Khai minh và khai tâm là gì

Các hoạt động tự nhận là khai trí, khai sáng... nực cười ở đâu?

Hà Thủy NguyênNhà văn
01:12 CH @ Thứ Hai - 13 Tháng Ba, 2017
Cụm từ khai sáng được lấy ý tưởng từ Thời kỳ Khai Sáng ở châu Âu. Nếu dựa trên các nguyên tắc tư tưởng của thời kỳ này thì các hoạt động Khai Sáng phải thúc đẩy các nguyên tắc lý tính và hướng dẫn cộng đồng những phương thức tư duy khoa học, bởi Thời kỳ Khai Sáng còn được gọi là Thời Đại Lý tính. Thế nhưng, trên cộng đồng mạng Việt Nam hiện nay, khái niệm khai sáng này đang được lạm dụng một cách bất thường, đặc biệt bởi các cộng đồng hoạt động giáo dục hoặc tâm linh. Đi kèm với khai sáng còn có các cách gọi khác như khai minh, khai trí, giáo hóa chúng sinh, nâng cao dân trí blah blah blah Tất cả những hoạt động này đều không liên quan lắm đến tinh thần chủ đạo của Thời kỳ Khai Sáng Châu Âu, mà đã được hiểu theo cách chung chung là đưa một quan điểm, một tư tưởng, một xu hướng nào đó tới cộng đồng.
.
Phải thừa nhận một điều là những hoạt động kiểu này làm phong phú thêm cho cộng đồng mạng luôn thiếu đói điều mới lạ. Nó cũng có tác dụng của nó. Tuy nhiên, gắn việc giới thiệu một tư tưởng, một quan điểm, một xu hướng, một kiến thức nào đó với những ngôn từ đao to búa lớn như khai sáng, khai minh, khai trí, giáo hóa chúng sinh, nâng cao dân trí thì thật là một điều lố bịch. Tại sao vậy?
Khi bạn dùng từ khai sáng, khai minh, tức là tất cả những người khác đều u tối, bạn nhận trên vai sứ mệnh mang đến ánh sáng mà ai đó hoặc tự bạn trao cho mình tới để thắp sáng thế giới. Bạn có chắc thứ bạn đang lải nhải ấy thực sự là ánh sáng? Thời khai sáng, khi cả Châu Âu đang chìm trong bóng tối mê tín của Công giáo thì các nguyên tắc lý tính mở ra một thời đại mới của tư duy. Con người không chỉ biết cầu Chúa nữa mà bắt đầu dùng não. Đó là Khai Sáng vậy. Tuy nhiên, cuộc khai sáng này không hoàn hảo bởi nó đưa con người vào thứ bóng tối khác, đó là triệt tiêu đời sống cảm xúc mà thay vào đó con người vận hành như những cỗ máy được cài đặt. Thế nên, cái bóng đèn có tên Thời kỳ Khai Sáng dùng cũng chẳng được bao lâu giữa bóng tối của nhân loại. Hiện nay, các hội nhóm tâm linh lại dùng khái niệm khai sáng để chỉ những người nhận thức được sự tồn tại của tâm linh và đi theo con đường tu tập. Ừ thì cũng được thôi, nhưng những phương cách tu tập ấy chắc gì đã chính đạo, những ảo cảnh các nhóm tâm linh vẽ ra về cõi trển ấy chắc gì đã có thật. Bạn tin đó là ánh sáng nhưng chắc gì nó là sáng thật! Bởi thế, mình có vài câu khuyên mấy bạn tâm linh thích khai sáng là nên để mình sáng đã rồi hẵng đi cứu nhân độ thế kẻo mắc phải khẩu nghiệp.

Về mấy khái niệm giáo hóa chúng sinh và nâng cao dân trí thì mới thực là nực cười cao độ. Khái niệm giáo hóa thường để nói về công việc truyền bá tư tưởng tẩy não của bên xâm lược với dân cư các vùng đất bị đô hộ. Lại thêm từ chúng sinh trong Phật giáo để ám chỉ những con người mông muội chưa hiểu Phật pháp. Ghép hai từ này lại chả hóa ra Phật đi xâm lược rồi tẩy não chúng sinh. Còn thêm từ nâng cao dân trí nữa. Dân ở đây là những ai, những người đi truyền bá kiến thức ấy có phải dân không? Họ bảo họ đi nâng cao dân trí, tức là đã tách bản thân mình khỏi dân và tự cho mình cái đặc quyền cao hơn dân vậy. Thế nên những khái niệm này hết sức lố bịch.

.
Khái niệm khai trí lại còn mơ hồ hơn thế. Trí là gì? Qúa triết học, tranh luận cũng nhiều. Chẳng ai biết trí là gì. Thế thì khai cái gì? Tuy nhiên, nôm na mà nói thì khai trí chính là mở mang đầu óc. Người tự xưng là khai trí chẳng phải tự cho mình là hiểu nhiều biết rộng còn người khác là đầu óc hạn hẹp hay sao. Trong khi cái thứ người đi khai trí quảng bá chắc gì đã là thứ người khác cần biết, và người đi khai trí chắc gì đã biết những thứ mà người bị coi là đầu óc hạn hẹp hơn ấy biết.

Chúng ta giới thiệu một dạng kiến thức, quan điểm, tư tưởng, xu hướngvv chẳng qua cũng là giới thiệu. Lựa chọn thế nào là quyền của cộng đồng. Một khi tự nhận mình là khai sáng, khai minh, khai trí, giáo hóa chúng sinh, nâng cao dân trí thì chẳng khác nào bạn tự độc quyền những gì mình giới thiệu, rồi tự cho đó là chân lý. Tức là bạn đang đại diện cho cái thứ mà thời đại ngày nay gọi là toàn trị vậy.

Đương nhiên, những người tự vác trên vai mình sứ mệnh cao quý này, chẳng ai nghĩ xa thế. Họ chỉ đơn thuần nghĩ rằng họ đang làm việc tốt. Xin thưa, khủng bố ISIS cũng cho rằng mình đang làm việc tốt vậy, họ cũng tự cho mình cái quyền truyền đạo, giáo hóa chúng sinh giống như ai đó đang làm. Họ có lòng tốt như thế, tại sao họ lại khủng bố, bởi vì họ mông muội nhưng vẫn khoác cái áo khai sáng. Ở mức độ nhẹ hơn, những thứ mông muội tự dán nhãn khai sáng, khai minh, khai trí, giáo hóa dân chúng, nâng cao dân trí tạo ra một lớp người cao cao tự đại, to mồm chèn ép các kiến thức, tư tưởng, xu hướng khác. Thậm chí những thứ thông điệp kiểu này còn trở thành một thứ dân túy để thu hút đám đông.

Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách tỉnh táo những hoạt động có gắn các nhãn mác kiểu này. Tôi đặt vấn đề này không phải để cấm đoán hay công kích họ, mà hi vọng các độc giả và chính bản thân họ định vị lại vị trí của mình, đừng cố lên gân vác trên vai cái ảo tưởng về sứ mệnh.

Người khởi xướng phong trào Khai sáng là René Descartes không từng là các chính trị gia.Họ là những nhà nhân văn, khoa học, công nghệ, hoạt động của họ nhằm khai sáng, mở mang đầu óc, trí tuệ người dân, chứ không nhằm quản trị dân, quản trị quốc gia.
Nguồn:Blog cá nhân
LinkedInPinterestCập nhật lúc:01:13 CH @ 13/03/2017
học tậpgiáo dụckhai sángkhai trítrí tuệkiến thứctriết lýHà Thủy Nguyên

Video liên quan

Chủ Đề