Mâu cam kết chuyển giao công nghệ

Mẫu Hợp đồng chuyển giao công nghệ được tư vấn chuyên môn bởi Luật sư Nguyễn Duy Binh.

Luật sư Nguyễn Duy Binh là Luật sư thuộc đoàn Luật sư Tp. HCM, Luật sư là Thành viên sáng lập - Giám đốc của Nguyễn Lê Trần & Partners. Luật sư  Binh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực Tư vấn doanh nghiệp, Tư vấn đầu tư, Tư vấn và thực hiện thủ tục mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Tư vấn tái cơ cấu Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Tư vấn giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt đồng đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp về thương mại, tư vấn giải quyết tranh chấp về dân sự, bất động sản,..


Trong xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay, đặc biệt là đối với đất nước đang trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa như Việt Nam, khoa học công nghệ là nhân tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của nền kinh tế. Do đó, vai trò và ảnh hưởng của khoa học công nghệ ngày càng tác động mạnh mẽ và đặt ra bài toán làm sao cập nhật và thay đổi công nghệ để tồn tại và phát triển cho các doanh nghiệp. Cùng với việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, chuyển giao công nghệ cũng là một phương án hữu hiệu để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Thế nhưng, nếu chuyển giao công nghệ diễn ra một cách ồ ạt, không kiểm soát, không có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu đối với các chủ thể, vì vậy, hợp đồng chuyển giao công nghệ đã ra đời.

1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ là gì?

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là thỏa thuận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Trong đó:  

  • Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác. 
  • Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là việc tổ chức, cá nhân cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình.

2. Các loại chuyển giao công nghệ

Chuyển giao công nghệ được chia thành ba loại sau:

  • Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.
  • Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.
  • Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.

3. Nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ 

  • Tên công nghệ được chuyển giao.
  • Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây: [1] Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; [2] Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; [3] Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; [4] Máy móc, thiết bị đi kèm các đối tượng trên.
  • Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
  • Phương thức chuyển giao công nghệ. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một trong các phương thức sau: [1] Chuyển giao tài liệu về công nghệ. [2] Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận. [3] Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.[4] Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ kèm theo các phương thức khác. [5] Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Giá, phương thức thanh toán. Việc thanh toán được thực hiện bằng phương thức sau đây: [1] Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa trong đó bao gồm cả hình thức trả được tính theo từng đơn vị sản phẩm sản xuất ra từ công nghệ chuyển giao; [2] Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Trường hợp góp vốn bằng công nghệ có sử dụng vốn nhà nước [công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ] phải thực hiện thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật.[3] Trả theo phần trăm [%] giá bán tịnh: Giá bán tịnh được xác định bằng tổng giá bán sản phẩm, dịch vụ mà trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ được chuyển giao [tính theo hóa đơn bán hàng] trừ đi các khoản sau: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu [nếu có]; chi phí mua bán các thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện được nhập khẩu, mua ở trong nước; chi phí mua bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ, chi phí quảng cáo. [4]  Trả theo phần trăm [%] doanh thu thuần: Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại; [5] Trả theo phần trăm [%] lợi nhuận trước thuế của bên nhận: Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí hợp lý để sản xuất sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ chuyển giao đã bán trên thị trường. Các bên cũng có thể thỏa thuận thanh toán theo phần trăm lợi nhuận sau thuế; [6] Phương thức thanh toán khác do các bên thỏa thuận.
  • Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
  • Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng [nếu có].
  • Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
  • Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
  • Nội dung khác do các bên thỏa thuận

4. Hình thức của hợp đồng chuyển giao công nghệ là gì?

Trừ trường hợp chuyển giao công nghệ với hình thức chuyển giao công nghệ độc lập hoặc góp vốn bằng công nghệ phải được lập thành hợp đồng; việc chuyển giao công nghệ khác được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư.

Theo Điều 22 Luật chuyển giao công nghệ 2017, việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu [nếu có]; ký, đóng dấu giáp lai [nếu có] vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng

5. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ.

Trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ

  • Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
  • Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
  • Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.


6. Phân biệt nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ

Theo khoản 2 Điều 5 Luật chuyển giao công nghệ 2017, nhượng quyền thương mại là một hình thức chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hai hoạt động này có những đặc điểm khác biệt:

Thứ nhất, về mặt tính chất của hoạt động: Nếu như nhượng quyền thương mại là một hình thức thương mại cụ thể khác được quy định trong Luật thương mại 2005 nhằm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, gia tăng sự nhận diện thương hiệu tại các khu vực địa lý khác nhau trên cơ sở uy tín, tên thương mại, công nghệ.v.v.. mà Bên nhượng quyền xây dựng, thì chuyển giao công nghệ là hoạt động được quy định tại Luật chuyển giao công nghệ 2017 nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất.

Thứ hai, về quyền của bên nhận quyền đối với đối tượng chuyển giao: Xuất phát từ đối tượng chuyển giao và tính chất của hoạt động, khi một doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ, họ có toàn quyền ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất bất kỳ sản phẩm nào dưới bất kỳ thương hiệu, kiểu dáng, tên thương mại nào mà họ mong muốn. Trong khi đó, đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền chỉ được sử dụng các công nghệ mà mình nhận được để sản xuất, cung ứng các loại dịch vụ có cùng chất lượng, hình thức và dưới nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại của bên nhượng quyền. 

Thứ ba, về sự kiểm soát sau khi giao kết hợp đồng: Trong nhượng quyền thương mại thì đây là một nội dung bắt buộc và không thể thiếu, sau khi nhượng quyền, bên nhượng quyền có quyền giám sát và kiểm tra hoạt động của bên nhận quyền và bên nhận quyền phải chịu sự giám sát và kiểm tra đó để đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống nhượng quyền, tuy nhiên, trong hoạt động chuyển giao công nghệ thì về nguyên tắc, sau khi chuyển giao công nghệ xong bên chuyển giao sẽ không hỗ trợ gì thêm đối với bên nhận quyền và bên chuyển quyền cũng không có quyền kiểm soát hoạt động sản xuất – kinh doanh của bên nhận quyền.

7. Vậy làm thế nào để viết một hợp đồng chuyển giao công nghệ đúng quy định

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là một hợp đồng với chế độ pháp lý phức tạp với các điều kiện chặt chẽ. Yếu tố đầu tiên cần xác định trước khi viết hợp đồng chuyển giao công nghệ là công nghệ chuyển giao là gì? Công nghệ chuyển giao thuộc đối tượng công nghệ khuyến khích chuyển giao/hạn chế chuyển giao/cấm chuyển giao. Hình thức chuyển giao là gì? Tùy thuộc vào công nghệ và hình thức chuyển giao, quy chế pháp lý cũng có những sự khác nhau nhất định. Ví dụ như nếu công nghệ chuyển giao là công nghệ hạn chế chuyển giao, sau khi giao kết hợp đồng, các chủ thể phải tiến hành các thủ tục cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ để hợp đồng có hiệu lực. Khi thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, các bên cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. 

8. Hợp đồng chuyển giao công nghệ chịu sự điều chỉnh chủ yếu của những quy định pháp lý nào?

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Luật chuyển giao công nghệ 2017;
  • Luật thương mại 2005;
  • Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009;
  • Luật cạnh tranh 2004;
  • Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015
  • Thông tư số 02/2018/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 15/05/2018 quy định chế độ báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; mẫu văn bản trong hoạt động cấp giấy phép chuyển giao công nghệ, đăng kí gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.

Nếu cần tư vấn về Hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các loại Hợp đồng kinh doanh thương mại khác, bạn có thể liên hệ Luật sư Nguyễn Duy Binh tại:

Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần & Partners

Địa chỉ: 14-16 đường Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Tp.HCM; 

Điện thoại: 0938 343 384; 

Email: .

HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Số:_____________

Hợp Đồng này được lập và ký ngày …tháng…năm…..giữa:

Bên Chuyển Giao: [Tên đăng ký]

Trụ sở chính: […]

GCNĐKKD số: […]                                               Được cấp bởi: […]

Điện thoại: […]                                                       Fax: […]                                    

Đại diện bởi: […]                                                    Chức vụ: […]

Sau đây được gọi là “Bên A”.

Bên Nhận Chuyển Giao: [Tên đăng ký]

Trụ sở chính: […]

GCNĐKKD số: […]                                               Được cấp bởi: […]

Điện thoại: […]                                                       Fax: […]                                    

Đại diện bởi: […]                                                    Chức vụ: […]

Sau đây được gọi là “Bên B”.

Sau khi thông qua Bảng tóm tắt kết quả hoạt động nghiên cứu, triển khai hoặc kết quả sản xuất, kinh doanh liên quan đến công nghệ được chuyển giao, Bên A và Bên B [sau đây gọi riêng là “Bên” và gọi chung là “Các Bên”] đồng ý ký kết Hợp đồng Chuyển giao công nghệ [“Hợp Đồng”] với những điều khoản như sau:

Điều 1. Nội dung công nghệ được chuyển giao

1.1.        Tên công nghệ được chuyển giao: […]

1.2.        Đối tượng công nghệ được chuyển giao: […]

[Các bên có thể thỏa thuận đối tượng chuyển giao thuộc các đối tượng nêu bên dưới]

-          Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

-          Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

-          Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

-          Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng nêu trên.

-          […].

1.3.        Mô tả đối với công nghệ được chuyển giao [về đặc điểm, nội dung, tính năng, mức độ an toàn, … của công nghệ được chuyển giao]: […]

1.4.        Danh mục máy móc, thiết bị và tính năng kỹ thuật, ký mã hiệu, nước chế tạo, năm chế tạo, tình trạng chất lượng, giá cả của máy móc, thiết bị [trong trường hợp Bên A cung cấp máy móc, thiết bị kèm theo việc chuyển giao công nghệ]: […]

1.5.        Kết quả đạt được sau khi thực hiện chuyển giao: […]

1.6.        Căn cứ chuyển giao [số văn bằng bảo hộ nếu có]: […]

Điều 2.  Phạm vi và thời hạn, địa điểm và tiến độ chuyển giao công nghệ

2.1          Phạm vi chuyển giao: […] [Chuyển giao quyền sở hữu hay quyền sử dụng công nghệ, nếu là chuyển giao quyền sử dụng thì chuyển giao độc quyền hay không độc quyền sử dụng công nghệ, được chuyển giao lại cho bên cho thứ ba hay không, sử dụng trong phạm vi lãnh thổ nào, lĩnh vực nào, quyền được cải tiến công nghệ được thực hiện ra sao, phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra…].

2.2          Thời hạn chuyển giao: […]

2.3          Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ: […]

2.4          Địa điểm chuyển giao công nghệ: […]  

Điều 3. Phương thức chuyển giao công nghệ

3.1           Bên A có trách nhiệm chuyển giao tài liệu về công nghệ cho Bên B;

3.2           Bên A có trách nhiệm đào tạo cho Bên B nắm vững và làm chủ công nghệ theo thời hạn chuyển giao công nghệ quy định trong Hợp đồng này;

3.3           Bên A có trách nhiệm cử chuyên gia tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho Bên B đối với công nghệ được chuyển giao, nội dung chi tiết các chương trình đào tạo theo Phụ lục […] đính kèm Hợp đồng;

3.4           Trình độ, chất lượng, kết quả đạt được sau khi đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật: […];

3.5           Chi phí cho đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật do Bên […] chi trả.  

Điều 4. Bảo hành công nghệ

4.1           Bên A có trách nhiệm bảo hành các nội dung công nghệ được chuyển giao, kể cả đối với máy móc, thiết bị [nếu máy móc, thiết bị do Bên A cung cấp] trong thời hạn […];

4.2           Trong thời hạn bảo hành nếu Bên B thực hiện đúng các chỉ dẫn của Bên A mà sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ không đạt yêu cầu thì A có trách nhiệm khắc phục bằng chi phí của Bên A.

