Cảm hứng nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam

Nội dung yêu nước và nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Hào khí Đông A

I. Khái quát quá trình hình thành và tương quan giữa hai nội dung yêu nuớc và nhân đạo.

1. Hoàn cảnh lịch sử – xã hội – văn hoá

– Gắn bó với vận mệnh đất nước và số phận con người.

– Hấp thụ nguồn VHDG

– Từng bước tiếp thu văn hoá Trung Hoa trên cơ sở ting thần và bản lĩng dân tộc, từng bước phát triển bộ phận văn chương bác học và xác lập những giá trị văn học đậm đà bản sắc dân tộc, vận động theo chiều hướng dân tộc hoá và dân chủ hoá.

– Phản ánh sắc nét cuộc đấu tranh không ngừng vì khát vọng độc lập dân tộc và những giá trị tinh thần cao cả của con người.

2. Quá trình phát triển nội dung yêu nước và nhân đạo

– Thời kì quốc gia độc lập

+ Văn học khai thác từ nguồn văn học dân gian để tôn vinh những anh hùng thần thoại có công lập nước.

+ Nhấn mạnh truyền thống văn hoá riêng.

+ Nghĩa đồng bào và tình cảm gắn bó với núi sông nước Việt.

Thời kì Tống,  Nguyên, Thanh xâm lược.

+ Văn học nổi lên tiếng nói chiến đấu, căm thù giặc, ý chí điều kịên bảo vệ lãnh thổ.

Thời kì nhà Minh đặt ách đô hộ.

Văn học đóng vai trò “đao bút” lấy ngòi bút làm vũ khí tinh thần động viên toàn dân đứng lên đánh giặc, ý chí đoàn kết bảo vệ lãnh thổ.

Thời kì nạn cát cứ như 12 sứ quân

+ Văn học phê phán mạnh mẽ tầng lớp thống trị, phản ánh sâu sắc khát vọng hoà bình, thống nhất. Gắn liền với tiếng nói yêu nước là sự khẳng định giá trị nhân đạo ở những giai đoạn mà quyền sống của con người được nhấn mạnh.

Giai đoạn văn học nửa cuối TK  XVIII hết TK XIX.

+ Ý thức đề cao con người, đề cao hạnh phúc đời thường xu thế đòi hỏi giải phóng tình cảm cá nhân và ước vọng vượt lên mọi quy luật tù túng của XHPK.

=> Nội dung yêu nước và nhân đạo vừa gắn liền vừa đan xen vừ tiếp nối vừa phát triển -> quyết định bản sắc và truyền thống văn học.

VD: Hịch, cáo, chiếu, biểu, văn thư binh vận, thơ ca chiến trận-> nghiêng về nội dung yêu nước.

+ Văn học trữ tình và thế sự: Thiền, truyện thơ, ngâm khúc, hát nói -> tiếng nói nhân đạo.

II. Biểu hiện của cảm hứng yêu nước và nhân đạo trong văn học trung đại:

1. Cảm hứng yêu nước:

Nội dung yêu nước và nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam

  • Yêu nước gắn với tư tưởng tôn quân[ yêu vua, trung hiếu với vua].
  • Tự hào dân tộc.
  • Yêu thiên nhiên, quê hương, xứ sở.
  • Khát vọng và quyết tâm cống hiến bảo vệ và xây dựng đất nước.

2. Cảm hứng nhân đạo:

  • Cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ của con người.
  • Đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người, những giá trị tốt đẹp của cuộc sống; niềm tin  vào vẻ đẹp tâm hồn của những  kiếp người nhỏ bé trong xã hội.
  • Lên tiếng tố cáo các thế lực trong xã hội đã chà đạp lên quyền sống của con người; cất tiếng nói bảo vệ và đòi quyền sống xứng đáng cho những kiếp đọa đày đau khổ.

III. Sự thể hiện nội dung yêu nước và nhân đạo qua một số tác phẩm văn học.

1. Nội dung yêu nước

– Vận nước:[ Sư Pháp Thuận]: Vận nước gắn liền với ngôi vua

– Bình Ngô đại cáo [ Nguyễn Trãi]: Khẳng định chính nghĩa vốn được xây nền từ truyền thống văn hiến, vị thế chủ động của một đất nước có chủ quyền và niềm tự hào trước thế hệ anh hùng hào kiệt.

– Bạch Đằng giang phú [ Trương Hán Siêu]:

+ Khái quát những quy luật lớn lao của cõi sông nước.

