Review bộ 3 batman của nolan

Nếu có một lý do khiến cho The Dark Knight trở thành một bộ phim lấy đề tài siêu anh hùng truyện tranh xuất sắc, đó chỉ có thể là nhờ nhân vật Joker. Trước đến giờ, chẳng thiếu những nhân vật phản diện điên loạn trên màn bạc. Một số nhân vật khác thì được xây dựng theo kiểu mưu mô xảo quyệt, khiến nhân vật chính bị xoay như chong chóng. Nhưng suy cho cùng, vẫn có một thứ gì đó vô cùng đặc biệt với Joker của Christopher Nolan, hay nói đúng hơn là Joker của Heath Ledger.

Tròn 11 năm từ khi ra mắt, vẫn chưa có bộ phim siêu anh hùng nào qua mặt được The Dark Knight cả về nội dung lẫn đẳng cấp của những vai diễn góp mặt trong bộ phim này. Doanh thu những phim mới có thể vượt mặt, nhưng đối với nhiều anh em, The Dark Knight vẫn là phim xuất sắc nhất.

Nếu nhìn vào Suicide Squad, anh em có thể nhận ra rằng, đưa Joker vào phim hoàn toàn không khiến nó trở thành một tác phẩm xuất sắc ngay lập tức. Vậy điều gì khiến cho Joker trong The Dark Knight ấn tượng đến vậy? Phải chăng đó là nhờ tài diễn xuất của Heath Ledger? Hay nhờ vào chính bối cảnh của phim lấy Batman và Joker làm trung tâm?

Rốt cuộc, vai trò của nhân vật phản diện trong một bộ phim lớn tới đâu?

Đầu tiên phải khẳng định, Joker của The Dark Knight rất hoàn hảo trong việc khai thác và lợi dụng điểm yếu của các nhân vật chính diện trong phim, thậm chí biến họ trở thành phản diện nhờ biết điểm yếu của họ. Trong cuốn “Story” của Robert McKee, ông viết: “Câu chuyện của một nhân vật chính diện chỉ cuốn hút về mặt tình tiết và thuyết phục về mặt cảm xúc nhờ vào đối trọng là nhân vật phản diện.” Nhân vật phản diện phải cực mạnh, khiến nhân vật chính diện phải nỗ lực hết sức để chống cự. Càng khó khăn, thì câu chuyện càng thuyết phục.

Trong khi đó, ở cuốn The Anatomy of Story, John Truby khắc họa cụ thể hơn “sức mạnh” của nhân vật phản diện: “Hãy tạo ra một đối trọng biết cách tấn công hiệu quả vào điểm yếu lớn nhất của người hùng.” Khó lòng tìm được bộ phim nào khai thác bài học này xuất sắc như The Dark Knight. Joker quá hoàn hảo khi biết chọc đúng điểm yếu chí mạng của Batman.

Vì sao lại thế? Hầu như tất cả sức mạnh và kỹ năng của Batman chỉ thực sự hiệu quả khi kết hợp chúng với khả năng trấn áp và dọa nạt đối phương. Từ sức mạnh cơ bắp, đến bộ giáp đen trong bóng tối khiến bất kỳ kẻ thù nào cũng phải run sợ. Nhưng những tình huống Joker tạo ra đều khiến những lợi thế đó của Batman trở nên vô giá trị. Hắn bắt cóc Rachel và Harvey Dent, rồi lấy đó để cân bằng cán cân trong cảnh tra khảo ở đồn cảnh sát. “Mày chẳng có gì, chẳng có gì để dọa nạt tao cả. Tất cả sức mạnh của mày cũng chẳng làm gì được.” Không nhiều nhân vật phản diện trong phim nói được câu này.

Chỉ bằng một hành động, một câu nói, Joker biến chính sức mạnh của Batman trở thành điểm yếu. Joker, thực tế, chẳng hề sợ chết, mà trái lại cũng muốn Batman giết mình. Hắn biết thừa một điều, “đạo đức nghề nghiệp” của Batman chỉ có một điều khoản duy nhất: Không giết người. Joker càng hạ gục nhiều mạng người, càng khiến tình hình trở nên náo loạn, hắn càng chứng minh được rằng quy tắc đạo đức của Batman chính là điểm yếu lớn nhất của anh. Cả Batman lẫn Joker đều biết rằng, cách duy nhất để ngăn chặn Joker là giết chết hắn, mà cả hai cũng đều biết đó là thứ không thể xảy ra.

