Các loại câu hỏi trong dạy học văn

Học sinh cũng phải sử dụng câu hỏi để hỏi lại, hỏi thêm giáo viên và các học sinh khác về những nội dung bài học chưa sáng tỏ. Sử dụng câu hỏi đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa học sinh với giáo viên và học sinh với học sinh. Kĩ năng đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của học sinh trong giờ học càng nhiều, học sinh sẽ học tập tích cực hơn. Với quan điểm này, cô Bùi Thị Ngọc Lan - giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu [Hà Nội] - chia sẻ kĩ năng đặt câu hỏi trong dạy học môn Ngữ văn nhằm phát triển năng lực học sinh.

Những yêu cầu với câu hỏi phát triển năng lực học sinh

Theo đó, cô Lan cho rằng, khi đặt câu hỏi cần đảm bảo các yêu cầu như: Câu hỏi liên quan đến việc thực hiện mục tiêu bài học; ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; đúng lúc, đúng chỗ; phù hợp với trình độ học sinh; kích thích suy nghĩ của học sinh; phù hợp với thời gian thực tế; sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; không ghép nhiều câu hỏi thành một câu hỏi móc xích; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc. Đưa ra thông tin đối sánh giữa cách đặt câu hỏi theo hướng cũ [chú trọng nội dung] và mới [phát triển năng lực học sinh], cô Bùi Thị Ngọc Lan phân tích: Theo hướng cũ, mục tiêu đặt câu hỏi hướng đến kiểm tra, đánh giá củng cố nội dung kiến thức cơ bản. Học sinh không nhất thiết quan sát đánh giá, mở rộng nội dung bài học. Theo hướng mới, kết quả câu hỏi, chất lượng câu trả lời được cụ thể, được mô tả chi tiết. Học sinh phát huy được năng lực tư duy [quan sát, đánh giá…]; giáo viên đánh giá mức độ tiến bộ của học sinh. Về nội dung câu hỏi, theo hướng cũ, câu hỏi đảm bảo đơn vị kiến thức bộ môn theo chuẩn kiến thức kĩ năng và không gắn với tình huống thực tiễn. Hệ thống câu hỏi được đặt ra theo chủ quan tư duy của giáo viên trong giới hạn khuôn khổ thời gian tiết học. Theo hướng mới, nội dung câu hỏi ngoài đảm bảo kiến thức chuẩn, kiến thức bộ môn được mở rộng tích hợp với các vấn đề khoa học khác, gắn với tình huống thực tiễn. Không giới hạn số lượng câu hỏi, chất lượng câu hỏi phát huy các cấp độ tư duy [nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân loại được học sinh]. Về phương pháp đặt câu hỏi, theo cách cũ, chủ yếu tập trung vào người giáo viên hỏi, học sinh trả lời và tiếp thu một cách thụ động. Kĩ năng đặt câu hỏi còn dập khuôn, đơn điệu, gò bó. Theo cách mới, học sinh tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức. Hệ thống câu hỏi có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh để từ đó phát triển tư duy đa chiều; đặc biệt chú trọng sự phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp. Kĩ năng đặt câu hỏi đa dạng, phong phú được lồng ghép trong các phương pháp dạy học tích cực [thảo luận nhóm, dự án, trải nghiệm sáng tạo…]

Ví dụ về phương pháp đặt câu hỏi cũ - mới

Cô Bùi Thị Ngọc Lan đưa ra một số ví dụ về kĩ năng đặt câu hỏi trong bài đọc văn “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ [Ngữ văn lớp 11] như sau:

Ví dụ 1

Câu hỏi chú trọng nội dung: Từ phần tiểu dẫn trong sách giáo khoa, hãy cho biết cuộc đời tác giả Nguyễn Công Trứ? [Câu hỏi này chỉ mang phạm vi kiến thức hẹp, không có mở rộng, không phát huy các năng lực của học sinh]. Câu hỏi theo hướng phát triển năng lực: Dựa vào những thông tin về tác giả Nguyễn Công Trứ [tiểu sử, con người, cuộc đời, những giai thoại], em trình bày những nét cơ bản về nhà thơ? Từ cuộc đời của ông, em rút ra bài học gì cho bản thân? [Câu hỏi đã hướng đến phạm vi kiến thức rộng hơn, phát triển năng lực tự học, tìm tòi, khám phá, sáng tạo… của học sinh].

