Khai báo dịch tễ là gì

1. Khai báo y tế là gì?


Khai báo y tế được hiểu là việc người dân cung cấp thông tin y tế cá nhân cho đơn vị nhằm mục đích kiểm soát bệnh tật. 


Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ [liên quan ca bệnh Covid-19, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch...]


2. Các nội dung cần khai báo y tế


Người bệnh đi khám bệnh trong thời gian này cần thực hiện khai báo y tế liên quan đến Covid-19. Cụ thể, khi khai báo y tế người bệnh sẽ kê khai các thông tin cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ của mình trong vòng 14 ngày qua. Các thông tin về sức khỏe liên quan đến Covid-19 gồm các triệu chứng về hô hấp: ho, sốt, đau rát họng, khó thở, tức ngực,... Các thông tin về dịch tễ gồm sự đi, đến hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19, tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gián tiếp với người tiếp xúc gần, sử dụng các phương tiện công cộng [máy bay, tàu, xe] nhưng không đeo khẩu trang. 
 

Người bệnh buộc thực hiện khai báo y tế trước khi tiến hành khám như một cuộc khám thông thường
​​​​​

3. Các bước khai báo y tế tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng  


Bước 1: Người bệnh sát khuẩn tay, mang khẩu trang.
Bước 2: Người bệnh tự điền để trả lời các thông tin trên Phiếu khám sàng lọc nghi Covid-19. 
Bước 3: Nhân viên y tế xác định yếu tố nguy cơ nhiễm Covid-19 và hướng dẫn người bệnh.


4. Quy trình khám sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng


Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, khi đi khám bệnh, người bệnh sẽ được nhân viên y tế phát “Phiếu khám sàng lọc nguy cơ lây Covid-19” đồng thời được nhân viên y tế hướng dẫn tự điền để trả lời các thông tin ghi sẵn trên Phiếu. Dựa vào các thông tin đã có, nhân viên y tế sẽ tiến hành sàng lọc và phân loại các đối tượng có nguy cơ và không có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. 


+ Khám thông thường: khi người bệnh không có triệu chứng hô hấp, không có yếu tố dịch tễ.


+ Khám tại khu khám hô hấp riêng: khi người bệnh có triệu chứng hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ. Tại đây, người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi kỹ về tiền sử tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày qua, khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm. Tùy theo mức độ nguy cơ ở các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện để được điều trị hoặc được cách ly tại cơ sở tập trung hoặc cách ly tại nhà để theo dõi.

Kiểm tra thân nhiệt là bước quan trọng trong quy trình khai báo y tế trước khi vào khám của người bệnh


5. Tại sao cần khai báo y tế trung thực, chính xác


Hiện tại tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn ra phức tạp, có xu hướng tăng nhanh, ảnh hướng nhiều đến sức khỏe người dân. Người bệnh cần khai báo trung thực và chính xác các thông tin trên Phiếu khám sàng lọc Covid-19 để nhân viên y tế phát hiện, điều trị bệnh kịp thời, đồng thời sẽ hướng dẫn cách ly tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.


6. Tôi có đọc thông tin về việc cần khai báo y tế trước khi vào khám. Tôi có thể khai báo y tế online được không?


Hiện tại, bệnh viện chỉ sử dụng hình thức khai kháo y tế bằng cách sử dụng Phiếu khám sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ Covid-19, chưa áp dụng khai báo y tế online.  


7. Nếu có các triệu chứng hô hấp nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc với người nghi nhiễm thì bệnh viện có tiến hành khám cách ly không? Nếu có thì như thế nào?


Trường hợp người bệnh có triệu chứng hô hấp nhưng không có yếu tố dịch tễ và không có tiếp xúc gần thì người bệnh sẽ được khám riêng tại Phòng khám hô hấp để bác sĩ giải thích kỹ hơn về yếu tố dịch tễ hoặc tiền sử tiếp xúc gần, đồng thời sẽ được khám lâm sàng, thực hiện bổ sung các xét nghiệm để loại trừ khả năng nghi nhiễm Covid-19. Người bệnh sẽ được kê đơn điều trị bệnh lý hô hấp như một cuộc khám bệnh lý hô hấp thông thường khi bác sĩ điều trị loại bỏ được nguy cơ nghi nhiễm Covid-19 từ người bệnh. 


