đi có nhạc”.

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Giáp che ngực bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 400 tCN – 100

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trống đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, 300-100 tCN

Cũng thuộc Văn hóa Đông Sơn nhưng chiếc trống này được ghi niên đại 500 năm sau chiếc trống được trình bày ở phần trên.

Trống đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn này có chiều cao khiêm tốn: 24 cm. Được trang trí với những hình người, chim và hoa văn hình học.

Nơi lưu giữ hiện vật: Cornette de Saint Cyr, Paris, Pháp [có thể đã được bán bất kỳ lúc nào].

Nồi đất nung có chân thuộc Văn hóa Đông Sơn, 300-100 tCN

Chiếc nồi đất nung có chân mang nét mỹ thuật cao với hoa văn trang trí đặc trưng cho thời kỳ này, lại còn lành lặn so với niên đại rất cổ. Chiều cao 17 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán với giá 400 euro.

Tượng tê tê Long Giao bằng đồng, 300 tCN – 200

Tượng tê tê [còn được gọi là con trút] được phát hiện ở vùng Long Giao, Long Khánh, Đồng Nai. Tượng cao 7,5 cm, rộng 9,5 cm, dài 37,3 cm, nặng 2,6 kg, được đúc từ khuôn sa thạch và pha chế từ hợp kim đồng thau. Từ đầu đến đuôi tượng được tạo từng hàng vảy khá đều, dưới bụng và chót đuôi không có vảy. Phía dưới phần thân [gần đuôi] có một lỗ rỗng hình tròn thông vào phần bụng.

Nhìn chung, tượng mang tính tả thực một cách tinh tế, công phu. Từ đầu mỏ, mắt, lỗ tai… cho đến từng lớp vảy được thể hiện sinh động, chuẩn xác và cân đối nên dù tượng đã có dấu hiệu lên teng đồng [màu xanh đen] ăn mòn nhưng vẫn còn nguyên vẹn và đáng để cho hậu thế chiêm ngưỡng, bái phục tay nghề của các nghệ nhân tiền sử.

Theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh [Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn]: “Với tượng tê tê Long Giao, lần đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á ghi nhận sự hiện diện của loài thú này trong tâm thức điêu khắc tiền sử và nghệ thuật tạo hình tròn xưa. Đây cũng là khối tượng lớn nhất khu vực mà khảo cổ học được biết về trọng lượng và kích thước.” [Hà Đình Nguyên, 2011]

Nơi lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Đồng Nai.

Chuông đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, khoảng 200-100 tCN

Chuông khá cao: 57 cm, đường kính 33 cm. Không hiện vật tương tự nào tìm được có quả lắc, và hiện vật này cũng thế.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán với giá 50.000 đô la Hongkong.

Hình giao long trang trí trên giáo đồng, 200 tCN – 300

Giao long là linh vật Việt được cách điệu từ cá sấu, là vật Tổ biểu trưng cho sức mạnh của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Hũ đựng rượu bằng đồng có nắp, khoảng 100-1 tCN

Hiện vật thuộc Văn hóa Đông Sơn tuy xuất hiện muộn, và có lẽ vì lý do này mà hoa văn tinh tế, thể dáng còn lành lặn.

Chiều cao 36,7 cm, đường kính 31 cm.

Bình men vàng có nắp và 2 vấu thời Giao Chỉ, 100 tCN – 200

Ghi chú: Giao Chỉ tương ứng với Quận Giao Chỉ và Bộ Giao Chỉ thời Bắc thuộc từ thế kỷ 1 tCN đến thế kỷ 2, tuy thế kỷ 15 đất nước dùng lại tên Giao Chỉ nhưng không tính thời khoảng đó vào đây.

Bình men vàng thời Giao Chỉ này cao 34 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: Nhà sưu tầm cũng là nhà khoa học John Menke.

Bình men vàng có 2 vấu miệng nhỏ thời Giao Chỉ, 100 tCN – 200

Bình men vàng thời Giao Chỉ này cao 24 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: Nhà sưu tầm cũng là nhà khoa học John Menke.

Ấm cốt đá hình đầu voi thời Giao Chỉ, 100 tCN – 200

Ấm cốt đá hình đầu voi thời Giao Chỉ này có kiểu dáng độc đáo, cao 27 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: Nhà sưu tầm cũng là nhà khoa học John Menke.

Lư ba chân có nắp thời Giao Chỉ, 100 tCN – 300

Hiện vật cao 9,8 cm.

Thạp đồng ba chân có nắp, 111 tCN – 603

Ghi chú: Nhà buôn đồ cổ ghi thời khoảng niên đại chính xác đến từng năm như thế là trùng với sự khởi đầu của thời Bắc thuộc thứ nhất và sự khởi đầu của thời Bắc thuộc thứ ba, nhưng hai thời điểm không liên quan gì với nhau.

Thạp hình trụ, cao 32 cm. Quý hiếm do vừa có ba chân vừa có nắp.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã bán.

Chum đất nung, 111 tCN – 603

Đến thời kỳ này, các hiện vật đất nung trông tinh tế hơn trước, cũng có thể được gọi là đồ gốm. Chum cao 17,5 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán ngày 22-11-2018.

Hũ đất nung, 111 tCN – 603

Hũ cao 18 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ, đã được bán ngày 06-3-2018.

Hũ đất nung, 100 tCN – 500

Hũ cao 15 cm.

Nơi lưu giữ hiện vật: Cornette de Saint-Cyr, Paris, Pháp [có thể đã được bán bất kỳ lúc nào].