Đặt cả hai nhân vật này vào bối cảnh Gotham, mọi thứ được nâng lên một tầm mới. Joker không đơn giản lên kế hoạch để đánh bại Batman, mà hắn muốn phô bày bộ mặt thật của chính thành phố Gotham. Điều đó dẫn chúng ta đến với sức mạnh thứ hai của Joker: Đẩy nhân vật chính diện vào những lựa chọn cực kỳ khó khăn.

Cũng theo Robert McKee, “tính cách của một nhân vật được lộ rõ nhất khi con người phải đưa ra lựa chọn dưới sức ép khủng khiếp. Sức ép càng lớn, tính cách càng bộc lộ rõ ràng, phô bày hết bản chất tự nhiên của nhân vật đó.” The Dark Knight bắt đầu với 45 trang kịch bản bình bình, xây dựng tình tiết. Trang thứ 46, mọi thứ bắt đầu bùng nổ khi Batman phải đối mặt với sức ép khủng khiếp: “Chúng bay muốn trật tự? Batman phải cởi bỏ mặt nạ và tự giao nộp mình. Cứ mỗi ngày hắn không làm, sẽ có người chết.”

Ban đầu khi từ chối yêu sách, người xem được chiêm ngưỡng màn thể hiện của Batman và tin rằng anh có thể chặn đứng Joker. Nhưng Joker luôn đi trước Batman 1 bước, trong một loạt những cảnh phim mà chỉ có một tác phẩm khác xuất sắc không kém có thể làm được: Se7en. Batman và Gordon khám nghiệm hiện trường một vụ án, tìm ra dấu vân tay dẫn họ đến căn hộ của kẻ khả nghi, để rồi phát hiện ra đó chỉ là một phần của cả một kế hoạch chi tiết. Ngay cả kế hoạch cố tình để bị bắt của Joker cũng giống trong Se7en nữa. Trong toàn bộ quá trình đó, số người chết càng nhiều, áp lực đè lên Batman càng lớn. Người dân Gotham quay lưng lại với Batman, và tính cách thật sự của Batman được bộc lộ: “Hôm nay tôi đã biết Batman không làm được gì.”

Nhưng rồi Harvey Dent tự nhận mình là Batman, ngăn không cho Bruce Wayne làm điều đó. Nhưng rồi Harvey Dent và Rachel bị bắt cóc, Joker ép Batman phải chọn giải cứu một trong hai người. Anh chọn Rachel, và cũng hé lộ luôn rằng mình không sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, vì Gotham. Đó là giới hạn của Batman. Nhưng đối với Joker, mọi thứ không hề đơn giản như thế. Trong suốt cả bộ phim, Joker liên tục gây sức ép để Batman lộ rõ bản chất con người mình, quan tâm tới ai, tới điều gì thông qua những lựa chọn khó khăn. Batman bị buộc phải đối mặt với chính bản ngã của mình.

Và khi ấy, cao trào của phim bắt đầu, khi cả nhân vật chính diện và phản diện đều chạy đua để đạt được mục đích chung: Thành phố Gotham.

Làm sao để biết nhân vật phản diện là hoàn hảo để người hùng so tài? Suy cho cùng, Joker vẫn là kẻ thù hoàn hảo nhất đối với Batman. John Truby viết: “Theo đuổi cùng một mục tiêu, người hùng và đối thủ buộc phải đối đầu trực tiếp trong suốt diễn biến câu chuyện.” Mô hình này giúp định hình nên đối thủ hoàn hảo cho nhân vật chính diện.

Cả hai đều có tầm nhìn riêng về thành phố Gotham, đều có kỳ vọng Gotham sẽ tồn tại theo góc nhìn của bản thân. Batman chiến đấu vì hy vọng, vì một thành phố Gotham sạch bóng tội phạm, vì trật tự. Còn với Joker, như chính hắn đã nói với Harvey Dent trên giường bệnh: “phá hỏng trật tự đã có sẵn, và mọi thứ sẽ trở nên điên loạn”.

