Các chủ đề về xã hội học văn hóa năm 2024

Cuối thế kỷ trước, lý luận phê bình văn nghệ phương Tây chuyển hướng mạnh mẽ sang nghiên cứu văn hóa,mà một trong những người tiêu biểu nhất là học giả Pháp P. Bourdieu [1930-2002].Tuy cùng tuổi,nhưng ông vốn là thầy của J.Derrida đã sớm nổi tiếng từ những năm 60,song tên tuổi của P.Bourdieu với tư cách là Viện sĩ Hàn lâm Pháp mãi đến những năm 70,mới chói sáng trong giới khoa học xã hội và nhân văn Âu Mỹ .Trước tác chính của ông lên đến số ba mươi : Cương yếu lý luận thực tiễn [1972] , Lôgic của thực tiễn[1982],Lý thuyết phản tỉnh xã hội học[1982],Giao lưu tự do [1993.v.v...Có thể nói ông là nhà bách khoa đã tiếp cận liên ngành qua nhiều lĩnh vực như nhân loại học,xã hội học,triết học,chính trị học, sử học ,giáo dục học,mỹ học,ngôn ngữ học.v.v...Và nếu trên một ý nghĩa nhất định, văn hóa là những thành tựu và giá trị về mọi mặt của xã do con người sáng tạo nên, thì P. Bourdieu có nhiều điều kiện để nghiên cứu văn hóa học.Tất nhiên ở đây không thể đề cập đến toàn bộ nội dung nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn nói chung, về văn hóa học nói riêng của P.Bourdieu .Chúng tôi chỉ dám bước đầu tìm hiểu những khái niệm cơ bản làm nên tính cách tân trong thành tựu văn hóa học của ông. Những khái niệm này vốn liên quan xuyên thấm nhau,nói cái này không thể thiếu cái kia,cho nên trước khi đi sâu vào từng khái niệm ,cần có những định nghĩa sơ lược cùng mối liên quan giữa chúng với nhau.

Muốn thực sự hiểu văn hóa,cần có những quan niệm sát đúng hơn về xã hội và con người.P.Bourdieu rất chú ý điều này,cho nên cũng có thể nói văn hóa học ở ông thiên về xã hội học văn hóa.Xã hội tất nhiên có những phạm vi như nhân loại, dân tộc,giai cấp,nhưng đơn vị cơ bản của nó phải là những trường vực ,tạm gọi là những lĩnh vực hoat động.Tất nhiên đằng sau bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng liên quan đến bình diện dân tộc và giai cấp, nhưng chính nó mới chủ yếu và trực tiếp tác động và bị tác động với con người. Con người hiển nhiên có bản chất tư tưởng và tình cảm,nhưng thực chất nhất là những tập tính,tức là những phản ứng gần như bản năng trên ngôn ngữ, cử chỉ,nhất là hành đông.Chính những hành đông tập tính này của con người mới phản tác động và chịu tác động trực tiếp của trường vực tạo nên các sản phẩm xã hội và văn hóa.Tập tính không phải chỉ là tiên thiên,mà được hình thành dần từ trong gia đình,trường học và nhất là trong trường vực.Nền tảng của tập tính là những vốn gốc,những tư bản cũng được tích lũy dần từ thời niên thiếu và đến hết đời,nhất là trong thời kỳ hoạt động ở các trường vực.Có thể thấy con người và xã hội ở đây không phải được xem xét theo mô thức đối lập nhị nguyên trừu tượng mà là trong mô thức chuyển hoá sinh thành lẫn nhau rất cụ thể.Tất nhiên trở lên chỉ là cách nhìn sơ lược chỉ có tính chất dẫn nhập để đi vào từng khái niệm cơ bản,và một khi đã hiểu rõ các khái niệm này ,mối quan hệ giữa chúng sẽ càng được sáng tỏ hơn.Giới thiệu những khái niệm cơ bản này, chúng tôi phần nào còn có ý muốn cụ thể hóa dần từ xã hội qua văn hóa đến văn học,cho nên ở khái niệm “tư bản” sẽ tập trung vào “tư bản văn hóa”,và cuối cùng có nêu thêm khái niệm “trường vực văn học”.

