Trại dúi triệu sơn ở triệu sơn thanh hóa năm 2024

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Trọng Lệ, xã Vân Sơn trong một ngày cuối năm. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười thân thiện của ông khi đang chăm sóc đàn dúi gần 2.000 con, ít ai biết rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quãng thời gian dài miệt mài tìm tòi, học hỏi, vượt qua bao khó khăn để tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của người nông dân đầy nhiệt huyết này. Được biết, trước đây ông Lệ là công nhân thi công xây lắp đập thủy điện nên phải đi làm xa nhà. Đến năm 2007, ông Lệ quyết định trở về quê lập nghiệp với ý chí quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trở về quê lúc nào ông cũng đau đáu suy nghĩ phải trồng cây gì và nuôi con gì để có thể phát triển kinh tế một cách bền vững. Ông đã thử nuôi nhiều loài gia súc, gia cầm, tuy nhiên mấy lần nuôi gà, vịt và chăn nuôi lợn theo phương pháp truyền thống đã không mang lại hiệu quả, lại thêm dịch bệnh và chi phí lớn nên rất khó để phát triển. Vì thế, ông tìm hiểu và có ý định nuôi các loài có giá trị kinh tế cao hơn.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lệ phát hiện ra giá trị kinh tế của con dúi, một động vật hoang dã nhưng rất dễ thuần hóa, nuôi dưỡng và được thị trường ưa chuộng. Thức ăn của chúng thường là tre, nứa non, các loại cỏ, củ và các thân cây như ngô, mía, những loài này rất dễ kiếm và sẵn có ở địa phương. Bên cạnh đó, do vấn nạn săn bắt nhiều trong tự nhiên nên số lượng dúi đang ngày càng giảm, vì thế trong tương lai con dúi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. Thời điểm bắt đầu, mô hình nuôi dúi còn ít, ông Lệ xây dựng chuồng trại và phải sang tận Lào để mua 100 con dúi giống về nuôi. Thời gian đầu chưa thành công, có đợt dúi bị bệnh, chết nhiều khiến ông mất trắng số tiền hơn 300 triệu đồng. Không nản chí, ông Lệ tiếp tục sang Lào học hỏi về kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dúi. Nắm bắt được đàn dúi bị bệnh là do chuồng trại vệ sinh không bảo đảm. Về quê, ông Lệ xây dựng lại khu nuôi hơn 100m2, bảo đảm vệ sinh luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đến nay, nhờ được chăm sóc cẩn thận nên đàn dúi của gia đình ông Lệ luôn duy trì ổn định với 4 trại nuôi khoảng 2.000 con. Những con dúi con phát triển tốt khoảng 7 - 8 tháng là có thể sinh sản. Mỗi năm đàn dúi sinh sản khoảng 3 - 4 lứa, mỗi con dúi mẹ sinh mỗi lứa từ 3 - 5 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 1 - 2 tháng là có thể đem bán làm con giống. Những con dúi thương phẩm sau 5 - 6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1kg. Dúi thương phẩm được bán với giá 800 nghìn đến 1 triệu đồng/kg; dúi giống có giá dao động từ 3 triệu đến 6 triệu/cặp tùy vào tháng tuổi. Từ mô hình nuôi dúi, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng. Dúi thương phẩm của gia đình ông Lệ được các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng, có thời gian không đủ dúi xuất bán. Hiện, ngoài mở rộng trang trại, ông Lệ sẵn sàng hỗ trợ người dân địa phương về nguồn giống cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi để cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn, cho biết: Hội Nông dân huyện đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Trong đó, nổi bật là mô hình chăn nuôi dúi sinh sản, toàn huyện đang có khoảng 20 hộ chăn nuôi dúi, trong số đó mô hình nuôi dúi thương phẩm của gia đình ông Lê Trọng Lệ, xã Vân Sơn đang cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi dúi và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân thực hiện, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Đang có một công việc khá ổn định với mức lương nhiều người mơ ước nhưng Lê Văn Lâm [sinh năm 1991], thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn vẫn quyết định khăn gói về quê… nuôi dúi. Hàng năm, trang trại dúi của chàng trai 9X này cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Từ chàng “khùng”

Hẹn hò mãi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông chủ trang trại dúi Triệu Sơn. Chẳng ai nghĩ rằng ông chủ của 3 trang trại dúi thu bạc tỷ ấy lại là một chàng trai 9X. Tìm tới nhà Lâm không khó, bởi chỉ cần nhắc đến nghề nuôi dúi, hầu như vùng đất Triệu Sơn ai cũng biết. Lâm nổi tiếng là “khùng” khi quyết định bỏ việc, treo bằng đại học về quê làm… nông dân.

Nhà có 3 anh em, Lâm là anh cả. Ngay từ nhỏ, Lâm đã thấu hiểu cảnh vất vả, cơ cực của bố mẹ và bà con làng xóm nên trong đầu lúc nào cũng có trăn trở, thôi thúc làm sao “hóa giải” được cái đói, cái nghèo mà từ lâu đã như “bạn đồng hành” của vùng đất nghèo này.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông - Vận tải, Lâm được một công ty xây dựng nhận vào làm với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến năm 2016, chàng trai 9X quyết tâm rẽ hướng, về quê tiếp quản trang trại của bố, chuyển toàn bộ sang nuôi dúi trước sự ngỡ ngàng của bố mẹ và bà con làng xóm.

