Ca sĩ tinh túy là ai?

Với những ca khúc nổi tiếng như Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Nguyễn Trọng Tạo đã trở thành một nhạc sĩ được đông đảo quần chúng yêu mến. Ông đang chuẩn bị cho đêm nhạc riêng của mình, mang tên Khúc hát sông quê diễn ra vào tối 8-9 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Chất dân ca đã ngấm vào máu thịt

- Hóa ra cơn cớ cho cuộc “du hý” cùng âm nhạc của anh đã có từ những năm ngoài 22 tuổi, khi đó anh giữ vai trò là trưởng một đoàn văn công xung kích. Hồi đó, công việc cụ thể của một trưởng đoàn như anh là làm những gì?

- Khi làm trưởng đoàn văn công xung kích của trung đoàn, rồi sư đoàn, ngoài việc quản lý đơn vị, tôi phải lo xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị nói riêng và bộ đội nói chung. Những nội dung gì thiếu, tôi phải “đặt hàng” hoặc chính mình sáng tác tiết mục cho đoàn. Thời đó tôi viết nhiều ca khúc ngắn về bộ đội, có đơn ca, tốp ca, đồng ca, và viết cả những liên khúc hợp xướng hoành tráng như Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ, Đường tàu thống nhất… Và phải đưa đoàn đi biểu diễn phục vụ cho bộ đội và nhân dân vùng đóng quân. Có khi sang cả nước bạn Lào phục vụ quân tình nguyện và bộ đội Lào.

- Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, sống ngang qua thời bình, lại từng làm bạn với rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có các nhạc sĩ như Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Anh học được ở họ những gì trong sáng tác ca khúc?

- Sau khi nước nhà thống nhất, tôi về Hà Nội học Đại học viết văn Nguyễn Du khóa 1. Ở Hà Nội tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng như Vũ Cao, Văn Cao, Hoàng Cầm, Thu Bồn, Xuân Quỳnh, Phùng Quán… Còn với Trịnh Công Sơn thì tôi có may mắn gặp anh ngay sau cuộc chiến, khi tình cờ anh và một số nhà thơ không hẹn trước, ghé thăm tôi ở đồi Lệ Kỳ, nơi đoàn của tôi đóng quân. Năm 1981, tôi gặp Văn Cao, ông đã biết bài hát Làng quan họ quê tôi, ông nói: “Thì ra đây là anh chàng Nghệ viết về miền quan họ”. Cũng tại nhà Văn Cao, tôi gặp lại Trịnh Công Sơn, và sau đó là nhiều cuộc đàm đạo khác bên bàn rượu, khi ở Huế, lúc ở Sài Gòn. Tôi coi hai người vừa là anh, vừa là bạn vong niên. Tôi không chỉ thích nhạc mà còn rất trân trọng tài năng và nhân cách nghệ sĩ của họ.

- Anh sáng tác nhiều bài hát với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng ở những bài nổi tiếng nhất như Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... thì yếu tố dân gian trong âm nhạc vẫn là nổi bật. Chất dân gian ấy có thể lý giải vì anh sinh ra ở một miền quê xứ Nghệ có nhiều điệu hò, câu ví?

- Người Việt ở vùng, miền nào cũng rất yêu thơ và thích ca hát. Ở quê tôi cũng vậy. Họ hát trong lúc lao động và cả lúc nghỉ ngơi hóng mát. Họ hát giao duyên đối đáp bằng những điệu hò, câu ví, trổ giặm. Tụi nhỏ chúng tôi cũng theo đó mà hát, mà đặt vè… Chất dân ca cứ ngấm vào máu thịt lúc nào không biết nữa. Nhưng khi sáng tác, nhạc sĩ phải biết lựa chọn những gì độc đáo nhất, tinh túy nhất để làm chất liệu cho mình. Tôi không thuộc trường phái sát gần dân ca mà tôi thường lựa chọn hơi thở tinh túy của dân ca để tạo dựng nên nhạc phẩm của mình. Vì thế mà có bài mang hơi thở dân ca cả ba miền bắc trung nam như Khúc hát sông quê. Tuy vậy, tôi cũng có một mảng ca khúc viết theo thể thức nhạc nhẹ. Người ta ít biết tới mảng này của tôi, vì tôi viết ra để đó, ít khi công bố…

