Làm sao để trở thành tay đua moto

Có mặt tại trường đua 2K [Bình Dương] vào một buổi chiều cuối tuần đầy nắng, tôi bị ấn tượng bởi một cậu bé có dáng người nhỏ nhắn đang điều khiển chiếc môtô 2 thì với âm thanh đặc trưng của động cơ xăng pha nhớt. Những động tác kỹ thuật như tăng tốc, vào cua hay cạ gối được cậu bé thực hiện thuần thục tới mức mà một tay lái cứng cũng phải ngưỡng mộ.

Phía trong khu vực pitstop, một người đàn ông lặng lẽ đứng quan sát cậu bé chạy xe. Mỗi khi cậu chạy sai kỹ thuật, anh lại ra dấu gọi cậu vào để nhắc nhở cũng như hướng dẫn tận tình.Đó là anh Ngô Nguyễn Anh Tuấn, cha của cậu bé.

Cậu bé 7 tuổi đang chạy chiếc Honda NSR 50 là Ngô Nguyễn Việt Tuấn. Tuy nhiên, cái tên này ít được cậu bé nhắc đến, thay vào đó cậu thích được cha của mình gọi là Su. Trái ngược với hình ảnh mạnh mẽ khi chạy xe, Su dường như ít nói và ngại ngùng hơn mỗi khi vào trong khu vực pitstop nghỉ ngơi sau lượt chạy.

Khác với việc chạy xe ngoài đường, chạy xe trong sân đua yêu cầu người lái phải tập trung ở mức tối đa, chỉ cần một giây lơ đễnh là người và xe rất dễ "ăn cỏ". Từng nhiều lần chạy xe trong sân đua, tôi khó thể nào tin được một cậu bé chỉ mới 7 tuổi với dáng người nhỏ nhắn lại có thể chạy hơn 10 vòng sân đua liên tục mà không có chút mệt mỏi nào hiện ra trên khuôn mặt.

"Trong tương lai tôi sẽ hướng con của mình tới giải Asia Talent Cup. Đây là mục tiêu bước đầu để có thể vươn mình ra các giải lớn", anh Việt Tuấn, cha của Su chia sẻ khi được hỏi về định hướng cho con trong tương lai.

Su không tập luyện một mình. Cậu em của Su, thường được gọi là Zu, cũng đang miệt mài luyện tập trên một chiếc xe khác nhỏ hơn.

Trước đây ở Việt Nam, tập luyện đua xe một cách chuyên nghiệp khá lạ lẫm. Các tay đua thường phải tự trao dồi kỹ năng cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những tiền bối đi trước.Tại Việt Nam, anh Việt Tuấn được xem là người đầu tiên đào tạo cho con mình tập luyện môn thể thao đua môtô một cách bài bản, chuyên nghiệp, bắt đầu với bộ môn Mini GP.

Mini GP là thể loại đua xe môtô mà hầu hết tay đua môtô đều trải qua tập luyện khi còn nhỏ. Các tay đua môtô lừng lẫy thế giới như Marc Marquez hay Valentino Rossi đều bắt đầu từ Mini GP, rồi mới đến những hạng đua cao hơn như Moto 2, Moto 3... trước khi có mặt trong giải đua môtô danh giá nhất hành tinh - Moto GP.

Su bắt đầu tập luyện bộ môn Mini GP từ tháng 4/2018 với sự hướng dẫn và trợ giúp từ người cha của mình. Trước khi Su được cầm lái chiếc NSR 50 để tập Moto GP, cậu cũng trải qua những ngày tháng tập luyện cùng chiếc xe cào cào [motocross] chuyên dụng như người em của mình. Cứ mỗi cuối tuần, Su sẽ cùng cha và người em của mình vào trường đua tập luyện. Đôi khi, cậu bé lại được cha đưa đến những khu rừng cao su để tập luyện chạy xe địa hình motocross.

Chiếc mini bike NSR 50 mà Su điều khiển nguyên bản dùng động cơ 2 thì có dung tích 49 cc. Để xe có công suất tốt hơn, anh Việt Tuấn đã thay thế toàn bộ khối động cơ bằng loại có dung tích lớn hơn cùng nhiều tùy chỉnh khác trên xe để phù hợp với cách chạy của Su. Tốc độ tối đa chiếc xe có thể đạt được là 110 km/h, một con số có thể xem là rất lớn nếu so với một chiếc xe dành cho trẻ em.

Trường đua 2K tại Bình Dương có tổng chiều dài 1,2 km với đoạn đường thẳng dài 400 m, một tay đua tốt có thể hoàn thành 1 vòng sân đua trong khoảng 47-53 giây với 1 chiếc xe có dung tích 150 cc. Su mất 60 giây để hoàn thành một vòng đua trên chiếc NSR 50 trong lần chạy đầu tiên, một con số đáng ngưỡng mộ với một cậu bé 7 tuổi.