I]Trường vực [Field]

Trường ở đây không theo nghĩa thông thường,mà có một hấp lực nội tại,cho nên không cần dịch Field [tiếng Pháp: Champ]là Trường lực ,mà là Trường vực tức lĩnh vực có hấp lực. Theo P.Bourdieu, trường vực tất nhiên phải bao gồm một tập hợp nhiều người,và xã hội chính là gắn kết nhiều quan hệ giữa các trường vực với nhau.Trường vực như cấu trúc của mạng lưới luôn luôn được kiến tạo thêm,trong đó có người chiếm hữu,kẻ hành động ,và theo một thể chế nhất định,tạo nên một kết cấu quyền lực nhiều cấp độ .Ông nói:”Một trường vực có lẽ có thể định nghĩa là một mạng lưới,một cấu trúc được cấu thành bởi một quan hệ khách quan giữa những vị trí khác nhau.Sức mạnh mang tính quyết định sản sinh ra từ những vị trí đó đã được gán cho những kẻ chiếm hữu, người hành động hoặc thể chế chiếm giữ những vị trí đó,những vị trí do những kẻ chiếm cứ xác định những cảnh huống hiển hiện hoặc tiềm ẩn trong kết cấu phân bổ về quyền lực hoặc về tư bản.Sự chiếm hữu những quyền lực [hoặc tư bản] này cũng có nghĩa là sự khống chế lợi nhuận đặc thù của trường vực đó.Ngoài ra,giới hạn của những vị trí này còn quyết định bởi mối quan hệ khách quan giữa chúng với những vị trí khác [về tính thống trị,tính phục tùng,tính cùng nguồn.v.v...].Chúng ta quả thực nên thận trọng ,nhưng có thể đem một trường vực ví với một cuộc chơi,mặc dù trường vực không giống với trò chơi, không phải là một sản phẩm cố ý sáng tạo ra,nhưng nó cũng tuân thủ quy tắc,hoặc hơn nữa là quy luật,mặc dù quy tắc và quy luật này không rõ ràng,còn chưa thành văn”[Lô-gic của trường vực].Sự phân chia xã hội ra nhiều trường vực như thế này không mâu thuẫn,nhưng cụ thể hơn sự phân chia giai cấp,vì ở đây có trường vực kinh tế,chính trị,pháp luật,tôn giáo,học thuật,nghệ thuật.v.v... Mỗi trường vực như vậy là một không gian đặc biệt,có những quy tắc và quy luật khác nhau,nhưng do sự tương thông về “tư bản”,cho nên giữa chúng có mối liên hệ tương đối thông nhất.Bức tranh thống nhất mà đa dạng như vậy mới phản ảnh sát đúng hơn sự phong phú phức tạp và thiên biến vạn hóa của xã hội.Động lực của mỗi trường vực nằm ở những hình thức kết cấu xa cách,sai biệt,đối trọng giữa các lực lượng và quyền thế nội tại.Nhưng bất kỳ lực lượng ,quyền lợi nào không nằm trong một trường vực cụ thể cũng mất tác dụng.Trong không gian sôi động và luôn biến hóa của trường vực,những kẻ chiếm hữu luôn thông qua quyền lực để khống chế sự sản xuất và tái sản xuất,còn sách lược của người hành động bị khống chế thì được quyết định bởi vị thế của họ trong trường vực.

Với P.Bourdieu,sự phân tích trường vực phải theo ba mặt gắn chặt với nhau :”Một là,phải phân tích vị trí của một trừơng vực đối ứng với trường vực quyền lực.Như về tình hình của nhà văn và nghệ sĩ,chúng tôi phát hiện trường vực văn học nghệ thuật được bao hàm trong trường vực quyền lực,và nằm ở vị thế bị thống trị[Theo cách nói chưa thật đầy đủ là nhà văn,nghệ sĩ hay trí thức nói chung là bộ phận bị thống trị trong giai cấp thống trị ].Hai là,phải mô tả cái cơ cấu khách quan trong quan hệ giữa vị trí chiếm cứ của người hành động với thể chế, chính chúng đã triển khai cuộc đấu tranh để giành những hình thức hợp pháp của đặc quyền trong trường vực.Ba là,phải phân tích tập tính ,những hệ thống “tính tình” khác nhau của người hành động,những điều mà họ phải thông qua việc nội tại hóa những điều kiện kinh tế và xã hội rõ ràng để có được, khiến chúng ta tìm ra những cơ hội hiện thực ,ít nhiều có lợi trong quỹ đạo rõ ràng ngay trong lòng của trường vực mà chúng ta suy nghĩ dến”[1].Rõ ràng trường vực là một quan hệ quyền lực, luôn luôn thay đổi biến hóa,qua cạnh tranh và xung đột sẽ nảy sinh ra những lĩnh vực mới làm cho trường vực thay đổi tính chất và hình thái với những quy tắc lô-gic mới của mình.Như thế trường vực là một không gian rộng mở của cuộc chơi với sự đan chéo của quyền lực,sự thăng trầm của sức mạnh,mưu lược của những tay chơi.