- Làng quan họ quê tôi từng nhận tặng thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981, sau đó cùng với Khúc hát sông quê được Bộ NN&PTNT tặng cúp trong tốp 20 bài hát xuất sắc nhất viết về nông thôn nông nghiệp Việt Nam [1945-2010]. Lại biết, hồi anh viết ca khúc đó, anh chưa đến thăm một làng quan họ nào. Giống như nhạc sĩ Hồng Đăng khi viết bài hát Hoa sữa nổi tiếng chưa từng biết hoa sữa ra sao. Cái này cần anh lý giải đôi chút về những cuộc đi thực tế trong tâm tưởng người nghệ sĩ. Người ta phải làm cách nào để thấm tinh thần một vùng đất, một vùng văn hóa khi mà họ chưa thật sự đặt chân đến?

- Tôi viết Làng quan họ quê tôi một cách nhuần nhuyễn và mới mẻ như thế, trước hết vì tôi rất yêu thích những làn điệu quan họ trong trẻo, du dương mà dân ca quê tôi không có. Thời chiến tranh lại được xem những ca sĩ từ Hà Nội vào miền trung hát quan họ. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về bộ phim Đến hẹn lại lên với nhiều làn điệu quan họ gắn liền với số phận nhân vật Nết và Hai Chi. Khi đọc bài thơ Làng quan họ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, âm điệu quan họ cứ hồi vọng trong tâm hồn tôi. Và ca khúc Làng quan họ quê tôi đã được sinh ra như một sự kết duyên giữa tâm hồn và văn hóa Kinh Bắc trong tiềm thức của tôi.

Gọi tôi là “người ham chơi” cũng đúng

- Thường hay nhìn thấy ảnh anh trên báo chí, khi thì rong chơi, lúc trong cuộc nhậu với bạn bè. Như thể lúc nào cũng có ly rượu ở bên, như thể rất lười. Nhưng nhìn vào số lượng tác phẩm của anh thì lại khó nhận xét anh lười lao động. Vậy “cái lười” với “cái chăm chỉ” trong sáng tác có gì khác nếu so sánh với các công việc bình thường khác không anh?

- Với người sáng tác thì lao động sáng tạo là một đặc thù, và mỗi người cũng mỗi khác. Có người hùng hục viết [đặc biệt là dân viết văn xuôi], có người chỉ viết khi có hứng, và có người làm việc không ai biết - như là một việc làm “vô tăm tích”. Người ta gọi tôi là “người ham chơi” cũng đúng. Bạn bè nhiều, người yêu thích cũng nhiều. Tôi hay phải xuất hiện nhiều ở chỗ này chỗ kia chủ yếu cũng vì tính cả nể. Nhưng trong những cuộc giao du như thế, không phải là không có ích, thậm chí rất có ích là khác. Tôi tiếp thu được ở đó nhiều bất ngờ về cuộc sống, về nghệ thuật. Có thể nói đó cũng là trường học cuộc đời. Ít ai nhìn thấy tôi làm việc, trừ lúc đi giảng bài hay nói chuyện nghệ thuật. Tôi có thói quen làm việc một mình ban đêm. Thường thì làm việc đến 2 giờ sáng, hoặc dậy từ lúc 2, 3 giờ sáng làm cho tới khi xong việc mới thôi. Giờ ấy là giờ người ta đang ngon giấc ngủ… - Nổi tiếng tài hoa, đa tình, nhưng đến giờ vẫn một mình. Đàn bà trong mắt anh như thế nào là đẹp?

- Tài hoa, đa tình là người ta nói thế. Tôi nghĩ tôi cũng thường thôi. Hai lần hôn nhân cũng chưa phải là nhiều. Nhiều người còn lắm bi kịch hơn tôi. Thực ra làm việc nhiều về ban đêm thì sống một mình lại rất tốt, không làm phiền đến giấc ngủ của ai cả. Đàn bà đẹp thì nhiều, nhưng hợp nhau thì vẫn là của hiếm. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng mà.