+ Khẳng định cơ sở chiến thắng là con người, tài trí con người.
+ Ca ngợi hai vị vua như là biểu tựơng của người tài đức, văn võ song toàn.

– Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão.

+ Khí thế ba quân và hình ảng võ tướng, người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ đo điếm bằng chiều kích của giang sơn núi rộng sông dài.

2. Nội dung nhân đạo

– Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi: Khát vọng về đất nước thái bình nhân dân được ấm no hạnh phúc.

– Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn: Tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương chồng đi chinh chiến phương xa .

– Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Lê án chế độ cung tần mĩ nữ trong cung vua phủ chúa ngày xưa. Nỗ đau của người cung nữ bị Vua ruồng bỏ.

– Truyện Kiều của Nguyễn Du: Số phận của nàng Kiều người con gái tài sắc nhưng phận bất hạnh.

=> Nhìn chung nội dung yêu nước và nhân đạo gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau và là những giá trị luôn tồn tại trong nhau, làm nên hai dòng chủ lưu trong nền văn học dân tộc.

*Kết luận:

Văn học trung đại Việt Nam được xây một chặng đường phát triển dưới thời phong kiến, nối dài qua 10 thế kỉ, bắt đầu từ thế kỉ thứ X đến hết XIX. Văn học trung đại đã định hình những đặc điểm và truyền thống cơ bản gắn bó với vận mệnh đất nước và số phận con người Việt Nam.

Cảm hứng nhân đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của văn học nước nhà. “Ngôi sao sáng” Nguyễn Đình Chiểu từng biết:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

Đó là “chân lí” sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu và cũng là “chân lí” vĩnh hằng của thơ ca. Và cùng với “đồ Chiểu” về cảm hứng nhân đạo trong dòng văn học Trung đại Việt Nam là Phạm Đình Hổ, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du với các tác phẩm “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”, “Chuyện người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều”.

Cổ nhân xưa có câu: “Văn dĩ tải đạo”, nghĩa là văn chương là con đường chuyên chở đạo lí đến muôn đời. Đó là đạo lí được đúc kết từ ngàn đời của ông cha ta: “Dẫu chở bao nhiêu vẫn không đong đầy”. “Thiên chức” của nhà văn, nhà thơ chính là trang trải tình yêu thương đến muôn nơi, là phải dùng ngòi bút của mình để ca ngợi vẻ đẹp của con người, cảm thông với số phận con người và cũng dùng ngòi bút ấy làm vũ khí để đấu tranh, phê phán với cái xấu, cái ác, cái đê hèn, cái bất công tàn bạo…

Ba tác giả, ba tác phẩm với ba phong cách khác nhau nhưng ở Phạm Đình Hổ, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du đã có sự đồng điệu. Đó là sự thể hiện cảm hứng nhân đạo trong từng trang văn trang thơ, trong tác phẩm của mình “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”, “Chuyện người con gái Nam Xương” , “Truyện Kiều”. Phải chăng họ đã hoàn thành tốt “thiên chức” của mình, họ đã chắp bút viết lên các tác phẩm đó từ trái tim ngập tràn tình người mênh mang, sâu thẳm?

Trước hết, ta bắt gặp cảm hứng nhân văn trong cả ba tác phẩm ở sự cảm thông với số phận con người dưới chế độ phong kiến… Trong “chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”, có thể đó là những nạn nhân của sự xa hoa, phung phí của chúa Trịnh và là nạn nhân của sự nhũng nhiễu của bọn quan lại. Và Phạm Đình Hổ cũng cảm thông cho chính mình, vì nhờ cái trò “nhờ gió bẻ măng” của bọn quan lại cung giám và cái thú vui thu lấy “những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở nhân gian”, ông đã phải chặt đi “cây lê cao vài trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng” trước nhà tiền đường cùng “hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp trước nhà trung đường”. Đồng cảm với các nhà giàu bị bọn quan đê tiện vu oan, “phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ”. Với Nguyễn Dữ, ông lại cảm thương cho số phận oan trái bất công của Vũ Nương – người phụ nữ hội tụ tất cả những điều ông muốn nói trong tác phẩm “truyền kì” “Chuyện người con gái Nam Xương”của mình. Nguyễn Dữ cảm thông những bi kịch mà Vũ Nương phải gánh chịu. Đó là một cuộc hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu đôi lứa, được gả bán với giá một trăm lạng vàng, cuộc hôn nhân chỉ được xem như một món hàng và Vũ Nương không có quyền lựa chọn “người mua”, nàng phải sống với người chồng thất học, hay ghen tuông bóng gió, lúc Trương Sinh đi lính, nàng thay chồng lo toan mọi việc, bao gánh nặng gia đình đều đặt lên vai của người phụ nữ; người phụ nữ ấy còn không làm chủ được số phận của mình, bị đẩy đến bước đường cùng không lối thoát. Và cũng cảm thông với người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, Nguyễn Du cảm thông với Thúy Kiều trong kiệt tác “Truyện Kiều” của mình. Tác giả cảm thương với số phận hồng nhan bạc mệnh của Thúy Kiều, cái dố liếp mà như ông đã từng thốt lên rằng:

“Chữ tài đi với chữ tai một vần”

Nguyễn Du đồng cảm với cuộc đời, số phận bất hạnh, đau thương của Thúy Kiều nói chung và người phụ nữ Việt Nam dưới xã hội phong kiến nói riêng. Cuộc đời của họ chính là một tấn bi kịch, lênh đênh, vô định như những con thuyền giữa biển khơi xa, bị vùi dập, trôi nổi như những cánh hoa trôi “man mác” trong “ngọn nước sa”, không biết trôi dạt về phương nào… Thúy Kiều đã phải sống cảnh chia lìa với tình yêu lứa đôi lúc nàng và Kim Trọng vừa có một mối tình vừa “bén duyên tơ”, nhân phẩm bị chà đạp khi nàng bán mình chuộc cha: Kiều là người luôn có ý thức về nhân phẩm nhưng lại trở thành món hàng để kẻ buôn người họ Mã “cò kè bớt một thêm hai”, phải thất thân với những kẻ như Mã Giám Sinh, phải “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”… Có những lúc Nguyễn Du như hóa thân vào nàng Kiều để diễn tả tận cùng của nỗi đau đớn nhục nhã, ê chề:

“Ngại ngùng dợn gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”

Chính tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia đã khiến Nguyễn Du như dang sống của đời của Thúy Kiều chứ không phải cuộc đời của mình. Bằng đôi mắt của tình thương và sự đồng cảm sâu sắc, Nguyễn Du, Nguyễn Dữ và Phạm Đình Hổ đã cảm thông với số phận của con người để rồi họ bước sang một khía cạnh nữa của cảm hứng nhân đạo.

Cả ba tác phẩm đềi cảm thương cho số phận con người nhưng dưới ngòi bút của mình, họ được biết đến với một cuộc đời oan trái, bất công như vậy? Đó chính là xã hội phong kiến đương thời, chính vì thế mà ta còn tìm được sự đồng điệu của họ ở việc phê phán xã hội xưa. Phạm Đình Hổ phê phán xã hội thối nát mà dẫn đầu là sự xa hoa, phung phí của chúa Trịnh: chúa không lo việc triều chính, xây dựng đài đình cứ liên miên, thích chơi đèn đuốc, thích chơi những thúc vui vô nghĩa, tốn kém; chúa còn hết sức thu lấy những vật quý trong dân gian mà “không ngại khó khăn”, “không gì có thế cản trở được”; “có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về”…. “đến nỗi trong phủ chúa Trịnh giống như bến bể đầu non”… Phạm Đình Hổ còn thông qua “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” để lên án, tố cáo, vạch trần bộ mặt của bọn quan lại, bọn nịnh thần. Tác giả vạch mặt sự nhũng nhiễu của chúng: “nhờ gió bẻ măng”, vu oan đổ tội cho các gia đình có vật quý để dọa dẫm lấy tiền:”họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì bên ngay hai chữ phụng thủ vào”. Để “đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi, rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền”. Chứng kiến những cảnh đó, cảnh thối nát của triều đình từ vua đến quan, Phạm Đình Hổ chỉ biết thốt lên: “kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường”… Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã khắc họa hình ảnh chàng Trương Dinh vô học là một bàn tay vô hình của xã hội phong kiến đẩy người phụ nữ đến “khu vườn cổ tích bị nghẽn lối ra”. Nguyễn Dữ lên án tố cáo một xã hội không bình đẳng, xã hội nam quyền, người phụ nữ không có quyền lợi gì, không được “ lên tiếng”, không có cuộc hôn nhân theo ý muốn, theo sự mách bảo của trái tim, hôn nhân bị đánh đổi bằng tiền bạc. Chính xã hội đó đã khiến Trương Sinh có tính cách gia trưởng, hồ đồ, độc đoán, hay ghen tuông bóng gió, “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”, lúc nghi oan cho vợ thì “đinh ninh”, không chờ vợ giải thích chỉ vì lời của trẻ thơ; Trương Sinh đối xử vũ phu, thô bạo, phũ phàng với vợ mình: “lấy chuyện bóng gió mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”… Chính Trương Sinh – con người mà nàng yêu thương đã vô tâm lạnh lung đẩy nàng tới bờ vực không lối thoát. Từ chỗ phải chịu nhục đến chô cô đơn phòng không gối chiếc và cuối cùng là một cái chết oan trái, đau thương của Vũ Nương… Tất cả, tất cả đều là tội ác của những kẻ hủ tục lạc hậu, chiến tranh phi nghĩa chia lìa hạnh phúc gia đình biết bao đôi lứa, tư tưởng nam quyền… Và xã hội mà Nguyễn Du tố cáo trong “Truyện Kiều” là một “xã hội đồng tiền” bất nhân tính. Lúc bấy giờ, nước ta đang trượt dài trên con đường suy vong, xã hội coi trọng đồng tiền, Giống như cái nhan đề đầu của “Truyện Kiều” – “Đoạn trường tân thanh”. Đó là tiếng kêu đứt ruột, xé lòng bởi chưa lúc nào trong xã hội phong kiến, đồng tiền lại “ngự trị” đến vậy. “Ma lực” của đồng tiền khiến người ta mất hết nhân tính, khiến “phường buôn thịt bán người” xem người phụ nữ như cỏ rác, họ xô vào chốn bùn đen nhơ nhớp. Còn gì đáng khinh bỉ hơn khi ăn hời trên thân xác người phụ nữ:

“Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”

Những phường buôn bán thịt người với bản chất đê hèn keo kiệt được Nguyễn Du vạch trần trong cảnh mua bán Thúy Kiều:

“Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”

Cái xã hội ấy đã khiến những nạn nhân như Thúy Kiều – người luôn có ý thức sâu sắc về nhân phẩm mà cuối cùng bị chà đạp nhân phẩm, phải rùng mình nhận tấm thân nhơ nhớp:

“Thân lươn bao quan lấm đầu

Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa”

Cũng chính đồng tiền đã trở thành hung thủ bức tử con người, đặc biệt là người phụ nữ, khiến Thúy Kiều lâm vào cảnh:

“Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”

Từ việc đẩy gia đình nhà Kiều tới cơn “tai biến” đến Kiều phải bán mình, chấp nhận bị nhơ nhớp, bị đọa lạc nhân phẩm, …. Tất cả đều là tội ác của “xã hội đồng tiền” mà Nguyễn Du phê phán trong “Truyện Kiều”.

Người phụ nữ xưa khi bước vào văn chương như “một chứng tích để tố cáo” xã hội nhưng cũng đồng thời là “một mẫu mực để ngợi ca”. Thúy Kiều và Vũ Nương mặc dù là nạn nhân của xã hội xưa nhưng họ vẫn như những bông sen vươn lên tỏa ngát hương thơm, khoe sắc từ chốn bùn lầy nước đọng để Nguyễn Du và Nguyễn Dữ ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của họ. Vũ Nương được Nguyễn Dữ ngợi ca ngay từ trang đầu của tác phẩm là người con gái “thùy mị nết na, lại thêm tư dung tố đẹp”, “nàng luôn giữ gìn khuôn phép, chưa từng để vợ chồng phải đến thất hòa”. Nàng còn khoác lên tâm hồn mình là tấm lòng yêu thương chồng con tha thiết. Vũ Nương tiễn chồng ra trận mà không cầu danh lợi, vinh hoa phú quý bởi hạnh phúc của mình chính là sự bình yên của chồng: “chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ “bình yên”…” , nàng lo lắng cho những gian khổ, khó khăn mà chồng phải đối mặt nơi chiến trường biên ải, Tình yêu chồng con còn được thể hiện ở chi tiết “chiếc bóng”. Phải chăng nàng muốn “chiếc bóng” nhỏ nhoi kia sẽ cho con mình thêm hơi ấm tình cha, còn nàng luôn có chồng bên cạnh như hình với bóng? Vũ Nương còn được Nguyễn Dữ ca ngợi ở sự đảm đang và tấm lòng hiếu thảo. Trương Sinh đi lính, một mình nàng ở nhà gánh vác mọi chuyện của gia đình. Lúc mẹ chồng ốm nàng đã “hết sức lo lắng thuốc thang, thành tâm lễ bái thần phật”, lấy lời ngon ngọt để khuyên lơn mẹ chồng mong bà qua khỏi cơn hoạn nạn. Lúc bà chết, nàng đã hết lời thương xót, lo lắng ma chay như chinh cha mẹ đẻ của mình. Nàng đã phá đổ bức thành vững chắc ngàn năm vốn ngăn cách mẹ chồng nàng dâu từ xưa đến nay, để chính vì lòng cảm phục và biết ơn mà người mẹ chồng nói trước khi từ biệt cõi đời rằng “…xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ” với đứa con dâu hiếu thảo. Đặc biệt, tác giả ngợi ca, nâng niu vẻ đẹp của người phụ nữ nói chung và Vũ Nương nói riêng ở sự coi trọng trong sạch, lòng vị tha ân nghĩa. Ca ngợi Vũ Nương “ cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”, khi bị chồng nghi ngờ là kẻ thất tiết nàng đã tìm đến cái chết trước sự chứng giám của thần sông. Vì lòng trinh bạch nàng sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình. Nhưng nỗi đau thương, oan ức ấy đã không gieo vào lòng nàng sự hận thù, lòng nàng vẫn đầy bao dung, vị tha: “Đa tạ tình chàng…” và nàng đã tự nguyện ở lại động Linh Phi để trả ơn cho người cứu sống mình mà lìa xa gia đinh, nhân gian “cảm tạ đức Linh Phi”, “chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là hiện thân vẻ đẹp của ngan sắc, tài hoa, tâm hồn mà Nguyễn Du ca ngợi trân trọng. Sắc và tài của nàng đã đạt tới mức lí tưởng, khiến thiên nhiên phải ghen hờn, ganh tị.