Đặc điểm phổ biến của trường vực là tính tự chủ,lô-gic đặc thù trong việc cấu tạo hình thành của nó đã có ảnh hưởng đối với sự tích lũy lịch sử đặc thù cho những thành phần bên trong.Trường vực còn là một hệ thống những quan hệ,là sự tổng hòa những loại quan hệ khác nhau.Nghệ sĩ ,triết gia sở dĩ suy tư,hành động, ngôn luận theo một phương thức nào đó để biểu trưng cho sự tồn tại của mình,là vì đều hoạt động trong trường vực trí thức.Lô-gic của trường vực đã chi phối phương thức tư duy của học giả và nghệ sĩ.Bàn về đặc trưng phổ biến của trường vực,P. Bourdieu nói:”Trước hết , người hành động trong một trường vực nhất định[trí thức,nghệ sĩ,chính khách,công ty kiến trúc] trước nay không hề chịu sự quyết định từ bên ngoài.Chỉ có sau khi được cấu tạo lại,được sự điều tiết đặc thù của hình thức và sức mạnh đặc thù của trường vực,quyết định bên ngoài mới có thể ảnh hưởng đến người hành động. Trường vực càng có tính tự chủ,thì sự cấu tạo lại đó càng quan trọng,tức là nói cái trường vực này càng có năng lực để tăng cường ảnh hưởng đến cái lô-gic đặc thù cùng những sản phẩm tích lũy của lịch sử .Thứ hai, giữa những trường vực triết học,chính trị,văn học.v.v...với kết cấu của không gian xã hội [hoặc kết cấu giai cấp],chúng ta có thể quan sát thấy được tính cùng nguồn hoàn chỉnh của hàng loạt kết cấu và chức năng...Đặc trưng phổ biến thứ ba của trường vực ở chỗ nó là hàng loạt hệ thống quan hệ,những hệ thống này lại độc lập với sự giới hạn của những quan hệ đó...Nhà trí thức này,nghệ sĩ kia đang tồn tại như thế,chỉ chính là vì đang tồn tại một trường vực trí thức hoặc nghệ sĩ”[2]. Nói như thế không phải là không tôn trọng trí thức,văn nghệ sĩ với tư cách cá nhân, xem họ chỉ là những “giả tượng”.Trái lại , chính là vì chỉ có đặt trong một trưởng vực nhất định ,mới thấy hết vai trò đích thực và to lớn của họ.

Về việc giới hạn phạm vi của từng trường vực,thì chình P.Bourdieu cũng cảm thấy khó,bởi vì nó ít hiển hiện lên hình thức của ranh giới tư pháp để có thể đặt tấm biển báo”Cấm người lạ vào” được.Tuy nhiên ,ông cho rằng có thể đo đạc bằng hiệu ứng của nó:”Giới tuyến của trường vực nằm ở chỗ chấm dứt hiệu ứng của nó.Cho nên anh có thể sử dụng mọi biện pháp qua từng tình huống ,từ góc độ thống kê để trắc lượng hiệu ứng của nó kết thúc ở chỗ nào...Mỗi trường vực đều cấu thành một không gian cuộc chơi tiềm tại mà rộng mở.Biên giới của nó mang tính chất động thái,lên quan mật thiết với chuyện lợi hại trong cuộc đấu tranh nội bộ của mỗi một trường vực”[3].

Về kết cấu của trường vực, theo P.Bourdieu là được định nghĩa bằng “sự phân bổ các hình thức đặc thù của tư bản năng động trong nội bộ một trường vực”.Ở đây rồi cũng luôn có chuyện lũng đoạn của “tư bản” [hiểu theo nghĩa rộng như sẽ thấy ở sau].Trong nghệ thuật có sự lũng đoạn của quyền uy văn hóa,trong khoa học có sự lũng đoạn của quyền uy khoa học,trong tôn giáo có sự lũng đoạn của quyền uy giáo chủ.Do đó thay đổi sự phân bổ của các hình thức tư bản cùng tương quan lực lượng giữa chúng sẽ thay đổi được kết cấu của trường vực.Trên ý nghĩa đó,trường vực cũng giống như “đấu trường”,luôn diễn ra sự tranh giành về sức mạnh,địa vị và quyền lực.

