Trung thần liệt nữ là gì

[BGĐT] - Bắc Giang có rất nhiều phụ nữ anh hùng làm vẻ vang lịch sử giữ nước. Có những liệt nữ trong huyền thoại, truyền thuyết được tôn làm nhân thần, danh thần trong đền chùa, miếu mạo ở khắp nơi trong tỉnh. Có những liệt nữ được ghi vào lịch sử truyền thống và truyền tụng ở thế kỷ XX. 

Lễ hội Đa Mai [TP Bắc Giang] tưởng nhớ công ơn công chúa Bảo Nương, Bảo Ngọc giết giặc trên sông.

Người dân làng Ngọc Lâm, xã Tân Mỹ [TP Bắc Giang] lập đền thờ công chúa Thánh Thiên. Đền có câu đối: Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp Bà Trưng, mặt nước sông Thương gươm báu giăng lồng còn lấp lánh/ Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi giặc Hán, cành hoa bến ngọc, vòng tay thơm nức vẫn đâu đây. 

Chuyện rằng: Vào thời nhà Hán đô hộ nước ta, ở vùng Hải Dương có viên quan là Nguyễn Huyến cùng vợ mưu tính báo quốc, sinh được người con gái đặt tên là Thánh Thiên, yêu quý gọi là công chúa. Thánh Thiên có nhan sắc, lại trí lực, tài hoa. Văn chương, võ nghệ đều tinh thông. Bà mộ quân chống lại nhà Hán, chiến thắng nhiều trận. Bà đóng quân ở Ngọc Lâm, uy danh lừng lẫy. 

Bấy giờ hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Thánh Thiên nghe tin cũng ứng nghĩa, giúp hai Bà đánh lại Tô Định, được phong là Nguyên soái Bình tây Đại tướng quân, lĩnh chiếu tiên phong dẫn quân đánh Châu Thành, thu lại bờ cõi 65 thành. Sau, giặc Hán mạnh, quân nghĩa của hai Bà suy yếu. Hai Bà chạy về sông Hát tự vẫn. Thánh Thiên dẫn quân về bên sông Thương chống giặc rồi tuẫn tiết ở đó.

Cũng là một nữ tướng của hai Bà Trưng được phong thần là Dương Thị Giã. Bà quê ở Lý Cốt [Tân Yên] đã tập hợp những nghĩa binh để chống Tô Định nhà Hán. Bà được hai Bà Trưng phong làm tướng cầm quân đánh giặc nhiều trận, lập chiến công lớn. Trong một trận quyết chiến dẫu bị thương đầy người, ròng ròng máu chảy vẫn một mình một ngựa phá vòng vây, về đến núi Đót quê nhà mới chịu gục ngã. Bà được dân lập đền thờ trên núi.

Đền Đa Mai [TP Bắc Giang] thờ Bảo Nương, Bảo Ngọc. Hai công chúa nhà Trần dùng mỹ nhân kế đã cùng dân làng nhấn chìm xuống dòng sông Thương thuyền chở tướng giặc Nguyên vào mùa xuân 1288.

Những năm 30 của thế kỷ trước, phong trào cách mạng sục sôi. Hai chị em Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang là tấm gương ngời sáng. Nguyễn Thị Bắc sinh năm 1908 tại Thọ Xương, Phủ Lạng Thương [TP Bắc Giang ngày nay] trong một gia đình yêu nước. 

Mới 16 tuổi, Nguyễn Thị Bắc đã tham gia tổ chức yêu nước của Nguyễn Khắc Nhu ở Hội Quốc dân dục tài [sau gia nhập vào Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học]. Sau nhiều năm bị giam giữ ở Côn Đảo, bà cùng chồng về Phủ Lạng Thương mở hiệu Bô - vô với danh nghĩa bán thịt bò và thức ăn nguội để làm nơi liên lạc với những người cùng chí hướng. Bà mất năm 1943 do đòn tra tấn của kẻ thù khi ở tù. 

Là em gái Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang sinh năm 1910, ham đọc sách báo, tỏ ra là người hiểu biết thời thế, sớm có ý thức làm cách mạng chống Pháp. Bà là ủy viên trong ban lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng, chuyên lo về tài chính, cổ động tuyên truyền và giao thông liên lạc, là vợ của Nguyễn Thái Học. Năm 1930, khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thị Giang đã rút súng tự sát ở quê chồng [Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc] để lại hai bức thư và một bài thơ. Ngày nay, nhiều đường phố ở một số tỉnh mang tên hai bà.

Bắc Giang có nữ anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống thực dân Pháp là Cao Kỳ Vân. Tên thực của bà là Nguyễn Thị Được [1925 - 1950]. Quê bà ở Bình Lục, tỉnh Hà Nam, theo gia đình lên định cư tại Cao Thượng [Tân Yên] từ năm 1940. Bà tham gia hoạt động cách mạng từ sau Cách mạng tháng Tám, được chọn vào đơn vị phản gián của Ty Công an Bắc Giang. Đội điệp báo của bà được đưa vào hoạt động trong vùng tạm chiếm. 

Nhiệm vụ của đội là nắm tình hình địch để phá tề trừ gian. Ngày 1-5-1950, bà được giao nhiệm vụ vào bốt Mỏ Thổ [Việt Yên] và đã anh dũng hy sinh. Ngày 22-7-1998, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đỗ Nhật Minh

liệt nữ dt. Đàn-bà con gái có tinh-thần cao, trọng nghĩa chung, nhẹ tình riêng: Trung-trinh liệt nữ, liệt-nữ Triệu-ẩu.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Lê Văn Đức
liệt nữ dt. Người con gái có khí tiết mạnh mẽ: Bà Triệu là một đấng liệt nữ nước Nam.
Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt
liệt nữ dt [H. liệt: có công lớn; nữ: phụ nữ] Người phụ nữ kiên trinh: Cổ lai vẫn gây nên những bậc anh hùng, liệt nữ [Phạm Quỳnh].
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Nguyễn Lân
liệt nữ dt. Người con gái có khí-tiết anh-hùng.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Thanh Nghị
liệt nữ .- Người phụ nữ kiên trinh, không chịu khuất.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Việt Tân
liệt nữ Người con gái có khí-tiết mạnh mẽ: Bà Triệu-ẩu là một đấng liệt-nữ nước Nam.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Khai Trí

Chủ Đề