Ví dụ 2

Câu hỏi chú trọng nội dung: Phong cách sống “ngất ngưởng” thể hiện ở “cái ngông hơn đời, hơn người” của Nguyễn Công Trứ được thể hiện như thế nào trong bài thơ? [Câu hỏi mang tính áp đặt kiến thức, không có chính kiến của học sinh]. Câu hỏi theo hướng phát triển năng lực: Suy nghĩ của em về phong cách sống của Nguyễn Công Trứ trong bài thơ? Em có đồng tình với phong cách sống ấy không? Phong cách ấy có còn phù hợp với ngày nay không? [câu hỏi mở giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, tổng hợp kiến thức bài học, đồng thời biết vận dụng thực tiễn cuộc sống].

Ví dụ 3

Câu hỏi chú trọng nội dung: Khi tìm hiểu 6 câu thơ đầu của bài thơ, giáo viên có thể đưa các câu hỏi: Câu thơ mở đầu nêu lên quan điểm sống của nhà thơ như thế nào? Các từ ngữ “Hi văn”, tài bộ, vào lồng” ở câu 2 mang ý nghĩa gì? Phát hiện nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong 4 câu tiếp? Theo hướng phát triển năng lực: Để tìm hiểu 6 câu thơ đầu, giáo viên có thể đưa ra 3 câu hỏi vào trong các phương pháp dạy học tích cực, cụ thể: Thảo luận nhóm: Theo kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật bể cá, kĩ thuật các mảnh ghép. Làm việc nhóm: Dự án hợp đồng, câu hỏi trong câu hỏi, kĩ thuật phản biện, kĩ thuật phòng tranh…

Cách làm này huy động được nhiều học sinh chủ động tham gia vào bài giảng.

Cẩm nang dạy học – Trong dạy học phát triển năng lực học sinh và giáo viên cùng chủ động tham gia vào bài giảng. Trong đó giáo viên đóng vai trò chủ yếu là người tổ chức, cố vấn, hỗ trợ học sinh lĩnh hội kiến thức. Vì vậy giáo viên thường phải sử dụng các câu hỏi để gợi mở, dẫn dắt học sinh tìm hiểu, khám phá thông tin, kiến thức, kĩ năng mới… Và để đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức và kết quả học tập của học sinh. Học sinh cũng thường xuyên phải sử dụng các câu hỏi để tìm kiếm sự tư vấn, gợi ý từ giáo viên và các bạn khác trong lớp… Do đó chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng của kỹ thuật đặt câu hỏi trong dạy học phát triển năng lực.

Việc sử dụng các câu hỏi một cách có hiệu quả đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa học sinh với giáo viên và học sinh với học sinh. Kỹ thuật đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của vào bài học của học sinh càng cao, học sinh sẽ học tập tích cực hơn và được kích tư duy nhiều hơn trong quá trình học.

1. Đặt câu hỏi trong dạy học để:

  • Tạo điều kiện và kích thích học sinh tham gia vào quá trình dạy học
  • Dẫn dắt, gợi mở và kích thích học sinh tư duy, tìm tòi và khám phá tri thức mới
  • Kiểm tra, đánh giá mức độ làm chủ kiến thức và kỹ năng cũng như sự quan tâm, hứng thú của học sinh đối với nội dung học tập
  • Định hướng, thu thập, mở rộng thông tin, kiến thức cho học sinh.

2. Các dạng câu hỏi thường dùng trong dạy học

Hiện nay có rất nhiều cách phân loại câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét trong lĩnh vực dạy học và dựa trên mục đích, chức năng của câu hỏi thì có thể phân ra các loại câu hỏi sau:

Câu hỏi đóng: Là dạng câu hỏi đơn giản chỉ có thể trả lời Đúng – Sai, Có – Không hoặc có thể trả lời bằng một từ hoặc một câu ngắn. Chúng thường được dùng để thu nhận những thông tin cụ thể và về một sự thật nào đó. Dạng câu hỏi này thường dùng trong phần tổng kết bài học, sau phần giới thiêu bài hoặc sau khi giao nhiệm vụ cho học sinh. Không nên sử dụng dạng câu hỏi này trong thảo luận để chia sẻ thông tin hoặc để kích thích phát triển tư duy học sinh vì nó sẽ khiến cuộc thảo luận đi vào ngõ cụt.