II] Tập tính [Habitus]

P.Bourdieu có lúc định nghĩa tập tính là khuynh hướng hay hệ thống “tính tình”.Tập tính mang tính sinh thái xã hội,tất nhiên ít nhiều cũng có yếu tố tiên thiên, nhưng chủ yếu là đựợc hình thành qua những cảnh ngộ cá nhân được xã hội hóa,trở thành “thiên tính thứ hai”.Khác với tập quán là cái chung,nặng về sự thích ứng và bền vững,tập tính mang tính năng động cá nhân và luôn luôn phát triển.Tập tính tất nhiên phải phục tùng các mặt kinh tế và văn hóa,nhưng luôn có xu hướng vượt qua các quy tắc của trường vực vốn có để tạo ra những cái mới.P.Bourdieu nói:”Được sản sinh ra trong một giai cấp nhất định với những nhân tố chế ước trong những điều kiện hữu quan,tập tính là khuynh hướng tính tình có thể chuyển hóa...Về mặt khách quan,nó phù hợp với kết quả của mình,nhưng không sử dụng đến ý thức đã được giả định từ trước để nhằm vào mục tiêu,hoặc là một sự nắm chắc rỏ ràng về thao tác tất yếu để giành lấy mục tiêu.Về khách quan,tập tính là hợp quy,được quy phạm hóa,nhưng không tất yếu trở thành sản phẩm của quy tắc.Chúng không cần trở thành những kết quả của hành động tổ chức của nhà chỉ huy,nhưng là được diễn tấu một cách tập thể” [Lô-gic của thực tiễn].Qua đây, P.Bourdieu muốn nhấn mạnh hai điều.Thứ nhất ,tập tính được cấu thành trong thực tiễn xã hội.Thứ hai ,nó là tính chủ thể,mang tính chất tự sinh,tùy theo thời gian và địa điểm mà thay đổi,nghĩa là nó có năng lực cách tân sáng tạo.Hai mặt này có tác động qua lại:”Kết cấu khách quan có xu hướng nảy sinh hệ thống khuynh hướng tính tình mang tính chủ quan được kiến tạo hình thành qua hành động,ngược lại hành động cũng tái sinh ra kết cấu mới”[4]Về sau,P.Bourdieu có nói thêm:”Về khái niệm tập tính này,tôi còn muốn nói nó trước hết là chỉ một thái độ [một tập tính khoa học,nếu anh muốn nói thế]. Tức là một thái độ minh xác sử dụng một lô-gic đặc thù [kể cả loại lô-gic tạm thời] để lý giải và kiến tạo thực tiễn.Tác dụng chủ yếu thứ hai của khái niệm này là ở chỗ thoát khỏi một sự đối lập chí mạng mà không nghi ngờ gì là càng khó vượt qua:khi mà thực tiễn thiết lập ra đối tượng của tri thức là được kiến tạo nên,chứ không phải là được sao lục lại một cách bị động, thì loại lý luận thực tiễn này chống lại thứ duy vật luận thực chứng chủ nghĩa, đồng thời cũng chống lại loại duy tâm luận duy lý chủ nghĩa.Khái niệm tập tính này thức tỉnh chúng ta rằng nguyên tắc kiến tạo này tồn tại trong hệ thống tính tình trong cấu tạo và được cấu tạo do xã hội cấu thành ,loại tính tình này lấy được trong thực tiễn và không ngừng phát huy tính thực tiễn...Bàn luận tập tính là là tuyên bố cá thể,cá nhân,chủ thể là của xã hội,của tập thể...Tập tính là một loại tính chủ thể xã hội hóa” [Nhìn lại những thỉnh cầu về xã hôi học].Có thể tóm gọn những lời biện giải trên của P. Bourdieu là với khái niệm tập tính ,chúng ta hiểu vì sao chủ thể của thực tiễn lại vừa bị quyết định vừa rất năng động.