8. Một số trường hợp được cách ly tập trung, trong khi một số trường hợp khác theo dõi tại nhà. Vậy trường hợp nào sẽ cách ly tập trung, trường hợp nào sẽ áp dụng hình thức theo dõi tại nhà?


Cách ly và điều trị tại cơ sở y tế: những trường hợp nhiễm bệnh và người thân của bệnh nhân đã có tiếp xúc gần họ [Cách ly vòng 1]


Cách ly tại cơ sở tập trung: những người có tiếp xúc gần với trường hợp  nhiễm bệnh và người thân của họ. Các đối tượng ở/đi qua/đến từ vùng dịch tễ nhưng chưa có các triệu chứng sốt/viêm nhiễm đường hô hấp cấp [Cách ly vòng 2] 


Cách ly tại nhà/nơi cư trú: Các đối tượng đã có tiếp xúc với những người được cách ly ở vòng 2 [Cách ly vòng 3]


9. Trong trường hợp tôi là người bệnh F3 và buộc theo dõi tại nhà, tôi nghĩ việc này khá nguy hiểm cho tôi và gia đình. Tôi cần phải làm gì khi tự theo dõi sức khỏe tại nhà?


Bạn cần phải làm các điều sau:


Cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.


- Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương.


- Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.


- Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.


- Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác.


- Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.


- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt...


- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.


- Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.


*Phòng ở: 


- Tốt nhất là ở phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.


- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.


- Nếu có điều kiện nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.


- Có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch.


- Có thùng rác có nắp đậy.


- Thực hiện vệ sinh, thông khí, thông thoáng nhà ở. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.


10. Tôi nghe nhiều về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, nhưng đeo khẩu trang như thế nào là đúng cách?


Để phòng ngừa bệnh và tránh lây nhiễm dịch bệnh, chúng ta cần lưu ý một số điểm quan trọng trong việc sử dụng khẩu trang y tế như sau:


- Chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.


- Để mặt xanh có tính không thấm nước ra ngoài khi đeo


- Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang


- Đảm bảo khẩu trang che kín mũi và miệng 


- Sau khi đeo khẩu trang TUYỆT ĐỐI không sờ tay vào mặt ngoài khẩu trang vì đây là mặt có thể dính virus. Chạm tay vào mặt xanh có thể là nguy cơ lây nhiễm virus và các bệnh truyền nhiễm khác cho bản thân và gia đình. 


- TUYỆT ĐỐI không chạm tay vào mặt ngoài của khẩu trang khi tháo, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi rus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.


- Cầm vào phần quay dây đeo tai khi tháo khẩu trang, cho trực tiếp vào thùng rác an toàn ngay sau đó


- Rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay sát khuẩn.


11. Tôi đang có các triệu chứng ho, sốt, đau họng, tôi muốn đi khám để chắc mình không mắc Covid-19. Trong trường hợp này tôi có thể đi khám tại bệnh viện HMĐN không? Chi phí khám là bao nhiêu? Tôi có được tính bảo hiểm y tế như thông thường không?


Trường hợp này bạn có thể đến khám tại Phòng khám hô hấp Bệnh viện HMĐN để khám, phát hiện nguyên nhân bệnh.


Chi phí khám và điều trị tùy theo bệnh lý được chẩn đoán, thuốc điều trị và các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm. Bạn cần gặp bác sĩ điều trị trực tiếp để khám, xác định bệnh và tư vấn về chi phí khám chữa bệnh cho bệnh lý đã được chẩn đoán.  


Khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thông báo chính thức kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính thì người bệnh được xem là người mắc Covid-19. Lúc này, các chi phí điều trị liên quan [sau khi đã được chẩn đoán Covid-19] sẽ được cơ sở y tế nhà nước hỗ trợ. Trường hợp bạn nêu ra, bạn chỉ đến khám vì triệu chứng hô hấp, chưa xác định là Covid-19 nên chi phí điều trị vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế như một cuộc khám thông thường. 


12. Những điều cần chú ý để phòng tránh lây nghiễm Covid-19 khi sử dụng các phương tiện công cộng [tàu xe, máy bay]


Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rútCovid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau khi sử dụng các phương tiện công cộng:


- Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.


- Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.


- Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.


- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng [nếu có] hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.


- Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông.


- Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng [ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga…].


- Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Chủ Đề