Câu hỏi mở: Là dạng câu hỏi có nhiều hướng trả lời hay nhiều đáp án chấp nhận được thường được dùng để đánh giá và thảo luận. Dạng câu hỏi này giúp học sinh phát hiện, giải quyết vấn đề, đồng thời kích thích trí tưởng tượng để tìm tòi khám phá và tiếp nhận tri thức mới.

Câu hỏi mở kích thích học sinh đào sâu suy nghĩ và đưa ra nhiều quan điểm. Không chỉ có một câu trả lời đúng hoặc sai. Câu hỏi mở giúp học sinh có cái nhìn tổng quát hoặc đưa ra những boăn khoăn, thắc mắc về tình huống được đưa ra. Khi đưa ra các câu hỏi mở, giáo viên sẽ thu được nhiều ý tưởng hoặc câu trả lời khác nhau từ học sinh. Điều này cũng giúp cho giáo viên định hướng nội dung và phương pháp phù hợp đối với học sinh.

Câu hỏi giả định: Là dạng câu hỏi kích thích học sinh suy nghĩ vượt khỏi khuôn khổ của các tình huống được giáo viên đưa ra.

Câu hỏi hành động: Là dạng câu hỏi giúp học sinh lập kế hoạch và triển khai các ý tưởng vào tình huống thực tế.

Câu hỏi làm rõ: là câu hỏi khai thác, thu thập thêm thông tin. Câu hỏi này là loại được sử dụng nhiều nhất trong sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Nó có tác dụng dẫn dắt để hướng tới sự hiểu biết, thúc đẩy trạng thái lắng nghe tích cực, khuyến khích, tạo hứng thú và thử thách cho học sinh.

Câu hỏi mở rộng: Là câu hỏi khuyến khích sự trình bày, phân tích, giải thích, mở rộng, đào sâu suy nghĩ. Dạng câu hỏi này giúp học sinh nhận thức toàn diện hơn, sâu sắc hơn về một vấn đề mà giáo viên đưa ra

Câu hỏi so sánh: Là câu hỏi yêu cầu so sánh, đánh giá, bình luận. Dạng câu hỏi này khuyến khích tư duy phê phán, bình luận, đánh giá, thúc đẩy kỹ năng tư duy bậc cao, định hướng suy nghĩ vào các khái niệm và các vấn đề trọng tâm của bài học.

Câu hỏi tóm tắt: Là câu hỏi yêu cầu trình bày vắn tắt những nội dung đã học. Nó là một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng và thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh. Loại câu hỏi này giúpcho học sinh nhìn nhận nội dung học tập một cách khái quát và logic từ đó khắc sâu kiến thức đã học. Đồng thời giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng tư duy, khái quát

và hóa, trừu tượng hóa

Ngoài cách phân loại trên, dựa trên thang nhận thức Bloom chúng ta còn có thể phân loại thành những dạng câu hỏi sau:

Câu hỏi biết: Là dạng câu hỏi giúp học sinh tái hiện những gì đã biết, đã trải qua. Học sinh dựa vào trí nhớ để trả lời. Dạng này thường yêu cầu kể lại, liệt kê, mô tả, liên hệ, trình bày, cho biết, gọi tên…

Câu hỏi hiểu: Là dạng câu hỏi nhằm kiểm tra học sinh cách liên hệ, kết nối các dữ kiện, số liệu, các đặc điểm… khi tiếp nhận thông tin. Dạng câu hỏi này thường yêu cầu giải thích, nêu ý chính, so sánh, tóm tắt, trình bày, mô tả vắn tắt…vv

Câu hỏi vận dụng: Là dạng câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng áp dụng những thông tin, kiến thức đã thu được vào tình huống mới.

Câu hỏi phân tích: Là dạng câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng phân tích nội dung vấn đề, từ đó tìm ra mối liên hệ. Vận dụng phối hợp những kiến thức đã học từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề hoặc chứng minh luận điểm, hoặc đi đến kết luận, hoặc đề xuất mang tính sáng tạo

Câu hỏi đánh giá: Là dạng câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng suy xét, chọn lọc, lựa chọn, quyết định, cân nhắc và phán đoán của học sinh trong việc nhận định, đánh giá các ý tưởng, sự kiện, hiện tượng . . . dựa trên các tiêu chí đưa ra.