Về mối quan hệ giữa tập tính với trường vực,P.Bourdieu cho rằng có hai mặt: ”Một mặt,đây là quan hệ điều tiết:trường vực cấu tạo tập tính,tập tính là sản phẩm thể hiện tính tất yếu nội tại của trường vực.Mặt khác,đây còn là một quan hệ tri thức,hay quan hệ kiến tạo tri thức.Tập tính giúp cho trường vực cấu thành một thế giới có ý nghĩa,có giá trị cực kỳ phong phú,xứng đáng cho con người đầu tư tinh lực của mình”[5].Tất nhiên cũng có những trương hợp tách rời giữa tập tính với trường vực.Lúc ấycần phải thấy tập tính với những quán tính và hiện tượng trì trệ của nó mới giải thích được những hành động hữu quan.P.Bourdieu có đưa ra thí dụ về những nông dân Algérie vốn có những tập tính rất lac hậu lại bị cuốn hút ngay vào nền kinh tế thị trường tư bản,vẫn thường có những hành động rất kỳ lạ,lạc lõng.Nhìn chung lại trong những thời khắc chuyển biến lớn lao của lịch sử,cơ cấu thực tế khách quan biến đổi nhanh chóng,nhưng kết cấu tinh thần không đuổi kịp , cho nên thường lộ ra những hành động ngược chiều.Tóm lại như P.Bourdieu đã nói: ”Với tư cách là sản phẩm của lịch sử,tập tính là một hệ thống mở của tính tình, không ngừng phục tùng những thể nghiệm [cuộc sống],từ đó chịu ảnh hưởng của thể nghiệm đó bằng những phương thức tăng cường hoặc biến đổi.Hệ thống này luôn mang tính trì trệ,nhưng không phải là vĩnh tồn”[6].

III] Tư bản văn hóa [Cultural capital]

Chịu ảnh hưởng của K.Mác,P.Bourdieu sử dụng những khái niệm như Thực tiễn,Tư bản làm thành những góc nhìn quan trọng để quan sát,mổ xẻ xã hội hiện đại.Nhưng ông cho rằng Tư bản có thể tích lũy với cả hai hình thức vật hóa và thân thể hóa,là những sức mạnh khắc sâu trong kết cấu cả khách lẫn chủ thể và đều thể hỉện quy luật nội tại của xã hội.Từ đây cũng có thể tạm chia ra hai hình thức tư bản. Tư bản vật chất thì đã rõ,nhưng còn có tư bản phi vật chất trong đó quan trọng nhất là tư bản văn hóa.v.v...Dù khác nhau ,nhưng trong việc tích lũy và trao đổi của thế giới hiện đại,thì hình thức tư bản nào cũng là những tiềm năng để sản sinh lợi nhuận và phát huy hình ảnh của bản thân con người.Và trong quá trình trao đổi, tư bản vật chất có thể biểu hiện ra dưới hình thức phi vật chất ,và tư bản phi vật chất cũng có thể biểu hiện thành hình thức vật chất.Với P.Bourdieu thì tư bản có ba hình thái chính:1] Tư bản kinh tế,lập tức có thể trực tiếp chuyển hoán thành tiền bạc,nó được chế độ hóa bằng hình thức về quyền sở hữu tài sản.2]Tư bản văn hóa trong những điều kiện nhất định cũng có thể chuyển hoá thành tư bản kinh tế,nhưng nó được chế độ hóa bằng hình thức về tư cách giáo dục.3]Tư bản xã hội được cấu thành bởi những nghĩa vụ[ hoặc quan hệ]xã hội,trong những điều kiện nhất định cũng có thể chuyển hoá thành tư bản kinh tế,nhưng nó được chế độ hóa bởi những hình thức phẩm hàm cao quý[7]Tư bản kinh tế thì đã rõ,còn tư bản xã hội thì có thể xem là một thể tập họp tư bản tiềm tại hoặc tồn tại trong thực tế được toàn thể hoặc đoàn thể xã hội thừa nhận.Trong mạng lưới giao lưu rộng rãi ,loại tư bản này được dư luận xã hội hoặc chế độ công nhận.Tư bản xã hội là một loại danh giá của cộng đồng.Trong xã hội tư bản phát triển,tựu trung có hai dạng thức chi phối là tư bản kinh tế giữ vai trò chủ đạo hơn, tư bản văn hóa dù sao vẫn có tính chất thứ phụ. Nhưng về tư bản văn hóa ,theo P.Bourdieu ,có ba trạng thái là cụ thể hóa,khách quan hóa và thể chế hóa