- Người đàn bà mà anh chọn để yêu hay sống cùng, có nhất định phải yêu thơ, nghe nhạc của anh không?

- Đáng sợ nhất là người không hiểu nghệ thuật đến nơi đến chốn lại hay thích luận bàn. Nhưng một người đàn bà không yêu thích gì văn học nghệ thuật thì rất dễ mang tới sự ớn lạnh.

- Vì sao anh chọn Công ty Son Vàng để gửi gắm họ tổ chức đêm nhạc Khúc hát sông quê vào ngày 8-9 tới?

- Son Vàng và tôi có thể là một cái duyên. Bạn bè giới thiệu họ cho tôi, và họ cũng rất vui vẻ chọn tôi. Và tôi rất thích khi họ mời được đạo diễn Đinh Anh Dũng tham gia.

- Rất nhiều Việt kiều nghe và yêu thích các tác phẩm âm nhạc viết về làng quê của anh, có khi nào anh nghĩ mình sẽ tổ chức một đêm nhạc để phục vụ kiều bào?

- Bà con Việt kiều ở các nước đã nhiều lần mời tôi sang giao lưu thơ nhạc, và những cuộc đó rất vui, vì chỉ có mình tôi hay một vài người, thật gọn nhẹ. Nhưng mang cả một chương trình âm nhạc của tôi đi lưu diễn thì khá kềnh càng. Vì thế mà mấy lần mời rồi nhưng tôi không thực hiện được. Kể cũng tiếc lắm chứ.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

HỘI QUÂN [Thực hiện]

Phóng viên [PV]: Đây là một năm khá đặc biệt đối với tất cả mọi người, khi đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động. Nhưng có lẽ, với các nghệ sĩ thì đây là một năm tĩnh lặng để trở về với chính mình và sáng tạo. Anh từng chia sẻ với tôi giấc mơ đi thu gom chất liệu dân gian khắp các vùng miền. Hành trình đó đã đến đâu rồi?

Nhạc sĩ: Ngô Hồng Quang [NHQ]: Tôi vẫn đang trên hành trình thu gom tinh hoa âm nhạc các vùng miền và tạo ra một không gian khác của Ngô Hồng Quang. Một năm qua, tôi ở lại Việt Nam, có khoảng thời gian tĩnh lặng để đi và khám phá. Hành trình đó có sự liên kết tới việc hướng về Việt Nam trong âm nhạc của tôi. Tôi ấp ủ dự định này từ rất lâu rồi. Tôi muốn kể cho khán giả nghe một câu chuyện khác về văn hóa dân gian các vùng miền bằng một ngôn ngữ mới, có dấu ấn đương đại. Tôi đã gom những sáng tác đó trong album "Tình đàn" sẽ giới thiệu với công chúng trong thời gian tới, một album âm nhạc dân tộc mộc mạc, giản dị và rất thú vị. Nó được phối rất mới, gồm các nhạc cụ dân tộc: nhị, đàn môi, đàn tính, đàn bầu, vừa độc tấu vừa hòa tấu. Tôi muốn trở về với những thứ nguyên bản, mộc mạc và hồn hậu nhất của âm nhạc, không phải với âm nhạc điện tử nữa. Đó cũng chính là hành trình trở về bản thể của chính mình, cội nguồn của mình.

PV: "Tình đàn" - đó cũng là cách anh tri ân các nhạc cụ đã cùng anh rong ruổi khắp nơi trên thế giới và tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình?

NHQ: “Tình Đàn” vừa là lời tri ân tới khán giả, vừa giống như một cuốn nhật kí ghi lại hành trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới của tôi. Sự giao thoa và song hành vô cùng tự nhiên của âm nhạc dân tộc cùng thanh âm đa dạng từ âm nhạc quốc tế, sự tổng hòa của truyền thống và hiện đại, cùng niềm hoài cổ, sự tương tác và môi trường âm nhạc không biên giới chính là nguồn cảm hứng vô tận tôi muốn gửi đến khán giả.

Tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc không chỉ của riêng người Kinh hay một nhóm người nào mà là cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Âm nhạc vùng miền rất thú vị, đa dạng, nó như một suối nguồn chảy không bao giờ cạn nếu ta yêu và biết cách đào sâu, tìm hiểu.

PV: Thật ra có nhiều nghệ sĩ yêu âm nhạc cổ truyền và đắm đuối với nó, còn Quang, không chỉ yêu, đắm đuối mà anh còn đưa âm nhạc cổ truyền lên một tầm cao mới. Điều gì ở âm nhạc dân tộc hấp dẫn anh đến thế?

NHQ: Vì sự khác biệt của nó. Ngoài ngũ cung ra [ngũ cung là bình thường và phổ biến] thì khác biệt đó chính là sự hoa mỹ, luyến láy cung quãng rất lạ. Như âm nhạc Tày Nùng có kiểu hát nghịch, đối, theo kiểu không gian âm nhạc truyền thống lâu đời, đó là lối hát Si [tức hát thi - thơ, hát đối đáp, hát giao duyên]. Họ hát ứng tác lời, đối đáp hàng giờ với nhau, hai nam, hai nữ chứ không phải một nam một nữ. Nó ấn tượng ở chỗ, hai nữ mỗi người một bè, không phải bè thường mà rất nghịch, thậm chí rất chênh phô, nhưng không phải họ hát chênh phô mà âm nhạc của họ thế, mộc mạc, tự nhiên. Tôi đi Hà Giang khám phá âm nhạc người Mông, rồi Tuyên Quang, Lạng Sơn, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,... Lên miền núi thấy người Tày hát then, chơi đàn tính và họ rất yêu âm nhạc của tôi, họ cảm ơn tôi đã mang nhạc cụ của họ ra thế giới. Đàn tính tuy ra một không gian khác lạ nhưng họ vẫn tìm thấy mình trong đó, vẫn có sự kết nối chặt chẽ với họ. Công việc sáng tạo luôn vất vả, nhọc nhằn nhưng nó mang lại cho tôi niềm hạnh phúc.

PV: Trong sự kết nối đó làm sao anh có thể giữ được bản sắc Việt Nam của mình?

NHQ: Đó là điều tôi luôn trăn trở, làm âm nhạc thế nào để vẫn giữ được chất Việt Nam trong sự kết nối với thế giới, thế giới mà vẫn rất Việt Nam. Tôi nghĩ, đó chính là linh hồn của âm nhạc ngũ cung. Ngũ cung Việt Nam hoa mỹ, luyến láy, đậm chất riêng không trộn lẫn, mỗi vùng miền có một âm sắc khác nhau. Tôi sáng tạo và thoải mái vẫy vùng trong đó. Âm nhạc châu Phi, châu Mỹ La-tinh, ở một số vùng miền cũng là âm nhạc ngũ cung, nhưng ở Việt Nam hoàn toàn khác. Tôi cảm nhận mình đang chạm tới vẻ đẹp tinh túy đó. Nó rất Việt Nam và vô cùng giá trị. Chúng ta cần quan tâm hơn tới những giá trị mình đang có và đưa nó vào không gian âm nhạc của mình. Đưa thế nào là câu chuỵện khác. Bởi thực tế, chơi âm nhạc truyền thống như nguyên bản đã khó khăn, chơi được và đưa vào không gian mới còn khó khăn hơn nữa.

PV: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng chia sẻ với tôi những trăn trở về khoảng trống của nhạc dân tộc trong đời sống đương đại và cho rằng chúng ta đang vọng ngoại trong khi sở hữu những thứ rất có giá trị mà không biết nâng tầm. Quang nghĩ sao về điều này?

