Dẫn chứng về lí tưởng sống cao đẹp

Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng mà chúng ta có nghị lực và niềm tin trong cuộc đời, biết sống thế nào cho có ý nghĩa, sống thế nào cho đáng sống. Cùng Top lời giải tìm hiểu một số dẫn chứng về lí tưởng sống để thấy được vai trò của lí tưởng sống đối với mỗi con người chúng ta nhé!

Dẫn chứng về lí tưởng sống – Bài mẫu 1

Theo cách nói của Lép Tôn-xtôi thì lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, và vì là ngọn đèn chỉ đường nên khi thiếu vắng nó con người ta sẽ dễ lầm lạc, đôi khi chậm trễ trên lộ trình của cuộc sống.

Hành trình đi đến lí tưởng, phấn đấu theo lí tưởng, cũng như một vận động viên điền kinh đang ra sức chinh phục chặng đường đua của mình.anh chàng vận động viên chỉ biết rằng phía trước, những bước cuối cùng của chặng đường đua là dải băng rôn về đích. anh cố hết sức và lao về trước với một tinh thần sức mạnh thiêng liêng, như mỗi chúng ta đều hướng về lí tưởng của mình. Cuộc sống cũng là một chặng đua và nếu chặng đua ấy không có đích đến, không có hướng đi thì chúng ta sẽ đi đâu về đâu.

Nhưng Lép Tôn-xtôi bảo rằng: “Lí tưởng là phương hướng kiên định”, điều đó không có nghĩa rằng lí tưởng là một khối vật khổng lồ, nặng chịch không bao giờ có thể chuyển dịch. Trong cuộc sống có vô vàn lí tưởng nhưng như thế nào mới là một lí tưởng chính đáng? 

Ví dụ như lí tưởng của một người kinh doanh là làm giàu, nhưng không phải bất chấp mọi thứ để làm giàu. Anh ta phải tuân theo khuôn khổ của pháp luật và trách nhiệm của lương tâm. Lí tưởng của một cậu học sinh là đỗ cao trong kì thi đại học. Nhưng không phải là sẽ dùng những hành vi gian lận trong kì thi để đạt được điều đó.

Mỗi bước đi của chúng ta bây giờ đều bước theo những bậc thang của lí tưởng, và luôn luôn có lí tưởng sáng soi chỉ đường. Lúc ấy chúng ta như những đứa trẻ vô tri được bàn tay người mẹ nâng niu dìu dắt từng bước đi. Và khi ấy nếu không có mẹ, không có lí tưởng con là đứa trẻ bơ vơ, lạc loài, rồi sẽ đi đâu về đâu. Khi bạn muốn chinh phục nóc nhà thế giới, muốn đứng trên đỉnh Everest dù chỉ là một giây, thì phải trải qua ngàn giờ hãi hùng, có lúc tưởng rằng hi sinh cả tính mạng, nhưng vẫn hết mình thực hiện cái lí tưởng của bản thân.

Ngày mùng 5 tháng 6 năm 1911, chàng thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng xuống tàu buôn ra nước ngoài mang trên mình hàng trang duy nhất là lí tưởng tìm đường cứu nước. Giả dụ, nếu không có đủ sức mạnh của lí tưởng thì Bác đã không bao giờ có can đảm ra đi. Chính vì thế ta hãy sống, và thực sự sông khi đã có lí tưởng riêng của bản thân. Xuân Diệu thì mải mê với lí tưởng:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn ngồi buồn le lói suốt trăm năm”

Cảm ơn nhà thơ đã đem đến một quan niệm mới về lí tưởng của cuộc sống. Chắc hẳn, chúng ta ai cũng biết Xuân Diệu là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, yêu đời một cách tha thiết nhất. Chính vì thế nhà thơ đem hết trái tim của mình cống hiến cho cuộc sống này, cho lí tưởng sống tràn đầy yêu thương. Xuân Diệu mong muốn được sống chân thành với lí tưởng của riêng ông, được hiến dâng cả cuộc đời để đổi lấy “một phút huy hoàng” - đó là giây phút cháy bỏng của một tâm hồn sống trong lí tưởng. Đông thời nhà thơ, nhà thơ cũng muốn gửi gắm lí tưởng sống ấy cho mọi người trong cuộc đời. Sống phải sống sao cho đáng sống, phải đem hết dũng cảm để sống cho cái lí tưởng của mình, để từ đó tìm ra phương hướng đi theo tiếng gọi của “lí tưởng” như L.Tôn-xtôi đã khẳng định “không có lí tưởng thì không có phương hướng, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Nhưng thử hỏi có mấy ai có đủ dũng cảm để sống hết mình, sống một cách trọn đấy cho lí tưởng. Chắc hẳn, chúng ta - những người con của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên và cũng không bao giờ được quên người thiếu nữ đã chết cho “mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta vùng Đất Đỏ” và chết cho đời sau. Nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho tổ quốc yêu thương và cũng cho riêng lí tưởng sống của chị, khi mới trọn đầy cái tuổi mười sáu.

