Các con đường giáo dục giá trị

[GD&TĐ] - Trong những năm học phổ thông, học sinh không chỉ được học những kiến thức cơ bản mà còn được rèn dạy về đạo đức. Những giá trị đạo đức căn bản [tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương…] sẽ giúp cho con người sống tốt đẹp hơn. Nhưng dường như những giá trị này đang bị xuống cấp, thể hiện qua những hành vi bạo lực trong nhà trường, những vụ án nghiêm trọng, nhưng hành vi gian lận ở nhiều cấp độ… Vấn đề này đang là sự quan tâm của xã hội hiện nay. Đến lúc chúng ta cần có cái nhìn khách quan về việc giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay.

Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc xử lý các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng hay xã hội, được thừa nhận rộng rãi. Đạo đức quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội nói chung; là những nguyên tắc phải tuân theo trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội, phù hợp yêu cầu của mỗi chế độ chính trị và kinh tế xã hội nhất định. Nếu không tuân theo những "nguyên tắc" ấy thì được gọi là người vô đạo đức.

Nhà trường Việt Nam rất quan tâm giáo dục đạo đức học sinh nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa tài vừa đức, để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thí điểm tại một số trường về chương trình giáo dục kỹ năng sống lồng ghép trong chương trình học chính khoá của một số môn học trong các nhà trường phổ thông, áp dụng từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học. Song song đó là các chương trình ngoại khoá cũng nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh. Cách làm này bước đầu đạt được những hiệu quả đáng khích lệ, phần nào nâng cao nhận thức và hành động của học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn giáo viên, diễn đàn thảo luận và  trao đổi kinh nghiệm  thực tế giáo dục đạo đức cho học sinh cũng được quan tâm. Thông qua những bài học giáo dục công dân, những môn khác như: văn, sử, địa… đã hình thành cho học sinh những giá trị đạo đức căn bản như tinh thần trách nhiệm trong các mối quan hệ: giữa cá nhân với gia đình, cá nhân với toàn xã hội và cá nhân với bản thân mình; đức tính trung thực như không quay cóp, chép bài của bạn, không mang theo tài liệu trong lúc thi hoặc kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả, sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, sống nhân ái, vị tha hơn…

 

Ngày nay, cùng với sự phát triển và đi lên của xã hội, mỗi chúng ta được sống trong môi trường văn minh, hiện đại hơn, nhưng kéo theo đó cũng có nhiều vấn đề nảy sinh làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống xã hội. Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay, đó là đạo đức học đường của một bộ phận học sinh đang bị xuống cấp, dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, những vụ án nghiêm trọng, những hành vi gian lận ở nhiều góc độ…  xảy ra ngày càng phổ biến. Đây là những biểu hiện lệch lạc trong hành vi, nhân cách đạo đức học sinh. Điều này không những gây hoang mang cho dư luận xã hội mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống đạo đức, nhân cách của giới trẻ ngày nay. Sự xuống cấp của đạo đức có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về nhiều ngành, nhưng trước hết trách nhiệm đó là của nhà trường - nơi giáo dục đạo đức từ khi mới cắp sách đi học đến lúc bước chân vào đời.

 Rõ ràng, chương trình giáo dục đạo đức được xuyên suốt từ bé đến lớn. Bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là môn giáo dục công dân. Dạy đạo đức trong nhà trường vẫn được coi là một trong những hướng đi quan trọng để chống sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh. Nhưng chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết không gắn liền với đời sống, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách học sinh. Chương trình học rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm. Chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông chưa có những thay đổi quyết liệt. Nhiều kiến thức mang tính triết học, hàn lâm, mang tính áp đặt, nhồi nhét, khô cứng, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức đúng đắn, chưa tạo dấu ấn trong tâm hồn học sinh khiến học sinh dễ bị tác động của hoàn cảnh xã hội.

Một quan niệm mang tính sai lầm cả về phía giáo viên và học sinh trong các nhà trường phổ thông rằng dạy và học đạo đức chỉ thông qua môn đạo đức và giáo dục công dân. Chúng ta biết rằng, kiến thức trong những môn học nào cũng có tính giáo dục cả, vậy mà người dạy không biết lồng trong mỗi bài học để định hướng tư tưởng cho học sinh. Người dạy vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”, chỉ lo truyền giảng kiến thức chuyên môn, không có thì giờ để uốn nắn chỉnh sửa những sai trái của học sinh. Vẫn còn một số ít cán bộ, giáo viên chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, quan tâm đến tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thế nào coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức học sinh có khó khăn trong rèn luyện đạo đức, thậm chí coi giáo dục đạo đức là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm, của ban cờ đỏ [Đoàn thanh niên], Ban Giám hiệu nhà trường, các cấp quản lý lo chạy theo thành tích, xem thường kết quả thực chất của giáo dục, dẫn đến căn bệnh nói dối ngày một trầm kha.

Đã đến lúc thay vì dạy học sinh những bài học đạo đức xa vời, các nhà trường cần giáo dục cho các em về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng hay giáo dục về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội. Cần tìm ra các hình thức sinh hoạt hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. Xây dựng môi trường giáo dục tốt - rộng lớn là xã hội và nhà trường, nhỏ là gia đình và lớp học để học sinh được học tập và rèn luyện trở thành những công dân có đức, có tài. 

Thiết nghĩ, tuổi trẻ nhất là học sinh, sinh viên nhiệm vụ trọng tâm là học tập tốt và rèn luyện tu dưỡng đạo đức. Bởi đạo đức do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Đây phải xem là việc làm thường xuyên, tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức, sống chân thành, trung thực, yêu thương con người, có lòng nhân ái trong quan hệ với con người và cộng đồng, có hành vi ứng xử có văn hóa. Trách nhiệm của xã hội là phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức tiến bộ góp phần khắc phục sự suy thoái về đạo đức trong xã hội nói chung và trong trường học nói riêngquan Có như vậy nó mới nuôi dưỡng và phát triển con người.

 Hà Thị Thu Hoài 

                                       Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An

Chủ Đề