"Ở Việt Nam, định kiến đã khiến nhiều thế hệ đi trước buông xuôi và bỏ cuộc với môn thể thao được thế giới công nhận", anh Việt Tuấn lặng lẽ chia sẻ. Khác với đá bóng hay bơi lội, đua xe tại Việt Nam trong mắt nhiều người không phải một môn thể thao mà chỉ là một trò giải trí nguy hiểm, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng đua xe là một tệ nạn. Cho đến nay, những định kiến này vẫn còn tồn tại rất nhiều.

Là người đầu tiên tập luyện môn thể thao biểu diễn môtô [stunt] theo hướng chuyên nghiệp tại Việt Nam, anh Tuấn nhận ra rằng chỉ cần kiên trì tập luyện một cách bài bản và nghiêm túc, người ta có thể đạt được những thành quả và rồi sẽ được xã hội ghi nhận, dù là đua xe hay bất kỳ bộ môn nào.

Môn thể thao nào cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, đối với những môn thể thao mạo hiểm như đua xe thì tỉ lệ này còn cao hơn. "Để giảm thiểu những chấn thương xảy ra cho con của mình, bên cạnh việc trang bị đồ bảo hộ cho bé còn phải cho bé làm quen với việc té ngã, bé té càng nhiều sẽ càng dạn hơn và sẽ quen với việc té ngã để đưa ra phản xạ giúp hạn chế chấn thương đã được mình truyền đạt", anh Tuấn chia sẻ.

Ngoài những định kiến từ xã hội, vấn đề chi phí cũng là trở ngại khiến cho bộ môn này chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Đua xe là môn thể thao rất tốn kém, nếu người lớn tốn một thì trẻ em tốn gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần.

Một bộ giáp đua, nón bảo hiểm, giày cho đến bao tay có giá khoảng vài chục triệu đồng. Nếu như người lớn có thể mặc một bộ giáp cho đến khi rách mới cần đổi, thì đối với những cậu bé như Su và Zu, một năm đổi 2-3 bộ giáp là chuyện bình thường. Chi phí của chiếc môtô mini NSR 50 mà Su đang tập luyện có giá khoảng 220 triệu đồng, tương đương với một chiếc môtô phân khối lớn.

Tính đến nay, Su và Zu đã được cha của mình mua cho nhiều loại xe từ mini bike, dirt bike đến race bike có dung tích 40-150 cc với chi phí khoảng 600 triệu đồng. Số tiền bỏ ra cho trang bị an toàn như giáp, nón bảo hiểm, giày... cũng đã lên tới khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, anh Tuấn vừa đặt cho Su và Zu áo giáp có túi khí mặc bên ngoài giáp đua với mức giá 25 triệu đồng/bộ.

Địa điểm để tập luyện cũng là vấn đề nan giải, hiện tại ở Việt Nam chỉ có 3 trường đua để có thể tập luyện đua xe. Chi phí cho mỗi buổi tập luyện khoảng 3 tiếng dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng. Đam mê có lẽ là thứ lớn nhất lôi kéo 3 cha con tới sân đua vào mỗi dịp cuối tuần, vượt qua không ít khó khăn, nguy hiểm và những rào cản.

Bộ môn đua xe 2 bánh ở Việt Nam những năm gần đây cũng đã chuyên nghiệp và hiện đại hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Tuy nhiên, để có thể trở thành tay đua chuyên nghiệp là con đường không hề dễ dàng.

Ở các nước châu Âu, cái nôi của những huyền thoại đua xe Moto GP, từ 2-3 tuổi, những "mầm non" đã được tập luyện trên các mẫu xe đua và làm quen với đường đua. Còn ở Việt Nam, rất hiếm những đứa trẻ được tiếp xúc với xe đua và bộ môn đua xe ở độ tuổi 5-7 tuổi như Su và Zu. Tại Việt Nam chưa có các trường lớp đào tạo đua xe chuyên nghiệp, nên việc học tập và rèn luyện đều là tự phát.

"Trong vòng 3-5 năm nữa, tôi hi vọng bộ môn này sẽ dễ dàng được tiếp nhận hơn thông qua việc thay đổi tư duy định kiến của các ông bố, bà mẹ bởi 2 tay đua Su và Zu", anh Tuấn nhận định.

Trong tương lai, Su và Zu sẽ được cha đăng ký tham gia các giải đua Mini GP chuyên nghiệp ở các nước có nền đua xe đang phát triển tại khu vực châu Á như Thái Lan, Malaysia nhằm cọ sát và học hỏi thêm kinh nghiệm.

Mục tiêu xa hơn, Việt Tuấn mong muốn 2 đứa con của mình sẽ có tên trong danh sách những tay đua của giải Asian Talent Cup, đây là bước đầu tiên để có thể tiến xa hơn trong bộ môn đua xe môtô mà đỉnh cao là Moto GP.

Chủ Đề