Cách stream trên SoundCloud

CÁCH SOUNDCLOUD TRẢ TIỀN TRỰC TIẾP CHO NGHỆ SĨ, THEO CÁCH BẠN THẬT SỰ HIỂU ĐƯỢC

Như đã thông báo từ trước, SoundCloud sẽ thay đổi hình thức chi trả cho các nghệ sĩ với mô hình thanh toán lấy người dùng làm trung tâm và trực tiếp chuyển phí bản quyền cho nghệ sĩ sở hữu ca khúc dựa từ ngày 1/4 năm nay. Mô hình này được cho là công bằng hơn với những ai sử dụng nền tảng này, đặc biệt là các nghệ sĩ indie. Nhưng giờ liệu mình có phải trả phí để sử dụng SoundCloud hay không và cách hệ thống mới này thật sự vận hành như thế nào? Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé

[Theo Loop Central]

1. Cách các nền tảng streaming trả tiền cho nghệ sĩ từ trước đến nay

Một trong những lí do nhiều người cho rằng SoundCloud sẽ thay đổi toàn bộ cục diện nền công nghiệp âm nhạc vì từ trước đến nay, cách chi trả tiền bản quyền cho các nghệ sĩ của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đều rất bèo bọt, nhất là với các nghệ sĩ nhỏ.

Theo tạp chí Rolling Stone, các nền tảng stream nhạc đều đang sử dụng mô hình pro rata để trả tiền cho các bên nắm giữ bản quyền [công ty chủ quản hoặc chính các nghệ sĩ tạo nên sản phẩm]. Tiền quảng cáo cùng doanh thu từ các gói đăng ký của người dùng sẽ được cộng dồn và một khoản lớn sẽ được chính các nền tảng này nắm giữ. Số tiền còn lại sẽ được chia cho các nghệ sĩ, nhưng số tiền này lại dựa theo tỉ lệ % lượt stream họ đóng góp trong tổng lượt stream của nền tảng trong tháng đó. Với mô hình này, người được lợi nhiều nhất là các ngôi sao nổi tiếng và sở hữu lượng fan hùng hậu. Họ thậm chí nhận được tiền từ những người không nghe nhạc của mình nhờ lượt stream chiếm áp đảo.

Ví dụ, doanh thu tháng này của Spotify là $50,000, trong đó 5% lượt stream tháng là từ các bài hát của Cardi B thì tháng đó Atlantic Records [công ty giữ bản quyền các bài hát của Cardi] sẽ nhận được $2,500.

Vậy thì có thể hiểu được người hưởng lợi nhiều nhất từ mô hình này là những nghệ sĩ sở hữu lượt stream khổng lồ mỗi tháng. Nếu bạn là người chỉ trả phí cho các gói dịch vụ để nghe các ban nhạc Indie Rock hay những ca sĩ độc lập ít được biết đến, số tiền mà bạn bỏ ra chưa chắc đã đến tay các nghệ sĩ đó. Thay vào đó có thể Drake, Taylor Swift hoặc Pink Sweat$ sẽ được bỏ túi số tiền này, và bạn có khi còn không ưa họ hay nhạc của họ.


2. Người nghe có thật sự được nắm phần kiểm soát?

Mô hình user-centric payment - lấy người dùng làm trung tâm đã được nghiên cứu để thay thế mô hình pro rata từ lâu. Với mô hình này, phí sử dụng dịch vụ của người nghe sẽ đi trực tiếp đến những nghệ sĩ họ chú ý tới trong tháng. Đây là điều SoundCloud hướng tới khi gọi hình thức thanh toán này của mình là fan-powered - được vận hành bởi những người yêu nhạc, loại bỏ đất diễn của các thủ thuật cày stream và đưa lại sự công bằng cho túi tiền của người sử dụng lẫn nghệ sĩ. Các nghệ sĩ độc lập vốn chịu thiệt thòi từ tiền bản quyền sẽ nhận được sự đãi ngộ xứng đáng hơn. Thay đổi này có thể còn góp phần dẹp bỏ tư tưởng nghe chùa của một bộ phận người nghe và khiến họ có thêm trách nhiệm trong tiếng nói và ý kiến của mình với các sản phẩm của nghệ sĩ, vì họ là những người trực tiếp trả tiền túi để ủng hộ những người có được sự chú ý của mình.

Để giải thích đơn giản, ví dụ bạn sử dụng gói SoundCloud Go có giá $10/tháng [với $7.5 thuộc về nghệ sĩ và còn lại là SoundCloud giữ]. Nếu trong 1 tháng bạn chỉ nghe đúng 1 nghệ sĩ thì họ sẽ nhận được $7.5 của bạn vào tháng đó. Trong trường hợp bạn có tổng lượt stream là 500 lần tháng ấy, với 100 lượt stream đến từ nhạc của nghệ sĩ A và 20 lượt sream dành cho nghệ sĩ B thì nghệ sĩ A sẽ nhận được 100/500*7.5 = $1.5 còn nghệ sĩ B sẽ nhận được 20/500*7.5 = $0.3 của bạn vào tháng đó.

