Michael Jordan - Cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ

Huyền thoại bóng rổ Mỹ luôn tâm niệm chính những thất bại đã làm nên con người cũng như thành công của ông ngày hôm nay.

Dù chỉ là cầu thủ bóng rổ nhưng sức ảnh hưởng của Michael Jordan đã vươn ra toàn cầu và bao trùm cả giới thể thao nói chung.

Tháng 4/2019, kênh ESPN và Netflix đã phát hành một bộ phim tài liệu về Michael Jordan với tựa đề "Điệu nhảy cuối cùng" [The Last Dance]. Các tập phim xoay quanh sự nghiệp của ông với đội Chicago Bulls, cho thấy rõ nét từng giọt "máu và nước mắt" đã rơi trên hành trình ông cùng các đồng đội của mình giành 6 chức vô địch giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ [NBA].

Michael Jordan trong trận chung kết giải NBA tại Chicago ngày 12/6/1998. Ảnh: AP.

Suốt nhiều năm qua, Jordan được tôn vinh là cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại nhưng mọi thứ có thể hoàn toàn khác nếu ngôi sao này không biết cách chấp nhận thất bại như một phần tạo nên thành công của mình.

Michael Jordan sinh ra mà không có tài năng thiên bẩm về bóng rổ. Nhưng ông thực sự có điều gì đó làm nên khác biệt giữa một nhà vô địch và người chơi bình thường. Jordan luôn không ngừng nỗ lực và không bao giờ từ bỏ một khi đã hạ quyết tâm.

Mỗi khi thất bại, đa phần mọi người thường cảm thấy nản lòng và sợ phải thử lại. Đây là hành vi phổ biến song với Michael Jordan thì không. Thời trung học, ông từng bị loại khỏi đội bóng rổ của trường vì không đủ chiều cao và năng lực cũng không giỏi.

Thông thường, điều này sẽ phá hủy giấc mơ trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp của bất cứ thiếu niên nào. Nhưng Jorrdan lau nước mắt và tiếp tục luyện tập cho. Ông không để huấn luyện viên quyết định tương lai sự nghiệp của mình. Từ rất sớm Jordan đã hiểu rằng thất bại không định nghĩa một con người mà giá trị của ta nằm ở sức mạnh tự đứng dậy và cố gắng.

"Tôi đã ném trượt hơn 9.000 cú bóng trong sự nghiệp của mình. Tôi đã thua 300 trận. 26 lần tôi được giao cú ném quyết định và làm hỏng việc. Tôi đã thất bại liên tục, hết lần này đến lần khác trong cuộc đời mình. Và đó là lý do tôi thành công", Jordan từng nói.

Cựu huấn luyện viên trưởng của Jordan tại Đại học Bắc Carolina từng chia sẻ một câu chuyện về việc ông quyết tâm như thế nào để có thể trở thành người giỏi nhất. Ông vẫn còn nhớ Jordan đã nói "em sẽ cho thầy thấy, không ai chăm chỉ như em". Và Jordan đã giữ lời hứa.

"Nếu bạn đang cố gắng thực hiện một mục tiêu nào đó, chắc chắn sẽ có những rào cản trên đường. Tôi cũng có, tất cả mọi người đều có. Nhưng những trở ngại ấy không được phép khiến bạn dừng lại. Nếu bạn lao vào một bức tường, đừng quay lưng lại và từ bỏ. Hãy tìm cách trèo qua nó, vượt qua nó hoặc cải tạo nó", Jordan nói.

Năm 1993, tất cả mọi người đều cảm thấy tiếc nuối và khó hiểu khi Michael Jordan từ giã sự nghiệp bóng rổ và chuyển sang chơi bóng chày. Ông và đội Chicago Bulls vừa giành chức vô địch NBA lần thứ ba, vậy tại sao ông lại bất ngờ thay đổi hướng đi?

Jordan muốn một thứ gì đó khác và muốn một lần nữa thử giới hạn của bản thân. Ông đã là một cầu thủ bóng rổ vĩ đại và việc trở nên giỏi cả bóng chày là thử thách mà Jordan tự đặt ra cho mình.

Ban đầu, ông gặp khó khăn với việc đánh trúng bóng nhưng vẫn tiếp tục chăm chỉ luyện tập và tốt dần lên theo thời gian. Triết lý của ông rất đơn giản, nếu muốn tốt hơn, bạn phải luyện tập, phải cam kết nâng cấp chính mình.

"Tôi có thể chấp nhận thất bại, tất cả mọi người rồi sẽ có lúc thất bại. Nhưng tôi không thể chấp nhận việc không thử sức", ông nhấn mạnh.

