Nguyên nhân dẫn đến nói dối

Gặp trường hợp trẻ nói dối, người lớn cần nhẹ nhành tìm hiểu nguyên nhân và lựa cách khuyên bảo, chấn chỉnh ngay. [Ảnh minh họa.]

Nguyên nhân khiến trẻ nói dối

Sợ bị chê cười, la mắng: Trong suy nghĩ của trẻ, chỉ có người xấu mới có những hành động xấu, thế nên, nếu lỡ làm việc gì đó không đúng thì việc đầu tiên chúng nghĩ đến là nói dối để không ai biết chuyện đó. Trẻ rất sợ nếu nói thật mọi người sẽ mắng nhiếc và cười chê.

Không muốn cha mẹ thất vọng: Xuất phát từ việc các bé rất yêu cha mẹ và chúng không bao giờ muốn cha mẹ buồn.

Vì lợi ích cá nhân: Có thể thấy, với trẻ nhỏ, ích lợi mà chúng nghĩ rất nhỏ bé, có thể chỉ là một lời khen, muốn có sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, muốn có cái bánh hay một món quà chúng muốn có từ lâu…, chúng sẽ nói dối và bịa ra những điều chúng không làm, chỉ để vừa lòng người lớn và đạt được lợi ích chúng muốn.

Ảnh minh họa.

Vì trẻ không nhớ: Đôi khi trẻ nói dối mà lại tin vào chính lời nói dối của mình. Có thể đơn giản là trẻ đã quên những trò nghịch ngợm của mình mà thôi. Đừng lo lắng khi trẻ có những lời nói dối như thế.

Sợ sẽ bị coi là người xấu: Trẻ sợ nói thật về một điều xấu nào đó mà mình đã lỡ vi phạm, vì trẻ cho rằng chỉ những người xấu trong cái câu chuyện cổ tích mới làm như vậy. Và nếu trẻ thừa nhận sự thật, trẻ sẽ biến thành người xấu.

Sợ bị đánh đòn: Nhiều bậc phụ huynh áp dụng phương pháp giáo dục “Thương cho roi cho vọt” nên khi trẻ phạm bất cứ một lỗi nào đó cũng lấy phương pháp này ra để áp dụng. Điều này có thể dẫn tới việc trẻ  nói dối để tránh bị la mắng, đánh đòn.

Ảnh hưởng từ người lớn: Trong thực tế, có một số việc người lớn cũng nói dối và có thể cha mẹ đã vô tình nói dối trước mặt trẻ. Dù nói dối để đạt được mục đích riêng chăng nữa thì là gương xấu cho trẻ em noi theo.

Hãy để trẻ biết cha mẹ tin tưởng con. Ảnh Gia Bảo.

Cha mẹ cần làm gì để tránh việc trẻ nói dối?

Khuyến khích trẻ nói thật: Thay vì trách mắng khi trẻ không trung thực, cha mẹ hãy khuyến khích và khen ngợi lời nói thật của con. Đối mặt với vẻ giận dữ và lời mắng mỏ của cha mẹ, trẻ không thể cảm nhận được lợi ích của việc nói đúng sự thật. Ngược lại, lời nói nhẹ nhàng sẽ khiến trẻ thấy được tin tưởng và luôn trung thực trong lời nói của mình.

Không buộc tội: Để trẻ tự nói ra sự thật, cha mẹ cần linh hoạt trong cách phản ứng của mình. Ví dụ, con làm đổ hộp đồ chơi ra sàn, mẹ không mắng mà hãy nhẹ nhàng hỏi: "Sao hộp đồ chơi rơi hết ra sàn thế nhỉ? Ước gì có ai đó dọn giúp mẹ vào đúng vị trí". Sau câu nói đó, có thể trẻ sẽ là người nhặt gọn đồ chơi vào đúng vị trí.

Không đặt quá nhiều áp lực lên trẻ: Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và quy tắc rồi bắt con nghiêm túc tuân thủ hay đạt được. Trẻ sẽ không hiểu hết những gì cha mẹ mong muốn và cũng không thể thực hiện chúng. Đôi khi, điều này vô tình khiến trẻ nói dối để tránh làm cha mẹ thất vọng về mình.

Xây dựng niềm tin: Hãy để trẻ biết rằng, cha mẹ tin tưởng mình và mình cũng tin tưởng cha mẹ. Khi đã có niềm tin, trẻ sẽ không còn sợ hãi để phải che giấu sự thật. Điều này rất quan trọng để bảo vệ con khi trẻ lớn lên, bởi nếu con tin tưởng cha mẹ thì con sẽ dễ dàng bày tỏ với mẹ những vấn đề nguy hiểm đến sức khoẻ, thân thể và tâm lý.

Là các bậc phụ huynh, hẳn đã có những lần bạn vô cùng giận dữ khi biết con đang nói dối bố mẹ. Chúng ta luôn dạy con rằng nói dối là xấu và con không bao giờ được nói dối với người lớn. Vậy bạn có biết nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ lại nói dối với mình không? Và, quan trọng hơn, bạn đã biết cách để ứng xử để tránh để lại những tổn thương không đáng có và chấm dứt việc nói dối của con hay chưa? Hãy cùng Life Companion đi tìm câu trả lời cho vấn đề này nhé!

Trẻ nói dối – nguyên nhân do đâu?

Có một sự thật phũ phàng mà người lớn nên chấp nhận: đó là đa phần nguyên nhân trẻ em nói dối đều xuất phát từ người lớn.

Nguyên nhân lớn nhất trong hành vi nói dối của trẻ chính là sợ bố mẹ thất vọng, hoặc tệ hơn là phạt mình. Do bố mẹ quá kì vọng vào thành tích của trẻ về điểm số, về vị trí trong lớp, … nên khi không đạt được, trẻ có phản ứng nói dối để bào chữa cho kết quả của mình. Chính bố mẹ đã tạo cho con áp lực tâm lý dẫn đến hành vi nói dối không mong muốn.

