Vai trò của chính sách kiểm soát giá

a] Tên Đề tài: Chính sách điều chỉnh giá của Nhà nước và tác động đến lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 - mã số DTNH.16/2015

b] Tổ chức chủ trì: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

c] Chủ nhiệm và người tham gia chính:

-Chủ nhiệm: TS. Lê Hồ An Châu - Phó Tổng biên tập, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

- Thư ký: TS. Nguyễn Trần Phúc - Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

- Các thành viên tham gia:

1.TS. Lê Hoàng Vinh - Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

2.TS. Ngô Vi Trọng - Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

3.Trần Thị Mỹ Hạnh - Viện Nghiên cứu Khoa học & Công nghệ, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

4.Trần Thị Mạo - Viện Nghiên cứu Khoa học & Công nghệ, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

5.Nguyễn Phương Tường Lan - Viện Nghiên cứu Khoa học & Công nghệ, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

6.Hoàng Mạnh Hùng - Phòng Nghiên cứu kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

7.Ngô Minh Ngọc - Vụ Tài chính Kế toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

d] Mục tiêu của nhiệm vụ:

Nghiên cứu tác động của chính sách giá của Nhà nước đến lạm phát, đánh giá xu hướng tác động của việc điều chỉnh các mức giá cơ bản như tiền lương, năng lượng, y tế, giáo dục đến lạm phát; đề xuất một số khuyến nghị chính sách.

đ] Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:

- Thời gian bắt đầu: Tháng 02/2015.

- Thời gian kết thúc: Tháng 05/2016.

e] Kinh phí thực hiện: 165 triệu đồng.

g] Kết quả thực hiện:

Chính sách kiểm soát giá đã tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử, đặc biệt được sử dụng phổ biến tại các quốc gia phát triển vào thời kỳ hậu chiến và những thập niên 1960, 1970 như là một biện pháp để giảm áp lực của lạm phát và ổn định kinh tế - xã hội. Rất nhiều nghiên cứu cũng đã được thực hiện về tác động của chính sách kiểm soát giá đến nền kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng, nhưng kết quả nghiên cứu vẫn không thống nhất và gây rất nhiều tranh cãi. Tại các quốc gia chuyển đổi như Việt Nam, mặc dù nền kinh tế phát triển theo định hướng của thị trường, chính sách kiểm soát giá là một bộ phận không thể thiếu trong chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Do đó, nghiên cứu vai trò của chính sách giá của Nhà nước trong điều hành lạm phát mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

Nhằm mục tiêu tổng quát là phân tích tác động của việc điều chỉnh tiền lương và giá một số mặt hàng chủ yếu đến lạm phát, đề tài nghiên cứu về chính sách quản lý giá ở Việt Nam từ sau đổi mới đến nay, kiểm định tác động của việc điều tiết các mặt hàng chủ yếu đến thay đổi của lạm phát và phân rã phương sai để thấy các cú sốc lạm phát và phân tích, dự báo diễn biến của lạm phát trong giai đoạn 2016 -2020.

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, đề tài được cấu trúc thành 05 chương, bao gồm: Chương 1 – Giới thiệu tổng quan về nghiên cứu; Chương 2 – Tổng quan lý thuyết về kiểm soát giá và tác động của chính sách điều tiết giá đến lạm phát; Chương 3 - Thực trạng điều tiết giá cả - tiền lương và lạm phát tại Việt Nam; Chương 4 - Kiểm định tác động của điều tiết giá và tiền lương đến lạm phát bằng mô hình VAR và phân tích dự báo cho giai đoạn 2015 - 2020; Chương 5 – Kết luận và gợi ý chính sách.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Kiểm soát giá cả là biện pháp can thiệp bằng hành chính của Nhà nước để đảm bảo sự ổn định của mức giá cả thị trường thông qua một số công cụ và chính sách điều tiết. Kiểm soát giá có lịch sử từ rất lâu đời để chống lại lạm phát gây ra do sự mất giá của đồng tiền bởi mọi người tin rằng lạm phát là do hoạt động đầu cơ quá mức gây nên. Ở các nước xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế chuyển đổi, chính sách quản lý giá đặc biệt phổ biến và vẫn còn được áp dụng như là một bộ phận cấu thành quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Mục tiêu của chính sách quản lý giá được xem xét cụ thể trong những thời kỳ khác nhau phù hợp với mục tiêu chung của kinh tế vĩ mô, cụ thể như sau: kiểm soát lạm phát; điều chỉnh cơ cấu sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự công bằng xã hội, nâng cao sản lượng và tăng trưởng kinh tế. Nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp và công cụ khác nhau để điều tiết giá cả, tùy thuộc vào từng thời điểm, mục tiêu và điều kiện của nền kinh tế, bao gồm: [i] công cụ định giá trực tiếp như giá cố định, giá sàn, giá trần, giá khung; [ii] công cụ điều tiết giá gián tiếp như trợ giá, chính sách thuế, chính sách điều hòa thị trường, thẩm định chi phí, hướng dẫn tính và lập giá, đăng ký và niêm yết giá, hiệp thương giá…

Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động quản lý và điều tiết giá hiện nay đã được cụ thể hóa trong Luật giá năm 2012. Một trong những cải tiến quan trọng trong quản lý giá là giảm mạnh việc định giá trực tiếp, chỉ còn quy định giá một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá. Các biện pháp điều tiết giá hiện nay bao gồm bình ổn giá, định giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá, hiệp thương giá, tăng cường thanh tra, kiểm tra giá, hướng dẫn và thông tin về giá… trên giá cả của các hàng hóa cơ bản, gồm giá điện, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục. Đồng thời, nhà nước cũng thực hiện chính sách tiền lương thông qua công cụ “mức tiền lương tối thiểu” để quản lý và điều tiết tiền lương phù hợp với thị trường lao động. Mức tiền lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, đảm bảo cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tiền lương tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác.

Đề tài cũng thực hiện kiểm định tác động của điều tiết giá và tiền lương đến lạm phát bằng mô hình VAR và phân tích dự báo giai đoạn 2015 - 2020 nhằm phân tích định lượng tác động của chính sách điều tiết tiền lương và giá cả đến lạm phát ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định lại rằng ngay cả trong một nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, kiểm soát và điều tiết giá tác động không đáng kể đến kiềm chế lạm phát. Mặc dù không kiểm định trực tiếp, nhưng có thể thấy rằng vai trò của điều tiết giá có chăng là giảm lạm phát kỳ vọng và ổn định tâm lý người dân và mục tiêu quan trọng hơn là phúc lợi xã hội. Trong khi truyền thông và Nhà nước quá chú trọng và đề cao vai trò của kiểm soát giá chưa có thống kê và lượng hóa trực tiếp việc điều tiết tiền lương và giá các mặt hàng thiết yếu góp phần bao nhiêu trong thay đổi lạm phát.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đề tài đưa ra gợi ý chính sách rằng để có giải pháp thực tế cho bài toán lạm phát, cần phải hiểu rõ nguyên nhân thực tế của lạm phát. Kết quả của nghiên cứu cho thấy sự thay đổi của cung tiền giải thích đến trên 60% sự thay đổi của lạm phát. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đề xuất hai nhóm giải pháp, bao gồm:

[i] Đối với Bộ tài chính

Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước tại Việt Nam cần tập trung vào các nội dung sau:

- Ban hành quy chế đối với hoạt động điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

- Chính sách điều tiết giá của Nhà nước cần bám sát hơn cơ chế giá thị trường trên mọi phương diện và hạn chế sử dụng “Quỹ bình ổn giá”.

- Đảm bảo tính cạnh tranh thực sự của thị trường.

- Quyết định khung giá điều tiết cần dựa vào kết quả dự báo và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế gắn khung giá điều tiết theo CPI.

- Chính sách điều tiết giá cần được nghiên cứu và thảo luận bởi sự tham gia của đại diện tất cả các bên có liên quan; bên cạnh đó là kết hợp thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá độc lập theo định kỳ hoặc đột xuất.

[ii] Đối với Ngân hàng Nhà nước:

- Để đạt được mục tiêu ổn định giá cả và ổn định nền kinh tế vĩ mô, sự phối hợp nhịp nhàng giữa CSTK và CSTT từ khâu xây dựng và hoạch định là một yêu cầu cấp thiết. Trước hết, Chính phủ cần có kế hoạch tổng thể tài chính – tiền tệ cho từng năm và từng giai đoạn cụ thể dựa trên dự báo về tình hình kinh tế thế giới và khu vực. Trong kế hoạch này, các vấn đề đầu tư công, bội chi NSNN cần được nghiên cứu và tính toán trong mối liên hệ chặt chẽ với các chỉ tiêu của CSTT. Ngoài ra, NHNN, Bộ tài chính và Tổng cục thống kê cần có sự phối hợp trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ tin cậy về các chỉ số kinh tế vĩ mô, chỉ số lành mạnh tài chính để làm cơ sở dự báo và hoạch định chính sách. Đồng thời, xây dựng mô hình dự báo phù hợp và đào tạo đội ngũ có năng lực tốt về thống kê, kinh tế lượng để đảm trách việc dự báo định kỳ.

- Cần xác định ổn định giá cả là mục tiêu cuối cùng của CSTT và các chỉ tiêu như cung tiền, tỷ giá hối đoái thường đóng vai trò là trung gian để đạt đến mục tiêu cuối cùng này. Từ kinh nghiệm của các quốc gia, trong thời gian tới việc theo đuổi cơ chế lạm phát mục tiêu là một chiến lược phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

- Cần xây dựng những nền tảng cho việc áp dụng cơ chế lạm phát mục tiêu bằng cách: Tiếp tục đẩy mạnh và giám sát hiệu quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 nhằm lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng; Phát triển thị trường tài chính; Đổi mới thể chế thông qua việc đổi mới Luật NHNN theo hướng tăng tính độc lập cao cho NHNN, thành lập Hội đồng CSTT; Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức của công chúng.

Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện xếp loại Giỏi.

Video liên quan

Chủ Đề