a]Về trạng thái cụ thể hóa,thì tư bản văn hóa mang hình thức “tính tình” lâu bền của tính thần và của cả thân thể.Ông nói:”Với trạng thái cụ thể,thì phần lớn đặc trưng của tư bản văn hóa có thể suy đoán bằng sự thực là trong trạng thái cơ bản của nó, tư bản văn hóa rất liên quan với thân thể,nó giả định trước một số tính thực thể và cụ thể nào đó.Sự tích lũy tư bản văn hóa nằm trong trạng thái cụ thể,tức là sử dụng những hình thức mà chúng ta gọi là giáo dục tu dưỡng văn hóa, nó giả định trước một quá trình cụ thể hóa,thực thể hóa.Quá trình này bao hàm sự biến hóa và đồng hóa về lao động,cho nên rất tốn thời gian,hơn nữa người đầu tư phải trực tiếp trải nghiệm,giống như máu thịt cơ thể tự phát triển hoặc màu da sạm đen vì phơi nắng, chứ không phải nhờ người khác rèn luyện mà có được...Loại tư bản được cụ thể hóa này sẽ chuyển hóa thành tài sản bề ngoài như một bộ phận tổ thành của cá nhân,tức là tài sản bề ngoài của tập tính,nó [không giống với tiền bạc,chủ quyền tài sản,thậm chí kể cả phẩm hàm quý tộc] không có cách nào có thể giành lấy tức thì bằng cách mua bán, trao đổi bằng tặng phẩm và lễ vật được”[Hình thức của tư bản]. Có nghĩa là ở trạng thái cụ thể,tư bản văn hóa liên quan với thân thể con người

. Sự tích lũy tư bản về mặt này cũng là một quá trình cụ thể hóa,thực thể hóa trên con đường tu dưỡng về giáo dục và văn hóa.Nó đòi hỏi sự trải nghiệm tự thân, phải đầu tư nhiều sức lực và thời gian,kể cả về mặt kinh tế.Tiết kiệm về mọi mặt ở đây là cần thiết,nhưng quan trọng hơn là tính hiệu quả.Làm sao có thể tập trung tư bản văn hóa để tạo nên một lớp người có khí chất và nhân cách và tập tính văn hóa là một tiêu chuẫn quan trọng của xã hội hiện đại.Liên quan với vấn đề này,có lúc P.Bourdieu dùng từ “tư bản thân thể”,tuy không trở thành khái niệm cơ bản,nhưng cũng không có nghĩa nôm na thấp tầm như “vốn tự có”,song trên cơ sở mọi mặt của con người ,có nhấn mạnh thêm về phương diện hình thức của cơ thể.Có nhìn toàn diện như thế,sẽ thấy thân thể quả là một loại tư bản văn hóa,và có thể chuyển hóa thành tư bản kinh tế như là một sự thực từ ngàn xưa và nhất là trong xã hội hiện đại.

b]Về trạng thái khách quan hóa mang hình thức hàng hóa văn hóa,P.Bourdieu nói:”Trong trạng thái khách quan hóa,tư bản văn hóa có thể hiện rõ một số đặc trưng,những đặc trưng này chỉ có thể định nghĩa khi đặt trong quan hệ với tư bản văn hóa trong hình thức cụ thể .Tư bản văn hóa được khách quan hóa thành vật chất hay phương tiện truyền thông như văn hoc,hội họa,bia kỹ niệm,công cụ.v.v.., thì phương tiện vật chất cuả nó có thể lưu giữ như bảo tàng hội họa có thể lưu truyền lại cho đời sau như tư bản kinh tế”[Hình thức tư bản].Đúng là khác với tư bản văn hóa trong trạng thái cụ thể sẽ tồn vong theo sinh mệnh của cá thể,tư bản văn hóa trong trạng thái khách quan hóa có thể lưu truyền như tư bản kinh tế.Tuy nhiên cũng phải thấy nếu tư bản kinh tế không thể hoàn toàn chuyển hoá thành tư bản văn hóa ,thì tư bản văn hóa cũng không thể hoàn toàn chuyển hóa và lưu truyền như tư bản kinh tế.Nói chung sự tích lũy cũng như lưu truyền của tư bản văn hóa là hy hữu hơn nhiều so với tư bản kinh tế.Để bù lại,tư bản văn hóa càng độc đáo,do đó càng hiếm hoi,thì lại càng có giá trị.