NHQ: Tôi là người tiên phong trên con đường gian nan này. Và con đường ấy khá đơn độc. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói rất đúng, chúng ta đang thiếu những người dám dấn thân, kết nối truyền thống với đương đại.Chúng ta phải dám bứt ra khỏi vùng an toàn thì âm nhạc mới đa dạng và phong phú được. Tôi nghĩ, chúng ta nên duy trì theo hướng nhìn vào cốt lõi và tinh thần của âm nhạc truyền thống, cần bảo tồn những gì Việt Nam nhất. Còn những nhạc sĩ vừa chơi nguyên bản vừa chơi đương đại, nếu họ đầu tư thời gian, tư duy và tình yêu, họ sẽ làm được.

PV: Có một thực tế hiện nay, không chỉ là câu chuyện truyền thống trong dòng chảy đương đại mà ngay truyền thống cũng đang bị phai màu?

NHQ: Đúng thế, truyền thống đang phai màu và ngày càng có ít người chơi nhạc dân tộc. Những người còn lại không nhiều, người trẻ không kế tiếp. Điều đáng quan tâm là cách nhìn nhận về vấn đề đó. Làm thế nào để giữ được nguyên bản ấy một cách đúng nghĩa. Giữ không phải bảo thủ mà trên tinh thần là cái của tôi, tôi giữ ở góc này, góc khác tôi đưa lên, giao thoa, kết nối với các chất liệu, vùng văn hóa khác. Đó mới đúng tinh thần của cộng đồng thế giới cùng hòa nhịp sống chung trên trái đất này. Tương lai thế giới sẽ không có biên giới về văn hóa, khoảng cách về biên giới sẽ thu hẹp dần, con người sẽ sống thoải mái hơn, tự do sáng tạo hơn. Tính bản địa đương nhiên là có, nhưng bản địa của mình sẽ sống cùng bản địa khác chứ không phải sống độc lập, đó là câu chuyện con người chúng ta sẽ trở thành một cộng đồng chung trong tương lai. Điều tôi nhấn mạnh là sự kết nối, bằng nhiều hình thức. Kết nối sẽ mở ra nhiều cơ hội lan tỏa âm nhạc của mình thay vì đóng cửa. Chúng ta không nên bảo thủ và cực đoan, vì mọi thứ đều chuyển động và mình cũng phải chuyển động, cần lắng nghe xem thế giới thế nào để cùng hòa vào dòng chảy đó.

PV: Như anh nói, có vẻ mọi người đang quá cầu toàn, không dám mạnh dạn bứt phá khỏi bờ ao nhà mình? Và âm nhạc dân tộc, nhiều năm nay vẫn chủ yếu ra nước ngoài bằng con đường giao lưu văn hóa?

NHQ: Đó là một khoảng trống. Tôi nghĩ, chơi nhạc truyền thống cũng tốt, nhưng sẽ tốt hơn khi có những sáng tạo mới. Tôi thích làm nghệ sĩ tự do sáng tạo và được vùng vẫy trong không gian âm nhạc riêng của mình. Vùng vẫy ở đây có nghĩa là mình được chơi âm nhạc theo nhiều chiều hướng khác nhau, nhiều góc độ khác nhau và hấp dẫn người nghe.

PV: Mười năm để có một dấu ấn Ngô Hồng Quang, anh có thấy vất vả và đơn độc?

NHQ: Tôi may mắn xác định từ rất sớm rằng con đường của mình đầy rẫy chông gai và mệt mỏi, nhưng tôi luôn kiên định với lựa chọn riêng.Tôi không thể lao đầu vào thị trường ồn ào ngoài kia. Tôi thích có sự kết nối chân thật với khán giả. Tôi nghĩ quan trọng là mình tìm được con đường mình đi, hiểu mình là ai và mình muốn gì? Khi hiểu rõ điều đó thì mình cứ làm việc và sáng tạo, thực hiện những dự án, ý tưởng và tiếp tục cho hành trình âm nhạc của Ngô Hồng Quang đầy lên, phong phú hơn.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Ngày xuất bản: 8-2-2021

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: VIỆT LINH

Trình bày: ĐỨC DUY

Video liên quan

Chủ Đề