Mặc dù đây là một sự thay đổi đáng mong đợi, tính minh bạch của phương án này vẫn còn là dấu hỏi lớn. Khó có thể xác định được những nghệ sĩ ít người nghe trên SoundCloud sẽ được trả bao nhiêu với hệ thống mới này. SoundCloud đã đưa ra hai trường hợp của hai nghệ sĩ khác nhau, một người kiểm được $600 khi được áp dụng cách thức này [gấp 5 lần so với tổng doanh thu tháng trước đó] và người còn lại có doanh thu tháng tăng đến 217%, nhưng công ty không hề tiết lộ thêm bất cứ thông tin cụ thể nào để chứng thực những điều trên.

SoundCloud cũng không nói rõ sẽ giữ bao nhiêu % doanh thu trước khi chuyển số tiền còn lại đến người nắm bản quyền sản phẩm. Ông Michael Pelczynski - trưởng phòng quản trị chiến lược và điều khoản của SoundCloud khẳng định 55% tổng doanh thu từ các khoản phí trực tiếp từ fan sẽ thuộc về chính nghệ sĩ, SoundCloud sử dụng một phần của 25% doanh thu để trả cho việc phát hành cùng các khoản thu khác và 25% còn lại sẽ thuộc về SoundCloud, trong khi các nền tảng sử dụng mô hình pro ratanhư Spotify hay Apple Music nắm giữ tới 30%.

Một điều đáng chú ý nữa là không phải nghệ sĩ nào cũng sẽ kiếm được tiền với hệ thống thanh toán mới. Chỉ những nghệ sĩ độc lập chưa kí hợp đồng với các hãng thu và sử dụng 3 gói SoundCloud Premier, Repost và Repost Select sẽ được thu lợi nhuận trực tiếp từ người nghe, và họ phải chọn SoundCloud làm kênh phân phối nhạc chính thức nếu dùng gói Repost hoặc Repost Select. Chỉ có 20% nghệ sĩ trên SoundCloud nhận được tiền từ hình thức user-centric payment này. Trừ những nghệ sĩ sử dụng gói Pro Unlimited [$12/tháng] và thu lợi nhuận từ hình thức pro rata, các nghệ sĩ chỉ sử dụng gói cơ bản miễn phí vẫn sẽ không nhận được khoản tiền nào.

Mô hình mới cũng chỉ được áp dụng với những quốc gia được hệ thống thanh toán Paypal hỗ trợ; một số vùng lãnh thổ ở Châu Á, Nga, Trung Đông và Nam Mỹ vẫn nằm ngoài khu vực được sử dụng hình thức mới này của SoundCloud.

Bước chuyển mình này của SoundCloud cũng gặp không ít khó khăn trong việc tạo nên thay đổi rõ rệt trong ngành công nghiệp âm nhạc, vì ngoài việc gánh những khoản phí khác từ việc duy trì và nâng cấp chính hệ thống, để đạt được thỏa thuận chung từ các hãng thu âm lớn trong việc áp dụng hình thức này cũng là một vấn đề nan giải. Tuy nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cả người hâm mộ lẫn cộng đồng nghệ sĩ, còn quá sớm để khẳng định hệ thống thanh toán này sẽ vận hành theo cách mà tất cả các bên đều mong đợi.

3. Tương lai cho các nghệ sĩ Việt Nam và thế giới

Trong khi mô hình user-centric mới này của SoundCloud có khả năng sẽ được đưa vào vận hành tại Việt Nam thời gian tới, khó để nói rằng các nghệ sĩ Việt có thể kiếm sống dựa vào nền tảng streaming này bởi những thỏa thuận trong hợp đồng giữa những bên liên quan và các ràng buộc đi kèm. Mặc dù nghệ sĩ có thể đăng kí các gói trả tiền của SoundCloud và được nhận một phần doanh thu, SoundCloud vẫn là còn một nền tảng ít người sử dụng hơn rất nhiều so với các ông lớn như Spotify hay Apple Music.

Trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nghệ sĩ vì phần lớn thu nhập của họ đến từ các buổi diễn trực tiếp và các vật phẩm [đĩa CD, vinyl, merch], nhiều người vẫn tổ chức những buổi diễn trực tuyến có trả phí và nhận quyên góp từ các fan. Các nền tảng âm nhạc trực tuyến chỉ nên được nghệ sĩ coi như một công cụ giúp họ đưa thông điệp của mình đi xa hơn và duy trì sự kết nối với những người yêu mến họ.

Nếu mô hình mới này được áp dụng thành công, các nghệ sĩ cũng sẽ có thêm lựa chọn trong việc phân phối sản phẩm của mình, yếu tố bản quyền cũng sẽ được chú trọng hơn. Hình thức trả tiền cho nghệ sĩ mà SoundCloud đang cố gắng hướng tới có thể chưa thật sự tạo nên tiếng vang lớn và thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, nhưng đây là một bước cần thiết để bình thường hóa việc áp dụng mô hình user-centric payment và lôi kéo các dịch vụ streaming lớn khác sử dụng hình thức này để chi trả cho các nghệ sĩ - những người thật sự làm nên sự thành công của các nền tảng đó.

Bạn có suy nghĩ gì về sự thay đổi này của SoundCloud? Đây liệu chỉ đơn giản là bước tiến mới trong cách các nền tảng stream nhạc vận hành hay thậm chí sẽ thay đổi cả cách các nghệ sĩ tạo nên sản phẩm của mình? Bình luận phía dưới cảm nhận của bạn

Nguồn bài viết:Loop Central

Video liên quan

Chủ Đề