Tôi không so sánh bạn, cũng như không dám so sánh mình với lí tưởng cháy bỏng yêu thương của tâm hồn thi sĩ Xuân Diệu, với lí tưởng cách mạng cao cả của nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Qua đó, tôi chỉ có thể khẳng định rằng mỗi chúng ta đều có thể gắng hết sức vì lí tưởng sống của bản thân mình để thật sự có một phương hướng sống, phương hướng để tồn tại. Cũng như từ đầu vẫn nói, lí tưởng không hề xa vời, lí tưởng là đoạn đường, là lối đi gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời.

Dẫn chứng về lí tưởng sống – Bài mẫu 2

Cuộc đời bao giờ cũng muôn hình vạn trạng. Trong bức tranh muôn vẻ ấy, có mặt tốt, mặt xấu, mặt tích cực, mặt tiêu cực và chắc chắn có người sống có lí tưởng và người sống không có lí tưởng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những dòng thơ thật hay về lí tưởng sống:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả ?

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình ”

Thiết nghĩ đây là vấn đề đáng để thanh niên chúng ta quan tâm, bàn luận.

Nhưng muốn đi đến tận gốc rễ của vấn đề, trước hết ta phải tìm hiểu thế nào là lí tưởng? Lí tưởng là mục đích sống cao đẹp của con người. Người sống có lí tưởng luôn hướng tới vẻ đẹp chân, thiện, mĩ; luôn hướng tới sự chan hoà, sẻ chia, nhân ái, sống vì mọi người, muốn cống hiến tài năng, sức lực vì quê hương, đất nước, luôn cố gắng bay cao, bay xa thể hiện bản lĩnh của bản thân.

Phó mặc số phận! Phó mặc cuộc đời! Tuổi trẻ không có lí tưởng như phiến đá lớn vô dụng. Khi ấy chúng ta không thể ngước mắt nhìn xa mà còn đui điếc về tâm hồn. Chúng ta chỉ biết sống với những mục đích đê tiện, tầm thường. Chỉ vun vén, tô vẽ cho vẻ bề ngoài của bản thân. Từ đó mà sinh ra thói ích kỉ, nhỏ nhen. Sống không lí tưởng, không mục đích là tự ta đang đẩy ta vào ngõ cụt của cuộc sống. Còn nếu mục đích tầm thường thì cũng làm cho tâm hồn con người không cất cao lên được.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ có biết bao “anh thanh niên” như nhân vật của Nguyễn Thành Long… Họ đã ra đi vì lí tưởng cao đẹp của cả dân tộc. Họ ra đi với tiếng gọi thiêng liêng của hai chữ – hoà bình. Họ ra đi không tiếc máu xương, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc cá nhân… Họ ngã xuống ở tuổi đôi mươi mà bao trang nhật kí còn dang dở vẫn đang được lật giở theo dòng thời gian {Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Nhật kí Đặng Thùy Trâm] nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm, về mục đích sống của bản thân với Tổ quốc mến yếu. Họ là những người vô danh không tên, không tuổi: “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước ” Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm]. Họ là Phan Đình Giót – người anh hùng đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Là người thanh niên trẻ tuổi, quả cảm, quyết một lòng yêu nước, tin tường vào cách mạng – Nguyễn Văn Trỗi. Trong giây phút cuối cùng ngã xuống dưới làn súng quân thù anh vẫn hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm Ị Việt Nam muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trên tấm ảnh “Nguyễn Văn Trỗi trên pháp trường” như sau: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mĩ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt, anh hùng Trỗi là tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yếu nước, nhất là cho thanh niên học tập. Chúng ta hôm nay tạc dạ, ghi ơn, kết nối truyền thống của thế hệ trẻ đi trước”…

