Bác Hồ đã học tiếng nước ngoài như thế nào

Bác Hồ từng bôn ba nhiều nước thuộc năm châu, bốn biển để tìm ra chân lý thời đại và con đường giải phóng dân tộc. Do công việc, tôi có cơ may được đặt chân tới một số nơi Người từng cư trú như: Ngõ Compoint ở Paris và thành Tours, nơi Đảng Cộng sản Pháp ra đời mà Bác Hồ là một trong những thành viên đầu tiên; Nhà văn hóa New Zealand ở trung tâm London [Anh] trước là khách sạn Carlton, nơi Bác từng làm việc; khách sạn Boston ở Đông Bắc nước Mỹ, nơi Bác từng là thợ làm bánh; trụ sở Quốc tế Cộng sản trên phố Kalinin ở thủ đô Moscow [Liên Xô trước đây]; nơi Bác từng làm việc: Trụ sở Lớp huấn luyện chính trị của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở đường Văn Minh, Quảng Châu [Trung Quốc] và cả ngôi nhà Bác trú ngụ tại Udon Thani [Thái Lan], nơi Bác từng hoạt động cuối những năm 20 thế kỷ trước...

Thú thật, tôi không thể hiểu nổi là bằng cách nào Cụ Hồ đã đi lại, sinh sống, hoạt động ở nhiều nơi; giao dịch, thuyết phục, tranh luận với nhiều người thuộc các dân tộc với các ngôn ngữ khác nhau như vậy? Có lẽ Bác nắm rất nhiều bí quyết ít người có được; đó là ý chí sắt đá tìm đường cứu dân, cứu nước, sự từng trải trong cuộc sống, kinh nghiệm phong phú trong hoạt động cách mạng... Một bảo bối khác của Bác là biết rất nhiều ngoại ngữ.

Đọc bản sơ yếu lý lịch của Bác gửi Quốc tế Cộng sản, ta được biết, Bác biết tới 9 thứ tiếng. Cá nhân tôi từng được chứng kiến một số cuộc giao lưu quốc tế, ở đó Bác trực tiếp trao đổi, bàn bạc, đùa vui với bạn bè quốc tế khi thì bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, khi thì bằng tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Italia, khi thì bằng tiếng Trung, kể cả thổ ngữ Quảng Đông...

Riêng về sự hiểu biết thâm thúy tiếng Nga của Người, tôi được chứng kiến một sự kiện không bao giờ quên. Đó là vào mùa hè năm 1955, khi lần đầu tiên Bác sang thăm chính thức Liên Xô với tư cách Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Lúc đó chúng tôi đang theo học ở Moscow và được tham dự cuộc mít tinh chào đón Bác tại Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên M.V.Lomonosov trên đồi Lênin. Hội trường lớn của trường chật cứng; nhiều người phải đứng trên ban công, ngoài hành lang... Mở đầu bài phát biểu tại cuộc mít tinh, Bác ví nhà trường như một cô gái đẹp, còn Đại học New York là một mẹ bổi. Đồng chí phiên dịch dịch từ mẹ bổi là xtarukha [nghĩa là một bà già], Bác bèn sửa lại: Phải dịch là baba chứ không phải là xtarukha! Cách dùng từ tiếng Nga tinh tế ấy của Bác làm hội trường như nổ tung bởi những tiếng vỗ tay kéo dài và những lời hoan hô vang dậy. Còn về tiếng Trung, cuốn "Nhật ký trong tù" viết bằng chữ Hán cho thấy Bác hiểu thấu ngôn ngữ này tới chừng nào.

Có thể nói, Người là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo phong trào cộng sản, công nhân quốc tế thành thạo nhiều ngoại ngữ đến vậy. Lợi thế rất lớn ấy giúp Người hiểu thấu nhân tình thế thái và bàn dân thiên hạ; nghiên cứu sâu rộng triết lý và văn hóa của các dân tộc; trực tiếp giao lưu, bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình và cảm hóa, thuyết phục người khác, tạo lập sự gần gũi, thân tình với bạn bè gần xa. Từng làm phiên dịch, tôi hiểu rõ rằng, phiên dịch có giỏi tới đâu đi nữa cũng không thể xóa hẳn khoảng cách giữa người với người; chỉ có giao tiếp trực tiếp mới tạo dựng được sự thông cảm, gần gũi với bạn bè và khi cần thì bác bỏ những lập luận, quan điểm sai trái.

Vậy làm thế nào Bác nắm được nhiều ngôn ngữ như vậy? Ngoài năng khiếu bẩm sinh và cơ hội giao tiếp rộng rãi với nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau thì bí quyết của Bác là suốt đời chăm chỉ học tập, rèn luyện ngoại ngữ. Nhân đây cũng cần nói rằng, Bác không chỉ biết nhiều ngoại ngữ mà còn thông thạo tiếng nói của không ít dân tộc miền núi nước ta.

