Hiện nay có bao nhiêu chủ tịch tiếp công dân năm 2024

Chiều 11/10/2023, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước ngày 18/10. Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, một số vụ việc cũ chưa được giải quyết dứt điểm; đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh ở một số tỉnh Tây Nguyên có dấu hiệu trở thành vụ việc phức tạp nếu không được xử lý phù hợp, kịp thời .

Theo báo cáo, năm 2023, có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh [tăng 37,5% so với năm 2022], với tổng số người được tiếp là 433.832 người [tăng 41,8%] về 294.622 vụ việc [tăng 33,2%], có 2.929 đoàn đông người [tăng 26,6%].

Toàn cảnh phiên họp chiều 11/10

Đáng chú ý, theo ông Phong, phân tích từ kết quả giải quyết 11.780 vụ việc khiếu nại lần đầu cho thấy: Có 880 khiếu nại đúng [chiếm 7,5%]; 1.135 khiếu nại có đúng, có sai [9,6%].

Phân tích từ kết quả giải quyết 2.225 vụ việc khiếu nại lần hai cho thấy, số vụ việc phải sửa quyết định giải quyết lần đầu là 386 vụ [17,3%].

Phân tích kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy, có 31 tố cáo tiếp đúng [10,6%], 67 tố cáo tiếp có đúng có sai [22,9%].

Qua giải quyết tố cáo các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 19,6 tỷ đồng, 0,8 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 12 tập thể, 751 cá nhân; trả lại cho các tổ chức, cá nhân 254,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 37 vụ, 32 đối tượng, trong đó có 16 cán bộ, công chức.

Theo ông Phong, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn so với năm 2022 và thấp hơn mục tiêu chung phấn đấu [85%]; chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để. Qua giải quyết khiếu nại có 17,1% khiếu nại có yếu tố đúng cho thấy, công tác quản lý hành chính nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, bất cập, thiếu sót, thậm chí còn để xảy ra vi phạm pháp luật.

Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo tại phiên họp

“Nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài qua các thời kỳ có nhiều sự thay đổi về chính sách, pháp luật dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để giải quyết; một số vụ việc phải xác minh, thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, trong khi việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan trong những năm trước đây còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết, ông Phong nói.

Sai phạm trong thực thi công vụ cao hơn năm trước

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lưu ý, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa đạt yêu cầu [chỉ đạt 45%] và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định. “Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”.

Bên cạnh đó, trong Báo cáo gộp số ngày Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp để đánh giá về việc chấp hành quy định của pháp luật về số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước là chưa bảo đảm theo đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân", ông Tùng nói.

Đáng chú ý, trong số đơn đã được xử lý, số đơn có đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 81% [năm 2022 là 86,8%] và càng lên cấp cao hơn thì tỷ lệ này càng giảm [ở địa phương là 83,3%; ở Bộ, ngành là 50,4%; ở Thanh tra Chính phủ là 39,3%]. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra

Đối với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu không thay đổi so với năm 2022 [số khiếu nại có nội dung đúng vẫn là 17,1%], nhưng số khiếu nại đúng toàn bộ tăng 1,3% cho thấy, chất lượng giải quyết công việc của cơ quan nhà nước chưa thực sự có chuyển biến tích cực, có mặt còn kém hơn so với năm 2022. Đối với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai, có 17,3% vụ việc phải hủy, sửa quyết định giải quyết lần đầu, tăng 0,7% so với năm 2022, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá, làm rõ thêm về nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục tình trạng này để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.

"Qua phân tích số liệu kết quả giải quyết tố cáo trong Báo cáo của Chính phủ, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 23,5%, so sánh với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, số tố cáo tiếp có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 33,5%, so sánh với năm 2022 là 36,1% cho thấy tỷ lệ sai sót trong giải quyết tố cáo lần đầu của các cơ quan nhà nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao. Đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng của công tác giải quyết tố cáo" ông Tùng nói.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND không tiếp dân phải giải trình trước UBTVQH

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá thêm một số vấn đề để dự báo sát hơn tình hình năm 2024, cụ thể là: [1] Các dự án đầu tư lớn đã và đang được khẩn trương triển khai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai, môi trường; [2] Tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực... tác động đến người lao động, doanh nghiệp về vấn đề việc làm, thu nhập... có thể phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, của chủ doanh nghiệp...; [3] Năm 2024 là năm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 có thể phát sinh đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự; đồng thời, đây cũng là năm tập trung thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 có thể dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; [4] Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua Luật Đất đai [sửa đổi], Luật Nhà ở [sửa đổi], Luật Kinh doanh bất động sản [sửa đổi]... một mặt sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai, khắc phục nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhưng mặt khác do quyền lợi của người dân theo quy định mới của các văn bản luật này được bảo đảm tốt hơn, nên cũng có thể phát sinh tâm lý “so bì” dẫn đến gia tăng khiếu nại, tố cáo.

Vì vậy, ông Tùng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Dẫn báo cáo, việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân, khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 79%; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạt 45%... Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, như vậy còn hơn 20% Chủ tịch UBND cấp tỉnh, 55% Bộ trưởng không tiếp dân theo quy định. “Đề nghị làm rõ tình trạng tiếp công dân ở bộ, ngành, địa phương, công khai thông tin người đứng đầu không tiếp dân. Nếu công khai, tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực”, bà Nga nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ vì sao số đoàn đông người, lượt người kéo đến cơ quan nhà nước đòi giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng cao? “Đề nghị các cơ quan chuyên môn của Chính phủ làm rõ thêm nguyên nhân các chỉ số này tăng? Số liệu nói công dân trực tiếp đến các bộ ngành tăng mạnh đến hơn 268%? Số đơn do các bộ ngành tiếp nhận tăng gần 80%? Bộ trưởng tiếp dân chỉ đạt 45% … Đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng đều tăng cao, cho thấy sai phạm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ… đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể. Bổ sung cụ thể địa chỉ cá nhân vi phạm, từ đó xác định trách nhiệm và có chế tài phù hợp”, ông Mẫn nói.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ xác thực tình hình, làm rõ tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng? Làm rõ nguyên nhân do khâu giải quyết hay tuyên truyền pháp luật. Từ đó, cần dự báo, nhận diện để tránh phát sinh điểm nóng. Bổ sung thông tin làm rõ hơn những khó khăn trong thực hiện luật tiếp công dân, luật khiếu nại, luật tố cáo. “Dù luật đã quy định nhưng qua tiếp xúc cử tri phản ánh có nhiều đồng chí không dành thời gian, như Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch không tiếp dân. Chủ yếu để cấp phó làm thay, cần xem xét nghiên cứu. Nếu cần, yêu cầu Bộ trưởng, hay người đứng đầu địa phương giải trình trước UBTVQH về công tác tiếp dân- giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó buộc phải thay đổi, quan tâm hơn công tác này”, ông Cường đề xuất.

Chủ Đề