Có người đặt câu hỏi: Lớp trẻ ngày nay liệu có dám hi sinh tính mạng, cống hiến sức lực vì Tổ quốc, đồng bào? Câu hỏi ấy đã có câu trả lời từ thực tế. Thanh niên Việt Nam hôm nay là thế hệ năng động, sáng tạo, giàu hoài bão bay cao, bay xa. Lí tưởng sống cao đẹp của thanh niên ngày nay bắt đầu từ những hành động nhỏ nhặt nhất. Từ sẻ chia miếng cơm, manh áo giúp đồng bào nghèo đến các chương trình lớn như đưa con chữ đến vùng sâu, vùng xa, hiến máu nhân đạo, đến các cuộc thi sáng tạo trẻ, Robocon, Olympic… Thanh niên Việt Nam luôn khẳng định được vị trí của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuổi trẻ Việt Nam luôn khao khát đỉnh vinh quang, nở nụ cười phất cao lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên tay như Hoàng Anh Tuấn, Lê Công Vinh…

Trong thời kì hội nhập kinh tế thế giới, thanh niên Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với bản tính linh hoạt, sáng tạo, tiếp thu nhanh, thanh niên Việt Nam hôm nay dễ dàng tiếp thu một cách nhanh chóng những tinh hoa văn hoá, thành tựu khoa học kĩ thuật của nhân loại. Đại thắng mùa xuân 1975 mở ra một kỉ nguyên mới: kỉ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Nước ta bắt đầu đi lên từ con số 0 tròn trĩnh. Ở điểm xuất phát như vậy, bước vào thế kỉ XXI – thế kỉ của nền kinh tế tri thức, nước ta còn gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi ta đã trở thành thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới [WTO]. Điều đó mở ra cho chúng ta không ít vận hội lẫn nhiều thách thức khó lường. Bởi vậy mỗi thanh niên cần ý thức được trách nhiệm của bản thân – trong học tập cũng như trong lao động, lập cho mình một kế hoạch rõ ràng và từng bước thực hiện để đạt được mục đích.

Tuy nhiên, bên cạnh những thanh niên có lí tưởng sống, mục đích sống đẹp vẫn còn một bộ phận thanh niên sống không có lí tưởng hoặc mục đích sống thấp hèn. Ngày nay, không ít thanh niên xem “hưởng thụ” là mục đích sống của bản thân. Hầu hết, họ là những cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu có. Cú đánh võng ngoạn mục trên đường phố, cơn khoái lạc sau khi dùng cocain, thuốc lắc… không có gì không thể với họ. Hoặc lại có thanh niên toan tính vụ lợi cá nhân. Họ sẵn sàng lợi dụng sự giúp đỡ của người khác chỉ để thu vén cho mình. Lối sống như vậy nhất định sẽ bị xã hội đào thải.

Là một thanh niên thời đại mới tôi luôn xác định ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội. “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Bạn nghĩ thế nào về câu nói ấy của L.Tôn-xtôi?

>>> Xem thêm: Dẫn chứng về sống đẹp

Dẫn chứng về lí tưởng sống – Bài mẫu 3

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Đó là ước nguyện chân thành tha thiết của nhà thơ Thanh Hải: muốn làm một “mùa xuân nho nhỏ” để dâng hiến cho cuộc đời chung những gì tốt đẹp nhất. Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa cũng đã yêu nghề, có trách nhiệm cao với công việc bởi anh hiểu công việc của mình gắn bó với bao anh em, đồng chí khác; có ích cho đời sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta, đất nước ta. vẻ đẹp của anh thanh niên cùng với bao tấm gương sáng khác trong quá khứ khiến cho ta xúc động và tự hỏi lòng mình: phải làm gì để xứng đáng với thế hệ đi trước? Điều chắc chắn tiên quyết đối với mỗi người đó là phải sống có lí tưởng.

Chúng ta cũng đã biết: lí tưởng là mục đích sống cao đẹp của con người. Có thể thấy rõ con người sống có lí tưởng qua các hành động cụ thể, qua sự cống hiến hết mình của họ trong lao động, học tập, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Ở bất kì thời đại nào, con người sống cũng cần phải có lí tưởng. Khi ở tuổi thanh niên, Nguyễn Công Trứ đã từng xác định:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

 Phải có danh gì với núi sông

Theo ông, chí làm trai là phải lập nên công danh sự nghiệp để trả nợ “tang bồng”. Dẫu quan niệm còn nặng tư tưởng phong kiến nhưng chúng ta cũng thấy được rất nhiều việc lớn Nguyễn Công Trứ đã giúp ích cho đời. Như vậy, sống phải có mục đích, lí tưởng để con người theo đích đã chọn mà hành động, mà vươn lên.

“Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu như mục đích bình thường”. Nhận xét này thật đúng khi soi nó vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng bôn ba năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Làm phụ bếp trên tàu, quét tuyết giữa đêm lạnh trời Âu, bị giam trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch…, biết bao gian khổ hi sinh. Con đường cứu dân cứu nước còn gập ghềnh, thử thách, Bác Hồ đã tự khuyên mình:

Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Và trong cảnh lao tù Người vẫn kiên trì theo mục đích đã chọn, vững lòng bởi:

Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao

“Sự nghiệp lớn” mà Bác đã chọn đó là con đường dẫn đến độc lập cho đất nước, tự do, no ấm cho nhân dân. Những thanh niên thế hệ đầu tiên được Bác dìu dắt tham gia Cách mạng đã cống hiến tuổi xuân của mình cho đất nước như chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Lê Hồng Phong, Trần Phú và còn nhiều tên tuổi các anh, các chị đã ngã xuống cho đất nước này “nở hoa độc lập, kết quả tự do”…

Theo lời Bác gọi, trong chín năm chống Pháp, nhiều thanh niên nông thôn đã đến với đội quân Cách mạng. Từ những nơi “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” họ đã trở thành đồng chí cùng chung mục đích, lí tưởng: chiến đấu giải phóng quê hương. Biết bao tấm gương anh dũng hi sinh đã khắc sâu trong lòng người dân Việt Nam, khắc vào trang sử vàng của dân tộc: anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai…

Vì lí tưởng cao đẹp, các thanh niên miền Bắc đã vào Nam chiến đấu chống Mĩ với khí thế:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Có thể nói, khí thế của cả dân tộc thòi kì ấy là của bốn nghìn năm dồn tụ lại. Những sinh viên trẻ như Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc, cũng đã vào miền Nam góp phần không nhỏ trong chiến thắng vẻ vang của dân tộc:

Vì độc lập tự do núi sông hùng vĩ Vì thiêng liêng giá trị con người Vì muôn đời hoa trái xanh tươi

Vì mục đích sống cao đẹp ấy, thế hệ thanh niên trong thế kỉ XX đã hiến dâng cả tuổi xuân của mình cho đất nước.

Bước sang thế kỉ XXI, đất nước Việt Nam có những thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Ở mỗi lĩnh vực, sự cống hiến của thanh niên vẫn thật đáng trân trọng, tự hào. Nơi biên giới hải đảo xa xôi, những thanh niên vừa chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu vừa đem ánh sáng văn hoá đến cho nhân dân. Nơi giảng đường đại học, vẫn có bao phong trào sôi nổi: “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”… Thanh niên hôm nay và mai sau vẫn tiếp nối lí tưởng cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra. Ngọn lửa truyền thống của lớp thanh niên đi trước vẫn được thắp sáng mãi, là điểm tựa vững chắc để từ đó thanh niên Việt Nam vững bước tới tương lai. Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi… vẫn được truyền tay đọc, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang được thanh niên nhiệt tình hưởng ứng. Những ngọn nến được thắp sáng trong đêm trên sông Thạch Hãn, những nén hương thơm thắp nơi nghĩa trang liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước… Tất cả là để quá khứ còn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người.

Thực tế vẫn còn một số thanh niên rơi vào vòng xoáy của ăn chơi, sa đoạ, ham sống hưởng thụ trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội; có thanh niên vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích quốc gia dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”… Có thể khẳng định họ là những con người sống không có lí tưởng.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Nếu là con chim chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

Những câu thơ ấy nhắc nhở chúng ta sống đúng đạo lí làm người. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, trân trọng thành quả mà ta đang hưởng thụ, biết ơn người làm ra thành quả và có ý thức chăm bón để “cây đời mãi mãi xanh tươi” đem lại “trái ngọt” cho thế hệ sau đó là thái độ đúng đắn nhất của chúng ta hôm nay.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Dẫn chứng về lí tưởng sống do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

Xem thêm các bài cùng chuyên mục

Xem thêm các chủ đề liên quan

Loạt bài Lớp 9 hay nhất

Chủ Đề