Khuyên tai thủy tinh hình hai đầu thú, khoảng 10 tCN

Khuyên tai thủy tinh này thuộc Văn hóa Sa Huỳnh.

Nơi lưu giữ hiện vật: không rõ.

Nguồn tham khảo và đọc thêm

Diễm Vân [2013]. Chiêm ngưỡng đèn cổ Việt Nam. //doanhnhanplus.vn/chiem-nguong-den-co-viet-nam-37321.html

Hoàng Nguyên [2012]. Bộ sưu tập cổ vật đẹp chưa từng thấy. //vietnamnet.vn/vn/giai-tri/bo-suu-tap-co-vat-dep-chua-tung-thay-83077.html

Jackie Phương [2021]. Miếu Bà Chúa Xứ – Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại An Giang. //nucuoimekong.com/mieu-ba-chua-xu

Lâm Thị Mỹ Dung [2019]. “Phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh [1909-2019]”, Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt, 9[3]: 75-97.

Lê Thí [2018]. Bảo vật Ngũ Hành Sơn “lưu lạc” trên đất Pháp. //baodanang.vn/channel/5433/201809/bao-vat-ngu-hanh-son-luu-lac-tren-dat-phap-3110299/

Nguyễn Quốc Bình & Doremon360 [2009]. Văn hóa Đông Sơn – 85 Năm phát hiện và nghiên cứu. //doremon360.blogspot.com/2009/07/bai-23-van-hoa-dong-son.html?m=1

Nguyễn Quốc Hữu [2013]. Bảo tàng Lịch sử quốc gia chuẩn bị trưng bày chuyên đề: “Trang sức cổ Việt Nam”. //baotanglichsu.vn/vi/Articles/3090/14952/bao-tang-lich-su-quoc-gia-chuan-bi-trung-bay-chuyen-dje-trang-suc-co-viet-nam.html

Nguyễn Thảo [2019]. Sưu tập đèn cổ trong hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. //baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3101/69612/suu-tap-djen-co-trong-he-thong-trung-bay-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia.html

Nguyễn Văn Đoàn [2014]. Rực rỡ văn hóa Đông Sơn qua thạp đồng mới phát hiện. //baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/15841/ruc-ro-van-hoa-djong-son-qua-thap-djong-moi-phat-hien.html

Nguyễn Văn Sơn [2014]. Khám phá mộ chum cổ trong Văn hóa Sa Huỳnh. //danviet.vn/kham-pha-mo-chum-co-trong-van-hoa-sa-huynh-7777415526.htm

Nhuận Oanh [2020]. Những thông điệp bí ẩn thách thức các nhà khoa học ở thánh địa Cát Tiên. //baophapluat.vn/nhung-thong-diep-bi-an-thach-thuc-cac-nha-khoa-hoc-o-thanh-dia-cat-tien-post337441.html

Phạm Quốc Quân [2017]. Thạp đồng – loại hình bản sắc của văn hóa Đông Sơn. //www.covatvietnam.info/thong-tin-chung/thap-dong-loai-hinh-ban-sac-cua-van-hoa-dong-son/

Trần Đức Anh Sơn [2018]. Cổ vật việt ở nước ngoài. //www.covatvietnam.info/co-vat-viet-nam/co-vat-viet-o-nuoc-ngoai/

Trịnh Sinh [2013]. Chiêm ngưỡng đồ trang sức Việt cổ. //vntravellive.com/chiem-nguong-do-trang-suc-viet-co-d16645.html

Viện Sử học [2002-2007]. Đại Nam thực lục, trọn bộ 10 tập. Bản dịch từ Đại Nam thực lục, Quốc sử quán Triều Nguyễn.

Võ Cáp [2020]. Táng tục mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận. //baotangbinhthuan.com/index.php/news/Nghiep-Vu/Tang-tuc-mo-chum-trong-van-hoa-Sa-Huynh-tai-Binh-Thuan-245/

Từ 45 trước Công nguyên đến 40 năm sau Công nguyên là bao nhiêu năm?

Giải thích về điều này là do không có năm 0, thời đại Công nguyên chỉ bắt đầu từ năm 1 nên từ năm 40 trước Công nguyên đến năm 40 sau Công nguyên chỉ là 79 năm mà thôi.

Năm 40 trước Công nguyên là thế kỷ bao nhiêu?

Năm 40 TCN là một năm trong lịch Julius. Thế kỷ: thế kỷ 2 TCN.

Công Nguyên là bao nhiêu năm?

Năm 0 [còn gọi là Năm Công nguyên] là tên gọi được sử dụng bởi một số học giả khi làm việc với các hệ thống lịch. Trong sử dụng thông thường ở các nước phương Tây, phần lớn mọi người không nói tới năm 0, vì thế năm 1 Anno Domini đứng liền ngay sau năm 1 TCN [Ante Christum Natum] mà không có năm 0 xen vào giữa.

Trước công nguyên đến sau Công nguyên là bao nhiêu năm?

Công nguyên là kỷ nguyên bắt đầu từ năm được cho là năm Chúa Giê-su ra đời, Công nguyên vẫn còn đang tiếp diễn, nó chỉ ngừng lại khi người ta quyết định kết thúc nó. Chừng nào Công nguyên chưa kết thúc thì mọi năm chỉ có thể là nằm trước hoặc trong Công nguyên, không có năm "sau Công nguyên".

Chủ Đề