c]Về trạng thái thể chế hóa cũng là một hình thức khách quan hóa,nhưng được nhìn nhận khác đi,như chúng ta đã thấy về phương diện giáo dục.P.Bourdieu nói:”Sự khách quan hóa tư bản văn hóa có thể dùng hình thức về tư cách học thuật, phương pháp này mang đặc trưng từ chỗ sau khi được cụ thể hóa thì tư bản văn hóa chịu sự hạn chế sinh vật giống như người sở hữu tư bản.Sự khách quan hóa chính là đã nảy sinh những điểm khác nhau giữa hai loại tư bản,tức là sự khác nhau giữa loại tư bản của người tự học với loại tư bản văn hóa được bảo đảm hợp pháp mà tư cách của nó được xác nhận về mặt học thuật.Tư bản của người tự học luôn có lúc bị nghi ngờ..,còn loại tư bản văn hóa được xác nhận về mặt học thuật,thì độc lập với cá nhân người sở hữu tư bản. Những chứng thư về tư cách học thuật và năng lực văn hóa gây tác dụng to lớn,vì chúng cấp cho người sở hữu một giá trị văn hóa được bảo đảm hợp pháp...”[Hình thức tư bản].Phải nói ngay rằng ý kiến này cuả P. Bourdieu là trong một xã hội phát triển lành mạnh,còn những nơi phát triển giả tạo, gian dối ,chủ yếu là “học giả mà bằng thật” thì sai bét. Nhưng đúng là trong một xã hội phát triển lành mạnh ,thực chất,thì việc thể chế hóa tư bản văn hóa bằng những chứng thư hợp pháp là cần thiết.Ở đây không nên loại bỏ những người tự học,càng tự học càng đáng quý,thực học không phải chỉ diễn ra trong trường lớp, nhưng nấc thang học vấn và văn hóa cần thiết và có thể được chính thức xác nhận.Vấn đề là kết quả,chứ không phải phương thức.Hiểu như vậy,thì những chứng thư nói trên là những ký hiệu về trình độ văn hóa đích thực cho từng cá thể,kích thích sự đua tranh lành mạnh về văn hóa và trí thức ,càng tạo nên sức mạnh văn hóa tổng hợp cho toàn thể xã hội.

IV] Trường vực văn học [Literary field]

So với các lĩnh vực cơ bản trong xã hội,thì văn học thực ra chỉ là một trường vực thứ phụ [subfield]. Nhưng P.Bourdieu vẫn cho rằng :”Cũng giống với với tất cả trường vực khác,trường vực văn học cũng liên đới với quyền lực [ví như quyền được phát biểu hoặc từ chối xuất bản],cũng liên quan với tư bản được xác nhận của nhà văn...Từ đây ,cũng như với các trường vực khác,người ta có thể thấy những quan hệ,sách lược của quyền lực và lợi ích.v.v...Trường vực văn học là một trường vực của sức mạnh,cũng là một trường vực tranh đấu.Những cuộc đấu tranh này là nhằm thay đổi hoặc bảo vệ những tương quan lực lượng đã được xác lập.Mỗi một người hành động đều từ những sức mạnh [tư bản] thu được trong những cuộc đấu tranh trước đó dồn vào những sách lược,mà phương hướng vận hành của nó được quyết định bởi vị trí của họ trong cuộc đấu tranh quyền lực cùng những tư bản đặc thù mà họ vốn có”[Trường vực trí thức:một thế giới phân liệt].P. Bourdieu lấy thí dụ về những cuộc đấu tranh không ngừng giữa những phái tiên phong mới với phái tiền phong đã được công nhận.Từ giữa thế kỷ XIX trở đi,nền thơ ca Pháp luôn trở thành mãnh đất cách mạng,những phái cách tân thường chỉ chiếm địa vị thống trị trong một thời gian ngắn.Những người tân tiến trẻ tuổi nhất luôn nghi vấn không công nhận là chính thống những điều mà thế hệ cách tân trước xác lập được .Thơ ca,do đó,ngày càng thay đổi,hướng về “bản chất”tinh túy của nó.Trong cách tân liên tục,thơ ca bị bóc đi nhưng thứ mà thông thường được định nghĩa là chất thơ: trữ tình,cách luật,gieo vần,ẩn dụ.v.v...P.Bourdieu vạch rõ:”Trên thực tế,vấn đề chủ yếu phát sinh ở cuộc đấu tranh của trường vực văn học hoặc nghệ thuật là đối với định nghĩa còn hạn chế của trường vực đó,tức là đối với định nghĩa đã từng được hợp pháp hóa...Đại khái như Đây căn bản không phải là thơ hoặc Đây căn bản không phải là văn học .v.v...Về thực tế,những luận đoán như thế này có nghĩa là cự tuyệt sự tồn tại hợp pháp của những loại văn thơ đó, loại chúng ra khỏi cuộc chơi, khai trừ văn tịch của chúng.Sự loại trừ mang tính tượng trưng này chẳng qua chỉ là sự lật đổ một loại nỗ lực nhằm trưng tập trong giới hạn một loại thực tiễn hợp pháp hóa,chẳng hạn việc kiến tạo ra một định nghĩa mang tính lịch sử về trào lưu nghệ thuật mang tính chất phổ biến và lâu dài phù hợp với lợi ích của những người nắm trong tay một tư bản đặc biệt nào đó”[8].Theo P.Bourdieu,một khi mà sự nỗ lực này thành công,thì giữa sách lược với những nhân tố của tính nghệ thuật và tính chính trị trên một ý nghĩa nhất định sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau. Về bản chất,sách lược sẽ bảo đảm quyền lợi cho môt số người có tư bản khống chế,những tư bản này thông qua việc xác lập định nghĩa thực tiễn mang tính hợp pháp được những người sở hữu nắm vững.Đây là luật chơi rất ưu ái với những người có chủ bài,nhưng có thể áp đặt trên đầu kẻ khác và thế là sự thành công của kẻ chiến thắng sẽ biến thành tiêu chuẩn đo lường cho mọi thành công khác..,nhất là áp đặt trên đầu những người mới gia nhâp vào trường vực... Đây chính là những điều mà P.Bourdieu khái quát từ những cuộc tranh luận về thơ ca ,về phong cách vào cuối thề kỷ XIX đầu thế kỷ XX,về tiểu thuyết sau thế chiến II.Nó cũng giúp lý giải thêm những cuộc tranh luận trong lịch sử giữa cũ mới,giữa lãng mạn và hiện thực .v. v....