Batman vs Joker, trật tự đối mặt với sự điên loạn. Trong cảnh cuối cùng hai nhân vật này đối mặt với nhau, Joker thậm chí còn khẳng định chắc nịch rằng hắn biết trận chiến giữa mình và Batman là vì điều gì: ”Mày vẫn nghĩ tao sẽ kết thúc cuộc chiến tranh giành linh hồn thành phố Gotham bằng một trận đấm tay đôi với mày đấy chứ?”

Cả hai đều chiến đấu vì Gotham, và chỉ có một người được phép giành chiến thắng. Trong đoạn cuối phim, những sinh linh bị đe dọa chính là những con người trên hai chuyến phà vừa rời cảng. Batman không chạy đua với thời gian để ngăn chặn những kẻ muốn thôn tính trái đất hoặc phá hủy trái đất như Siêu Nhân. Yếu điểm của những phim siêu anh hùng DC gần đây được bộc lộ rõ. Chắc chắn kế hoạch của những kẻ ác sẽ không thành hiện thực vì rồi sẽ có phần sau, trái đất làm sao mà bị phá hủy được. Nhưng với The Dark Knight, mọi thứ đều có thể xảy ra. Một trong hai chuyến phà có thể nổ tung dưới bàn tay của chính con người Gotham, hoặc cả hai đều có thể tan tành vì Joker. Nó chẳng khác gì kết thúc của Star Wars: The Empire Strikes Back, cái kết hoàn hảo và ám ảnh để mở ra chương 3 của Kỵ Sĩ Bóng Đêm.

Mối đe dọa không cần phải quá khủng khiếp và quy mô lớn để tạo ra sự cuốn hút cho một bộ phim. Batman và Joker không chiến đấu vì tồn vong của nhân loại. Họ chỉ chiến đấu vì linh hồn của Gotham. Mục tiêu mang nặng góc nhìn cá nhân thay vì nghĩ cho “đại cục” như Batman v Superman hay Justice League.

Trong toàn bộ bộ phim, bác quản gia già Alfred đã ẩn ý rằng Batman cần phải học để hiểu nhân vật Joker. “Nhiều người không tìm kiếm những thứ logic, như tiền tài. Họ không thể bị mua chuộc, nói chuyện phải trái, bị bắt nạt hoặc thương thảo với họ. Vài người chỉ đơn thuần muốn nhìn trái đất bùng cháy.”

Ban đầu, Batman luôn nghĩ tội phạm thì chạy theo đồng tiền, nhưng rồi anh cũng học được cách không chủ quan trước đối thủ, không biến sức mạnh của mình trở thành điểm yếu. Chính nhờ Joker, Batman mới trở nên khôn ngoan hơn. “Ngài cần biết giới hạn của bản thân mình, cậu chủ Wayne”, “Batman không có giới hạn”, “À, nhưng ngài thì có đấy”. Dưới sức ép của nhân vật phản diện, Batman đã hiểu rằng nếu chỉ có một mình, anh cũng có giới hạn như bao người khác. Nhưng với những đồng minh của mình, họ có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào. Cách giải quyết vấn đề của Batman trở nên khôn ngoan hơn, cũng chính nhờ Joker.

Và, trong trận chiến giành lấy linh hồn thành phố Gotham, Batman học được cách đưa ra những quyết định khó khăn nhất mà không ai khác làm được: “Hoặc chết đi như một người hùng, hoặc sống đủ lâu để thấy bản thân trở thành kẻ ác. Tôi có thể làm những điều đó, vì tôi không phải người hùng. Tôi sẽ là bất cứ thứ gì Gotham muốn.”

Batman trở thành The Dark Knight, cũng chính nhờ Joker.

The Dark Knight là một bộ phim xuất sắc, minh chứng hoàn hảo cho sự tỏa sáng của nhân vật phản diện và cách họ gây ảnh hưởng tới nhân vật chính diện, nhất là khi cả hai đều có những mối liên kết rõ ràng, giống như hai mặt của một đồng xu vậy.

Joker không phải một kẻ ác xuất sắc chỉ vì điệu cười điên dại và những hành động không thể đoán trước. Nhân vật đó, vai diễn của Heath Ledger xuất sắc vì nó đem lại hiệu ứng hoàn hảo cho câu chuyện và cho nhân vật chính diện. Ngoài Joker ra, hiếm tìm được đối thủ xứng tầm cho Batman. The Dark Knight đã chứng minh được điều này một cách hoàn hảo.

Chủ Đề