“Một hai nghiêng nước nghiêng thànhSắc đành đòi một tài đành họa hai”

Nàng là người con gái đa sầu, đa cảm, nhạy cảm. Tâm hồn đẹp đẽ của người con gái họ Vương thể hiện ở tấm lòng hiếu thảo, chung thủy sắt son, nhân hậu ,vị tha.

…Nàng hi sinh tình yêu của mình, chấp nhận sự tan vỡ và không bao giờ hàn gắn được của hạnh phúc để bán mình chuộc cha, cứu gia đình. Khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ tới cảnh thề nguyền với Kim Trọng trước sự chứng kiến của trăng, xót xa cho tấm lòng trinh bạch, cảm thấy có lỗi với chàng Kim. Nàng tưởng tượng bóng dáng tội nghiệp “tựa cửa hôm mai” của người đã sinh dưỡng, nàng Kiều đã day dứt không nguôi vì nỗi không chăm sóc, phụng dưỡng, mua vui được cho cha mẹ già.


“Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”“Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

Thúy Kiều là người chí nghĩa chí tình, ơn ai một chút chẳng quên. Khi có điều kiện, nàng đã hậu ta, trả ơn những người đã giúp đỡ, cưu mang mình. Với tấm lòng nhân hậu, nàng trả ơn Thúc Sinh – người đưa Kiều ra khỏi lầu xanh, cứu thoát khỏi cảnh đời ô nhục, đem đến cho nàng những ngày tháng ấm êm của cuộc sống gia đình nhưng điều đó đã vô tình đưa Kiều vào cảnh “Dấm chua còn tội bằng ba lửa nồng”: bị vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư hành hạ. Nhưng nàng vẫn gọi ơn của chàng Thúc là “nghĩa nặng nghìn non”. Nàng tự thấy công ơn đó không gì có thể đền đáp nổi:

“Nghìn vàng gọi chút lễ thường
Mà lòng phiêu mẫu mấy vàng cho cân”

Với tấm lòng khoan dung, Thúy Kiều đã tha bổng cho Hoạn Thư. Dẫu Hoạn Thư hành hạ nàng đủ đường nhưng nàng đã:


“Đã lòng tri quá thì nênTruyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”

Nàng bao dung, độ lượng tha cho Hoạn Thư cùng với sự thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu tâm lí của giới nữ:
“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”

Và tác giả cũng ca ngợi ý thức về nhân phẩm sâu sắc của Thúy Kiều. Chính vì lẽ đó mà lúc phải bất đắc dĩ bán mình về “làm thê” cho Mã Giám Sinh như món hàng, nàng buồn rầy, tủi khổ, sượng sùng trong bước đi “ngại ngùng”, ê chề trong cảm giác “thẹn” trước hoa và “mặt dày” trước gương, đau uất trước cảnh đời ngang trái, đau bởi khi nghĩ tới “nỗi mình” tình duyên dang dở, uất bởi “nỗi nhà” bị vu oan giá họa. Với những vẻ đẹp trên của Thúy Kiều và Vũ Nương, với thái độ ca ngợi, trân trọng, nâng niu nhưng vẻ đẹp đó, Nguyễn Du và Nguyễn Dữ đã tạc vào lòng người đọc một bức tượng bất tử về người phụ nữ dưới chế độ phong kiến Việt Nam xưa.