Về mối quan hệ giữa trường vực văn học với các trường vực khác,chẳng hạn với trường vực kinh tế,P.Bourdieu cho rằng rất quanh co phức tạp,không tách rời, nhưng lúc gần lúc xa.Trước mắt ông kinh ngạc thấy văn học nghệ thuật “Quay về sự bảo trợ,trở về với sự dựa dẫm trực tiếp,ngã vào lòng chính phủ,quay về với những hình thức bảo trợ tàn nhẫn nhất”[9].Tất nhiên điều này không thể là vĩnh viễn như nó đã từng bị chấm dứt từ những thế kỷ trước.Cho rằng có lẽ đây là câu chuyện “luân hồi” ,bởi vì P.Bourdieu quan sát thấy từ thời Phục hưng đền thế kỷ XIX,văn học nghệ thuật dần dần giành được quyền tự chủ:”Nghệ sĩ không nghe yêu cầu và mệnh lệnh của những người bảo trợ nữa,họ không bị ràng buộc bởi chính phủ.Phần lớn họ bắt đầu sáng tác trong phạm vi thị trường hữu hạn của chính họ.” [10]Có lẽ ở đây cần phân biệt giữa quy luật với những biểu hiện nhất thời mà P. Bourdieu chưa có kết luận rõ ràng.

Qua những khái niệm cơ bản này trong xã hội học văn hóa của P.Bourdieu, quả có thấy được những khía cạnh sát đúng hơn bên cạnh những điều còn có phần xa lạ.Dù sao đây cũng là dịp trang bị thêm công cụ lý thuyết để rộng đường chọn lựa trong khi tiếp cận với văn hóa ,văn học./.

[1][9]Văn bản nghiên cứu văn hóa,La Cương &Vương Tượng Ngu chủ biên,Nxb Khoa học xã hội Trung quốc,Bắc kinh 2003,tr.193,276.

[2][3][4][5][8][10]Đại từ điển thuật ngữ lý luận phê bình văn học,Vưong Tiên Nho &Vương Hựu Bình chủ biên,Nxb Giáo dục cao đẳng,Bắc kinh 2006,tr.841, 841, 843,843,842,841.

[6]Thi học triết lý phươngTây thế kỷXX,Vương Nhạc Xuyên,Nxb Đai học Bắc kinh 1999,tr.538.

[7]Tư bản văn hóa và phép luyện kim xã hội,Pierre Bourdieu[trả lời phỏng vấn ] ,Nxb Nhân dân Thượng hải 1997,tr.60

Chủ Đề