Điều 5. Giá chuyển giao công nghệ và thanh toán

5.1        Giá chuyển giao công nghệ là: […]

5.2        Thời hạn thanh toán: […]

5.3        Phương thức thanh toán: […]

[Các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức sau:]

-          Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa;

-          Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

-          Trả theo phần trăm [%] giá bán tịnh;

-          Trả theo phần trăm [%] doanh thu thuần;

-          Trả theo phần trăm [%] lợi nhuận trước thuế của bên nhận;

-          Phương thức thanh toán khác do các bên thỏa thuận.

Điều 6.   Trách nhiệm do vi phạm Hợp Đồng

Nếu một Bên vi phạm Hợp đồng này, Bên bị vi phạm sẽ gửi văn bản yêu cầu Bên vi phạm khắc phục. Nếu Bên vi phạm không khắc phục hoặc không thể khắc phục vi phạm đó trong thời theo yêu cầu của Bên bị vi phạm kể từ ngày nhận được thông báo của Bên bị vi phạm, Bên vi phạm phải chịu phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp Đồng bị vi phạm và chịu trách nhiệm bồi thường cho Bên bị vi phạm những thiệt hại thực tế, trực tiếp phát sinh do hành vi của Bên vi phạm.

Điều 7.                     Bảo mật

7.1              Bên chuyển giao cam kết các bí mật đối với công nghệ được chuyển giao chưa được tiết lộ, và cam kết không tiết lộ các bí mật về công nghệ chuyển giao cho bên thứ ba. Nếu vi phạm, Bên chuyển giao phải bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh cho Bên nhận chuyển giao.

7.2              Mỗi Bên sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến Hợp Đồng này hoặc của Bên còn lại cho bất cứ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên còn lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Mỗi Bên cam kết có biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng những nhân viên có liên quan của mình cũng tuân thủ quy định này và sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp có bất cứ hành vi nào vi phạm quy định này. Điều khoản này sẽ vẫn có hiệu lực kể cả sau khi Hợp Đồng này hết hạn hoặc chấm dứt.

Điều 8.   Bất khả kháng

8.1        Bất khả kháng là những sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các bên bao gồm nhưng không giới hạn ở: động đất, bão, lũ lụt, gió lốc, sóng thần, lở đất, hỏa hoạn, chiến tranh hay đe dọa chiến tranh… hoặc các thảm họa khác không thể lường trước được; hoặc sự thay đổi của luật pháp bởi chính quyền Việt Nam.

8.2        Khi một bên không thể thực hiện tất cả hay một phần của nghĩa vụ Hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra một cách trực tiếp, Bên này sẽ không được xem là vi phạm Hợp đồng nếu đáp ứng được tất cả những điều kiện sau:

8.2.1   Bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của sự gián đoạn hoặc trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ; và

8.2.2   Bên bị gặp phải sự kiện bất khả kháng đã nỗ lực để thực hiện nghĩa vụ của mình và giảm thiểu thiệt hại gây ra cho Bên kia bởi sự kiện bất khả kháng; và

8.2.3   Tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên gặp phải sự kiện bất khả kháng kháng phải thông báo ngay cho bên kia cũng như cung cấp văn bản thông báo và giải thích về lý do gây ra sự gián đoạn hoặc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ.