Bộ phim tài liệu "Điệu nhảy cuối cùng" có cảnh Michael Jordan đang ăn mừng chức vô địch và một phóng viên đã hỏi liệu ông "có tiếp tục thi đấu thêm một năm nữa không?". Jordan trả lời: "Đây là một khoảnh khắc đáng nhớ, anh bạn. Hãy nắm lấy khoảnh khắc và tận hưởng nó. Hãy cứ sống trong khoảnh khắc này tới tháng 10 tới rồi chúng ta sẽ biết chuyện gì đến tiếp theo".

Thông điệp của huyền thoại bóng rổ Mỹ rất rõ ràng: Hãy sống ở hiện tại và cho phép bản thân ăn mừng những thành tựu mà bạn đạt được. Đừng chìm sâu vào quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Cần đặt ra mục tiêu nhưng hãy tận hưởng những gì bạn có ngay lúc này. Đừng lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội nào đó khi bạn thậm chí chưa nhìn thấy nó.

Năm 1995, đội Chicago Bulls bị loại khỏi vòng playoff NBA và thất bại này khiến trái tim Michael Jordan tan nát. Nhưng thay vì nghỉ ngơi một thời gian sau mùa giải, ông trở lại sân tập ngay ngày hôm sau.

"Đôi khi bạn thất bại nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không đủ giỏi. Nó chỉ có nghĩa là lần sau, bạn nên cố gắng nhiều hơn. Luôn có chỗ để cải thiện và luôn có những cách khác để đạt mục tiêu. Nếu đã cố gắng hết sức mà tôi vẫn chưa đủ tốt, ít nhất, tôi sẽ không phải nhìn lại và thấy rằng mình đã e sợ", Jordan nói.

"Ai vĩ đại nhất?" luôn là chủ đề gây tranh cãi ở bất cứ lĩnh vực nào, bao gồm các môn thể thao. Tuy nhiên, những tranh cãi về chủ đề này lại không xảy ra với bóng rổ, khi Michael Jordan là cái tên nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Bill Russell, Wilt Chamberlain và Kareem Abdul-Jabbar rất vĩ đại, nhưng Jordan là cầu thủ được công nhận nhiều nhất cho danh hiệu GOAT [Greatest Of All Time: Người vĩ đại nhất mọi thời đại] từ giới chuyên môn, các huyền thoại bóng rổ đến những khán giả khó tính nhất. Năm 2019, ESPN tổ chức đợt bình chọn GOAT với đối tượng tham gia là các cầu thủ đang thi đấu ở NBA và Jordan giành chiến thắng thuyết phục với 73% phiếu bầu.

Michael Jordan dẫn dắt Chicago Bulls thống trị NBA với 6 chức vô địch trong thập niên 90.

Thiên tài bóng rổ

Jordan bộc lộ tố chất thể thao hiếm có khi còn là học sinh trung học với việc chơi xuất sắc cả 3 môn bóng rổ, bóng chày và bóng bầu dục. Tuy nhiên, bóng rổ vẫn là môn thể thao được ông yêu thích nhất. Jordan là ngôi sao ở đội bóng rổ trường trung học Emsley A. Laney với trung bình 25,8 điểm trong 43 trận đấu.

Tài năng thiên phú giúp Jordan nhận được cùng lúc nhiều học bổng bóng rổ và bóng chày từ các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Cuối cùng ông quyết định gia nhập đại học North Carolina để theo đuổi giấc mơ bóng rổ.

Jordan ghi trung bình 17,7 điểm, đạt hiệu suất ném 54% và 5,0 rebounds [bắt bóng bật bảng] trong 101 trận đấu ở NCAA Division I [giải đấu bóng rổ sinh viên hạng cao nhất nước Mỹ]. Ông thể hiện giá trị của ngôi sao trong trận chung kết NCAA Division 1 vào năm 1982 khi thực hiện cú ném quyết định giúp Đại học North Carolina lên ngôi vô địch. Sau này, Jordan nói cú ném đó là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp bóng rổ của mình.

Tại NBA Draft [kỳ tuyển chọn cầu thủ từ cấp độ đại học mỗi năm của NBA] năm 1984, Jordan được Chicago Bulls chọn ở vị trí thứ 3. Quyết định chọn Jordan mở ra thời kỳ thống trị cho Bulls trong suốt thập niên 90.

Số liệu thống kê của Jordan trong suốt sự nghiệp là những con số đáng kinh ngạc. Jordan có trung bình 28,2 điểm, 6,5 rebounds và 5,9 kiến tạo trong 82 trận trong năm đầu tiên thi đấu ở NBA. Đây được xem là một trong những màn trình diễn hay nhất mọi thời đại của tân binh.