Như những đường thẳng song song, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã thể hiện cảm hứng nhân đạo của mình trong các tác phẩm qua việc đề cao khát vọng hạnh phúc gia đình, tình yêu đôi lứa, về quyền sống của người phụ nữ. Nguyễn Dữ khắc họa hình ảnh Vũ Nương với khát khao hạnh phúc và khát vọng về một xã hội bình đẳng. Vũ Nương không ham danh vọng, vinh hoa phú quý mà mong chồng bình yên, lúc chồng ra trận, giữ gìn khuôn phép để vợ chồng không thất hòa chỉ với mục đích là gia đình được hạnh phúc, ấm êm. Tác giả đã xây dựng một xã hội chốn cung nước tươi vui với những người phụ nữ đẹp, tươi tắn – một xã hội đối lập với xã hội trên trần gian để thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, lẽ phải, giải phóng cho số phận người phụ nữ, Ở Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” thể hiện cho khát vọng tình yêu tự do đậm sắc màu lãng mạn qua tình yêu Kim Trọng có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Đó là bản tình ca say đắm, vượt ra ngoài rào cản lễ giáo phong kiến bằng tình yêu tự do, chủ động cảu hai người, đến với nhau theo tiếng gọi của trái tim. Kiều táo bạo, chủ động:
“Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”

nhưng đồng thời cũng thủy chung son sắt trong tình yêu. Khát vọng về hạnh phúc, quyền sống đã đưa Thúy Kiều trở thành đại diện cho những con người bị áp bức vùng lên làm chủ số phận của mình trong tư thế chiến thắng, tư thế chính nghĩa:

“Nàng rằng: lồng lộng trời cao

Hại nhân nhân hại sự nào hại ta”

Các tác giả đã thể hiện khát vọng chấn chính của con người dưới xã hội phong kiến.

Nếu sự thể hiện cảm hứng nhân đạo trong ba tác phẩm trên là cánh diều thì nghệ thuật trong ba tác phẩm đó lại chính là ngọn gió đưa cánh diều bay cao, bay xa hơn, bay tới lòng độc giả. Trong tác phẩm “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” để thể hiện cảm hứng nhân đạo, Phạm Đình Hổ sử dụng lời văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động, viết theo thể tùy bút, ghi chép tùy hứng, tản mạn, không cần hệ thống, kết cấu gì… Ở “Chuyện người con gái Nam Xương”. Nguyễn Dữ đã thành công về nghệ thuật miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình, sáng tạo nhiều chi tiết kì ảo và đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện: từ câu chuyện cổ dân gian đơn giản “Vợ chàng Trương”, bằng tài năng và tình thương của mình để sáng tạo thành một áng văn hay, một áng “thiên cổ kì bút” để thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc. Còn ở “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Với “Truyện Kiều”, ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ, ngôn từ đạt tới cả ba phương diện: biểu đạt, biểu cảm và thẩm mĩ. Trong tác phẩm, nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dấn đến nghệ thuật miêu ta thiên nhiên bằng bút pháp ước lệ, đòn bẩy… khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lí con người bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình… Nghệ thuật trong tác phẩm đã chắp cánh cho cảm hứng tình yêu thương con người đọng lại mãi ở chốn tâm khảm của độc giả muôn đời, muôn nơi.

Ba tác phẩm “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”, “Chuyện người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều” đã thể hiện cảm hứng nhân đạo của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du. Họ thực sự đã đồng điệu tiếng nói, cùng nhịp đập trái tim khi viết lên những văn phẩm này. Đó là những bản trường ca ca ngợi vẻ đẹp của con người, là giọt nước mắt cảm thông, xót thương cho số phận oan trái, bất hạnh của con người, là hồi chuông dài vạch trần, lên án tội ác của xã hội phong kiến và cũng là những khúc hát đề cao khát vọng chân chính của con người.

Tham khảo nhé.

Video liên quan

Chủ Đề