Từ lâu tôi từng được nghe và đọc tiểu sử của Người do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn, chuyện kể lại rằng, người phụ trách báo Đời sống công nhân [La Vie Ouvrière] đã giúp Bác học viết báo tiếng Pháp thường yêu cầu Bác viết tin cho mục Tin vắn theo cách: Ban đầu viết ngắn, lâu dần viết dài ra rồi rút ngắn lại thật cô đọng, kết quả là cuối cùng Bác đã viết được bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp; đó là bài Vấn đề bản xứ đăng trên Báo LHumanite [Nhân đạo] của Đảng Cộng sản Pháp ra ngày 2-8-1919 ["Hồ Chí Minh-Tiểu sử", Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr.81-83].

Một biểu hiện khác về sự kiên trì của Bác trong việc học ngoại ngữ mà tôi được trực tiếp chứng kiến và từng kể lại trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Số là, một lần tôi được gọi lên Phủ Chủ tịch phiên dịch cho Bác tiếp phóng viên tuần báo Thời mới [Novoe vremie] của Liên Xô. Trong khi chờ khách, Bác rút thuốc lá từ hộp thuốc ra hút; cùng với điếu thuốc, Bác lấy ra một mảnh giấy con con rồi lẩm nhẩm đọc. Hóa ra Bác học từ tiếng Nga! Tôi mạnh dạn hỏi Bác: "Dạ thưa, Bác vẫn học tiếng Nga ạ?", Bác trả lời: "Bác không nói tiếng Nga đã lâu nên quên nhiều; nay Bác học lại bằng cách ghi vào mảnh giấy khoảng hai chục từ một ngày; mỗi ngày Bác hút khoảng 20 điếu thuốc nên có thể ôn lại 20 lần, dù có rơi vãi cũng còn nhớ được mươi từ!".

Trời, Bác đã thất thập cổ lai hy, lại ở cương vị cao như thế, khi cần có thể cho gọi phiên dịch bất cứ lúc nào, thế nhưng Người vẫn cặm cụi học theo cách rất độc đáo như vậy!

Bác Hồ là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo phong trào cộng sản, công nhân quốc tế thành thạo nhiều ngoại ngữ. Ảnh tư liệu

Ngày nay, Đảng ta phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Không biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên và cả các sĩ quan, chiến sĩ đã chịu khó học ngoại ngữ như cách Bác học? Sợ rằng, số người làm theo gương Bác về mặt này không nhiều, trong khi nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài, nếu không có ngoại ngữ thì làm sao có thể hội nhập thành công được?

Nhân đây, tôi xin chia sẻ đôi điều về cách học, cách dạy ngoại ngữ ở nước ta. Có lẽ Việt Nam là nước mà ở đó số phận các ngoại ngữ long đong nhất. Thời Pháp thuộc, đương nhiên tiếng Pháp là ngôn ngữ bắt buộc được dạy từ cấp I; ai đỗ diplome-tương đương lớp 7 ngày nay, đã rất thành thạo tiếng Pháp. Khi thực dân Pháp gây chiến tranh xâm lược nước ta hòng lập lại chế độ thực dân thì tiếng Pháp không còn phổ biến nữa. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc và tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì ở miền Bắc, tiếng Nga, tiếng Trung lên ngôi, còn tiếng Anh bị xuống nước. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc và Liên Xô tan rã, còn nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì tiếng Nga và tiếng Trung không còn phổ biến như trước, thay vào đó tiếng Anh chiếm ngôi đầu. Tuy nhiên, về sự phổ cập và trình độ tiếng Anh ở nước ta vẫn còn khoảng cách lớn so với nhiều nước trong khu vực.

Muốn bắt kịp bè bạn về phương diện này, có lẽ cần thay đổi toàn diện cách dạy và cách học ngoại ngữ. Về cách dạy nên giảm bớt tình trạng dành quá nhiều công sức vào phần ngữ pháp mà gia tăng mạnh mẽ cách nói, cách viết để tiếng Anh từ trạng thái tử ngữ trở thành sinh ngữ; còn cách học thì không có cách gì hay hơn là làm theo cách Bác Hồ đã học, tức là tự học suốt đời: Học từ, học nói, học đọc, học nghe, học viết và không ngại nói sai theo triết lý: Nói sai tiếng mẹ đẻ mới ngượng chứ nói sai ngoại ngữ thì đâu có gì đáng thẹn!

Và nữa, tuy tiếng Anh rất quan trọng vì nó đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu, song tùy theo đặc thù từng ngành và năng khiếu từng người, không nên kỳ thị bất kỳ ngôn ngữ nào vì mỗi tiếng nói đều là kho tàng của một nền văn minh riêng biệt, đều đáp ứng nhu cầu riêng biệt nhất định. Ví dụ, Quân đội ta hiện nay đang sử dụng phổ cập khí tài của Liên bang Nga thì vị trí tiếng Nga vẫn rất quan trọng mà ta cần tiếp cận. Nói cách khác, học ngoại ngữ cũng nên tuân theo nguyên tắc thị trường là đáp ứng bên cầu chứ không chỉ căn cứ vào bên "cung".

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước một cách thiết thực nhất là trên hành động chứ không chỉ trên lời nói, học theo tấm gương Bác ngay từ những việc cụ thể; ở đây là học ngoại ngữ để sánh vai cùng bè bạn năm châu; đưa đất nước lên đài quang vinh.

VŨ KHOAN -Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ



Video liên quan

Chủ Đề