Ngoài ra, con trẻ học việc nói dối từ chính người lớn đấy bạn biết không? Những lời nói dối vô hại của bố mẹ và người thân như: Chích nhẹ lắm, không đau con ơi!; Thuốc ngọt lắm!; Con làm tốt, bố mẹ sẽ thưởng [nhưng lại không thưởng]!; … đã tạo nên tiềm thức về việc nói dối cho trẻ. Bạn nói dối và nói với chính con mình là điều rất không nên. Bé sẽ nghĩ rằng việc nói dối là bình thường, bố mẹ nói dối vẫn không sao, mình cũng thế! Trẻ em ở độ tuổi bắt chước nên mọi hành vi từ người lớn cần được chú ý. Đừng nghĩ sách vở, máy móc, công nghệ làm trẻ hư hỏng, chính hành vi thiếu kiểm soát của người lớn mới tạo tiền lệ xấu cho trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ em thường có tâm lý muốn được quan tâm nhiều hơn. Thế nên, trẻ chọn cách nói dối để thu hút sự chú ý của mọi người. Những câu nói mang tính chất mè nheo như “Hôm nay con đau bụng lắm!”; “Đầu con như búa đánh vào ấy mẹ ơi!”,… thường được các bé sử dụng để tránh phải làm điều bé không thích hoặc để được cả nhà quan tâm nhiều hơn.

Và có khi, việc nói dối đơn giản là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi. Nguyên nhân của việc này là do các nơ-ron thần kinh phát triển mạnh mẽ ở độ tuổi 3-6 tuổi, cộng với việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với nhiều câu chuyện hư cấu và viễn tưởng qua phim ảnh, sách báo,… dẫn đến việc tưởng tượng mình là nhân vật hay nghĩ ra những câu chuyện tưởng tượng của riêng mình. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển trong tư duy và suy nghĩ của trẻ. Điều này có cả mặt lợi và mặt hại của nó. Việc trẻ bịa chuyện mình là hoàng tử, nhà ở Sao Hỏa, bố mẹ là thần tiên… có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của bé sau này. Thế nhưng, phụ huynh cần quan tâm, định hướng trẻ để có thể tự nhận thức chuẩn xác hơn ranh giới của sự thật và các câu chuyện hư cấu. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc trẻ em thường xuyên nghĩ ra các câu chuyện tưởng tượng sẽ gây ra hoang tưởng, nhưng việc liên tục tưởng tượng kéo dài kèm với không phân biệt đâu là thật-ảo sẽ dễ dẫn đến thói quen nói dối có ý thức nơi trẻ về sau.

Khi trẻ nói dối, bạn sẽ làm gì?

Trước khi yêu cầu trẻ trung thực, bạn nên làm gương về điều đó! Tuyệt đối không nói dối khi ở trước mặt con trẻ dù là những lời nói vô thưởng vô phạt.

Quan trọng hơn, bạn nên có hình phạt cho việc nói dối của trẻ vì đó là một lỗi sai và cần có hình thức phù hợp để con ghi nhớ để không lặp lại. Vài hình phạt nhẹ nhàng như: yêu cầu trẻ khoanh tay đứng yên trong góc nhà 15 phút, yêu cầu trẻ chép phạt về lời hứa không được nói dối khoảng 1, 2 trang giấy. Cần xác định rõ hình phạt giúp trẻ nhớ và không tái phạt, không phải hù dọa để trẻ sợ. Bạn cũng đừng quên, hình phạt phải đi kèm với sự giải thích rõ ràng để trẻ thật sự hiểu rõ vấn đề.

Tiếp theo, hãy giả vờ “quên” việc nói dối của trẻ, bố mẹ hay nhắc đến các lỗi sai của trẻ ở những lúc không thích hợp. Với hành vi nói dối, hãy tạm “quên” đi và tuyệt đối không nhắc lại dù bất kì dịp nào. Đừng làm trẻ cảm thấy hành vi của mình là đáng xấu hổ. Trẻ sẽ có cảm giác mình bị chỉ trích. Bạn chỉ nên nhắc đến lỗi lầm của trẻ nếu như trẻ nói dối lần 2. Bạn nên khuyến khích hành vi trung thực của bé bằng cách kể bé nghe nhiều câu chuyện nhỏ về lòng trung thực. Ví dụ như: câu chuyện cậu bé chăn cừu, 3 lần nói dối và bị chó sói ăn thịt hết cừu hay nói dối sẽ không ai chơi với con. Đồng thời, hãy để bé cảm thấy mình được tôn trọng bằng việc thỏa thuận với con hình phạt lần sau nếu như con nói dối. Hãy tập cho bé thói quen chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Cuối cùng, đừng tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ. Cha mẹ có quá nhiều kì vọng lên con trẻ vô hình chung gây ra áp lực đối với cuộc sống của trẻ. Trẻ muốn bố mẹ vui lòng sẽ có thói quen nói dối. Hãy thật sự thoải mái và để con làm những điều mình muốn. Hãy trò chuyện cùng con dưới vai trò định hướng hơn là ép buộc con phải theo những mong muốn của mình.

Bất kì đứa trẻ nào đều sẽ nói dối ít nhất một lần trong quá trình lớn lên của mình, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ kĩ năng để cùng con đối mặt với điều đó và giúp con vượt qua thói quen xấu này. Nếu con nói dối quá nhiều lần, việc gặp gỡ bác sĩ tâm lý để hiểu hơn về trẻ là chuyện rất nên làm.

Chủ Đề