Điều 9.     Quyền và nghĩa vụ của Bên Chuyển giao

9.1        Quyền của Bên Chuyển giao

                9.1.1    Yêu cầu bên nhận công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;

                9.1.2    Được thanh toán đầy đủ và hưởng quyền, lợi ích khác theo thỏa thuận trong hợp đồng;

                9.1.3    Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;

                9.1.4    Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;

                9.1.5    Yêu cầu bên nhận công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhận công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng;

9.2        Nghĩa vụ của Bên Chuyển giao

                   9.2.1     Thanh toán tiền cung ứng dịch vụ như đã thoả thuận trong Hợp Đồng.

                   9.2.2    Bảo đảm quyền chuyển giao công nghệ là hợp pháp và không bị hạn chế bởi bên thứ ba;

                   9.2.3    Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên nhận công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;

                   9.2.4    Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;

                   9.2.5    Thông báo cho Bên nhận chuyển giao và thực hiện các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật của công nghệ được chuyển giao làm cho kết quả chuyển giao công nghệ có khả năng không đúng cam kết trong hợp đồng;

                   9.2.6    Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài;

                   9.2.7    Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10.  Quyền và nghĩa vụ của Bên Nhận chuyển giao

10.1      Quyền của Bên nhận chuyển giao

10.1.1      Yêu cầu bên giao công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;

10.1.2      Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;

10.1.3      Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;

10.1.4      Yêu cầu bên giao công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên giao công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng;

10.2      Nghĩa vụ của Bên nhận chuyển giao

10.2.1    Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên giao công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;

10.2.2    Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;

10.2.3    Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam;

Điều 11.  Hiệu lực và chấm dứt Hợp đồng

11.1        Hợp Đồng này có hiệu lực từ […] đến […].

[Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ].

11.2        Hợp Đồng này sẽ chấm dứt trước thời hạn trong những trường hợp sau:

               11.2.1  Nếu các bên đồng ý chấm dứt bằng văn bản.

               11.2.2  Nếu bất cứ vi phạm Hợp đồng nào không được khắc phục trong thời hạn […] ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc phục từ Bên không vi phạm. Trong trường hợp này, Bên không vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho Bên vi phạm.

               11.2.3  Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá […] ngày kể từ ngày phát sinh, Hợp Đồng này có thể được chấm dứt dựa trên văn bản thông báo của một Bên cho Bên còn lại.

               11.2.4  Hợp đồng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý chuyển giao công nghệ hủy bỏ, đình chỉ do vi phạm pháp luật;

               11.2.5  Đối với hợp đồng phải được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền thì khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, các bên phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã phê duyệt hợp đồng.

               11.2.6  Khi một bên thừa nhận vi phạm hợp đồng hoặc có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm có quyền đơn phương đình chỉ việc thực hiện hợp đồng đó.

Điều 12.  Giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp có bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh từ Hợp Đồng này, Các Bên sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Nếu không thể giải quyết được trong vòng 30 ngày, vấn đề sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam [VIAC] theo quy tắc tố tụng của Trung tâm này, địa điểm tiến hành giải quyết bằng trọng tài là thành phố Hồ Chí Minh. Bên thua kiện phải thanh toán tất cả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp cho Bên thắng kiện [bao gồm cả chi phí luật sư].

Điều 13.  Điều khoản chung

13.1     Hợp Đồng này được điều chỉnh và giải thích theo pháp luật Việt Nam.

13.2     Mọi sửa đổi hoặc bổ sung Hợp Đồng đều phải được lập thành văn bản và ký duyệt bởi người có thẩm quyền của mỗi Bên.

13.3     Hợp Đồng này sẽ được lập thành […] bản có giá trị như nhau, mỗi Bên giữ […] bản để thực hiện.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

TIN LIÊN QUAN:

Dịch vụ pháp lý trọn gói: THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Danh bạ Luật sư Doanh nghiệp

Đăng ký ngành nghề kinh doanh

Hợp đồng phân phối

Hỏi về vi phạm và bồi thường hợp đồng thương mại.

Video liên quan

Chủ Đề