Trang trại dúi của Lâm hiện có hàng trăm chuồng.

Trong quá khứ, bố Lâm thường theo đoàn đi làm các công trình thủy điện tại khu vực miền núi, thấy dúi là một món ăn ngon, có giá thành cao nên ông đã mua 15 cặp dúi mốc về nuôi thử. Ngoài thời gian đến lớp, Lâm lại giúp bố mẹ chăm sóc, chuẩn bị thức ăn cho dúi. Và cứ thế, "tình yêu" của cậu học trò “nảy nở” với loài gặm nhấm đặc biệt này. Dù học đại học nhưng Lâm vẫn thường xuyên lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật nuôi dúi thịt, dúi sinh sản… và thị trường đầu ra cho sản phẩm.

“Trước kia, trang trại của gia đình em chủ yếu chăn nuôi gà, lươn... Do thấy hiệu quả kinh tế không cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng giảm nên em quyết định trở về quê nối nghiệp bố làm nông dân theo mô hình trang trại nuôi dúi. Mấy năm công tác ở Thái Nguyên, cũng là thời gian em đã tạo được cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời đấu mối, tạo dựng thị trường… Dù vậy, mọi người vẫn bàn tán ra vào, tỏ ý không tin tưởng bởi ngành học của em chẳng liên quan tới những gì em đang theo đuổi”, Lâm nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

… đến ông chủ bạc tỷ

Lâm bảo, tận mắt chứng kiến cảnh các bạn thanh niên đua nhau xuống thành phố, vào miền Nam tìm đường mưu sinh… em lại không đành lòng. “Với một vùng đất có tiềm năng phát triển kinh tế như Vân Sơn sao không tận dụng những lợi thế sẵn có để làm giàu. Em nghĩ vậy nên quyết tâm thực hiện ý tưởng của mì.nh”, Lâm chia sẻ.

Dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.

Với suy nghĩ ấy, Lâm đã mạnh dạn tiến hành các thủ tục đăng ký và chuyển đổi sang mô hình nuôi dúi, bởi đây là loại đặc sản còn tương đối mới ở địa phương. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kiến thức về việc nuôi dúi, lại thiếu vốn nên Lâm gặp rất nhiều khó khăn. Anh lên mạng Internet tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng bệnh cho dúi, qua sách, báo, tivi, hễ nghe nơi nào có mô hình nuôi hay anh khăn gói tìm đến để học tập.

Sau khi đã tích lũy được kinh nghiệm, anh quyết định mở rộng quy mô trang trại ngay trong vườn nhà. Hiện trang trại của anh đã phát triển được hơn 300 dúi mẹ. Thấy thị trường đầu ra ổn định lại cho lợi nhuận cao, Lâm xây thêm 2 trang trại nuôi dúi ở tỉnh Bắc Kạn và Đăk Lăk với quy mô lớn. Để đảm bảo nguồn cung thức ăn, Lâm trồng gần 1 ha mía, ngô và thu mua tre của người dân trong vùng. Lượng thức ăn của dúi rất ít, chỉ chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng chi phí nuôi.

Thức ăn của dúi như: mía, ngô, tre…

Khi số lượng đàn dúi ngày một phát triển, có đầu ra ổn định, cho thu nhập cao, vài năm gần đây Lâm còn chuyển giao kỹ thuật và tìm đầu ra cho những trang trại hợp tác với mình ở nhiều tỉnh thành. Đồng thời, xây dựng nhà hàng ẩm thực chuyên các món thịt dúi tại Thái Nguyên.

Không giữ riêng “bản quyền” nghề nuôi dúi cho mình, Lâm đã chuyển giao công nghệ cho khoảng 30 trang trại vệ tinh tại các tỉnh: Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Trị, Đồng Nai… theo phương thức cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm. “Thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Con dúi thuộc diện đặc sản nên được rất nhiều thực khách sành ăn lựa chọn”, Lâm nói.

Theo chia sẻ của Lâm, anh đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhà hàng, khách sạn tại nhiều địa phương. Hơn nữa, trong số các đối tượng vật nuôi đặc sản thì dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, các trang trại của Lâm xuất chuồng khoảng 2.000 con dúi giống; 1,5 tấn dúi thương phẩm với giá 1 -1,6 triệu đồng/cặp dúi giống và 500 - 700 nghìn đồng/kg dúi thương phẩm… trừ chi phí, anh thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cao, các trang trại của Lâm còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng và hơn chục lao động thời vụ.

Nhìn những chú dúi đang nhâm nhi mấy đốt mía, Lâm bảo: “Thật lòng mà nói, em cũng không nghĩ mình lại có thể thành công được như ngày hôm nay. Giờ em có 3 trạng trại chính và khoảng 30 trang trại vệ tinh ở khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Hiện đã có đối tác mời em hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, hợp đồng cung ứng sản phẩm với lượng lớn để xuất khẩu. Nhưng do thấy hệ thống trang trại của mình vẫn chưa đáp ứng đủ thị trường trong nước nên chưa dám nhận lời. Khi đảm bảo được lượng dúi thương phẩm đều đặn với số lượng lớn em sẽ tính tới việc hợp tác đưa con dúi ra thị trường ngoài nước”, Lâm chia sẻ.

Chủ Đề