Câu hỏi tổng hợp: Là dạng câu hỏi thường yêu cầu sự đề xuất, sáng tạo, dự đoán, lên kế hoạch, tưởng tượng, xây dựng, thiết kế…

3. Quy trình đặt câu hỏi.

Trong kỹ thuật đặt câu hỏi giáo viên cũng cần phải nắm rõ quy trình để đưa ra câu hỏi phù hợp đúng thời điểm.

Bước 1. Chuẩn bị câu hỏi: xác định nội dung & ý chính của nội dung học tập, hỏi về những gì, hỏi để làm gì

Bước 2. Đối chiếu và thích ứng các câu hỏi với đặc điểm và trình độ khác nhau của học sinh. Câu hỏi cần đáp ứng các yếu tố sau:

  • Tính minh bạch, rõ ràng: Câu hỏi đơn giản, ngắn gọn không đánh đố
  • Tính thách thức. Câu hỏi không nên quá dễ mà đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ và nỗ lực nhất định khi đưa ra câu trả lời. Đồng thời phải làm cho học sinh cảm thấy hãnh diện và thỏa mãn khi trả lời đúng
  • Tính định hướng: Câu hỏi phải hướng đến số đông. Câu hỏi phải gây được phản ứng ở nhiều học sinh; ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm trả lời, phải suy nghĩ; do đó tạo được không khí học tập sôi nổi
  • Tính vừa sức: đây là nguyên tắc quan trọng và là yêu cầu chung cho mọi phương pháp dạy học. Câu hỏi phải nằm trong giới hạn của khả năng tri giác thông tin, ngôn ngữ, ý trong câu; kinh nghiệm cảm nhận các tình huống giao tiếp, năng lực tư duy, tưởng tượng; khả năng diễn đạt của học sinh
  • Tính linh hoạt. Câu hỏi cần tổng hợp về kiểu loại, về độ khó, về tính đối tượng. Chọn thời điểm thích hợp để hỏi [tình huống cụ thể] để dạy học đạt hiệu quả cao.

Bước 3. Lựa chọn ngôn từ diễn đạt phù hợp khi đặt câu hỏi

 Câu hỏi đưa ra càng ngắn gọn, ít từ, ít mệnh đề, ít cấu trúc, ít thuật ngữ mới lạ càng tốt.

Bước 4. Khích lệ học sinh tư duy để trả lời câu hỏi

Khi đặt câu hỏi, không nên quá dễ, không có tác dụng khích lệ học sinh. Giáo viên cũng không nên thừa nhận câu trả lời của học sinh một cách dễ dãi. Đối với những câu hỏi khó, giáo viên cần chuẩn bị kỹ để chủ động giải quyết các tình huống bất ngờ.

Bước 5. Duy trì tiến trình hỏi – đáp bằng câu hỏi bổ trợ, mở rộng

Bước 6. Đánh giá và thu thập thông tin phản hồi về quá trình học tập. Các câu hỏi cần tập trung vào nội dung chính yếu, cơ bản của bài học; nhất là những yếu tố khái niệm và ứng dụng

4. Các yêu cầu trong kỹ thuật đặt câu hỏi

Kỹ thuật đặt câu hỏi là một yêu tố quan trọng, là linh hồn và là trung tâm của dạy học phát triển năng lực. Điều quan trọng là phải lựa chọn được loại câu hỏi thích hợp để kích thích tư duy của học sinh và thu hút họ vào các cuộc thảo luận hiệu quả.

Khi đặt câu hỏi cần chú ý các yêu tố sau:

  • Câu hỏi phải liên quan đến việc thực hiện mục tiêu bài học
  • Ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu
  • Đúng lúc, đúng chỗ
  • Phù hợp với trình độ học sinh
  • Kích thích trí tưởng tượng, tư duy của học
  • Phù hợp với thời gian thực tế
  • Sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
  • Không ghép nhiều câu hỏi thành một câu hỏi móc xính, đánh đố
  • Không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc

Trên đây là một số chia sẽ nhanh về kỹ thuật đặt câu hỏi trong dạy học. Rất mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp của thầy cô, để giúp bài viết hoàn thiện hơn khi chia sẻ đến cộng đồng.

Tham khảo thêm: Phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ

Billy Nguyễn

Video liên quan

Chủ Đề