Jordan có trung bình 30,1 điểm, 6,2 rebounds và 5,3 kiến tạo sau 1072 trận đấu trong sự nghiệp. Ngoài ra, Jordan có 10 lần kết thúc mùa giải với vị trí dẫn đầu danh sách ghi điểm. Jordan kết thúc sự nghiệp với 32.292 điểm và đứng thứ 5 trong danh sách NBA All-Time Points [danh sách những cầu thủ NBA ghi điểm nhiều mọi thời đại].

Dưới sự dẫn dắt của Jordan, Bulls giành 6 chức vô địch NBA trong thập niên 90. Ngoài ra, Jordan có 6 lần nhận danh hiệu NBA Finals MVP [Finals Most Valuable Player: cầu thủ hay nhất loạt trận chung kết].

Năm 2009, Jordan góp mặt vào sảnh danh vọng Hall of Fame sau những cống hiến to lớn cho bóng rổ trong sự nghiệp lừng lẫy.

Michael Jordan là người giúp bóng rổ thay đổi và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Thay đổi bóng rổ và NBA

Jordan được biết đến với tính hiếu chiến và ham muốn chiến thắng mãnh liệt trong mọi trận đấu. Chính điều này giúp Jordan để lại nhiều trận đấu đi vào lịch sử trong sự nghiệp. Nổi tiếng nhất chính là "flu game", trận đấu Jordan ghi 38 điểm, 7 rebounds và 5 kiến tạo giúp Bulls đánh bại Utah Jazz.

Trước khi bước vào trận chung kết thứ 5 giữa Bulls và Jazz, Jordan mắc phải những triệu chứng giống cảm cúm và được các bác sĩ chỉ định không nên thi đấu. Phớt lờ mọi cảnh báo, Jordan vẫn ra sân giúp Bulls giành chiến thắng để vươn lên dẫn trước 3-2 trong loạt trận chung kết 1997. Đây là bước ngoặt giúp Bulls tiếp tục giành thắng lợi ở trận đấu thứ 6 để lên ngôi vô địch NBA mùa giải 1996/97.

Phong cách thi đấu của Jordan gây ảnh hưởng lên nhiều thế hệ cầu thủ sau này. Theo Bleacher Report, Jordan đã thay đổi bóng rổ theo hướng giải trí hơn rất nhiều. Các trận đấu bóng rổ giờ đây có nhiều điểm số được ghi, thay vì mang tính chặt chẽ và nặng về phòng ngự như thập niên 90 trở về trước.

Phong cách thi đấu độc đáo của Jordan giúp bóng rổ nhận được nhiều sự quan tâm hơn và trở thành môn thể thao phổ biến trên thế giới. NBA cũng được hưởng lợi từ điều đó khi trở thành một trong những giải đấu thể thao có lượng người theo dõi nhiều nhất hành tinh. Ảnh hưởng mà Jordan tạo ra với NBA lớn hơn bất kỳ cầu thủ nào khác trong lịch sử.

Jordan Brand giúp giá trị khối tài sản của Michael Jordan tăng lên nhanh chóng mỗi năm.

Định nghĩa thương hiệu cá nhân

Không thỏa mãn với những thành công đạt được ở bóng rổ, Jordan còn đi tiên phong trong việc tận dụng thương hiệu bản thân để làm ra tiền từ các hợp đồng quảng cáo và kinh doanh.

Thương hiệu Jordan Brand là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Jordan tận dụng thương hiệu bản thân để làm ra tiền. Cho đến ngày nay, những đôi Nike Air Jordan đời đầu vẫn luôn có giá trị cao ngất ngưỡng trên thị trường dù thời điểm sản xuất từ thập niên 80. Jordan đã giải nghệ từ lâu, nhưng vẫn kiếm được số tiền khổng lồ từ thương hiệu của bản thân.

Năm 1984, Nike hợp tác với Jordan để thành lập Jordan Brand, thương hiệu giày và thời trang thể thao. Huyền thoại 57 tuổi luôn tích cực tham gia cố vấn trong các mẫu thiết kế giày và thời trang của Jordan Brand. Ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc chiêu mộ các ngôi sao thể thao cho Jordan Brand.

Theo Forbes, Jordan bỏ túi 130 triệu USD mỗi năm từ thương hiệu Jordan Brand. Hiện tại, Jordan sở hữu khối tài sản lên đến 2,1 tỷ USD. Theo Business Insider, Jordan kiếm được 34.246 USD mỗi giờ trong năm 2019.

Sự nổi tiếng và thương hiệu cá nhân lớn mạnh càng khẳng định vị thế của Michael Jordan trong bóng rổ. Bill Russell là người vô địch NBA nhiều nhất với 11 lần, Wilt Chamberlain từng có trung bình hơn 50 điểm ở một mùa giải và Kareem Abdul-Jabbar ghi nhiều điểm nhất trong lịch sử NBA, nhưng Michael Jordan mới chính là cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại.

Đăng Khoa | 13:07 21/04/2020

Chủ Đề